LẠM BÀN VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Tô Văn Trường

Có một câu nói hài hước, hóm hỉnh như sau: “Nhà triết học là người biết càng ngày càng ít về một lĩnh vực càng ngày càng rộng để cuối cùng không biết gì về tất cả. Còn nhà khoa học là người biết càng ngày càng nhiều về một lĩnh vực càng ngày càng hẹp để cuối cùng biết tất cả về không có gì”.

Nói nghiêm trang, thì như sau: Tốt nhất là nhà khoa học đồng thời là một nhà công nghệ, tuy khả năng và nhiệm vụ chủ yếu vẫn là khoa học, và nhà công nghệ đồng thời là một nhà khoa học, tuy khả năng và nhiệm vụ chủ yếu vẫn là công nghệ. Chính là có phần theo nhận thức đó, mà người ta phân biệt chuyên gia (spécialiste) và chung gia - chứ không phải chung chung gia, đại khái gia - (généraliste). Chung gia giỏi là chuyên gia trong một vài lĩnh vực và h̀iểu biết rộng trong chừng mươi lĩnh vực khác nữa.

Nhìn rộng hơn, cái cố tật của ta từ trong đấu tranh chính trị (và trong chiến tranh) nên quen rồi, cái gì cũng phục vụ nhiệm vụ chính trị! Ngay làm kinh tế cũng có những ngành, có lúc xem nó là nhiệm vụ chính trị. Muốn thể hiện quyết tâm cao nhất thì phải “huy động cả hệ thống chính trị”. Nhớ lại thời bao cấp, sản xuất lương thực trong mô hình hợp tác xã, tập đoàn sản xuất là nhiệm vụ chính trị, coi cải tạo nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị, là trục quay của cuộc vận động cách mạng... Chính vì tư duy lủng củng như vậy nên chủ trương thiếu khoa học, chính sách thiếu thuyết phục, nhân dân hưởng ứng rất khiên cưỡng... mà thất bại. Tương tự như vậy, có thời ta bắt khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị nên có nhà khoa học nói hột mít bổ dưỡng hơn trứng gà, ngành Y nói xuyên tâm liên trị bá bệnh. Một số quyết định nhà máy lọc dầu Dung Quất, bô xít Tây Nguyên, chủ trương thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước (học đòi theo Hàn Quốc) để làm nhiệm vụ sớm hóa rồng đều được các nhà kinh tế, khoa học phản biện là không nên nhưng vẫn làm, bây giờ hiện rõ là sai. Sai ngay từ chủ trương mà qua lăng kính bắt mọi thứ phải phục vụ chính trị bất chấp các luận chứng trên cơ sở khoa học và thực tế...

Bộ KHCN dự kiến chuẩn bị Hội nghị toàn quốc triển khai chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 vào ngày 8/3/2013 tại Hà Nội. Nhân đây, xin chuyển bài viết "Lạm bàn về chiến lược phát triển khoa học công nghệ" để các anh chị và các bạn tham khảo.

Tô Văn Trường

Ngày 11/04/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020 bao gồm các nội dung chính như: Quan điểm phát triển khoa học và công nghệ; Mục tiêu phát triển KHCN; Định hướng nhiệm vụ phát triển KHCN và Giải pháp chủ yếu. Bộ KHCN đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai chiến lược quan trọng nói trên.

Nhìn tổng quát, đây lả một văn bản có đầu tư trí tuệ nghiêm túc, biểu tỏ có một tư duy mới cố gắng cập nhật với trình độ phát triển của thế giới văn minh, cải tiến cách quản lý nghiên cứu khoa học, đặc biệt cố gắng gắn kết giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng và các địa phương. Tuy nhiên, mục đích của người viết bài này là nhằm đi thẳng vào những điểm gì còn thiếu sót, hời hợt, nguyên nhân của những mặt yếu kém đã thấy từ lâu nhưng hầu như chưa có gì xoay chuyển, từ đó góp ý về lối ra sao cho có hiệu quả nhất.

Trong kho tàng ngôn ngữ nhà nước chính thống hiện nay thì “chiến lược” là một khái niệm hay được người ta dùng nhiều nhưng thực sự không có nhiều người hiểu nó. Khi Chính phủ làm chiến lược thì cũng “tù mù” vì cho đến nay chúng ta vẫn chưa có Luật quy hoạch trong khi trên thế giới chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Lào lại có quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội! Chúng ta thường nói là quy hoạch – 20 năm, tầm nhìn 30-50 năm, chương trình – có lúc cũng được gọi là chiến lược – 10 năm, dưới nữa là kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm cho nên đôi khi lẫn lộn khái niệm về phương pháp luận với các khoảng thời gian khác nhau.

Quan điểm nhận thức

Theo tôi hiểu, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của một nước thường gồm 6 thành tố sau đây: (i) Đánh giá đúng thực trạng và các vấn đề nổi cộm của nền khoa học và công nghệ nước nhà; (ii) Xác định đúng đòi hỏi về khoa học và công nghệ của nước nhà (thí dụ trong 10 năm tới); (iii) Lựa chọn một cách thông minh những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, những khâu đột phá; con đường, các nguồn lực và các biện pháp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, trong đó mấy điều rất quan trọng là từ chỗ học hỏi, du nhập, làm theo khoa học và công nghệ của thế giới đến chỗ tạo ra khoa học và công nghệ của nước mình; (iv) Thiết lập các điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, nhà công nghệ của nước mình hoạt động và giao lưu, hội nhập quốc tế; (v) Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ; (vi) Tổ chức các cơ quan khoa học và công nghệ của nước nhà.

Trong 6 thành tố, tôi liệt kê ở trên thì chiến lược phát triển KHCN ở Việt Nam đã trả lời 3 vấn đề nhất là vấn đề thứ 3 còn thiếu ý nói tới vấn đề cuối cùng. Hay nói cụ thể hơn, với thành tố (ii), trong các lĩnh vực, luôn có cây mục tiêu nên việc xác định này liên quan đến yêu cầu chọn đúng đoạn nào của cây mục tiêu đó. Nói cách khác, phải xác định và đi từ gốc của vấn đề để rồi tiếp tục đi đến các vấn đề phát sinh. Hiện nay, trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đã tích tụ quá nhiều vấn đề bất cập. Vấn đề không phải là ở chỗ chưa có sự thống nhất ý kiến mà là ở chỗ để sự không thống nhất này kéo dài, dẫn đến sự phân liệt về tư tưởng quan điểm, phân liệt trong hành động để khi phát triển đến mức cao thì thành phân liệt về tổ chức.Minh chứng là những ý kiến khác nhau về dự thảo Hiến pháp 2013 thể hiện rõ thực trạng này.

Với thành tố (iv) và (v), tôi vẫn băn băn khoăn ở khía cạnh cần làm rõ chủ trương, chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học. Đó là chưa kể đến việc chảy máu chất xám do chính sách đãi ngộ, do chính sách tuyển dụng (gắn với tệ nạn mua quan, bán chức). Ngoài ra, còn phải tính đến nhiệm vụ phòng ngừa tệ nạn “Khoa học phiệt” có thể đã chớm xuất hiện ở Việt Nam , có thể liên quan đến vấn đề bè phái được hình thành dưới tác động của nhóm lợi ích.

Lâu nay, chúng ta thường nghe điệp khúc "”Khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Bản chiến lược lần này vẫn nhắc lại như thế, có lẽ là một câu chỉ có xác chữ chứ không có nghĩa vì không có thực tế và không có sức sống. Chúng ta cũng thường được đọc và nghe nói rằng: “Xây dựng Đảng (việc cốt yếu của chính trị) là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, đối ngoại là tiến cùng thời đại, cống hiến cho thế giới và tiếp thu từ thế giới, v.v.”.

"Then chốt", "trung tâm", "nền tảng tinh thần của xã hội", "tiến cùng thời đại" lại không phải là hàng đầu, chỉ là hàng hai, hàng ba thôi hay sao? Cái gì cũng "hàng đầu" thì là dàn hàng ngang ra mà tiến, thế thì còn "hàng đầu" gì nữa? Chung quy là bệnh "sính chữ", câu viết và lời nói rỗng, không khái niệm.

Khoa học và công nghệ là nguồn cội bên trong và sức mạnh kết dính của mọi nhân tố phát triển, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Lúc sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét chính sách khoa học và công nghệ quyết định chính sách giáo dục và đào tạo, chứ không phải ngược lại. Và cả khoa học và công nghệ, cả giáo dục và đào tạo đều do nhu cầu của cuộc sống và khả năng của dân tộc quyết định.

Trước đây, ta nói khoa học kỹ thuật hoặc khoa học và kỹ thuật. Vài chục năm nay thì sửa lại một cách chuẩn xác, là khoa học và công nghệ. Đấy không phải chỉ là thay chữ. Thực tế mới được phản ánh và thể hiện trong việc đổi "kỹ thuật" thành "công nghệ" là: Thời khoa học và kỹ thuật, cự ly về thời gian và về nội dung giữa 4 công đoạn: Phát minh khoa học, ứng dụng thử nghiệm, đưa vào sản xuất, phổ biến đại trà trong mọi sinh hoạt xã hội tính hàng năm, nhiều năm, có trường hợp hàng chục năm, thì nay rút ngắn lại nhiều, có khi chỉ tính hàng tháng, thậm chi có khi mấy công đoạn hợp nhất vào nhau. Đó chính là khoa học và công nghệ.

Thời khoa học và công nghệ, xu thế đã có từ trước được thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nhiều, đó là sự tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (gồm cả khoa học nhân văn), sự đan xen vào nhau, gắn bó hòa đồng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, với vai trò ngày càng tăng của khoa học xã hội.

Khoa học công nghệ của nước nhà đang ở đâu?

Làm thế nào để biết được KHCN đã đến đích chưa? Theo dõi – giám sát – đánh giá? Đây chính là thứ mà do thiếu công khai, minh bạch nên Việt Nam thể hiện kém nhất ở khâu này. Người ta cứ tranh luận, cãi nhau như “thày bói xem voi” hoặc lý sự cùn mà thiếu đi các chỉ số đo lường rõ ràng, cụ thể.

Khoa học tự nhiên trên công luận đã có nhiều bài viết đánh giá so sánh với các nước trong khu vực. Riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội thực sự lạc hậu so với trào lưu của thế giới. Cần phải có một khảo sát xã hội học độc lập và khách quan về chất lượng khoa học thật sự của những công trình khoa học xã hội từng được công bố, về đội ngũ những người đang làm khoa học xã hội ở các viện và các trường đại học hiện nay. Từ đó, mà nhận diện chính xác diện mạo thật của ngành khoa học xã hội nước ta.

Theo tôi hiểu công nghệ là lĩnh vực vận dụng các quy luật khoa học vào đời sống. Các quy luật khách quan có thể phát huy tác động một cách tự phát, dẫn đến những hậu quả không ngờ. Mặt khác, các quy luật đó có thể được nhận biết và được vận dụng để đạt những mục tiêu cụ thể. Như vậy, cũng có vấn đề công nghệ (vận dụng các quy luật của khoa học) đối với khoa học xã hội nhân văn. Ví dụ xét về mặt khoa học thì việc tính giá đất phải dựa vào việc vận dụng quy luật giá trị. Theo đó, thì một vật cụ thể chỉ có giá trị khi nó được lao động tác động vào để tạo ra một giá trị sử dụng cụ thể. Vì thế, nên giá trị của một sản phẩm nào đó phụ thuộc vào hao phí lao động xã hội, chứ không phải hao phí lao động cá biệt, để tạo ra giá trị sử dụng của nó. Từ đó, hình thành giá cả của sản phẩm theo nguyên tắc giá cả xoay quanh giá trị, Tổng giá cả bằng tổng giá trị. Giá cả cụ thể cao hoặc thấp hơn giá trị do tác động của quan hệ cung-cầu. Ngoài ra, còn có tác động đầu cơ, tích trữ, lũng loạn thị trường của các đại gia làm cho giá cả tách rời quan hệ cung cầu, dẫn đến những bong bóng giá đem lại lợi nhuận siêu ngạch cho các đại gia.

Thế nhưng trong thực tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý được đào tạo một cách bài bản đã dẫn Chính phủ đi đến quyết định tính giá đất theo giá thị trường. Hậu quả là các đại gia – nhóm lợi ích tâng giá lên thì Chính phủ cũng nâng giá lên theo, đem lại lợi ích cho các đại gia. Giá đất lại không tính hao phí lao động xã hội để tạo ra giá trị sử dụng mà lại được tình theo doanh thu/năm nên dẫn đến một loại giá rất thấp. Chúng ta đã tính là doanh thu bình quân năm của 1 ha đất dùng vào sản xuất nông nghiệp chỉ là 9,1 triệu đồng trong khi cùng một diện tích đó dùng vào mục đích khi đóng phí nông nghiệp lại chiếm 2,1 tỷ đồng. Do đó, câu hỏi được đặt ra là có phải đội ngũ cán bộ khoa học đó không nắm bắt các quy luật của khoa học kinh tế và công nghệ vận dụng quy luật đó vào thực tế không? Cách làm như vậy là vì mục tiêu chính trị hay vì lợi ích nhóm?

Có ý kiến cho rằng về thực trạng chúng ta đang ở đáy của KHCN thế giới bởi vì đánh giá tiến bộ của KHCN của một quốc gia thường lấy tiến bộ công nghệ giao thông vận tải để đánh giá. Giá thành xây dựng các hạng mục của ngành giao thông ở Việt Nam thường cao nhất, chất lượng thấp nhất trong khi mỗi năm tai nạn giao thông thuộc loại cao nhất, cướp đi sinh mạng của hơn chục nghìn người. Thị phần vận tải của ba binh đoàn chủ lực của ngành giao thông là hàng không, đường sắt, hàng hải chỉ bằng 0,5 của đường sông. Vậy thì còn đâu là khoa học công nghệ? Về hàng không, từ bệ phóng của một cường quốc không quân, có một hệ thống sân bay tốt nhất ASEAN, vậy mà thị phần vận tải hiện nay chỉ khoảng 10 triệu hành khách/năm, đạt 0,3% thị phần trong 5 loại hình vận tải cả nước, bằng 1/4 so với Singapore - nước chỉ có 1 sân bay. Đường sắt thì càng tồi tệ vì công nghệ lạc hậu. Đường biển thì 230 cảng biển manh mún, lãng phí đầu tư công trên 120 tỷ USD nhưng hiệu quả mang lại thấp nhất!

Một ví dụ điển hình rất cần câu trả lời đúng đắn của chính sách phát triển KHCN trong việc thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp. Lý luận và thực tế PPP ở các nước trên thế giới cho thấy trong lĩnh vực nông nghiệp có thể áp dụng cơ chế PPP trong cung cấp hạ tầng cơ sở và dịch vụ công như trạm bơm, hồ chứa, kênh mương thủy lợi, kho chứa/bảo quản; hay trong khuyến nông, chọn tạo giống, nghiên cứu ứng dụng, công nghệ sau thu hoạch, trồng rừng và bảo vệ rừng, v.v.

Theo tôi hiểu, PPP không có gì là sai, đó chỉ là một trong nhiều cách thức thực hiện dự án cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ người ta lợi dụng một chủ đề mới (đối với Việt Nam) và biến nó thành chủ đề "HOT" rồi tìm cách gây ảnh hưởng đến các chính sách của mình để phục vụ cho mục đích kinh doanh và mưu đồ riêng của họ. Vì chính sách của Việt Nam là chỉ hỗ trợ (subsidize) cho cái được gọi là công nghệ mới và tiên tiến, còn công nghệ của nhân dân, của Hai Lúa rẻ tiền, phù hợp với điều kiện của đất nước sẽ không được hỗ trợ!? Trong khi đó, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI bán công nghệ của họ với giá cắt cổ thì nhiều người hớn hở, cán bộ được “phết phẩy”, ngay cả kinh doanh thì được trích hoa hồng trong khi họ sản xuất ra với giá rất thấp nhưng bán ra với giá ngất ngưởng trên trời vì họ có đăng ký bản quyền! Nhà khoa học thay vì phải làm khoa học thì cũng lại quay ra buôn bán vì làm vậy nhanh giàu hơn, và đương nhiên thuế của chính mình được dùng để FDI chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Khiếm khuyết của bản chiến lược phát triển KHCN

Lỗ hổng lớn nhất của bản chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt chính là khi bàn về khoa học xã hội và nhân văn.

Chúng ta chưa mạnh dạn, đánh giá cho đúng sự lạc hậu, thậm chí là lạc điệu so với khoa học xã hội của thế giới. Vì trong một thời gian quá dài, cho đến hiện nay vẫn vậy, khoa học xã hội chỉ là một công cụ minh họa cho đường lối chính sách của Đảng, nó không đáng được gọi là một NGÀNH KHOA HỌC theo nghĩa đích thực của nó. Bởi thế, các nhà khoa học Việt Nam dù có tài giỏi, trí tuệ cũng không thể hòa đồng hay tiếp cận với khoa học xã hội của thế giới vì tư duy về phương pháp luận hoàn toàn khác nhau.

Muốn xây dựng một ngành khoa học xã hội đúng với vai trò và chức năng, nhiệm vụ đích thực của nó phải thay đổi tận gốc tư duy về khoa học xã hội, gần như phải xóa đi làm lại từ đầu, trả về cho nó chức năng khoa học đích thực. Thực tế cuộc sống đòi hỏi đào tạo và tuyển chọn lại đội ngũ người làm khoa học xã hội, bao gồm những người được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, mời những chuyên gia giỏi người Việt ở nước ngoài về nước tham gia đào tạo đội ngũ khoa học trẻ được thanh lọc và tuyển chọn trong nước đồng thời, biết cách mời gọi những nhà khoa học xã hội đã có quá trình đào tạo và nghiên cứu tốt, có công trình xuất bản được giới khoa học trong và ngoài nước thừa nhận trở lại giúp thêm vào công cuộc đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ.

Xin lấy một ví dụ về những nhà khoa học xã hội tài năng vào bậc thầy nhưng không hề ngồi vào một ghế "quan khoa học" nào cả như: Trần Đình Hượu, Nguyễn Từ Chi, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, v.v. thậm chí họ cũng không tham gia vào tiến trình của cơ chế phong học hàm giáo sư, nên họ chỉ là phó giáo sư, nhưng với nước ngoài, họ được đánh giá rất cao về công trình khoa học. Chẳng hạn như PGS Trần Đình Hượu, khi sang giảng dạy ở Pháp, được quyết định của Tổng thống Pháp Mitterand mời làm giáo sư danh dự giảng dạy tại Đại học Pháp, còn PGS Cao Xuân Hạo thì được giới ngôn ngữ học đánh giá rất cao về công trình khoa học của ông được in ở Paris.

Xu hướng và giải pháp phát triển KHCN

Người dân mong muốn đừng để tiếp diễn mãi tình cảnh “Hai Lúa” dù văn hoá mới chỉ là tiểu học nhưng lại làm ra cầu treo, “thần đèn” di chuyển công trình xây dựng, sáng chế các máy công cụ nông nghiệp, còn các nhà khoa học quay ra làm nhà bán giống!

Để phát triển KHCN một cách bài bản khoa học, xu hướng chung cần xác định cụ thể chúng ta đang ở đâu? Sứ mệnh và giá trị của các ban ngành - thông qua việc sử dụng SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, và thách thức). Chúng ta đi đâu? Lợi thế cạnh tranh bền vững. Những gì ta có thể làm tốt nhất? Tính độc đáo của ta là gì? Làm thế nào chúng ta sẽ đạt được? Mục tiêu chiến lược dài hạn, các khu vực chiến lược mà giúp ta kết nối sứ mệnh của ta để tầm nhìn liên tục. Chiến lược có phù hợp với điểm mạnh của ta không? Mục tiêu / ưu tiên ngắn hạn / Sáng kiến: Mục tiêu chiến lược chuyển đổi mục tiêu của mình thành những mục tiêu thực hiện cụ thể ngắn hạn. Kế hoạch hành động thiết lập chỉ tiêu cụ thể và một số biện pháp và quản lý kế hoạch chiến lược của ta. Thực hiện kế hoạch, xác định các vấn đề xung quanh những ban nghành bị ảnh hưởng. Làm thế nào ta có thể cam kết thực hiện kế hoạch để di chuyển về phía trước trong các ban nghành của ta? Ta sẽ dùng tiền bạc, tài nguyên, và thời gian như thế nào để hỗ trợ các kế hoạch đó?

Khoa học & Công nghệ của Việt Nam hiện nay có yêu cầu rất thực tế là Nhà nước làm sao bảo đảm cho dân rằng cái gì đưa vào mồm là không có chất độc hại. Các sản phẩm uy tín như sữa Vinamilk, gốm sứ Minh Long, gốm sứ Bát Tràng, bơm điện của cơ khí Hà Nội, thép Povina, và cả gạo, cá, thịt, rau, củ, v.v. nghĩa là những sản phẩm sạch, dinh dưỡng, chắc và bền của Việt Nam cần phải được bảo vệ và phát triển bằng các giải pháp cụ thể.

Khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng con người ta có ít nhất là 7 loại trí thông minh nên những cách sát hạch cùng thang điểm áp dụng ở nhà trường từ trước tới nay đã rất lạc hậu. Có lẽ đã đến lúc cần có tư duy mới tương xứng để chọn nhân tài cho xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực cho KHCN.

Tạo cơ chế, khuyến khích động viên các nhà khoa học dấn thân phản biện những vấn đề nóng bỏng của đất nước như sửa đổi Hiến pháp, sửa luật đất đai, đề án cải cách hành chính, đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các dự án “nhạy cảm “ như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc Nam, bô xít Tây Nguyên, cảng Lạch Huyện, v.v.

Cần đẩy mạnh việc cho phép nhập khẩu công nghệ với mục đích nghiên cứu và phát triển công nghệ đó biến thành của mình. Ví dụ như cho phép nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng với yêu cầu thiết bị đó phải chuẩn hóa và dần dần trong nước sản xuất được các linh kiện thay thế, không phải suốt đời chỉ gia công, lắp ráp phụ thuộc vào linh kiện thay thế của họ.

KHCN hiện nay cần phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân trên cơ sở bám sát tính ứng dụng & đáp ứng nhu cầu thị trường, chú ý thừa hưởng những thành tựu KHCN của thế giới. Nghiên cứu cơ bản tùy khả năng mà nêu ra & thực hiện. Không thể đổi tên hai Viện Khoa học quốc gia thành Viện Hàn lâm để cho phân biệt với các "Viện dưỡng lão" còn lại là đất nước sẽ có ngay nền văn hóa-khoa học-giáo dục hàn lâm!

Cần tháo bỏ hoàn toàn những trói buộc tự do tư tưởng, sao cho khoa học chỉ còn một yêu cầu là "lấy thực tiễn làm căn cứ duy nhất " để xem xét tính đúng đắn của nó. Tiếng nói của các nhà khoa học chân chính phải mang ý nghĩa quyết định chứ không chỉ đóng vai trò tư vấn tham khảo. Các nhà khoa học thực sự cần & phải được sống bằng công việc nghiên cứu của mình, không phải bằng các chức vụ quản lý.

Có cơ chế và chính sách khuyến khích huy động tăng cường nguồn kinh phí của xã hội cho công tác KHCN, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, cụ thể là nguồn vốn tài trợ của Dự án First do Ngân hàng thế giới (WB) có giá trị hơn 100 triệu USD thực hiện từ tháng 6/2013 đến hết năm 2017 với các nội dung nhằm thúc đẩy sự phát triển KHCN Việt Nam.

Thay cho lời kết

Nhu cầu phát triển bền vững cũng đòi hỏi vai trò lãnh đạo phải thể hiện qua việc thay đổi hành vi, thói quen, cách nghĩ của toàn xã hội. Nếu KHCN (kể cả vai trò trách nhiệm của các nhà khoa học và quản lý) không tiến kịp cùng thời đại, không vượt lên chính mình thì không thể giải thoát cho đất nước thoát khỏi tình trạng của con “chuột bạch” khốn cùng!

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn