Hội thảo về cải cách giáo dục tại Hà Nội

GS Nguyễn Xuân Hãn vừa gửi đến cho BVN một chùm bài được trình bày trong cuộc hội thảo về cải cách giáo dục do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 29-9-2012. Xét thấy những bài này đều đã được đăng trên các báo và loan tải trên mạng, dưới đây chúng tôi xin đăng lại hai bài của GS Hoàng Tụy và GS Nguyễn Xuân Hãn.

Bauxite Việt Nam

Cải cách giáo dục bắt đầu từ đâu? (20/10/2012)

GS Hoàng Tụy

Chưa bao giờ như bây giờ cuộc sống bức bách đòi hỏi phải cải cách giáo dục coi đó là điều kiện sống còn của dân tộc. Xây dựng đất nước giờ đây có nhiều việc khẩn cấp phải làm, trong đó chấn hưng giáo dục là một trong những nhiệm vụ khẩn cấp nhất

Giáo dục là một hệ thống phức tạp. Ở ta nó đang bị khủng hoảng trầm trọng. Muốn cứu nó phải tìm cho ra căn bệnh gì là gốc đang tàn phá nó, ngấm ngầm nhưng khốc liệt, thì mới mong chữa chạy được và mở được con đường ra cho nó. Bằng không, hết cải tiến lại cải lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cục quay về điểm xuất phát. Điển hình như cái vòng xoay trong việc chống tiêu cực thi cử, chống bệnh thành tích mà ai cũng đã biết.

Từ mươi lăm năm nay nhiều người đã liên tục cảnh báo: giáo dục của ta không chỉ lạc hậu (điều đó ai cũng thấy) mà nguy hiểm hơn là nó đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm sao có thể đuổi kịp người ta, làm sao có thể nhập bè với người, làm sao có thể hội nhập với người ta, cái lý hiển nhiên đó chẳng cần gì thông minh ai cũng hiểu được. Mà trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được của nó, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi đằng sau đuôi, "chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ”.

Cho nên có thể khẳng định cái khuyết tật cấu trúc, cái lỗi thiết kế hệ thống của giáo dục, cái nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp của chúng ta chính là cái sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai đó, mà có khi chúng ta còn tự hào coi là bản sắc độc đáo để cứ cố gìn giữ, bảo vệ như đầu thế kỷ trước các cụ ta có nhiều người khư khư bảo vệ cái búi tó mà Phan Khôi đã có lúc gọi thẳng thừng là cục ngu cục dại trên đầu.

Mà lạc hướng, lạc điệu từ cái gốc, tức là từ triết lý giáo dục, từ tư duy, quan niệm cơ bản về mục tiêu, đường lối, cung cách làm giáo dục. Nói ngắn gọn, như chúng ta vẫn thường nói, nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy người. Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức. Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến.

Với chế độ bao cấp, chúng ta ưa thích những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, không dám nghĩ khác, làm khác, chỉ quanh quẩn nhai đi nhai lại những điều đã học thuộc nằm lòng, rồi cứ thế làm, với niềm tin mù quáng đó là chân lý bất di bất dịch. Dù không nói ra nhưng đó là cái triết lý giáo dục chi phối nền hư học theo lối cử nghiệp thịnh hành từ thời phong kiến, ngày từ thế kỷ XIX đã từng bị nhiều bậc thức giả phê phán gay gắt, nhưng tiếc thay đã sống lại, dĩ nhiên dưới một hình thức khác, từ vài chục năm nay với chế độ bao cấp của xã hội ta. Chế độ bao cấp này tuy về kinh tế đã bị lên án với công cuộc đổi mới từ giữa thập niên 80, nhưng cho đến nay, tàn tích của nó còn ngự trị trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động thiết yếu của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Cứ kiểm điểm lại kỹ, chúng ta sẽ dễ thấy cái triết lý giáo dục bao cấp đó hiển hiện ở hầu khắp các khâu giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử, cho đến tổ chức giáo dục, các chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ v.v..

Thời nay, những mẫu người như thế không thích nghi và cạnh tranh thắng lợi. Cho nên phải từ bỏ triết lý giáo dục lạc hậu, lạc điệu đó, thoát khỏi chế độ bao cấp đang kìm hãm thay vì khai sáng trí tuệ. Thay vào đó phải can đảm tiến lên thực hiện nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay.

Dạy người trong nền giáo dục đó là đề cao tính nhân văn: rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, kết hợp với thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Có như thế mới có thể hội nhập thành công và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực. Bằng không chúng ta sẽ mãi lẹt đẹt theo sau thiên hạ và cái mục tiêu ấy sẽ mãi xa vời.

Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì đường lối kinh tế tập trung bao cấp và tiếp tục dị ứng với cơ chế thị trường như hồi 1968, khi đó Việt Nam đã cùng với phe xã hội chủ nghĩa lên án mạnh mẽ chủ nghĩa xã hội thị trường ở Tiệp Khắc, thì không biết điều gì sẽ xẩy ra. May thay, nhờ nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, chúng ta đã kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội và đã có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trường ngày nào đã bị chúng ta bác bỏ. Đường lối đổi mới nhờ thế đã ra đời, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền. Đó là bài học sâu sắc.

Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi tư duy bao cấp cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.

Vì trách nhiệm trước lịch sử, vì nghĩa vụ đối với con cháu, thế hệ chúng ta cần vượt qua mọi trở lực tư tưởng, gạt bỏ các định kiến lỗi thời, tiến lên với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại trong thế kỷ 21, đáp ứng tốt nhất mục tiêu tối thượng của dân tộc: dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

H.T.

Lỗi hệ thống khi thiết kế chương trình, SGK

GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn

  Đến ngày 19-8-2008, Công ty cổ phần sách-thiết bị trường học tỉnh Quảng Bình đã vận chuyển về các địa phương 1,9 triệu bản sách giáo khoa phục vụ cho  học sinh trong tỉnh. Khác với những năm trước đây, năm nay Công ty đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với học sinh vùng bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề bằng cách giảm giá sách 10%, học sinh được nợ tiền sách 2 tháng sau mới phải trả và công ty có phương tiện xe ô tô chở về tận các trường, các phòng giáo dục của các huyện có học sinh bị ảnh hưởng của lũ lụt. Ngoài ra công ty cũng đã ủng hộ 10 triệu đồng cho 5 trường học bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhất. Hiện nay công ty đang phấn đấu đến trươc ngày khai giảng năm học mới (2007 - 2008) sẽ cung ứng đủ 2,3 triệu bản sách và trang thiệt bị đồ dùng dạy học theo kế hoạch đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Trong ảnh : Học sinh đến mua sách tại một cửa hàng của công ty chuẩn bị cho năm học mới
                 Ảnh : Hữu Việt - TTXVN

Năm nào SGK ở bậc phổ thông cũng in lại,

rất lãng phí tiền của và công sức xã hội

Ảnh: Hoàng Long

Nói đến giáo dục là nói đến chương trình - sách giáo khoa (CT – SGK), người thầy, trường học và cơ sở vật chất - phòng thí nghiệm. Đây chính là 3 yếu tố nền tảng quan trọng nhất của giáo dục, được mọi quốc gia, mọi chế độ, mọi thời đại coi trọng. Thực tế ở nước ta, cả ba yếu tố kể trên đều đang có vấn đề nghiêm trọng.

Chương trình giáo dục chuẩn từ phổ thông đến đại học đều chưa có, chưa được phê duyệt ở cấp quốc gia về nội dung chương trình cần giảng dạy mà đã vội vàng biên soạn SGK. Ở bậc phổ thông, học sinh bội thực vì sách, ở bậc đại học thì sinh viên đói sách và học chay triền miên. Nghịch lý này tồn tại từ khi ta đổi mới cải cách giáo dục đến nay. Lỗi không có chương trình và SGK chuẩn là lỗi hệ thống của Nhà nước ta nhiều thập kỷ qua.

1. Năm nào SGK ở bậc phổ thông cũng in lại, rất lãng phí tiền của và công sức xã hội, lỗi này một phần liên quan đến việc Quốc hội chưa đưa ra một chế tài: SGK được in ra phải được dùng ít nhất một vòng là 12 năm hay lâu hơn mới được in lại lần sau, như nhiều nước đã làm.

2. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1950 ta đã xóa bỏ việc phân ban thời thuộc Pháp, để khẳng định nền giáo dục toàn diện và phù hợp với xu hướng chung của nhân loại. Ngược với truyền thống, năm 1993, phân ban được khôi phục. Đến nay đã 20 năm qua (1993 - 2012) mọi phương án phân ban của Bộ đều bị thực tiễn "phủ quyết”. Vô tình chúng ta đã mang học sinh ra làm "chuột bạch” để thí nghiệm các phương án phân ban” - theo cách nói  của GS Nguyễn Cảnh Toàn.

3. Vậy với một chương trình GD đã thống nhất có mấy cách viết SGK? Một chương trình, trên thế giới chỉ có thể có vài cách biên soạn SGK khác nhau chứ không phải là vô hạn. Bộ SGK chuẩn phổ thông phải thoả mãn các tiêu chí: phổ thông về kiến thức, ngôn ngữ và cách trình bày. Cuối những năm 1980, một chương trình ta đã biên soạn 3 bộ SGK toán, 2 bộ SGK Văn, rồi cuối những năm 1990 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, ta lại hợp nhất làm 1 bộ Toán, Văn. Năm 2002 ta lại chỉ đạo một chương trình viết 2 bộ SGK cho các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và Ngữ văn (Văn và Tiếng Việt). Đến 2005 ta có tới 5 ban thì việc biên soạn còn hỗn loạn hơn.

Có ý kiến cho rằng nhiều nhóm cạnh tranh lành mạnh viết SGK, như kiểu "toàn dân đúc thép”, thì thực tế ta chỉ nhận được gang! Vì sao?  Đây là vấn đề khoa học!  Một chương trình có vài kiểu viết SGK khác nhau, song xin khẳng định nội dung các bộ SGK không phải tương đương nhau về  ngôn ngữ và cách trình bày. Bộ SGK nào mà phần trình bày nội dung khoa học, dễ hiểu nhất, ngôn ngữ phổ thông nhất, được chọn là chuẩn; các bộ SGK khác còn lại được chọn làm sách tham khảo. Nhầm lẫn khác ở chỗ hai người khác nhau không phải lúc nào cũng viết được hai bộ SGK khác nhau nếu không có tư tưởng, học thuật khác nhau. Nhiều tác giả trong thời gian qua đã bức xúc cảnh báo: Nếu cứ phải "quay lưng vào nhau” để biên soạn các bộ SGK khác nhau khi chưa nhận thức rõ đâu là chuẩn mực về mặt học thuật thì sự rắc rối cho việc dạy và học là khó tránh khỏi, cứ thế này thì là một mối lo. Rõ ràng, Bộ GD&ĐT không hiểu được tính khoa học của CT-SGK và sự chỉ đạo ở tầm quốc gia "tít mù nó lại vòng quanh”!

4. CT-SGK ở bậc phổ thông là một chỉnh thể khoa học, thống nhất, nhất quán theo từng môn và sự hài hòa giữa các môn, thế mà ta lại sử dụng cách tiếp cận tiểu nông "cắt khúc - cuốn chiếu - thay dần - vừa chạy vừa xếp hàng”. Đó là cách làm không khoa học (chưa nói phản khoa học). Nó phá vỡ tổng thể khoa học. Sự vênh nhau giữa các môn và giữa các phần của từng môn học là chuyện đương nhiên. Không ai, kể cả những người có trách nhiệm ở Bộ GD&ĐT và người theo luật định ở tầm quốc gia hình dung được "tổng thể” chương trình giáo dục, vậy thì làm sao có chất lượng giáo dục tốt được.

Mọi so sánh có thể khập khiễng, nhưng có thể chọn một hình ảnh để tiện hình dung ra bản chất vấn đề. Hôm nay, ta thẩm định "cái tay” cô hoa hậu, ngày mai  đến "cái chân”, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào thì không ai hình dung được! Rõ ràng cách làm tiểu nông đã phá vỡ sự tổng thể khoa học của CT-SGK.

5. Chuẩn kiến thức rất quan trọng, nó được ví như cái thước tre mà người nông dân sử dụng để đo đạc khi xây nhà. Theo ông nguyên Viện trưởng Viện KHGD Trần Kiều thừa nhận là chưa tìm được để thiết kế CT-SGK chuẩn ở nước ta mấy chục năm qua. Xây một ngôi nhà mà không có thước tre, thì nó méo mó lệch lạc như thế nào ai cũng có thể hình dung được!

6. Trong toàn quốc có gần 60 NXB, 6.200 doanh nghiệp, cơ sở in ấn của Nhà nước và tư nhân với doanh thu 1 tỷ USD/năm, tốc độ tăng doanh thu trung bình 100 triệu USD đến 150 triệu USD/năm. NXB GD chiếm 80% lượng in ấn quốc gia. Riêng giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40%, còn lại 60% phải nhập ngoại. Chưa kể tiền của dân bỏ ra, đợt thay sách từ 2002 đến 2011 dự chi 32.000 tỷ (khoảng 2 tỷ USD), gần đây lại có dự kiến thay SGK vào sau năm 2015, với kinh phí 70.000 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Kể từ năm 1980 đến nay, 32 năm chúng ta chưa làm được CT-SGK chuẩn? Trong khi đó "một số nhà khoa học nêu ý kiến cho rằng, có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và với kinh phí 100 tỷ đồng" (Bài "Đổi mới căn bản nền giáo dục và đào tạo hiện nay: những việc cần làm ngay” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên tất cả các tờ báo lớn từ Trung ương đến địa phương, ví dụ như báo Nhân dân ngày 10-9-2007, song hình như nhiều lãnh đạo chưa đọc).

Tóm lại, CT-SGK hiện nay cần thay đổi ngay, vì nó không có lợi cho HS. So với các nước trên thế giới, ta phải giảm tải - bỏ bớt kiến thức khoảng  30% - 50% (như SGK toán làm ví dụ, có thầy giáo lâu năm nói phải loại bỏ khoảng 60% khối lượng kiến thức thừa!?) trong các SGK ở tất cả các cấp, đồng thời sử dụng cách trình bày phổ thông, thay đổi căn bản con người và tổ chức biên soạn CT-SGK, đồng thời Quốc hội nên đưa ra chế tài để SGK phải được dùng ít nhất một vòng 12 năm mới in lại một lần giống như các nước, như vậy vấn đề CT-SGK sẽ được giải quyết triệt để. Vấn đề còn lại là con người và tổ chức. Người tài ở nước ta không thiếu, nhưng phải biết cách chọn và cách dùng.

N.X.H.

GS Nguyễn Xuân Hãn gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn