Thành kính phân ưu cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Duy

clip_image001

Được tin nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy vừa tạ thế tại Bệnh viện 115, TP HCM vào hồi 14g30 chiều 27-1-2013, toàn thể anh chị em Biên tập viên BVN đều không ai ngăn được cảm giác bàng hoàng thương tiếc.

Là một nghệ sĩ tài năng thiên bẩm, Ông đã để lại cho đời hàng nghìn nhạc phẩm bất hủ, đau đáu tấm lòng vì quê hương đất nước và thao thiết tiếng réo cuộn của dòng sống dân tộc, đến nay rất nhiều trong số ấy vẫn chưa tỏa sáng hết.

Là người nếm trải một kinh lịch cực kỳ phong phú với những cuộc phiêu du bất tận, trải dài suốt ba phần tư thế kỷ XX vắt sang hơn mười năm đầu thế kỷ XXI, Phạm Duy còn để lại cho đời một tập Hồi ký 3 quyển ngồn ngộn chất sống, mở rộng cánh cửa giúp người đọc nhìn vào thế giới riêng tư của mình.

Năm 1994, tại nhà anh chị Đặng Tiến bên bờ con sông Loiret nước Pháp, GS Nguyễn Huệ Chi đã có dịp “vấn thoại” cùng nhạc sĩ Phạm Duy ở Hoa Kỳ qua một tấm bưu thiếp, nhắc đến mấy câu thơ ông nhớ từ thuở bé trong thời kháng chiến chống Pháp sau khi Phạm Duy đã về thành: “Anh Phạm Duy ơi / Đêm nay mưa ngoài trời / Chúng tôi hát bài Bà mẹ Gio Linh / Bà mẹ già cầm tay tôi hỏi/ Ai đặt bài ni rứa các anh?...”, được Phạm Duy trả lời rất sớm: Đó là thơ chuyền tay của Tố Hữu. Sau này, trong lần đầu tiên Phạm Duy được phép dẫn đầu đoàn nghệ sĩ trở lại biểu diễn nhạc Phạm Duy ở Nhà hát lớn Hà Nội vào năm 2009, cũng như trong lễ tang nhà thơ Hoàng Cầm vào năm 2010, người điều hành trang BVN đã hai lần diện kiến và tâm sự cùng Ông.

Trước nỗi mất mát không gì bù đắp của nền tân nhạc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam, qua mấy dòng sơ sài, BVN xin kính cẩn gửi đến gia quyến Đại Lão Nghệ Sĩ những tình cảm buồn thương và ngưỡng mộ sâu sắc. Cầu mong hương hồn Ông tiếp tục phiêu du nơi cực lạc.

Bauxite Việt Nam

Phụ lục

Xem biểu diễn nhạc Phạm Duy

Nguyễn Huệ Chi

clip_image002

Đêm nhạc Phạm Duy tại Hà Nội ngày 27/3/2009. Ảnh: Huệ Chi

Tối hôm 27 tháng Ba năm 2009, tôi đã làm một việc động trời: đi xem buổi biểu diễn ca nhạc “Ngày trở về” lần đầu của Pham Duy ở Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Tôi đã gợi ý với một người bạn lớn tuổi tìm cách xoay vé, nhưng anh có vẻ không mặn mà – mỗi vé bét nhất cũng 400.000đ, đối với trí thức Việt Nam nhất là trí thức đất Bắc không biết xoay xở giữa thời buổi kinh tế thị trường nhộn nhạo đâu phải là chuyện nhỏ (Ôi tình cảnh của trí thức chúng ta được “trọng thị” như hàng ngũ thứ ba: công, nông, trí!). Nhưng vốn mê nhạc tiền chiến, trong đó có nhạc Phạm Duy, hơn nữa cũng muốn “tìm lại mình” trong một không gian và thời gian “đã mất”, dầu chỉ trong khoảnh khắc, nên tôi và vợ tôi đã kiếm cho được vé và đến được Nhà hát.

Chỉ còn 15 phút nữa trước giờ biểu diễn rạp vẫn lưa thưa. Vợ chồng tôi đâm lo. Nhìn xuống thấy nhiều mái đầu bạc mà chúng tôi để ý thấy có mái đầu của GS Hoàng Tụy, vợ tôi nói: “Sẽ đau nhất không phải cho Phạm Duy mà cho Hà Nội là sau 60 năm “xa cách” vì nhiều lý do, nay trở về thì người đời đã quên Phạm Duy”. Tôi thầm nghĩ: Chẳng lẽ chỉ lớp già mới còn muốn đến với Phạm Duy sao? Không có lẽ! Hóa ra, quả là chúng tôi đã… bé cái nhầm. Đúng vào khoảng 15 phút cuối cùng ấy, người ta mới bắt đầu dồn đến, ào ạt, lộn xộn – một phần cũng do trời mưa – điền hết vào những hàng ghế trống, khiến cho rạp đầy ắp, và không chỉ người già mà người trẻ đến rất đông. Đa số thanh niên chen nhau ở “chuồng gà”. Chúng tôi đưa mắt cho nhau thở phào!

Sau buổi biểu diễn người ta lại dìu Phạm Duy xuống chân cầu thang Nhà hát, ngồi vào một cái bàn đặt tạm, và chen chúc vòng trong vòng ngoài xin chữ ký của ông, kể cả trẻ lẫn già, đến nỗi cố sức len vào bắt tay và xưng danh với ông như một “người quen vong niên cũ” để được ông “à” lên một tiếng, rồi rút ngay, đã những muốn đứt hơi.

clip_image002[5]

Khán giả Hà Nội vây chặt lấy Phạm Duy xin chữ ký sau buổi biểu diễn. Ảnh: Huệ Chi

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam là người có biệt tài, biết cách đưa khán giả nhập vào hành trình nhạc Phạm Duy một cách rất khéo, từ quá khứ gần (“Kỷ niệm”, “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”) lùi dần lại những ngày rất xa, với “Bà mẹ Gio Linh”, hoặc “Chiều qua gánh nước cho Vệ quốc quân / Có những o nghèo kể rằng / Quân thù về đây đốt làng” (câu này đã thay đổi chút ít trong bài “Quê nghèo” nhưng tôi vẫn nghe nhạc theo cảm thức xưa cũ), đến “Ngày trở về”, “Áo anh sứt chỉ đường tà” tức Màu tím hoa sim của Hữu Loan phổ nhạc, là đỉnh điểm của cảm hứng sử thi (nhạc sĩ đã rất giỏi biến tấu giữa bitráng chứ không chỉ có tráng như những bài ca một thuở, khiến tim người nghe rộn rã xen với những khoảng chùng xuống, lặng thắt), rồi lại trở lại với hiện tại theo kiểu lui vào từng góc của “cái tôi” ở nhiều bình diện và nhiều lớp thời gian, với “Tiếng sáo Thiên Thai”, “Thuyền viễn xứ”, “Ngậm ngùi”, “Nghìn trùng xa cách” và những bản nhạc tình day dứt, xa xót của lứa tuổi năm, sáu mươi đang rất quen thuộc với công chúng yêu nhạc hôm nay (“Cỏ hồng”, “Kiếp nào có yêu nhau”, “Còn gì nữa đâu”…).

Các ca sĩ cũng hóa thân hết mình vào tiếng nhạc mà những giọng ca truyền cảm phải kể đến Mỹ Linh, Đức Tuấn, Tấn Minh, rồi Duy Quang, Nguyên Thảo… Khi Phạm Duy – dẫn chương trình – xướng lên cái tên Khánh Linh tôi đã giật thót tim vì nghe nhầm ra Khánh Ly, để rồi sau đó được nghe một thứ giọng dịu dàng duyên dáng nhưng có vẻ đuối hơi thì phải, tôi lại càng tiếc đã không có Khánh Ly trong đêm diễn, một Khánh Ly (cũng như Lệ Thu) đầy sức âm vang của chất giọng trẻ mãi không già, lan tỏa trong hồn ta từng đợt như những vòng sóng nước lan ra không dứt khi ai đó ném hòn đá xuống mặt ao, và quyến rũ đến mê hồn mà thời gian hẳn không bao giờ bị chìm vào lãng quên.

Phạm Duy tài năng quá khổ, điều ấy thì ai cũng biết, nhưng phải qua việc được cảm nhận trình diễn nhạc sống trước mắt, ta mới thực thấm thía cái giá trị đó. Hơn thế nữa, phải sống trong “nhạc pháp” (poétique de la musique) Phạm Duy, lý trí vượt ra khỏi nội dung lời nhạc – cũng không còn bị ám ảnh bởi quá khứ “đàng điếm” của “gã hát rong” họ Phạm – và tâm hồn chỉ còn đắm vào cấu trúc âm thanh của ông, ta mới thấy rõ điều gắn sâu trong nhạc cảm Phạm Duy là cái hồn dân tộc, tiếng nói dân tộc, tình tự dân tộc, nỗi khổ đau của dân tộc, biểu trưng thấp thoáng nhưng không bao giờ thiếu vắng là làng quê, giếng nước, trâu cày, con đê, những cánh đồng chiều đẹp lạ lùng với đủ âm thanh hương sắc, song cũng quằn quại lạ lùng vì cái khổ cái nhọc nhằn, cái nhục nhã vẫn bám lẵng nhẵng đến tận nay, chưa biết bao giờ mới hết. Tôi mới hiểu lý do sâu xa của việc Phạm Duy trở về mà trước đây trong email gửi ông tôi còn tỏ ra ngờ vực. Không! Ông đúng là con người của hồn quê Việt Nam nó là cội rễ con người Việt Nam nhiều đời, ông đã trở về – theo tôi – như một định mệnh.

Điều còn lạ lùng hơn là trước một không gian âm nhạc diệu kỳ như vậy và trước một tài năng lừng lững, người xem Hà Nội ở Nhà hát Lớn tối hôm 27 tháng Ba bỗng trở nên rất “Hà Nội”, nghĩa là hết sức lịch lãm, im phăng phắc và nhiều lúc vỗ tay đến vỡ rạp, y như người Hà Nội thuở nào. Cho hay mọi nhận định về sự xuống cấp của văn hóa Hà thành cần phải xem xét lại. Vấn đề là anh đang đối diện với thứ văn hóa nào. Với cái thứ văn hóa bao cấp áp đặt người ta, làm rầm rộ lên như một hình thức tuyên truyền cho cái nằm ngoài văn hóa; “cho” người ta mà ngay người cho cũng thờ ơ, cũng ngầm chứa trong lòng sự ban phát hay khinh thị… thì người nhận cố nhiên là không ai chịu được (nói dân dã hơn là không “xực” được). Thói quen này đã ăn quá sâu vào các cấp làm văn hóa ở cái xứ rất thiếu văn hóa ứng xử trong mấy thập kỷ nay, theo tôi, đã dẫn đến một tình trạng tạm gọi là biến tướng của phản ứng tự vệ, nhiều khi “vô chính phủ”, trong đủ loại sinh hoạt đại chúng thường ngày: giao thông trên đường, vào xem triển lãm, xem biểu diễn các loại miễn phí và kể cả có khi mất tiền như xem phim (hút thuốc, ăn quà ném thức thừa xuống chân, nói chuyện ồn ào trong rạp), đi lễ hội đền chùa (lễ bái, cầu cúng, thi nhau dâng cỗ thật đắt tiền, đốt hương và vàng mã mù mịt, và tha hồ xả rác), thậm chí không ít cuộc “hội họp” và “hội nghị khoa học” quan phương nghiêm túc mà người lên phát biểu thường được gọi là người “diễn”, chỉ diễn cho hết phận sự còn người nghe thì nhấp nhổm, ngồi chưa nóng chỗ đã lần lượt ra về (hình như lớp người “biến” sớm nhất là cánh phóng viên nhà báo – mươi phút sau khi nhận phong bì hoặc quay xong chụp xong hình ảnh các “đồng chí lãnh đạo”…). Điều ấy nghĩ cho cùng không có gì lạ.

Còn đến khi người ta thưởng thức văn hóa như một nhu cầu tự thân, thật sự được trọng thị, chủ thể và khách thể hoàn toàn bình đẳng, hòa nhập vào nhau, có mối tương thông non dit ngay từ lúc nhập cuộc, thì người ta sẽ lập tức trở lại là mình. Và nếu cái “mình” ấy đã bị triệt tiêu vì một thực tế quá phũ phàng trong bao nhiêu năm, cứ ép người ta dạt vào hết “lề đường” này đến mỏi gối chồn chân trước những điều khoản “dưới luật” nọ nhiều không xiết kể, thì ít ra trong giây phút thăng hoa đột ngột, chỉ trong giây phút đó thôi tự nhiên người ta cũng không ý thức mình đang biến hóa thành một bản ngã khác. Sự chinh phục lạ kỳ của văn hóa là ở chỗ đó.

Hà Nội 28 tháng Ba năm 2009

N.H.C.

Nguồn: talawas 29/03/2009

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn