Chính sách ngoại giao dùng kinh tế để gây sức ép của Trung Quốc

Bonnie S. Glaser, The Diplomat ngày 25/7/2012

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image002

Quyết tâm của Trung Quốc trong việc dùng đòn bẫy kinh tế để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhằm có lợi cho mình là một xu thế đáng lo ngại.

Khi 10 quốc gia thành viên của ASEAN không đạt được thỏa thuận về cách dùng từ ngữ trong một thông cáo chung lần đầu tiên trong 45 năm, hầu hết mọi nhà nghiên cứu đều đổ lỗi cho nước chủ tọa ASEAN năm nay là Campuchia đã không tạo được một sự đồng thuận. Nhưng, đằng sau thái độ thụ động của Phnompenh là sức ép từ Bắc Kinh nhằm gạt ra ngoài bản tuyên bố cuối cùng bất cứ một nhắc nhở nào nói đến Biển Đông, đặc biệt là nói đến cuộc đối đầu giữa TQ và Philippines tại Bãi cạn Scarborough. Việc TQ đang có thế lực tại Campuchia không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Bắc Kinh đã cung cấp hàng tỉ đôla viện trợ cho Campuchia. Nội năm 2010 mà thôi lượng tiền đầu tư nước ngoài mà TQ cam kết với Phnom Penh lớn gấp 10 lần tiền đầu tư mà Mỹ hứa hẹn.

Hơn một thập kỷ nay, TQ theo đuổi một chiến lược tại Đông Nam Á chủ yếu đựa vào củ cà rốt kinh tế để gia tăng phần thưởng cho các nước Đông Nam Á trong việc duy trì quan hệ hữu hảo với TQ. Hiệp định Tự do Thương mại TQ - ASEAN (China - ASEAN TFA), vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài, ngoại viện, và thương mại của TQ tất cả đều được sử dụng để khuyến khích các nước phải xét đến lợi ích của Bắc Kinh khi hình thành chính sách và tránh các hành động mà TQ sẽ coi là đáng chê trách. Nhưng, trong vài năm vừa qua, TQ đã trực tiếp sử dụng quan hệ kinh tế để buộc các nước trong tầm ngắm phải thay đổi chính sách của mình. Và xu thế đang gia tăng này là đáng lo ngại.

Mục tiêu gần đây nhất của việc TQ dùng biện pháp kinh tế với mục đích o ép là Philippines, khi nước này vào ngày 10 tháng Tư phái một tàu khu trục của hải quân đến điều tra sự xuất hiện của tàu đánh cá TQ trong phá của Bãi cạn Scarborough, nằm ngay trong Khu đặc quyền Kinh tế 200 hải lý của Philippines. Sau khi một toán hải quân Phi có vũ trang leo lên tàu cá TQ phát hiện những con sò khủng, san hô, và cá mập còn sống trên tàu, họ toan bắt giữ người ngư dân nhưng bị hai tàu dân sự của Hải giám TQ xuất hiện cản trở. Philippines bèn rút tàu hải quân về và thay vào đó bằng một tàu Tuần duyên [là tàu dân sự thuộc Bộ Giao thông Vận tải – dịch giả]. Còn TQ thì gửi một tàu Ngư chính có vũ trang để tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình. Cuộc đối đầu giữa hai nước kéo dài hơn một tháng.

Giận dữ vì Manila không chịu rút khỏi Bãi Cạn, TQ bèn dùng biện pháp kinh tế để trừng phạt Philippines vì cho rằng nước này đã vi phạm chủ quyền TQ. Báo chí cho biết các cơ quan kiểm dịch TQ đã ngăn chặn hàng trăm công-ten-nơ chuối Philippines không cho vào các hải cảng TQ, với lý do là chuối có sâu bọ. Quyết định kiểm dịch chuối do TQ đưa ra đã giáng một đòn kinh tế nặng nề vào Philippines là nước xuất khẩu 30% số chuối của mình sang TQ. Tiếp theo đó, TQ bắt đầu cho câu dầm việc kiểm dịch đu đủ, xoài, dừa, và quả dứa đến từ Philippines. Thêm vào đó, các cơ quan du lịch trên lục địa TQ ngưng gửi các toán du khách sang Philippines, nói là vì quan ngại cho sự an toàn của du khách. Vào tháng Giêng, TQ đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nguồn du khách lớn thứ ba cho Philippines. Các lãnh đạo doanh nghiệp Phi đã áp lực chính phủ từ bỏ đường lối đối đầu tại Bãi cạn Scarborough, điều này chính là một kết quả mà TQ mong muốn. Vào đầu tháng Sáu, Bắc Kinh và Manila đi đến thỏa hiệp hai bên cùng một lúc rút hết tàu bè ra khỏi phá Scarborough. Philippines làm đúng thỏa hiệp đó, rồi rút hết tàu bè của mình ra khỏi Bãi Cạn vì thời tiết xấu vào cuối tháng. Theo tin tức của Manila, tàu cá TQ vẫn tiếp tục ở lại trong phá Scarborough, vi phạm thoả hiệp nói trên. Báo chí còn cho biết gần đây tàu TQ đã chặn cửa phá, không cho bất cứ tàu bè và thuyền đánh cá Phi Luật Tân vào lại trong vùng này.

Một trường hợp được báo chí loan tải rộng rãi hơn về việc TQ dùng thương mại như một vũ khí để buộc một nước khác thay đổi chính sách đã diễn ra vào tháng Chín năm 2010 khi Bắc Kinh ngăn chặn việc chở các loại khoáng đất hiếm sang Nhật Bản. Biện pháp này được dùng để trả đũa việc Nhật Bản giam giữ viên thuyền trưởng của một tàu đánh cá TQ trong một vụ việc xảy ra gần đảo Senkaku, hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng cũng được TQ và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Hải quan TQ thông báo cho các công ty rằng họ không được phép xuất khẩu sang Nhật bất cứ loại ốc-xít đất hiếm, muối đất hiếm, kim loại đất hiếm ròng, mặc dù việc chuyên chở khoáng chất này vẫn tiếp tục được cho phép đi đến Hồng Kong, Singapore, và nhiều nước khác. Tiếp sau đó, chính quyền TQ còn trì hoãn việc xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ và các nước châu Âu, lấy cớ TQ đang có nỗ lực làm sạch công nghệ khai thác đất hiếm, một công nghệ đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại một số vùng mà khoáng sản này được khai thác. Hành động của Bắc Kinh đã gây báo động cho Tokyo và là một yếu tố chính trong việc chính phủ Nhật quyết định trả tự do cho viên thuyền trưởng TQ. Hành động cấm vận này của TQ đã được nhiều chuyên gia coi là một bằng chứng của việc TQ cố tình dùng đòn bẫy kinh tế để giành phần thắng trong một tranh chấp quốc tế.

TQ không chỉ nhắm mũi dùi kinh tế vào các quốc gia châu Á. Một trường hợp điển hình thứ ba của việc TQ sử dụng sức ép kinh tế đã nhanh chóng diễn ra khi Ủy ban Nobel của Na Uy quyết định trao giải Nobel Hoà bình 2010 cho nhà bất đồng chính kiến TQ Lưu Hiểu Ba. Sau khi thông báo giải thưởng được đưa ra vào tháng Mười 2010, Bộ Ngoại giao TQ cảnh báo rằng quyết định này sẽ gây tổn thất cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Oslo, bất chấp sự kiện Ủy ban Nobel hoàn toàn độc lập với Chính phủ Na Uy. TQ cũng cảnh báo các nhà ngoại giao nước ngoài rằng việc gửi đại diện đến tham dự buổi lễ trao giải Nobel Hoà bình sẽ có hậu quả bất lợi cho nước họ. Mười tám nước, phần lớn là những quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, quyết định không tham dự.

Trong những tháng sau đó, TQ đã cho đóng băng các cuộc đàm phán FTA (hiệp định tự do thương mại) với Na Uy và áp đặt những biện pháp kiểm dịch mới đối với cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, đưa đến việc cắt giảm nghiêm trọng. Lượng cá hồi mà TQ nhập khẩu từ Na Uy đã giảm bớt 60% trong năm 2011, mặc dù thị trường cá hồi TQ đã tăng thêm 30%.

TQ đã trở thành một đầu máy tăng trưởng rất cần thiết cho kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, sự hào phóng kinh tế của TQ đã mang lại ích lợi cho nhiều nước trên khắp thế giới. Nhưng, sự thể ngày càng lộ ra rằng, hợp tác kinh tế với TQ có nhiều rủi ro trong đó. Các nước cần phải cảnh giác việc TQ ngày càng có khuynh hướng sử dụng các phương tiện kinh tế để ép buộc các nước trong tầm ngắm của mình thay đổi chính sách sao cho phù hợp với lợi ích của TQ. Quá lệ thuộc vào TQ có thể gia tăng nguy cơ của đất nước trước sức ép kinh tế của họ.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, các quốc gia đang theo dõi hành vi của TQ khi nước này bắt đầu trỗi dậy như một đại cường. Phần lớn các nước vẫn còn nuôi hy vọng rằng trong khi vươn dậy, TQ sẽ biết tuân theo các qui phạm quốc tế và khu vực và củng cố hệ thống quốc tế đang thịnh hành, mà từ đó TQ đã hưởng nhiều lợi lộc trong các thập niên gần đây. Nhưng nếu muốn một kịch bản tích cực như thế trở thành hiện thực, các nước sẽ phải đẩy lùi quyết tâm ngày càng gia tăng của TQ trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế để o ép các nước khác thay đổi chính sách cho phù hợp với tham vọng của Bắc Kinh.

B. S. G.

Bonnie S. Glaser là hội viên thâm niên nghiên cứu về tình hình TQ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là một cộng sự viên thâm niên tại Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS. Bài báo này thoạt đầu được xuất bản bởi bản tin hang tuần Pacific Forum CSIS Pacnet và chỉ là quan điểm riêng của tác giả.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn