Đảng “coi trọng đội ngũ doanh nhân” như thế nào?

Lê Anh Hùng

Ngày 17/12 vừa qua, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung chủ yếu liên quan đến Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại đây, Tổng Bí thư đã phát biểu: “Trước đây, ở Đại hội 9, doanh nhân còn bị xếp sau cả công nhân, nông dân, trí thức, hội người cao tuổi. Nhưng đến nay chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, cho thấy Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào.”[1]

Giới doanh nhân Việt Nam hẳn không ít người “hể hả” trước sự ra đời của Nghị quyết cũng như trước lời phát biểu “mát lòng mát dạ” của Tổng Bí thư. Tuy nhiên, theo sự “xếp hạng” nói trên thì doanh nhân chỉ mới là “công dân” hạng 4 trong xã hội thôi. Vì vậy, để biết rồi đây Đảng sẽ coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào, thiết nghĩ chúng ta cũng cần phải điểm lại xem Đảng đã “coi trọng” tiếng nói của công nhân, nông dân và trí thức, những “công dân” hạng 1-2-3 của xã hội “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện nay, đến đâu đã.

1. Công nhân

Xin dẫn ra đây câu nói của bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM) về hình ảnh của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay: “Tôi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất thấy công nhân gầy gò, xanh xao quá. Đó là hậu quả của việc làm thêm quá nhiều giờ trong khi mức sống không được cải thiện. Nhiều em không muốn nhưng công ty vẫn bắt các em làm thêm.”[2]

Trong khi đó, mặc dù đình công xưa nay vẫn được xem là thứ vũ khí hữu hiệu nhất của người công nhân trong việc gây sức ép với giới chủ để đòi quyền lợi cho mình song cho đến nay hầu hết các cuộc đình công ở Việt Nam đều là bất hợp pháp, tất cả là do quy định của pháp luật: “Quy định về trình tự bắt buộc của một cuộc đình công hợp pháp trong Bộ luật Lao động, trước tiên phải thông qua hội đồng hòa giải (DN thành lập) hoặc hòa giải viên cấp quận, huyện (do Phòng Lao động Thương binh & Xã hội cử ra); tiếp đó mới đưa ra hội đồng trọng tài cấp tỉnh. Tại hội đồng trọng tài, nếu các bên vẫn không đồng ý với nhau thì tổ chức công đoàn mới tổ chức đình công. Nhưng hiện nay, hàng ngàn cuộc đình công đều không qua khâu đầu tiên vì người lao động không tin vào hội đồng hòa giải cũng như hòa giải viên. Theo quy định của Luật, không qua được khâu này thì không lên được hội đồng trọng tài (hiện nay, 63 tỉnh thành đều có hội đồng trọng tài). Nhìn vào đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy, con đường của một cuộc đình công hợp pháp phải đi qua 3 ‘cây cầu’ là hội đồng hòa giải hoặc hòa giải viên, hội đồng trọng tài, rồi mới đến sự tham gia của tổ chức công đoàn. Vì vậy, nếu cây cầu thứ nhất mà bị sập sẽ không còn đường để đi đến cầu thứ 2, cầu thứ 3.”[3]

Bên cạnh đó, mặc dù nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là do mức lương quá thấp, song: “Giữa lúc đang xảy ra hàng loạt các cuộc đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện bữa ăn, đòi trợ cấp thâm niên... khắp Nam chí Bắc thì Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, là 1,9 triệu đồng/tháng vùng 1 (cao hơn mức hiện nay 350.000 - 550.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tư - Ban chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH rất lạc hậu so với mức chi trả của doanh nghiệp hiện nay. Với mức lương tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, lao động chưa tiếp cận được mức sống tối thiểu chứ chưa nói đến chuyện sẽ khấm khá hơn.”[4]

2. Nông dân

Hiện tượng nhức nhối nhất ở nông thôn Việt Nam hiện nay chính là tình trạng tịch thu đất đai một cách tuỳ tiện rồi đền bù với giá rẻ mạt, khiến người nông dân không còn cách nào khác mà thường phải khiếu kiện vượt cấp. Đây là vấn nạn phổ biến đã kéo dài suốt mấy chục năm qua, kể từ khi đất nước tiến hành “đổi mới” về kinh tế, mà mấu chốt là do chế độ sở hữu mù mờ đối với đất đai.[5] Song mới đây, tại cuộc làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn phát biểu là “vấn đề sửa Luật Đất đai sẽ cần phải được nghiên cứu thận trọng. Nhiều vấn đề đang còn tranh luận, chẳng hạn, khái niệm về sở hữu toàn dân... Cho dù Quốc hội đã nhiều lần đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng thảo luận mãi vẫn chưa chốt lại được” (?!).[6]

Ngày 27/11/2011 vừa qua, một nông dân đã gửi thư ngỏ tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó ông nêu lên những thực trạng đáng báo động của nông dân như: Chính phủ bỏ rơi nông dân; nông dân đang tự bơi; nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển tự phát; các hiệp hội ngành hàng tước đoạt hết lợi nhuận của nông dân; Hội Nông dân là của Nhà nước nên chẳng quan tâm gì đến nông dân. Rồi ông đề nghị Tổng Bí thư thay đổi tư duy của Chính phủ; thay đổi cơ chế mua bán gạo bất nhân, bất trí và bất lương hiện nay; trả lại Hội Nông dân cho nông dân; xoá bỏ độc quyền của các hiệp hội ngành hàng đối với lúa gạo và nông sản; yêu cầu Chính phủ đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hiệu quả; cho phép nông dân sở hữu ruộng đất của mình.[7] Tiếng kêu này, như bao tiếng kêu khác, rồi cũng sẽ rơi tõm vào trong im lặng, bởi cho đến nay vẫn chưa thấy ai lên tiếng trả lời cả.

3. Trí thức

Tại buổi tổng kết đánh giá hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sáng 10/12/2011 ở Hà Nội, ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam, ví von là việc góp ý kiến nhiều khi trở thành kiểu “đánh vào chỗ không”, chưa được trân trọng và ghi nhận. Còn Giáo sư Chu Hảo cho biết là từ năm 2004 đến nay, các tổ chức đã gửi ít nhất 4 bản kiến nghị về giáo dục nhưng tuyệt nhiên không nhận được câu trả lời nào.[8] Rồi bản Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam ngày 12/4/2009, Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary ngày 9/10/2010, Kiến nghị về việc bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay ngày 10/7/2011 của các nhân sĩ, trí thức Việt Nam, v.v., tất cả những gì mà giới trí thức nhận được là sự im lặng đáng sợ, là sự thờ ơ vô cảm đặc trưng, là thái độ bất chấp tất cả của những người có trách nhiệm.

Xem thế đủ hiểu là tại sao tiếng nói của bà Phạm Thị Loan, đại diện cho giới doanh nhân ở Quốc hội, “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, khi góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng CSVN, lại bị gỡ ra khỏi mặt báo:

… Cương lĩnh viết “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng suốt, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh thì đương nhiên rồi, nhưng chủ nghĩa Marx-Lênin liệu có còn là kim chỉ nam, là lý tưởng pháp lý mà chúng ta đi theo không? Cần phải xem lại lý luận này, nên chăng xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng những quy luật phát triển khách quan của xã hội, kinh tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Các văn kiện cũng chưa giải thích rõ khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, có mâu thuẫn gì với nhau không, phát triển nó bằng cách nào. “Nền kinh tế thị trường” cũng mâu thuẫn với “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Chúng ta nên xác định kinh tế toàn dân, trong đó có kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, mới là chủ đạo, kinh tế nhà nước là định hướng. Nhà nước đóng vai trò quản lý, kiểm soát tất cả nền kinh tế, các DNNN chỉ đóng vai trò dẫn đường. Thử hỏi các công ty NN hiện đóng góp bao nhiêu phần trăm GDP, giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm mà gọi là chủ đạo?

… Những gì mà kinh tế toàn dân không làm được thì DNNN mới đứng lên gánh vác, hỗ trợ, bù đắp. Phải xác định vai trò của họ, giao nhiệm vụ và có kiểm soát, xác định trách nhiệm là họ phải đóng góp thế nào cho xã hội, nền kinh tế, ngân sách với những phương tiện họ có trong tay.[9]

Vì vậy, trước khi gửi gắm hy vọng vào bất cứ lời “đề đạt” và “kiến nghị” nào tới các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thiết tưởng giới doanh nhân Việt Nam cũng nên “chiêm nghiệm” số phận hẩm hiu của bản kiến nghị 10 điểm mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XII và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam gửi đến Quốc hội khoá XIII cuối tháng 7 vừa qua trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011, đáng chú ý là Kiến nghị thứ 7: “Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò chủ đạo bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay… Trên thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập do sự can thiệp của Nhà nước chưa phù hợp với sự vận động của thị trường.”[10] Còn đây là câu trả lời dứt khoát từ phía người đứng đầu Chính phủ dành cho bản kiến nghị đầy tâm huyết và trách nhiệm đó:

… Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ.”[11]

“Việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới phải bảo đảm 2 mục tiêu: Thứ nhất, DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước can thiệp vào thị trường, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội…”[12]

Rõ ràng, lợi ích là động cơ đằng sau mọi hành động. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác”[13] – câu nói ấy dường như chỉ còn “vang vọng” đâu đó trong núi rừng Việt Bắc thôi. Và nếu như mỗi người Việt Nam chân chính đều cảm thấy là “không thể bỏ mặc đất nước này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”[14] thì chúng ta chỉ còn một lựa chọn ở đây: Hãy lên tiếng và lên tiếng nhiều hơn nữa, hãy hành động và hành động nhiều hơn nữa./.

Quảng Trị, 20/12/2011

L. A. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 17/12/2011: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân (sgtt.vn).

[2] Báo VnExpress ngày 30/8/2011: “Đình công tăng vọt là do lương quá thấp” (vnexpress.net).

[3] Báo Đời sống & Pháp luật ngày 13/10/2011: Nhiều cuộc đình công bất hợp pháp … vì luật bất cập (doisongphapluat.com.vn).

[4] Báo Tiền Phong ngày 11/7/2011: Lương & đình công (tienphong.vn).

[5] Báo Công An Tp HCM ngày 7/7/2011: Tình trạng khiếu kiện vượt cấp vẫn còn phổ biến (congan.com.vn).

[6] Báo Vietnamnet ngày 13/9/2011: Tổng Bí thư: Sửa Luật Đất đai cần thận trọng (vietnamnet.vn).

[7] Bauxite Việt Nam ngày 27/11/2011: Thư của một nông dân gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (boxitvn.net).

[8] Báo Vietnamnet ngày 11/12/2011: Phản biện giống như “đánh vào chỗ không” (vietnamnet.vn).

[9] Báo Vietnamnet ngày 29/10/2010: “Đảng không nên quyết tất cả” (vietnamnet.vn). Bài báo sau đó đã bị gỡ xuống.

[10] Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 27/7/2011: 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô (vneconomy.vn).

[11] Báo Vietnamnet ngày 9/12/2011: Thủ tướng: Vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai (vietnamnet.vn).

[12] Chương trình thời sự VTV 19h ngày 8/12/2011.

[13] Trích tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1947.

[14] Bauxite Việt Nam ngày 17/12/2011: Giọt nước mắt của lề phải (boxitvn.net).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn