Góp ý “Dự thảo: Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa”

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Phải ấn định trước giá mua lúa tạm trữ

Đọc xong Dự thảo: Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa” (gọi tắt là dự thảo) tôi nhận thấy dự thảo này không giúp gì được cho nông dân, ngoài việc cho nông dân vay không lãi để trữ lúa trong 3 tháng.

Dự thảo chỉ ra hai nhược điểm của việc của việc mua tạm trữ hiện nay là:

- Không kiểm soát được việc mua bán lúa gạo của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp hầu như không mua trực tiếp của nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua qua thương lái.

Thế nhưng, dự thảo lại không hề đưa ra được cách khắc phụ hai nhược điểm này.

Dự thảo cũng không hề nói đến điều quan trọng nhất – điều mà nông dân quan tâm nhất – là lúa mà nông dân tạm trữ sẽ được mua với giá nào? Cao hơn giá lúa lúc bắt đầu tạm trữ bao nhiêu đồng/kg?

Trong mùa đông xuân, nông dân có thể tạm trữ lúa trong thời gian 3 tháng, thế nhưng, muốn nông dân tạm trữ thì phải cho nông dân biết giá lúa tạm trữ sẽ được mua với giá là bao nhiêu.

Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được toàn quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu và giá mua lúa tạm trữ của nông dân nên VFA chắc chắn sẽ có lời trong việc mua tạm trữ lúa gạo, còn nông dân thì lại phụ thuộc vào giá lúa mà VFA quyết định.

Câu hỏi cần phải giải đáp là lúa của nông dân tạm trữ trong 3 tháng sau đó sẽ được mua với giá nào? Cao hơn giá lúc bắt đầu tạm trữ là bao nhiêu? Thế nhưng, lạ lùng thay, giá mua lúa tạm trữ không hề được nhắc đến trong dự thảo.

Không ấn định được giá lúa sau khi tạm trữ, nông dân sợ lỗ sẽ không dám tạm trữ, vì hiện nay giá lúa cứ giảm dần từ vụ đông xuân đến vụ hè thu.

Thí dụ giá lúa khô hiện nay là 6.000 đồng/kg, để khuyến khích nông dân tạm trữ cần phải cho nông dân biết, sau khi tạm trữ 3 tháng lúa này sẽ được mua với giá 7.000 đồng/kg, thì nông dân mới mạnh dạn tạm trữ.

Để tạm trữ lúa, nông dân phải tốn thêm công phơi, sấy và chi phí vận chuyển lúa từ sân về nơi trữ và hao hụt lúa khi phơi, sấy. Trong thí dụ trên nếu tạm trữ 3 tháng mà giá lúa 6.300 – 6.500 đồng/kg thì nông dân bán ngay khi thu hoạch có lợi hơn tạm trữ, còn nếu giá lúa tạm trữ chỉ có 6.000 đồng/kg thì nông dân lỗ hơn so với bán ngay lúc thu hoạch.

Trong điều kiện VFA độc quyền mua bán lúa gạo hiện nay, nếu nông dân tạm trữ lúa nhiều, VFA không mua được lúa, VFA có thể phá giá lúa bằng cách tuyên bố không bán được gạo xuất khẩu và giá gạo thế giới giảm nên không mua hoặc mua thấp hơn giá lúc nông dân bắt đầu tạm trữ, thì nông dân sẽ bán lúa tạm trữ cho ai? Với giá nào?

Nông dân không thể dựa vào giá định hướng hay mức lợi nhuận 30% so với giá thành để tạm trữ lúa, bởi vì những loại giá này không thể xác định được chính xác, và những loại giá này thường rất thấp.

Cho nên, nếu không qui định giá mua lúa tối thiểu sau khi tạm trữ, thì nông dân sẽ không dám tạm trữ dù được cho vay không lãi trong 3 tháng, nông dân không thể trữ lúa để chờ giá một cách hên xui may nhờ rủi chịu.

Nông dân không dám tạm trữ vì không biết được giá lúa mà mình sẽ bán là bao nhiêu, thì “Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa” có ban hành cũng chẳng hỗ trợ được gì được cho nông dân.

Chỉ có Chính phủ mới thực hiện được việc tạm trữ có lợi cho nông dân

Trong việc mua bán lúa gạo, vấn đề quan trọng nhất là phải bán được gạo xuất khẩu giá cao, để từ giá bán gạo đó quy về giá mua lúa cao cho nông dân như cách mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện, còn bán gạo với giá thấp nhất thế giới rồi mua lúa tạm trữ với giá xoay quanh mức lời 30% so với giá thành, thì nông dân sẽ dần dần bị bần cùng hoá, dù có ban hành “Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa” hay không.

Cần phải thấy một cách rõ ràng rằng: việc mua lúa tạm trữ với giá xoay quanh mức lời 30% so với giá thành là một cơ chế sai lầm, sẽ bần cùng hoá nông dân, nên đáng phải loại bỏ, chứ không phải là tập trung sức để làm hợp lý cơ chế sai lầm này.

Như vậy, để thực hiện việc tạm trữ lúa gạo được thành công, phải ấn định trước giá bán lúa gạo tạm trữ, và chỉ có Chính phủ mới đủ sức ấn định trước giá bán lúa gạo tạm trữ.

Kể cả khi Chính phủ trực tiếp điều hành tạm trữ lúa gạo, muốn ấn định được giá bán gạo xuất khẩu thì điều kiện tiên quyết là phải có đủ kho chứa lúa gạo tạm trữ, ít nhất Chính phủ phải có kho chứa tối thiểu khoảng 6 triệu tấn lúa.

Khi có đủ kho Chính phủ mới có khả năng trữ lúa chờ giá, hoặc lúc thiếu kho muốn nông dân trữ lúa tại nhà thì Chính phủ phải cho nông dân biết trước giá mua lúa tạm trữ mà Chính phủ sẽ mua cho nông dân.

Chúng ta hãy nhìn cách Chính phủ Thái Lan tạm trữ lúa gạo cho nông dân Thái Lan, đây là cách tạm trữ tối ưu cho quyền lợi của nông dân.

Tóm lại, chỉ có Chính phủ mới thực hiện được việc tạm trữ lúa gạo có lợi cho nông dân, mà mô hình tối ưu là của Chính phủ Thái Lan đang thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dù có muốn giúp nông dân cũng không đủ khả năng, vì vậy, dự thảo “Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa” không giúp được gì cho nông dân trong tạm trữ lúa, có chăng, chỉ là cho nông dân vay không lãi để tạm trữ lúa chờ giá theo kiểu: giá lúa lên thì nhờ, giá lúa giảm thì ráng chịu.

H. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn