Nhật Bản mở hội nghị về việc từ bỏ điện hạt nhân

clip_image001

Đoàn thanh sát viên IAEA kiểm tra tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa ngày 31/7. (Nguồn: Kyodo /TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn mạng tin Mainichi Shimbun ngày 21/8, Hội nghị năng lượng và môi trường của Chính phủ Nhật Bản đã bước vào phiên thảo luận xung quanh mục tiêu “từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào nửa đầu thập niên 2030”.

Dự kiến, hội nghị sẽ sớm đề ra chiến lược năng lượng và môi trường mới vào tháng Chín năm nay.

Trước thềm bầu cử Hạ viện nhiệm kỳ tới và bầu cử nội bộ đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vào tháng Chín tới, Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc mục tiêu cải tiến công nghệ hướng tới sử dụng năng lượng tái sinh như sản xuất phong điện trên biển.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong khi giới kinh doanh phản đối kịch liệt chủ trương này.

Sau khi xảy ra sự cố Nhà máy điện Fukushima số 1 của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), Tokyo đưa ra ba lựa chọn giảm tỷ lệ phụ thuộc điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng từ nay đến năm 2030, bao gồm 0%, 15% và 20-25%.

Tuy nhiên, trong một chương trình truyền hình trực tuyến hôm 9/8, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yukio Edano cho rằng “không có nghĩa thời hạn cho mục tiêu phải đúng là năm 2030”. Điều này cho thấy quan điểm ứng phó mềm dẻo của chính phủ trong vấn đề này.

Ban đầu chính phủ đặt mục tiêu là năm 2040 sẽ từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Nhưng mới đây, một quan chức cấp cao trong chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu trên và cho rằng dự thảo đề án từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân vào nửa đầu thập niên 2030 sẽ có hiệu lực.

(Vietnam+)

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Ngành điện hạt nhân Nhật trước bờ vực phá sản

Công nghiệp điện hạt nhân của Nhật đã lỗ kỷ lục 46 tỷ USD kể từ khi sự cố nhà máy Fukushima nổ ra hồi năm ngoái, xóa sạch công sức cùng lợi nhuận đạt được sau 7 năm.

Chính phủ Nhật đang đứng trước sức ép phải đóng cửa toàn bộ hệ thống điện hạt nhân của nước này, không chỉ từ phía người dân và dư luận, mà bây giờ còn là từ giới đầu tư bởi hoạt động thiếu hiệu quả khi các lò phản ứng hạt nhân không được tái khởi động. Giá trị thị trường toàn ngành đã mất khoảng 1,3 nghìn tỷ yên (tương đương 17 tỷ USD) trải trên diện rộng 9 mã cổ phiếu chỉ trong vòng 3 tuần qua.

Với kết quả vừa công bố, công ty Điện lực Chugoku hiện là nhà máy điện hạt nhân duy nhất thông báo trả cổ tức trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3, công ty Tokyo Electric do mất một số lò phản ứng và tác động từ chương trình quốc hữu hóa vào ngày 31/7 vừa qua dự kiến ​​sẽ không trả cổ tức, các công ty khác vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân năm ngoái của 9 công ty khai thác điện hạt nhân của Nhật là 2,62%, so với mức trung bình 1,5% của chỉ số Nikkei 225. Tuy nhiên, tỷ lệ này quả thực là điều không tưởng trong năm nay, khi mà báo cáo số lỗ tổng cộng của 9 công ty trong năm tài khóa vừa kết thúc lên tới 3,6 nghìn tỷ yên, tương đương tổng lợi nhuận ròng của 7 năm hoạt động, từ tháng 4/2004 đến hết tháng 3/2010.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét ba khả năng dành cho chính sách phát triển điện hạt nhân của nước này, cụ thể hóa bằng tỷ trọng điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng toàn quốc là 0%, 15% hoặc 20-25%. Trước đó, tại phiên điều trần do chính phủ tổ chức để lấy ý kiến ​​về chính sách năng lượng dài hạn của Nhật Bản, khoảng 70% số phiếu phủ quyết kế hoạch phát triển điện hạt nhân.

(TTVN)

Nguồn: taichinh.vnexpress.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn