Hai con số

Phạm Thị Hoài

Nhà văn Phạm Thị Hoài là người đã sống trong nước nhiều năm, điều ấy loại trừ khả năng chị không am hiểu chút gì về thực trạng đời sống tinh thần mà 85 triệu dân Việt bao nhiêu năm nay đã sống và đang sống (nếu tính ở miền Bắc là hơn 60 năm kể từ 1950, năm bắt đầu mở cửa tiếp nhận tư tưởng Mao, và nếu tính thêm miền Nam nữa thì cũng đã ngót nghét 40 năm). Vậy sao Hoài lại không hiểu được những thắt buộc ngặt nghèo nó khiến người ta tự biến mình thành con-người-không-tư-tưởng, để đầu óc cho người khác chiếm lĩnh, còn mình thì yên phận làm một thứ năng lượng chờ được kích hoạt và điều khiển mà thôi. Thử nghĩ, 60 năm và 40 năm, mấy thế hệ người Việt đã trưởng thành trong thói quen bất thường đó và cái bất thường dần trở thành bình thường như một căn tính nào có lạ gì?

Chỉ nhìn sang một nước như Bắc Triều Tiên, ta có thể tưởng tượng nổi hay không, cả một đất nước với 25 triệu dân không chỉ bị cùm kẹp về tinh thần đến tức thở mà còn phải chịu đựng những trận đói kinh niên làm con người sống dở chết dở hết đời ông đến đời cháu. Thế nhưng khi người thống trị 25 triệu dân là ông Kim Chính Nhật chết, chính những con người vật vờ đói lả và bị bưng tai bịt mắt như câm như điếc kia đã nhào đến quảng trường khóc ông ta như mưa như gió, đúng như câu thơ Tố Hữu “Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một thương ông thương mười”, thậm chí họ còn tin vào cả những thứ huyền thoại “thiên nhân cảm ứng” chẳng hạn trời đất đổ sa mù, các con mãnh thú cũng mò ra giữa đường gào khóc... – những huyễn tưởng chỉ có cách đây vài ba nghìn năm về trước – đó là vì sao?

Cùng là cộng sản với nhau, có ai nghĩ rằng người dân nước mình giờ đây đã không cam phận làm người dân Triều Tiên nữa? Nhưng đúng là vậy đấy Hoài ạ. Tôi dám đoan chắc với Hoài nếu không phải 99% thì cũng đã 89% người Việt ra khỏi sự ngu muội lương thiện đó. Không phải cộng sản cũng có đẳng cấp thứ hạng khác nhau đâu. Nói như nhà văn Pearl Buck “Chỉ có sự thật mới có sức kích thích làm cho người ta thức tỉnh. Hãy nói lên sự thật vì không có nó cuộc sống trở nên tối mịt”.

Những bản kiến nghị của trí thức trong nước phải đánh đổi bằng tù đày, thẩm vấn, sách nhiễu, mất việc làm... chính là kết tinh của sự thật đanh thép nhất chứ là gì nữa hở Hoài? Dù bản kiến nghị nào cũng chỉ mới có 2.000 người ký trở lại, nhưng trọng lượng của chúng không tính bằng số đếm như thế được, tôi nghĩ vậy đấy. Và tác dụng của những loại kiến nghị đó, như tôi đã nói ở đâu đấy, cũng đâu phải chí nhắm vào một mục tiêu duy nhất là đối tượng được gửi. Mục tiêu lớn hơn rất nhiều phải là sự đánh động lương tri, làm cho cả một cộng đồng tỉnh dậy. Và cũng chớ có nóng ruột nghĩ rằng một khi được đăng lên là ai cũng đọc được hết, và một khi đọc được là ai cũng tỉnh dậy được ngay. Trong môi trường một xã hội có đến 60 năm bị “điều kiện hoá” như xã hội chúng ta, trong một xã hội 85 triệu dân mà mới chỉ có khoảng vài ba triệu người dùng interrnet, và trong vài ba triệu ấy thì ít nhất cũng một nửa số đó không vượt được sự khống chế của bọn dựng tường lửa, đành cam phận giải trí bằng những tin giật gân trên các trang mạng chính thống, e rằng mơ ước như nói ở trên chỉ có trong phim ảnh, và cũng là trong phim ảnh của nước ta là cùng.

Dầu sao, đã là sự thật thì trước sau gì sức mạnh của nó cũng sẽ đâm chồi bén rễ, cho dầu ai đó có muốn đào sâu chôn chặt chúng đi! Tôi dám tin như thế đấy. Hoài hãy đối chiếu những bản kiến nghị về bauxite Tây Nguyên hồi tháng 5 năm 2009 với hiện tình tình khai thác bauxite trong thực tế mà xem, chẳng phải sự thật ấp ủ trong các bản kiến nghị đó đang được chứng minh một cách sống động dần dần, ngày một thêm rõ nét đó sao? Lại nữa, kể từ những bản kiến nghị thuở ấy, đến nay, chẳng phải người ta đã quen với việc có mặt các bản kiến nghị trong đời sống, như một nhu cầu tất yếu và bức thiết, không có không được nữa rồi đó sao? Đó chẳng phải là từng bước của sự thức tỉnh là gì! Nếu chỉ nhắm đến tác dụng tức thời của nó là muốn người cầm cân nẩy mực phải trả lời, còn không đạt được thì dẹp, không kiến nghị làm gì nữa cho mất công mất sức, thì hãy cân nhắc xem cái nhìn của mình có ngắn hạn quá chăng?

Nguyễn Huệ Chi

Sau hai tuần kể từ ngày 14.2.2012, Kiến nghị khẩn cấp của công dân Việt Nam về vụ Tiên Lãng nhận được 1361 chữ kí, thu thập trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Gần như cùng thời gian đó, từ ngày 7.2.2012, Thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nhận được 124898 chữ kí, thu thập trên website của Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ, lúc tôi viết những dòng này.

Khoảng cách giữa hai con số này càng nổi bật, nếu đem tỉ lệ 1361 trên 90 triệu người Việt trong nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài, đặt cạnh tỉ lệ 124898 trên vỏn vẹn 2 triệu người Việt tại Mỹ.

Cho đến nay những kiến nghị khởi xướng ở trong nước, có sự tham gia của cả người Việt ở nước ngoài, thường không vượt quá con số 2000 chữ kí. Tôi đã tin rằng Kiến nghị Tiên Lãng sẽ phá nhiều lần kỉ lục đó. Sự kiện Tiên Lãng hiện diện ở mức chưa từng có trên truyền thông Việt Nam từ nhiều thập kỉ nay. Sức chấn động của nó lan đến tận những tầng lớp xã hội vốn không ở hoàn cảnh có thể quan tâm tới những vấn đề nằm ngoài cuộc sinh tồn thường nhật của mình, để kí vào những kiến nghị chẳng hạn như Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Bối cảnh của sự kiện Tiên Lãng, sau kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng cho phép người tham gia kí tên có thể trút bỏ nỗi sợ bị coi là chống phá, phản động, một nỗi sợ đã kéo dài và chi phối lối sống của người Việt tới mức xứng đáng trở thành di sản văn hóa Việt Nam. So với Kiến nghị thả tự do cho Cù Huy Hà Vũ mà dù nhóm khởi xướng đã thận trọng “chưa mở rộng ra những người nằm trong các tổ chức bị Nhà nước Việt Nam coi là ‘chống phá nước CHXHCN Việt Nam’” nhưng vẫn bị quây bởi vị trí bấp bênh của 51% bàng thống và 49% đối lập, Kiến nghị Tiên Lãng rộng đường hơn rất nhiều, thậm chí có thể trở thành kiến nghị của công dân đầu tiên đường hoàng tiến vào khu vực chính thống. Nhưng nó dừng lại ở 1361 chữ kí.

Không có gì phải bàn cãi, tôi cảm phục sự dấn thân xã hội của blogger Nguyễn Xuân Diện, không chỉ trong vụ Tiên Lãng. Ông nổi lên trong phong trào xã hội dân sự còn rất non nớt ở Việt Nam không phải bằng những tuyên bố vừa muốn không có vua, vừa bảo hoàng, mà bằng những hành động cụ thể, nhất quán trong ý thức phấn đấu cho công bằng xã hội. Việc ông công khai kêu gọi và tổ chức quyên góp cho gia đình của những nghi can đang bị khởi tố và tạm giam vì đã nổ súng vào chính quyền là hành động chưa có tiền lệ trong xã hội Việt Nam đương đại. Song tôi cho rằng những blog cá nhân như của ông hay những website độc lập như BVN khó có thể huy động hơn mức một vài ngàn người để biểu lộ một ý chí tập thể đủ mạnh, khiến chính quyền buộc phải phản ứng. Nếu nửa triệu người kí vào đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng những bi kịch anh hùng bất đắc dĩ như ông Đoàn Văn Vươn sẽ thuộc về quá khứ.

Bạn sẽ bảo, được một vài ngàn là tốt lắm rồi. Người Việt mình nó thế. Mỗi người một cõi thì ai cũng sáng như sao, ngồi chung lại với nhau bỗng tối như nhà tắt đèn, chia rẽ và phức tạp lắm. Người thông minh thì ắt nghi ngờ tất cả những gì mang tính đại đoàn kết hữu danh vô thực. Người chính trực ắt nghi ngờ những bình phong tập thể che chắn mưu đồ cá nhân. Người có tầm vóc ngại hạ mình vào đám đông. Người có uy tín ngại bị phong trào lợi dụng. Người có suy nghĩ chán sự tầm phào của những cuộc vận động quần chúng. Người nhạy cảm ghét ngồi chung toa với những kẻ không cùng tần số phát sóng. Người có lí tưởng sợ một lần nữa gửi nhầm vào địa chỉ ảo tưởng. Đến người không có gì hết cũng sợ, sợ mình chẳng được gì hết. Ai cũng nghi ngờ một cái gì đó, chán ghét một cái gì đó, ngại một cái gì đó, sợ một cái gì đó từ liên minh với người khác. Đó là bạn còn chưa kể, bây giờ người ta sống nhanh và thực dụng, liếc tin trên mạng trong giờ hành chính thì có, ngứa tay gửi ý kiến phẫn nộ thỉnh thoảng cũng có, nhưng kí kiến nghị thì ôi xa vời. Bạn còn chưa kể, người Việt mình ở thời đại này vẫn tin chắc rằng cứ kí một cái kiến nghị của công dân là mang vạ vào thân. Chúng ta được dạy dỗ rất nghiêm túc như thế để giữ gìn sự an toàn cho bản thân, như những cô gái được dạy cảnh giác vì đàn ông chỉ đi ngang đầu giường là mình mất một đời trinh trắng. Bạn còn chưa kể rất nhiều điều.

Người Việt mình ở hải ngoại cũng sở hữu phần lớn những phẩm chất tinh hoa dân tộc như bạn vừa kể và những phụ gia khác, tùy đặc trưng địa chính trị của mỗi cộng đồng. Sự chia rẽ và phức tạp của cộng đồng người Việt ở Mỹ là có thật và là đề tài mà nhiều nhóm tọa độ chính trị khác nhau ưa khai thác. Chính vì thế mà gần 125 ngàn chữ kí vào Thỉnh nguyện thư Nhân quyền càng đáng chú ý. Những điều gì và những điều kiện nào đã kết nối khối người Việt ấy, khiến họ có thể biểu dương một ý chí tập thể mạnh mẽ khác thường, nổi bật ngay cả ở một quốc gia mà kiến nghị của công dân là tập quán phổ biến như Hoa Kỳ?

Tôi tuyệt đối không tin rằng chính quyền Hoa Kỳ hay bất kì một chính quyền phương Tây nào sẽ đặt vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hay một quốc gia nào khác lên trên quyền lợi của mình. Nhân quyền có thể là món tráng miệng hơi lạc vị đôi chút trong bữa tiệc của tư bản toàn cầu, nhưng sau đó chương trình nghị sự lại tiếp diễn,business as usual. Nếu cần thì thậm chí nhân quyền được dùng như một thứ phiếu nợ, tính vào những món hàng đang trong vòng đàm phán. Nhưng bất chấp kết quả thực của Thỉnh nguyện thư Nhân quyền như thế nào, tôi tin rằng những người còn tha thiết gây dựng một xã hội công dân ở Việt Nam sẽ tìm được không chỉ cảm hứng, mà rất nhiều kinh nghiệm thiết thực từ cuộc vận động chữ kí của người Việt ở Mỹ.

Hoặc là phải vượt qua con số một vài ngàn. Hoặc là chia tay với thử nghiệm kiến nghị.

P. T. H.

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=379

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn