Đơn gửi: Quý vị đại biểu Quốc hội khóa 13 về luật đất đai

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

clip_image001

Hải Phòng, ngày 22 tháng 10 năm 2012

Đơn gửi:

Quý vị đại biểu Quốc hội khóa 13 về luật đất đai

Tên tôi là: Bùi Như Thuỷ – 85 tuổi. ở số nhà 18 gác 2 Phạm Bá Trực, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng. Điện thoại: 031.3745961

Tôi đã có 21 lá đơn gửi Quốc hội về Điều 116 Luật đất đai 2003.

Quốc hội đẻ ra Luật khiếu nại tố cáo bắt dân thực hiện, chứ Quốc hội không tôn trọng luật. Đến nay là 7 năm, mà Quốc hội chưa trả lời cho đương sự theo Điều 36 – 37 của Luật khiếu nại tố cáo.

Nhân dịp Quốc hội tổng kết việc thực hiện Luật đất đai năm 2003 và bàn dự án Luật đất đai mới. Tôi xin nêu hai vấn đề để Quốc hội xem xét và chỉnh sửa:

- Luật đất đai 2003 là một sai lầm nghiêm trọng là thảm họa cho dân, an ninh xã hội càng rối ren.

- Điều 116 Luật đất đai 2003 là kiểu luật rừng.

Phần Thứ Nhất

Luất đất đai 2003 là một sai lầm nghiêm trọng là thảm hoạ cho dân,

an ninh xã hội càng rối ren

Sự rối ren nhà nước về ban hành văn bản Luật đất đai có 140 điều thì có 40 điều làm theo quy định của Chính phủ. Có nghĩa là Quốc hội cũng lơ tơ mơ - rồi gật gật, rồi giao cho Chính phủ muốn làm gì thì làm.

Chính phủ cũng lúng túng phải ban hành 11 nghị định (bình quân mỗi năm hai nghị định, Nghị định 127 ngày 26/11/2004 và Nghị định 198 ngày 3/2/2004 chỉ cách nhau 11 ngày. Tùy tiện sửa chữa, hủy bỏ, bổ xung rồi lại bổ xung, hủy bỏ và sửa chữa...

Bộ TN&MT ban hành hơn 600 Thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các văn bản lên tới 1000 trang giấy với hàng ngàn chương, mục, điều, khoản: a – b – c – d …

Ngôn ngữ trong văn bản luật và nghị định … không trong sáng, mập mờ, úp úp mở mở, chồng chéo không đạo lý không pháp lý không phong tục Việt Nam. Cái điều lợi thì thuộc về Nhà nước, cái khó khăn thiệt thòi thì thuộc về dân đen.

Ông Phạm Khôi Nguyên – Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng phản ứng trước Quốc hội là Luật đất đai 2003 là “ái nam, ái nữ”. Không thực hiện được thế mà Quốc hội vẫn cho tồn tại thực hiện thêm 5, 7 năm càng gây thêm rối ren. Có lẽ Quốc hội để đục nước béo cò quan trên, quan dưới ăn no đất rồi sửa đổi sau.

- Rối ren về khiếu kiện

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nói “Khiếu kiện đất đai là rất nghiêm trọng”. Nói thế chưa đúng bản chất của sự việc. Phải thấy rằng, luật đất đai 2003 là một thảm họa làm mất lòng đân, nhân dân đang một sống một chết để chống loại luật đất đai 2003 để giữ lấy miếng cơm hàng ngày cho mình.

Từ khi nước Việt Nam thiết lập chế độ dân chủ cộng hòa đến nay đây là cuộc khiếu kiện tố cáo về đất đai kéo dài, đông người, vượt cấp, quyết liệt, bạo lực, nổ súng thương vong chết người phức tạp nhất trong lịch sử.

Theo tài liệu của Thanh tra Chính phủ 5 năm (2006 – 2010) đã có 1.574.750 lượt người đi khiếu kiện có 1.515 đoàn đông người có đoàn đông tới 600 người. Họ mang theo cờ khẩu hiệu, lều chiếu cắm trại ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng nhiều ngày bao vây trụ sở tiếp dân của Quốc hội.

Chính phủ càng bất lực không giải quyết được tình hình khiếu kiện xoay sang đối phó và cấm đoán.

- Di chuyển trụ sở tiếp dân của Quốc hội ra Cầu Giấy để che đậy bộ mặt Nhà nước đối với dân thủ đô và khách nước ngoài. Nhưng vườn hoa Mai Xuân Thưởng đến nay vẫn là nơi tập trung người khiếu kiện đông người mà nhà nước bó tay không dẹp nổi.

- Ban hành lệnh cấm khiếu kiện đông người và phạt tiền 40 triệu đồng đối với báo chí viết bài có tính chất nhậy cảm.

Chương trình phát triển liên hiệp quốc UNDP làm việc với Việt Nam đã kết luận “chỉ có 1% người khiếu kiện thỏa mãn được kết quả giải quyết” Còn là khoảng 1.350.000 người khiếu kiện vẫn bị nhà nước đối xử bất công vẫn là tiềm ẩn đáng lo.

Thủ tướng Chính phủ đã lấy thúng úp voi đưa ra con số ma để giải thích cho dân “Số đơn tồn dọng kéo dài còn lại 528 vụ việc”. Trong lúc đó, 9 tháng đầu năm 2012, riêng Hà Nội đã có 15.000 lượt người đi khiếu kiện, 187 đoàn đông người. Chủ tịch Hà Nội – Nguyễn Thế Thảo đã nóng mặt nói năng thiếu văn hóa “Người dân đi biểu tình… mặc áo màu quốc kỳ, cầm khẩu hiệu đòi đất đã làm xấu hình ảnh thủ đô; ảnh hưởng đến ngoại giao”. Nói người thì nghĩ đến ta. thế còn hình ảnh kẻ cướp đất, kẻ xét xử người khiếu kiện thì đẹp đẽ, vẻ vang hay nâng được sự nghiệp ngoại giao sao?

Hàng triệu người dân đi khiếu kiện đất đai không riêng là nông dân có đủ các tầng lớp nhân dân kể cả bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại biểu Quốc hội, anh hùng lao động, cán bộ, Đảng viên, lão thành cách mạng. Cán bộ cao cấp quân đội, đại tá Nguyễn Văn Tuyên – học viện chính trị quân đội cũng khiếu kiện tố cáo chính quyền Hà Nội cướp đất.

Hàng ngàn cuộc cưỡng bức, giải tỏa đất đai diễn ra khắp nơi trong cả nước. Chính quyền đem cả cảnh sát, quân đội có vũ trang để đối phó với dân. Đem xe ủi đất để san phẳng nhà cửa, đất đai, hoa mầu, mồ mả của dân. Cắt đường, cắt điện, cắt nước… triệt đường sinh sống người dân buộc phải ly hương.

Các cuộc đấu tranh chống giải tỏa, nhiều cuộc có hàng trăm người tham gia kề vai sát cánh bên nhau dùng gậy tre, dao, gạch để chống lệnh giải tỏa. Mẹ con chị Lài đã liều lĩnh cởi trần cởi truồng đến làm bẽ mặt các quan giải toả. Đã có nhiều người chết vì súng của công an, có người tự tử, nhiều bị thương thành thương tật nhiều người bị giam cầm tù tội.

Bà con Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định) bền bỉ đấu tranh giữ đất nhiều tháng liền chưa kết thúc, đến nay bà con Văn Giang đã gặt được một vụ lúa bội thu.

Đó là hành động vô cùng tàn nhẫn, mất hết tình người của các cơ quan nhà nước đang nhân đanh nhà nước “pháp quyền” “do dân” “vì dân”.

Tiếng súng hoa cải của anh Đoàn Văn Vươn là tỏ thái độ bất khuất đã phá vỡ được âm mưu đen tối thu hồi đất trái phép của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đồng thời đã tiếp thêm sức mạnh cho người đi khiếu kiện. Được các cơ quan ngôn luận lên tiếng, nhân dân cả nước nóng mặt. Buộc ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an, bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án Tối cao... vào cuộc. Nhưng vụ án vẫn ngâm tôm bởi vì các quan chức còn lúng túng chưa tìm được người đóng thế kẻ phá nhà cướp tài sản nhà anh Vươn.

Rối ren về quản lý đất đai và hồ sơ địa chính. Luật đất đai 2003 quy định hết năm 2010 thì hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính và cấp xong sổ đỏ cho dân. Đến nay chưa tỉnh, thành phố nào hoàn thành. Quốc hội cũng rất nhiều thời gian bàn về sổ đỏ hay sổ hồng. Có một thửa đất cũng có hai ba người được cấp sổ đỏ. Đất còn trong tranh chấp cũng được cấp sổ đỏ. Nhiều phôi sổ đỏ trong ngành Tài nguyên môi trường quản lý cũng được tuồn thị trường làm hồ sơ thế chấp ngân hàng.

Hối lộ, tham nhũng xung quanh các sổ đỏ cũng khủng khiếp lắm. Ông Phạm Khôi Nguyên khi còn ôm ghế Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải bỏ ra 14 triệu đồng qua Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hối lộ cán bộ để được cấp sổ đỏ. Bộ trưởng còn thế thì dân đen muốn có sổ đỏ cũng phải mất 5 – 10 triệu đồng chứ ai cho không. Đất nước ta có gần 90 triệu dân thì suy ra có tới 4 – 5 chục triệu người phải làm sổ đỏ. Hỏi số tiền hối lộ làm sổ đỏ là bao nhiêu? Ông Bộ trưởng đưa hối lộ sao không bắt bỏ tù đi lại đi bắt bỏ tù nhà báo Hoàng Khương.

Bốn cấp hành chính từ cấp Trung ương đến phường, xã nơi nào cũng có quyền đại diện sở hữu đất, quy hoạch đất và thu hồi đất…

Dựa vào quy hoạch, dựa vào thu hồi đất các “quan lớn” “quan bé” chiếm đất của dân chia chác cho vợ, con (kể cả đứa con 12 tuổi) bố mẹ, anh em, nội ngoại, bè bạn và cũng không quên làm quà biếu cho các quan trên có thẩm quyền xét duyệt.

Trong khoảng 7 năm (2004 – 2010 Nhà nước ta nhiều khi dùng bạo lực mới thu hồi được 500.000 ha để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng các khu công nghiệp mới lấp đầy 35%, còn 65% thì bỏ hoang hóa làm dự án treo, đất bỏ hoang kéo đài 5 năm, 10 năm, có nơi 20 năm. Thừa đất thì cho làm sân golf, có tỉnh làm 11 sân golf. Nước ta thuộc vào nước đứng hàng đầu thế giới về sân golf.

Dân đen không có đất để sống, giải tỏa thu hồi đất để bỏ hoang, việc làm đó là một tội ác ngang với tội ác giết người.

Ông Phạm Quang Nghị – ủy viên Bộ chính trị – Bí thư Thành ủy Hà Nội ví von Giải phóng mặt bằng như một món ăn trên bàn tiệc, chẳng ai muốn ăn món này, song vẫn cần phải ăn” Ông Nghị nói đúng ít, sai nhiều.

Như một món ăn thì sao đủ bữa ăn phải gọi giải phóng mặt bằng là một bàn tiệc thịnh soạn. Chẳng ai muốn ăn, người quá no không đến thì sẽ có quà biếu có thiệt gì đâu. Người đã ngồi vào bàn tiệc thì đều nâng cốc chúc mừng và ăn… Song vẫn cần phải ăn, ăn không phải là bắt buộc, ăn là tự nguyện. Thành ngữ Việt Nam có câu “Kẹo tuy ngọt nhưng không nhét vào mồm người khác được”

Câu của ông Nghị nên sửa lại “Giải phóng mặt bằng là một bàn tiệc, ai ngồi vào bàn tiệc cũng được nâng cốc chúc mừng, ăn và hòn đất lót tay …” Đó mới là bản chất.

Người ta còn đua nhau thu hồi đất để cho người Tàu, người Đài loan thuê: 50 năm, thuê rẻ, thuê trả tiền sau. Dù Tàu hay Đài loan cũng là Tàu. 18 tỉnh thành phố đã thu hồi gần 400.000 ha đất: rừng đầu nguồn, đất biên giới, vùng nhậy cảm về quốc phòng…

Nguyên nhân sâu xa của sự rối ren trên là do Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Bốn cấp hành chính từ Trung ương đến địa phương cấp nào cũng có quyền đại diện chủ sở hữu, quản lý và quy hoạch. Mà giải phóng mặt bằng là một bàn tiệc. Bầy ra nhiều giải phóng mặt bằng thì lại có việc bàn tiệc.

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng còn lúng túng giải thích về đất đai. Lúc thì đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, lúc thì là tài sản, lúc thì là hàng hoá đặc biệt, lúc thì là nguồn sống của nhân dân. Trong những năm qua Nhà nước đã thu hồi đất đai của 2.600.000 hộ dân với vài trăm nghìn một mét vuông. Thế nguồn sống của họ ở đâu?

Mong rằng Quốc hội Khoá 13 hãy trả lại quyền sở hữu đất cho dân, một tấc đất một giọt máu đào. Người dân biết trân trọng, yêu mến, giữ gìn mảnh đất như máu thịt mình vậy.

Luật đất đai 2003 đã tạo ra nhiều sơ hở để đất đai hoang phí cho người Tàu thuê 400.000ha đất đai trong 50 năm không đáng sợ sao? Trong lúc đó thì nhân dân vẫn đang đói đất.

Phần thứ hai

Nói về điều 116 Luật đất đai 2003 là kiểu luật rừng

Luật đất đai 2003 ra đời, cơ quan ngôn luận giải thích Điều 116 như sau:

“Việc đặt vấn đề giải quyết trường hợp Nhà nước đã mượn đất của hộ gia đình cá nhân theo hướng trả lại quyền sử dụng đất đã mượn, giao đất mới, chỗ ở mới hoặc bồi thường bằng tiền là một trong những điểm mới của Luật đất đai 2003 Quy định này hợp lý bởi lẽ trong thực tế, có một số trường hợp các cơ quan Nhà nước thuê đất, mướn đất của người dân. Vì vậy để đảm bảo lợi ích chính đáng của người sử dụng đất… Hơn nữa, việc nhà nước mượn đất của hộ gia đình, cá nhân ở những giai đoạn trước đây là một hợp đồng dân sự. Vì vậy, phải đặt vấn đề trả lại quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân khi họ có đủ căn cứ pháp lý”.

Sau một tháng luật đất đai có hiệu lực thi hành ngày 18/06/2004 tôi đã gửi lá đơn thứ nhất đến Quốc hội và tiếp theo đến nay là 22 lá đơn vừa là van xin, vừa là khiếu nại, vừa là phản đối, vừa là xin đối thoại về khoản 1 điều 116 Luật đất đai 2003 nhưng đến nay là 7 năm, Quốc hội cũng chưa trả lời.

Lời giải thích điều 116 Luật đất đai 2003 thì nó đơn giản, hợp lý, hợp với thực tiễn: Là một trong những điểm mới, là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, là một hợp đồng dân sự.

Đi vào các điều khoản cụ thể của Điều 116 thì mỗi câu, mỗi cụm từ đều là một sợi dây thòng lọng siết chặt vào cổ họng đương sự rồi, còn giẫy giụa, kêu ca làm sao được.

Giải quyết sự việc Nhà nước trả đất mượn của dân là việc đơn giản, rất đơn giản. Nhà nước mượn đất của dân là vấn đề lịch sử. Luật cũng phải đứng trên quan điểm lịch sử, quan điểm toàn diện để giải quyết. Luật lại vận dụng cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề của chế độ bao cấp là sai lầm.

Ngôn ngữ Việt Nam gọi người có của cho vay mượn là chủ nợ – người đi vay mượn là con nợ. Con nợ phải có trách nhiệm đến cùng việc đi trả nợ, chưa trả hoặc trả chưa hết thì vẫn còn nợ. Phong tục và văn hóa Việt Nam thì chồng vay mượn, chồng chết thì vợ trả thay, bố mẹ vay mượn, bố mẹ chết con trả thay… Khi trả nợ, con nợ phải biết cúi đầu ngả mũ nói lời cảm ơn chủ nợ đã giúp đỡ con nợ vượt qua khó khăn. Cho vay mượn là một việc bình thường nhưng nhiều khi còn mang ý nghĩa cứu giúp, cưu mang. Người cho vay mượn là người có tấm lòng vị tha, biết thông cảm và chia sẻ với khó khăn, hoạn nạn của người đi vay mượn. Người đi vay mượn phải chịu trách nhiệm trả hết nợ có khi còn phải chịu ơn người chủ nợ.

Đó là nhân văn, đạo lý và pháp lý. Những người có lương tâm ai cũng hiểu điều đó. Tuy nhiên Quốc hội khóa 11 lại không hiểu điều đơn giản đó. Ban hành Điều 116 luật đất đai 2003 là kiểu chơi chữ. Các điều, khoản, câu chữ, cụm từ dài dòng, mập mờ, tối nghĩa trái luật đều gây khó khăn cho chủ nợ. Chủ nợ vượt qua được các điều khoản trên khó như con voi chui qua lỗ kim. Còn có ai đó đòi được nợ thì phải đi cổng sau. Ông Dương Trung Quốc – nhà sử học lớn của cả nước, tham gia Quốc hội ba khóa liền, người có uy tín với Quốc hội, với nhân dân cả nước cũng phải kiên trì khiếu kiện vất vả 10 năm mới đòi được 18 m2 đất. Còn như dân đen thì tha hồ mà khiếu kiện cho đến lúc chết hoặc là bỏ cuộc.

Tôi đã viết 21 lá đơn gửi Quốc hội vừa kiến nghị vừa là phản biện, vừa là phản đối, vừa là xin đối thoại… điều 116 Luật đất đai 2003. Nhưng Quốc hội chưa một lần nào trả lời. Các quan Quốc hội cũng không hiểu điều 36 điều 37 luật khiếu nại tố cáo nói những gì, mặc dầu họ là những người ban hành luật.

Điều 116 có 3 khoản 10 câu 210 chữ tuyệt nhiên không có một chữ nào nói đến trách nhiệm, nghĩa vụ con nợ phải đi trả nợ.

Chủ nợ và con nợ là hai đối tượng được bình đẳng trước pháp luật.

Quốc hội khoá 11 lại lộng quyền đưa con nợ ra ngoài vòng pháp luật, không phải trả nợ. Trái lại, bắt buộc người dân là chủ nợ với nhiều điều kiện hết sức khó khăn, mà không vượt qua được.

- Điều kiện 1: Nay có nhu cầu sử dụng. Mượn thì phải trả, điều này trẻ em tiểu học cũng biết chả lẽ Quốc hội lại không biết. Có nhu cầu sử dụng hay không không liên quan đến việc vay nợ phải trả nợ. Còn ai chả có nhu cầu về đất đai, tiền bạc, ai chả biết sử dụng trừ người bị mất trí.

- Điều kiện 2: Chủ nợ phải làm đơn yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất. Quốc hội lại làm ngược đặt cái cầy trước con trâu. Thật là ái oăm. Con nợ phải đi trả nợ. Các cơ quan Nhà nước trước đây là cấp nhỏ hay cấp cao mượn đất của dân cũng không phải trả lại đất cho dân. Đó là điều thuận, là đạo lý là pháp lý.

Con nợ không trả thì chủ nợ có quyền đi đòi, đòi không được thì kiện ra Tòa án xét xử. Sao lại phải làm đơn yêu cầu. Thế nào là yêu cầu? Yêu cầu là xin, xin được cũng tốt, mà không xin được thì thôi.

- Điều kiện 3: Gửi hồ sơ đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, giải quyết.

Điều này cũng là trái pháp luật và gây khó khăn cho chủ nợ. Tại sao người dân cho mượn đất không được đòi đất với Cơ quan Nhà nước đã mượn đất mà phải đến tận UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết.

Trong vấn đề này thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 chức năng:

- Đại diện chủ sở hữu và quản lý đất đai của tỉnh.

- Thay Tòa án giải quyết việc tranh chấp đất đai.

- Thay cho con nợ trả đất cho dân.

Vừa là ông chủ, vừa là quan tòa, vừa là con nợ, các quan tỉnh vừa đá bóng vừa thổi còi thì chỉ có chết mẹ nó dân đen.

- Điều kiện 4: Hồ sơ gồm Giấy quyền sử dụng đất, giấy tờ mượn đất mà hai bên đã ký kết tại thời điểm cho mượn đất. Đây là vật chứng, nếu không có vật chứng trên thì các nhân chứng vật chứng khác thì có được chấp nhận không.

Nhân chứng vật chứng tồn tại khách quan…

Người dân cho mượn đất còn đó, cơ quan mượn đất còn tồn tại đó, thửa đất của bên cho mượn và cơ quan đi mượn còn đó, dân làng xung quanh mảnh đất còn đó. Đó chẳng phải là nhân chứng vật chứng sao? Hay Quốc hội hết lòng tin vào dân rồi?

- Điều kiện 5: Nghị định 18 2004/NĐCP ngày 29/10/2004, điều 112 khoản 5 quy định: Việc giải quyết trả lại đất mà Nhà nước đã mượn của hộ gia đình cá nhân đến hết ngày 31/12/2010.

Thật là vô lý, lấy thịt đè người. Con nợ lại có quyền quy định đến ngày 31/12/2010 là không được đòi nợ.

Nợ chưa trả mãi mãi vẫn còn nợ. Quốc hội và Chính phủ đừng ăn hiếp dân, đừng ăn cướp cơm chim. Phải biết trân trọng, có nghĩa có tình với người đã có tấm lòng giúp đỡ, cưu mang cơ quan Nhà nước lúc khó khăn. Đừng mang cái cơ chế thị trường để giải quyết các việc của thời kỳ bao cấp, đừng mang cái kiểu luật rừng để hà hiếp dân.

Mong rằng Quốc hội khóa 3 đừng bắn súng vào quá khứ. Hãy chỉnh sửa điều 116 luật đất đai 2003 có tình có lý và tiếp tục đưa vào luật sửa đổi đất đai mà Quốc hội đang bàn.

Kính thưa quý vị Đại biểu Quốc hội khoá 13!

Uỷ ban nhân dân xã Vũ Sơn huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã mượn của chị em tôi 540m2 đất thổ cư để làm trụ sở. Đất này Uỷ ban xã vẫn đang sử dụng.

Đã năm chục năm nay tôi đòi lại nhưng không được. Tôi đã viết nhiều đơn và trực tiếp đến Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Xương, Uỷ ban nhân dân xã Vũ Sơn, đơn từ, đi đi lại lại nhiều lần, chân mỏi gối chùn, họ dạ dạ vâng vâng nhưng không giải quyết.

Quỹ đất của Nhà nước rất nhiều, đất đai thu hồi bỏ hoang phí, đem làm sân golf, lấy đất xây dựng 70.000 căn hộ bỏ hoang, đem 400.000ha đất cho người Tầu thuê rẻ một vài chục đồng/m2 kéo dài 50 năm. Thế mà mượn đất của dân một vài trăm thước vuông lại đẻ ra luật này, luật kia tìm cách ăn cướp cơm chim.

Thật là một hành động tàn nhẫn.

Mong rằng Quốc hội khoá 13 ban hành luật đất đai mới với tầm nhìn rộng rãi có nghĩa có tình đối với người có tấm lòng ưu ái đã cho Nhà nước mượn đất trả lại đất cho họ đúng với vai trò là người đi vay mượn.

Nhà nước ta hiện nay còn là con nợ của nhiều nước ngoài, đối xử với chủ nợ nước ngoài thế nào thì Nhà nước giữ công bằng với chủ nợ trong nước tránh mang tiếng là trọng ngoại khinh nội.

Tôi viết lá đơn này gửi Quốc hội khoá 13 trong lòng căng thẳng, cay đắng và bất bình, tự kiềm chế nhiều, đôi chỗ viết có nặng lời nhưng không còn cách nào khác.

Mong Quốc hội quan tâm giải quyết, sớm ngày nào hay ngày ấy, coi như một cái đơn tồn đọng trong 528 cái đơn mà Thủ tướng ghi nhận.

Tôi trân trọng cảm ơn!

Người làm đơn

Bùi Như Thuỷ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn