Cầu truyền hình hay diễn biến hòa bình?

Trần Kinh Nghị

clip_image001Tối hôm qua mình kiên nhẫn ngỗi xem từ đầu đến cuối chương trinh giao lưu cầu truyền hình trực tuyến “Hữu nghị Việt-Trung – Láng giềng gần”. Biết nói thế nào nhỉ?

Quả là người Việt Nam ta có dòng máu hữu nghị thấm đậm trong tim. Vẫn biết nó bao phen xâm lược mình; hình ảnh những cuộc thảm sát trong chiến tranh biên giới 1979, và hình ảnh đám lính công binh Việt Nam mình trần tay không vũ khí tại đảo Gạc Ma 1988 bị tàu chiến chúng nó bắn xối xả cho đến khi không còn thấy bóng dáng trên mặt biển vẫn còn đó… Vậy mà thấy nhiều người ngồi xem trực tiếp hoặc qua màn hình TV vẫn xúc động trước những hình ảnh, lời ca và lời nói của các “nghệ nhân” trên sân khấu. Bản thân mình cũng suýt chảy nước mắt. Thế mới lạ chứ!?

Thì ra trọng nghĩa tình vừa là một đạo lý truyền thống tốt đẹp vừa là "gót chân achilles" của người Việt. Nó có thể làm cho cả cơ thể yếu mềm; đôi khi yếu đến nỗi không dám chấp nhận và nhìn thẳng vào sự thật; thậm chí nếu có ai nói ra sẽ có người khác ra hiệu "im ngay"... không thì chết với nó đấy! Tức là vừa yếu vừa hèn.

Nhưng cũng không hoàn toàn đơn giản chỉ có vậy. Sự yếu hèn đó còn được tôn lên thành cái gọi là nghệ thuật “khôn khéo”... Trong đám dân đen vốn nặng tình nghĩa, ắt sẽ có kẻ cam tâm đứng ra mua bán tình nghĩa cũng là lẽ đương nhiên. Số này thường vỗ ngực tự cho mình khôn khéo, tinh tường đến mức người thường không thể nào hiểu được (?). Chí lớn gặp nhau thế là hai bên đưa ra sáng kiến mở ra cái gọi là "cầu truyền hình" để nhắc lại nghĩa cũ tình xưa... Nhưng điều trớ trêu là cái cầu đó không hề có chân; nó diễn ra trong bối cảnh đầy nghịch lý khi một bên liên tục "dọa đánh" bên kia, với hàng loạt hành động lấn lướt trên biển cùng nhiều thủ đoạn lấn chiếm và phá hoại kinh tế dọc đường biên. Đó là gì nếu không phải là trò "diễn biến hòa bình" mà lâu nay dân ta vẫn được nhắc nhỡ phải "đề cao cảnh giác"? Phải chăng "cầu truyền hình" chỉ là một cách để nối lại những nhịp cầu thực sự cho quân xâm lược vốn đã bị cắt đứt giữa những đợt chiến tranh xâm lược do chúng gây ra?

Hữu nghị cũng phải có nguyên tắc và điều kiện của nó chứ! Đáng lẽ trước hết họ phải tỏ rõ thiện chí bằng một thành động thực tế, chí ít là ngừng ngay chiến dịch xâm lấn biển đảo của Việt Nam, tốt hơn là tuyên bố hủy bỏ lưỡi bò, tốt nhất là trả lại Hoàng Sa và phần Trường Sa mà họ vừa xâm chiếm của Việt Nam. Đó là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài thực sự giữa hai nước. Họ không làm thế lại còn "chơi tay trên" khi đem một đài truyền hình cấp tỉnh (Quảng Tây) bắc cầu với đài tuyền hình trung ương Việt Nam. Liệu đã có bao nhiêu % dân Trung Quốc xem chương trình này hay chỉ có nhân dân Việt Nam là chính? Đó là chưa nói về nội dung: Phần đầu có đề cập đến tướng lưỡng quốc Nguyễn Sơn nhưng toàn bộ chương trình là để kể công lao của Trung Quốc. Coi chừng một ngày kia họ lại vu cho ta "vong ơn bạc nghĩa" để lấy cớ dạy thêm những bài học... Đó vốn dĩ là "sách tàu" ai cũng biết.

Thiết nghĩ, đức tính thân thiện, trọng nghĩa tình, nhất là đối với hàng xóm láng giềng, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam luôn cần được giữ gìn và phát huy. Nhưng bài học xưa và nay nhắc ta nhớ rằng đó cũng là điểm yếu mà kẻ thù của ta thời nào cũng khai thác lợi dụng cho mục tiêu xâm lược của chúng.

T. K. N.

Nguồn: trankinhnghi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn