Hai bài viết của một người dành hết tình yêu cho “nước”

Nguyễn Huệ Chi

Còn đâu những dòng sông đỏ mọng phù sa...

Trong cuộc gặp gỡ liên hoan khai mạc chương trình “hành động vì Hạ Long” của 150 thanh niên tình nguyện đến từ 40 nước vào tối ngày 10-1-2013 tại khách sạn Hồng Hà Hà Nội, tôi có dịp làm quen với nhiều nhà môi trường học, trong đó có TS Đào Trọng Tứ, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển tài nguyên Nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) kiêm Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN). Khi anh bước lên diễn đàn, với một giọng chân thành và tha thiết kêu gọi mọi người hãy cùng nhau giữ lấy những nguồn nước đang có nguy cơ cạn kiệt ở Việt Nam, giữ lấy những con sông đang bị các đập thủy lợi làm cho vỡ vụn, tôi cảm thấy ở con người này hẳn đang chứa chất một bầu tâm sự về SÔNG NƯỚC. Và tôi đã tranh thủ gặp anh trong bữa tiệc buffet do khách sạn Hồng Hà thịnh tình thết đãi ngay sau đấy để trò chuyện tâm tình thêm.

Bắt tay tôi với nụ cười rạng rỡ trên môi nhưng thoạt nghe những câu hỏi của tôi về số phận các dòng sông chảy trên đất Việt hiện nay giọng anh lập tức trầm hẳn xuống: “Ôi, nhiều chuyện lắm anh ơi! Chúng tôi đang đấu tranh nhưng đấu tranh đơn độc. Bởi những con sông cũng giống như con người, có sinh mệnh của chúng, chúng là bạn thân thiết của chúng ta, vậy mà đến một ngày vì cái lợi thiển cận trước mắt chúng ta bức tử chúng. Có biết đâu khi chúng chết thì chúng ta cũng không sống được nữa. Tuy nhiên kêu gào rát cổ bỏng họng mà nào ai đã thèm nghe, vì người chết thì giỏi lắm là vài tuần vài tháng chứ sông chết thì phải hàng trăm năm, cho nên nói đến chuyện con người kết liễu sinh mệnh của dòng sông người ta cứ thờ ơ, có kẻ lại còn chế giễu, nào sông đã chết đâu mà lo cuống lên!”

Tôi cố gạn để anh giải thích cho mình hiểu sông Hồng đang chết như thế nào, anh bảo: “Chỉ kể với anh một hiện tượng này là đủ thấy, trước đây nói đến sông Hồng người ta thường nhắc đến câu thơ “Những dòng sông đỏ nặng phù sa”, nay “phù sa đỏ” làm gì có nữa mà nói “nặng”! Thủy điện làm phù sa đọng lại ở những đẩu những đâu mất rồi. Sông Hồng đang chết như thế đấy. Mà phù sa hết thì đồng lúa xanh cũng dần dần sa mạc hóa. Đời thuở nào ngay tại Hà Nội mà lại có hiện tượng thủy triều, thế mà thủy triều hiện đang lên xuống ngay trước mắt mình, cứ ra bờ sông thì thấy”. Ngừng một lúc lâu, anh tiếp: “Nhận thức một cách đầy đủ về hậu quả của tình trạng này chưa thấm đến các cấp thẩm quyền, có lẽ các nhu cầu lợi ích kinh tế trước mắt làm họ xem nhẹ. Còn ở các nước quanh ta thì có thể nói đây là một mối quan tâm bao trùm lên mọi đời chính phủ. Và chính mắt tôi nhìn thấy những việc họ làm để khôi phục sự sống cho sông ngòi của họ. Cứ nhìn đã đủ mê và thèm. Tất nhiên, sông của ta, những con sông lớn, lại phát nguyên từ Trung Quốc, cho nên chẳng phải chúng ta bức tử chúng thôi đâu, so với họ ta bức tử còn ít hơn. Đập Sayabury cuối cùng đành nhượng bộ nước bạn, vì nước bạn còn nghèo. Nhưng cái chính là một nhượng bộ này sẽ kéo theo 12 đập khác thành một hệ thống xây dựng tiếp nay mai. Thế thì còn gì nữa nguồn nước, nguồn cá ở đồng bằng Cửu Long”.

Trở lại với cung cách ứng xử của chính nước mình về vấn đề sông và nước, anh đưa ra một ý kiến, có lẽ là kết luận chung của cả giới chứ không phải riêng mình anh: “Làm thủy điện thực ra là cái khó bó cái khôn. Chứ khi biết đặt lợi ích quốc gia ở một tầm nhìn lâu dài thì sẽ nhận ra ngay những thứ thủy điện mà ta đã và đang làm chỉ giải quyết được một ít thiếu thốn trước mắt, song lợi bất cập hại anh ạ. Về lâu về dài hại là rất lớn, không lấy gì bù đắp cho lại. Cưỡng lại quy luật thiên nhiên thì sự trả giá ghê gớm lắm”. Tôi nói: “Thảo nào có lần tôi nghe anh Phan Đình Diệu phát biểu, có nói, nếu Quảng Ninh mà có bản lĩnh và cả nước ta mà có bản lĩnh, thì bỏ hết những thứ khai thác quặng nọ quặng kia đi mà chuyên tâm làm du lịch thôi, đất nước sẽ giữ được nguyên trạng, không ô nhiễm, đẹp như một bài thơ, từ biển đến rừng, mà tiền thu được lại rất nhiều. Sẽ không có những chuyện cưỡng chế này kia làm lòng dân bất an, một không khí thanh bình tràn ngập khắp nơi”. Anh tán thành: “Đúng thế, nhưng người cầm chịch có ai nghĩ được thế đâu... Ông nào cũng muốn đất nước phất lên cho nhanh, rốt cuộc hậu quả gánh chịu nặng nề không nói hết...”

Nghĩ đến hai con sông Tô Lịch và Kim Ngưu của Hà Nội mà anh vừa nhắc trên diễn đàn, tôi hỏi: “Với hai con sông cổ truyền của Hà Nội, cái chết của chúng lại không phải là “vỡ vụn” vì thủy điện, mà chết vì nước không thông, bây giờ thì san lấp làm nhà cửa và làm đường gần hết rồi. Liệu có giải pháp nào khác hay hơn không anh?” “Có chứ. Tôi vẫn nghĩ giải pháp trước mắt là giải pháp tình thế trong một thời đoạn lịch sử. Sau này, nước nhà giàu lên, để cho một Hà Nội trở lại là một Hà Nội đẹp, Hà Nội của sông hồ, thì lại phải thực hiện một quy trình ngược. Giống như Hàn Quốc đã cho đào lại một con sông bị lấp ngay giữa lòng thủ đô của họ. Cực kỳ tốn kém nhưng vì môi trường sạch đẹp và bền vững của một thủ đô văn minh, họ đã làm và làm được. Bây giờ đến đấy đẹp lắm, sông lớn chảy xuyên thành phố, cây xanh tỏa bóng mát rượi quanh năm”.

Chuyện anh Đà0 Trọng Tứ kể khiến tôi mơ màng. Từ rất lâu rồi tôi vẫn mơ ước giữa lòng thủ đô Hà Nội sẽ có những con sông chảy êm đềm, nước trong và sạch như sông Seine ở Paris. Khi chủ trương lấp sông đưa ra, tôi đau lòng nghĩ mọi sự thế là coi như chấm dứt. Hóa ra chưa phải. Dưới con mắt của các nhà môi trường học thì không có cái gì chấm dứt nhẹ nhàng như thế cả. Cách nghĩ của thế hệ này chưa chắc đã là cách nghĩ của thế hệ mai sau, và thế cờ biết đâu lại lật ngược cũng nên, bởi cuộc đấu tranh để trả tự nhiên về với dạng nguyên sơ của nó, để cho nó tự do bình đẳng với con người, giúp cuộc sống con người yên lành hơn, cũng như con người bao giờ cũng khát khao tự do bình đẳng, không bị một “cái lồng” nào dù lớn dù nhỏ giam mình lại – một khát khao thường trực trong đáy sâu tâm hồn – vốn là cách hành xử dân chủ của nhân loại văn minh và cũng là xu thế mà con người không thể cưỡng, cố cưỡng thì cũng không thể cưỡng lâu. Trái đất đang nóng lên nhưng loài người muốn trường tồn, muốn không bị tiêu diệt, thì thế nào rồi cũng phải biết cách tiết chế sự phung phí của mình, xóa bỏ ảo tưởng làm ông chủ độc tài thống trị và bóc lột cùng kiệt trái đất, giúp cho nó nguội xuống.

Và... biết đâu rồi đây, những cái tên Kim Ngưu, Tô Lịch lại sống trở lại, với những dòng nước trong vắt, du thuyền qua lại nườm nượp, nói như anh Tứ đã nói trước cử tọa: Nghĩ đến con sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu, ta phải hình dung ra cái thời thuyền bè vua Lý Thái Tổ đã lướt trên mặt nước hai con sông ấy để đưa xa giá ra Thăng Long. Ta có quyền mơ đến sự sống của hai con sông ấy như chính nó đã từng sống trong mạch sống tấp nập của dân chúng Thăng Long xa xưa.

Chẳng biết có phải cảm hứng lãng mạn ở một nhà khoa học về nguồn nước dám mơ tưởng một điều tưởng chừng nghịch lý: phục dựng lại dòng sống của những con sông thời Lý Trần – cũng là phục dựng lại mạch sống nhân văn trên những con sông gắn liền với một thời kỳ lịch sử phục hưng của dân tộc – đã làm tôi xúc động hay không, nhưng sau khi chia tay nhau, tôi cứ cố tìm một số bài viết của anh Đào Trọng Tứ để đọc, nhằm hiểu thêm về phẩm chất khoa học ở con người này, cả những gì nằm phía sau phẩm chất ấy. Và bước đầu tôi tìm ra hai bài dưới đây, nhân ngày Chủ nhật thư giãn, xin chia sẻ cùng bạn đọc xa gần.

Diễn Đàn Sông ngòi Quốc gia Malaysia lần thứ nhất

TS. Đào Trọng Tứ[1]

clip_image002

Từ ngày 5-6/9/2012 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra một sự kiện khá đặc biệt đó là “Diễn đàn sông ngòi quốc gia”. Đây là diễn đàn về sông lần thứ nhất được tổ chức tại quốc gia này. Diễn đàn do Cục Tưới tiêu Malaysia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ liên quan đến môi trường và nguồn nước tổ chức[2]. Diễn đàn đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia  đến dự và khai mạc. Chủ đề của Diễn đàn khá ấn tượng: Quản lý Sông bền vững: Sự sống của dòng sông - Cần sự tham gia tất cả mọi người (Sustainable River Management: Living River - Getting Everyone involved). Diễn đàn có sự tham gia của trên 200 đại diện từ các cơ quan, bộ ngành chính phủ liên bang và các bang, các tổ chức NGOs, các nhà khoa học của Malaysia và một số diễn giả từ các nước trên thế giới[3].

Diễn đàn Sông ngòi Quốc gia Malaysia là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước, phục hồi và quản lý lưu vực sông giữa các cơ quan và các bên liên quan của Malaysia và trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia quốc tế và khu vực và các bên liên quan của Malaysia trong vấn đề liên quan đến phục hồi bảo vệ lưu vực sông.

Malaysia, cón khá nhiều điều kiện tự nhiên giống Việt Nam, diện tích Malaysia 329.750 Km2, có trên 3000 sông lớn nhỏ (Việt Nam có 3272 sông có chiều dài trên 10 km) [4]. Tuy nhiên, lượng mưa của Malaysia khá lớn, bình quân năm 3.000 mm (so với Việt Nam khoảng 2.000 mm) trong khi đó dân số chỉ trên 25 triệu. Khác với Việt Nam 63% nguồn nước vào lãnh thổ Việt nam là từ các quốc gia láng giềng, toàn bộ tài nguyên nước mặt và nước dưới đất của Malaysia đều sản sinh trong lãnh thổ quốc gia. Malaysia hoàn toàn chủ động về nguồn nước cho các mục tiêu phát triển và sử dụng.

Malaysia là quốc gia đã có rất nhiều tiến bộ trong việc quản lý tài nguyên nước, các hệ thống sông ngòi, đặc biệt vấn đề phục hồi các dòng sông sau thời gian dài phát triển tác động đến sinh thái, sinh cảnh, chất lượng và số lượng nước của các dòng sông. Malaysia là quốc gia có mức độ phát triển hàng đầu trong các quốc gia Châu Á và cũng có mục tiêu đến 2020 sẽ trở thành một nước phát triển. Malaysia xem tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước trên các lưu vực sông có một vị trí đặc biệt đối với đời sống kinh tế và xã hội của đất nước.

Mặc dù đã có những bước tiến trong quản lý tài nguyên nước, nhưng theo đánh giá của các cơ quan quản lý nước của Malaysia, hiện nay khoảng 50% các lưu vực sông Malaysia đang xuống cấp ở những mức độ khác nhau. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có sự quản lý phân tán, sự phân cấp quyền quản lý và ra quyết định lưu vực sông cho các Bang đã làm mất tính thống nhất và liên tục của nguồn nước của các sông là trở ngại cho vấn đề quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Ngoài ra những nguyên nhân như sự phân tán quản lý nước theo ngành sử dụng, thiếu sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, sự kiểm soát kém hiệu quả nguồn ô nhiễm, sự xuống cấp của lưu vực do mở rộng sử dụng đất cho nông nghiệp, đô thị và phát triển công nghiệp, sự ô nhiễm nguồn nước  thiếu kiểm soát cũng là những trở ngại cho việc bảo vệ các lưu vực sông[5]. Một nhân tố khá hay được đưa ra về tác động đến nguồn nước đó là sự mất thoát tài nguyên  nước do sử dụng không hiệu quả, tổn thất do thấm, sự đánh cắp và quản lý tài chính kém.

Kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau ở Diễn đàn không nhiều, nhưng cho thấy nhiều mô hình quản lý sông hiệu quả, trả lại sự sống cho các dòng sông. Những bài học từ Singapore với kế hoạch 10 năm (1977-1987) đã đem đến một sự thay đổi thật khó hình dung trong một thời gian ngắn với chính sách quyết đoán và hợp lý, từ những dòng sông rác, những khu ổ chuột ven sông trở thành dòng sông với cảnh quan hiện đại và đẹp đẽ, dòng sông có thể cho sinh hoạt, giải trí và bãi tắm (ảnh dưới). Bài học phục hồi dòng sông Thêm, từ dòng sông cực kỳ ô nhiễm từ đầu thế kỷ trở thành dòng sông có nhiều loại thủy sản phát triển, và kinh nghiệm phục hồi các sòng sông Nhật Bản nhờ sự chung tay của cộng đồng.

Việt Nam có một hệ thống sông suối dày, đây là nguồn tài nguyên vô giá cho sự sống của con người, kinh tế xã hội – để trở thành một nước phát triển – chúng ta cần nguồn tài nguyên nước được quản lý và giữ gìn tốt hơn. Về tài nguyên nước, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có những thách thức lớn hơn rất nhiều, như đã nói trên, 63% lượng nước đến lại phụ thuộc và các quốc gia láng giềng. Theo một nghiên cứu gần đây của Bộ Tài nguyên và môi trường[6] Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài lãnh thổ. Các dòng sông ở Việt Nam ở những mức độ khác nhau đang bị xuống cấp – sự xuống cấp đến từ rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là sự phát triển nóng và ồ ạt của các công trình thủy điện, sự tàn phá rừng đầu nguồn, sự ô nhiễm các nguồn nước do các nguồn xả thải  không được kiểm soát. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phần Trích yếu nói về môi trường nước,  nêu rõ “Môi trường nước mặt hiện nay đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm và suy thoái. Tình trạng này vẫn đang xảy ra ở nhiều đoạn sông. Môi trường nước mặt hiện nay đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm hữu cơ và suy thoái. Tình trạng này tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu. Có một số nơi, ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, điển hình như hạ lưu các sông Cầu, Nhuệ, Đáy, hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống hồ, ao, kênh mương và các sông nhỏ trong khu vực nội thành, nội thị. Chất lượng nước dưới đất hiện còn tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước. Một số nơi hàm lượng chất hữu cơ, kin loại nặng vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhưng không đáng kể. Môi trường nước biển đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, đặc biệt nước biển ven bờ. Ô nhiễm dầu trong nước biển ven bờ tăng nhanh và có xu hướng tập trung cao hơn tại  dọc ven biển Miền Trung và một phần các tỉnh miền Nam” [7].

Bức tranh nêu trên cho thấy rõ nhiều thách thức lớn cho việc giữ gìn các dòng sông và nguồn nước ở Việt Nam. Nước là thiết yếu cho cuộc sống, với một quốc gia có thể nhìn nhận nước là máu, và sông suối là các mạch máu nuôi dưỡng và bảo đảm sự phát triển của con người của quốc gia. Tài nguyên nước, tài nguyên sông suối, không chỉ dành cho thế hệ hôm nay mà là nguồn sống cho nhiều thế hệ sau – cho muôn đời. Thiết nghĩ những hình thức diễn đàn về quản lý sông với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cộng đồng, cùng nhìn nhận, cùng trao đổi tìm ra con đường, phương cách phục hồi, giữ gìn các dòng sông – là vô cùng hữu ích, khi mọi việc còn chưa quá muộn.

Kuala Lumpur 7/9/2012

Đ.T.T.

[1] Ủy viên Thường trực Mạng lưới Cộng tác vì Nước của Việt Nam (VNWP), thành viên mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN). Đại diện VNWP và diễn giả tại Diễn đàn Sông Quốc gia Malaysia Lần thứ nhất, 5-6/9/2012 Kuala Lumpur, Malaysia.

[2]  Đơn vị tổ chức chính: Cục Tưới Tiêu Malaysai, Bộ TN&MT Malaysia; Dự án Bảo tồn Nước W.A.T.E.R; Trung tâm Môi trường Toàn cấu, Malaysia.

[3]  Singapore, Nhật Bản, Anh, Úc, và Việt Nam.

[4] Bộ Tài nguyên & Môt trường (2006)- chiến lược Quốc gia về Tài nguyên Nước đến 2025.

[5] Jame Dawos Mamit at la. Justine Jok Jau Emang,  Cố vấn môi trường Bộ Môi trường và Sức khỏ cộng đồng, Chính phủ bang Sarawak, Malaysia. (2006).

[6] Bộ TN&MT (2008) (dự án ADB): Đánh giá Ngành Nước Việt Nam

[7] Bộ TN&MT: Báo cáo Môi trường Quốc gia 2101:Tổng quan Môi trường Việt Nam, phần “Trích yếu”, trang 28. Hà Nội, 2001

Nguồn: savingcattiennationalpark.blogspot.com

Sông Đồng Nai đang “vỡ vụn”

Với kế hoạch phát triển thủy điện như hiện nay, trong tương lai không xa, sông Đồng Nai sẽ không còn là dòng sông thực theo đúng nghĩa – có dòng chảy và cảnh quan sông suối

Đồng Nai là con sông nội địa lớn nhất Việt Nam chảy qua 11 tỉnh từ Tây Nguyên qua miền Đông Nam Bộ, xuống khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, là vùng phát triển kinh tế năng động bậc nhất và đóng góp một phần rất lớn cho thu nhập quốc dân của đất nước. Sông có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia (VQG), trong đó có VQG Cát Tiên nổi tiếng, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và là khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar.

Đang trong giới hạn căng thẳng

Tuy nhiên, so với các lưu vực sông khác của Việt Nam, tài nguyên nước trên đầu người lưu vực sông Đồng Nai vào loại rất thấp, trung bình 2.296 m3/người/năm (so với trung bình của cả nước là 9.300 m3/người/năm). Với sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn nước sông Đồng Nai đã và sẽ chịu nhiều áp lực: suy thoái - cạn kiệt do sử dụng quá mức và ô nhiễm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, “mức độ căng thẳng trung bình” bắt đầu với ngưỡng khai thác là 20% và mức căng thẳng cao là trên 40%. Với mức độ sử dụng hiện tại, sông Đồng Nai tiến tới giới hạn căng thẳng.

clip_image003

Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đồng Nai bị cạo trọc để nhường chỗ cho thủy điện Đồng Nai 2. Ảnh: VĂN TRƯƠNG

Sông Đồng Nai là lưu vực có tiềm năng thủy điện khá lớn, việc khai thác thủy điện lưu vực sông đã bắt đầu từ những năm 1960 với thủy điện Đa Nhim ở thượng lưu và Trị An ở hạ lưu. Sự phát triển trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều bắt đầu từ những năm 1990. Với kế hoạch hàng chục thủy điện trên dòng chính và các dòng nhánh lớn, dòng sông bắt đầu bị chia cắt ngày càng mạnh, số lượng công trình thủy điện rất dày, trên dòng chính Đồng Nai là 14 công trình trên chiều dài sông là 420 km; sông La Ngà 5 công trình trên 290 km sông và Sông Bé là 6 công trình trên 350 km sông. Các dòng sông đang “vỡ  vụn” do mật độ các công trình thủy điện.

Sự phát triển mạnh mẽ thủy điện trên sông Đồng Nai đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường - sinh thái - sinh kế và vùng đầu nguồn như phá vỡ sinh thái, cảnh quan của phần lớn khu vực thượng và trung lưu của hệ thống sông Đồng Nai. Các tác động tiêu cực của thủy điện như nêu trên đối với môi trường - sinh thái và vùng đầu nguồn ở mức độ khác nhau sẽ diễn ra đối với hệ thống thủy điện sông Đồng Nai, tạo ra thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi: tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô (phần lớn các hồ chủ yếu phục vụ phát điện, nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng, sở hữu và vận hành các bậc thang thủy điện, nhiều yếu tố phát triển bền vững đã không được thực hiện).

Phải dừng  2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2020, dù được chủ đầu tư đánh giá là 2 dự án có hiệu quả kinh tế và tác động ít đến môi trường nhưng  một trong những mối lo ngại là các công trình này làm ngập vĩnh viễn gần 200 ha VQG Cát Tiên và tác động đến môi trường của khu Ramsar Bàu Sấu cùng nhiều tác động khác. Chủ đầu tư đã tiến hành thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào năm 2010, sau đó là năm 2012. Các báo cáo ĐTM còn nhiều điểm gây tranh luận. Các nhà khoa học, các tổ chức dân sự  và địa phương đều cho rằng còn nhiều điều chưa được đề cập, mức độ chuẩn xác của ĐTM chưa đạt.

Quan điểm của người viết cho rằng việc phát triển thủy điện trên các dòng chính và nhánh lớn sông Đồng Nai cần được các nhà quản lý nhìn nhận một cách thận trọng nhất. Nhiều tổn thất không thể tính được bằng tiền. Kinh nghiệm thực tế trong nước, khu vực và quốc tế đã chứng minh điều đó. Việc dừng xây dựng các đập trên sông Đồng Nai nói chung và 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, trong đó có chủ đầu tư.

Đ.T.T.

Nguồn: nld.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn