Thủy điện Sông Tranh 2: Đùn đẩy trách nhiệm

Phương Trà

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều muộn 1/10, liên quan đến dự án Thủy điện Sông Tranh 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phụ trách, Bộ Công Thương cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Thủy điện do Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt, vì thế trách nhiệm này thuộc về Bộ TN&MT.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Cao Anh Dũng, báo cáo này đã được Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt. "Cơ quan nào xây dựng đánh giá tác động môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu của báo cáo đó. Bên cạnh đó cơ quan thẩm định phải có trách nhiệm về vấn đề đó. Vì thế đánh giá tác động môi trường đối với Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT" - ông Dũng khẳng định.

Trong khi đó, “Đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2”, Tập đoàn Điện lực VN lập tháng 8/2005 cho rằng thủy điện này “không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước, không gây rủi ro môi trường”. Trong khi kết luận về những trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu lại cho đó là “động đất kích thích”.

Trả lời thắc mắc của báo chí xung quanh việc “xào nấu” thông tin của TS Lê Trần Chấn để đưa vào báo cáo tác động môi trường của Thủy điện Sông Tranh 2, ông Dũng giải thích: thời điểm xây dựng thủy điện vào năm 2005, những thông tin về động đất kích thích đối với Việt Nam đang rất ít nên phải tổng hợp thông tin từ nước ngoài.

“Thời kỳ đó TS Lê Trần Chấn được giao làm chủ biên tổng hợp những thông tin về động đất kích thích của thế giới hậu UNESCO. Sau đó đơn vị tư vấn – Tổng Công ty tư vấn xây dựng điện 1 đã trích dẫn những thông tin đó vào báo cáo” – ông Dũng nói.

Xung quanh vấn đề thủy điện Sông Tranh 2, ông Dũng còn cho biết, trước đó đã có buổi họp báo vào ngày 28/9 tại UBND tỉnh Quảng Nam. Sau đó ngày 30/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Bắc Trà My, những thông tin báo chí nêu đã được đơn vị tư vấn trả lời thấu đáo tại hai buổi làm việc này.

P.T.

Nguồn: khampha.vn

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

“EVN QUÁ ẨU KHI LẬP ĐTM SÔNG TRANH 2”

Trà Phương – Huy Hà thực hiện

Với thực tế hiện nay, di dời dân là biện pháp tốt nhất. Lại động đất mạnh 3,8 độ Richter. Khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lũ.

clip_image001

TS Lê Trần Chấn

TS Lê Trần Chấn, nguyên Trưởng phòng Địa lý sinh vật, Viện Địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “EVN đã quá liều lĩnh, quá ẩu khi đưa tên và nhận định của một nhà khoa học chưa từng nghiên cứu và khảo sát thủy điện Sông Tranh 2 vào bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) của công trình này. Đây là việc làm lập lờ, đánh lừa người dân”.

Thẩm định ĐTM cẩu thả

. Xin ông khẳng định lại lần nữa: Có phải bài phân tích của ông được trích dẫn trong ĐTM hoàn toàn không liên quan đến Sông Tranh 2?

+ TS Lê Trần Chấn: Như đã nói trên Pháp Luật TP.HCM ngày 27-9, bài phân tích của tôi nằm trong dự án liên quan đến môi trường của Liên minh châu Âu (EU), được đưa ra tại hội thảo diễn ra trong năm 1998. Trong đó không hề đánh giá tác động của công trình thủy điện nào cụ thể, chủ yếu là nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước để đưa ra kiến nghị, đề xuất. Còn dự án Sông Tranh 2 bắt đầu khảo sát từ năm 2002 và tôi hoàn toàn không liên quan.

. Việc lập và thẩm định ĐTM các công trình thủy điện phải đảm bảo quy trình, nguyên tắc nào?

+ Đầu tiên, đơn vị thực hiện sẽ nhận kinh phí của chủ đầu tư và làm theo đặt hàng. Lúc làm xong phải qua rất nhiều lần hội thảo cấp cơ sở trước khi được Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT) duyệt khâu cuối cùng. Sau đó còn phải được một hội đồng cấp Nhà nước thông qua.

Trong quá trình phê duyệt, Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường xem xét rất kỹ các nội dung trong ĐTM. Chẳng hạn đánh giá ảnh hưởng của thảm thực vật khi làm đập, lưu lượng nước và chất lượng không khí biến đổi ra sao, động đất có xảy ra… Ngoài ra còn phải tính đến yếu tố dân sinh như y tế, di dân tái định cư.

clip_image002

Dù không tích nước nhưng mực nước hồ Sông Tranh 2 lúc cao điểm vẫn đạt 480-500 triệu m3 nước (tính ở cao trình tràn 161 m). Đây thật sự là mối nguy hiểm cho vùng hạ du. Ảnh: L.PHI

. Vậy tại sao một bản ĐTM sơ sài, không đúng sự thật như của Sông Tranh 2 vẫn lọt qua các khâu thẩm định?

+ Tôi cho rằng hội đồng thẩm định không thể không biết những sai sót trong đó. Còn nếu không biết thì chắc ở đây có gì đó chưa rõ ràng. EVN đã từng làm nhiều công trình thủy điện lớn, thành viên thẩm định cũng vậy, những sai sót như thế mà không nhận ra là quá cẩu thả.

Có thể những người thẩm định không nắm rõ mọi chuyện mà tin vào báo cáo, tin người làm báo cáo hoặc tên tuổi những nhà khoa học được nêu trong đó. Các nhà thẩm định tin vào nhà khoa học cũng tốt nhưng họ không ngờ báo cáo đó lại là cóp nhặt (Cười).

Sẵn sàng đối chất với EVN

. Sắp tới, nếu EVN khẳng định họ đưa nội dung bài phân tích của ông là có cơ sở, ông sẽ phản ứng thế nào?

+ Tôi sẵn sàng đối chất với EVN để bảo vệ mình. Dù bản báo cáo của tôi cách đây hơn 12 năm nhưng tôi chắc chắn 100%, trong báo cáo của tôi không hề có chữ Sông Tranh 2 ở trong đó.

. EVN đã tự tiện lấy tài liệu của ông đưa vào báo cáo. Ông có khiếu kiện hay ý kiến gì với họ?

+ Tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, đề nghị những người làm sai phải có trách nhiệm về hành động của mình.

. Theo ông, chúng ta nên áp dụng kịch bản nào cho Sông Tranh 2: Di dời dân và tiếp tục vận hành hay là dừng công trình?

+ Phương án ngừng vận hành là khó xảy ra bởi kinh phí đầu tư xây dựng thủy điện rất lớn. Bên cạnh đó, động đất chưa đến mức phá hủy đập. Tôi tin vào con số 5,5 độ Richter mà Viện Vật lý Địa cầu đưa ra với điều kiện chủ đầu tư xây dựng đập đúng độ kháng chấn 5,5. Vì vậy, theo tôi di dân là phương án tốt nhất.

. Xin cảm ơn ông.

Lại động đất mạnh 3,8 độ Richter

Lúc 13 giờ 35 phút ngày 27-9, xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) tiếp tục hứng chịu một trận động đất mạnh. Trận động đất còn ảnh hưởng tới các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Sơn, thị trấn Trà My… Viện Vật lý Địa cầu xác nhận trận động đất này có cường độ 3,8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu 5 km, chấn tâm cách thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 10 km.

Khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lũ

Ngày 27-9, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Trung ương đã kiểm tra tình hình phòng chống lụt, bão tại thủy điện Sông Tranh 2. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Quảng Nam, kiến nghị: “Thủy điện Sông Tranh 2 phải có ngay phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du. Kịch bản phải kéo dài theo địa hình của dòng sông Tranh qua Thu Bồn xuống đến Cửa Đại. Bởi dù không tích nước nhưng mực nước hồ lúc cao điểm vẫn đạt 480-500 triệu m3 nước”.

Ông Nguyễn Xuân Diệu, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB&TKCN Trung ương, cho biết: “Đã có một số âu lo trước tình hình hiện nay của thủy điện. Đập không có cửa xả đáy, việc chống thấm chưa được kiểm định”. Ông Diệu yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lụt bão, trong đó phải đưa ra tình huống xấu nhất xảy ra với đập. Tỉnh Quảng Nam cũng cần xây dựng lại phương án chống lụt bão theo tình hình mới.

LÊ PHI

T.P. – H.H.

Nguồn: phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn