Đất, khát vọng và nghịch lý *

Tương Lai

Khát vọng của ai? Khát vọng của người nông dân, và vì vậy cũng là khát vọng của cả dân tộc từng dựng nước, mở nước trên một bán đảo của miền nhiệt đới gió mùa với nghề trồng lúa. “Cấy cày vốn nghiệp nông gia” (ca dao), những người “côi cút làm ăn toan lo nghèo khó... Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ. (Nguyễn Đình Chiểu – “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”). Nông gia, nông dân cũng là dân tộc đấy thôi. Liệu có người Việt nào không có gốc gác từ làng quê hoặc có mối liên hệ dây mơ rễ má với cái lũy tre làng quen thuộc? “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” là hình ảnh tiêu biểu của khung cảnh xã hội Việt Nam trong hệ văn minh lúa nước vùng nhiệt đới.

Tự bao đời “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó, việc cuốc việc cày việc bừa việc cấy, tay vốn quen làm” (Nguyễn Đình Chiểu), người nông dân gắn bó với đất, cái quý nhất đối với họ và cũng là khát vọng bao đời của họ. Cho dù chính “cái nghiệp nông gia” gắn với đất, tư liệu sản xuất cơ bản nhất ấy cùng với lối tư duy tiểu nông “con trâu đi trước, cái cày theo sau” ấy là nguồn cơn của sự lạc hậu triền miên như bước chân trâu ì ạch trên ruộng bùn, nền sản xuất xã hội không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa. Nhưng cũng vì thế, mảnh đất ấy là vốn quý, đời cha để lại cho đời con, đời cháu. Con cháu đẻ thêm ra ngày một nhiều nhưng đất thì không sinh sôi nảy nở! “Tấc đất tấc vàng” là bảo vật cha truyền con nối.

Tiến trình dựng nước, từ miền trung du tiến về vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã cũng là để mở đất. Mở đất cũng có nghĩa là “mở nước”. Tiến trình “mở nước” về phía Nam cũng là sức lao động của người nông dân “mở cõi” bằng những nhát cuốc, đường cày, khai hoang thục hóa, thau chua rửa mặn để có những cánh đồng màu mỡ hôm nay. Ấy vậy mà, lối tư duy tiểu nông lại được biến thái và thăng hoa trong chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí khước từ kinh tế thị trường đã làm chậm bước tiến của lịch sử khiến cho trong sự ổn định trì trệ kéo dài này, cái cày chìa vôi từ đời Lý vẫn còn hiện diện cùng với máy cày, máy gặt đập trên cánh đồng Việt Nam thế kỷ XXI:

Dưới đồng ông lão đi bừa,

Hệt như cụ cố ngày xưa đi cày (Ca dao mới)

Đây là hình ảnh vừa xót xa vừa giục giã những quyết sách ở tầm vĩ mô phải đưa ra được những kiến giải thông minh mang tính đột phá khi mà lịch sử chưa bao giờ và không bao giờ thong dong đi trên con đường phẳng phiu, mà luôn “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngày từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân: những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. “Người lên như nước vỡ bờ. Nước Việt Nam từ trong máu lửa. Rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một minh chứng sống động cho điều vừa nói đồng thời cũng là mở đầu cho một nghịch lý mà vào cái buổi người nông dân “côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó” đã “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không” (Nguyễn Đình Chiểu) không sao hình dung nổi rồi sự thể lại xoay ra thế!

Tiếp theo những biến động dồn dập của Cách mạng tháng Tám, của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bành trướng, không ai khác mà chính nông dân là đội quân chủ lực “Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Ấy thế mà rồi, xem ra sau khi “súng gươm vứt bỏ” người nông dân lại không “hiền như xưa” nữa rồi! Thì đấy, hãy cứ nhìn lại một đoạn rất vắn của lịch sử đất nước trong vòng hai thập niên qua, từ sự kiện Thái Bình năm 1997 đến sự kiện Tiên Lãng 2012 đủ để hiểu được những gì cần phải đặt ra một cách thật nghiêm cẩn trong tư duy cũng như trong sách lược, chiến lược và trong những ứng xử ở tầm quốc gia.

Có lẽ trước khi sự kiện Thái Bình bùng nổ, ít ai nghĩ rằng tại nơi đây, quê hương của lá cờ đầu sản xuất nông nghiệp “chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình”, nơi đây cũng là lá cờ đầu của “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong kháng chiến, lá cờ đầu của hầu hết các hoạt động, từ sản xuất đến văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống mới… Thái Bình tự hào về người quê mình từng có mặt tại những điểm hẹn của lịch sử: bắt sống tướng Đờ Cát tại Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954, cắm cờ trên Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975, cũng là người Việt Nam “chân dép lốp mà bay vào vũ trụ”…

Ấy thế rồi những ngày cuối cùng của tháng 6 năm 1997 có tới 5 trên 7 huyện và thị của tỉnh gồm xã Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy có khiếu kiện tập thể của bà con nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Không được tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng, những sự biến xảy ra dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, và có chiều hướng bạo lực từ cả hai phía: chính quyền và dân. Và rồi, sự xuất hiện của cảnh sát cơ động đã đặt các cuộc biểu tình ôn hòa và hợp thức vào tình thế bế tắc. Xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Sự kiềm chế và tính tổ chức ở những người biểu tình càng giảm sút thì các sự biến xã hội càng khó kiểm soát. Một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình đã bùng nổ. Mười lăm năm sau, tiếng súng tuyệt vọng của gia đinh họ Đoàn ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng là một biến tấu mang tính logic của quy luật lịch sử nếu có một cái nhìn thấu đáo, khách quan và đầy tính trách nhiệm về đất đai và những nghịch lý đang diễn ra.

Còn nhớ vào dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho gọi đến báo cáo về cuộc nghiên cứu xã hội học về “Sự kiện Thái Bình”, khi nghe tôi nói: “Vấn đề dân cày mà Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đặt ra những năm 40 dường như vẫn còn những dấu tích nguyên vẹn cho dù những biến tấu của chúng thì phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng dù phức tạp thế nào thì cái cốt lõi vẫn là chuyện đất đai”, ông tỏ ra đặc biệt quan tâm: “Thế anh cũng có đọc cuốn sách ấy à, nhưng đấy là chuyện trước Cách mạng Tháng Tám, anh nói rõ chuyện hôm nay đang như thế nào”.

Vâng ạ, đúng là cuốn sách “Vấn đề dân cày” ra đời trước Cách mạng tháng Tám”, tôi thưa, “cứ tưởng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, rồi cuộc chiến tranh biên giới chống lại bọn bành trướng xâm lược mà nông dân là đội quân chủ lực làm nên mọi chiến thắng vẻ vang ấy, thì rồi vấn đề nông dân sẽ được đặt ra trên một bình diện mới của chiến lược phát triển đất nước tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Thế nhưng, thật là đáng tiếc, vấn đề nông dân đi liền với nông thôn và nông nghiệp của nước ta đã chưa được giải quyết đúng.

Để khỏi phải nói dài khi biết rằng thời gian của Đại tướng dành cho buổi gặp này không thể nhiều được, tôi dẫn ra nhận định sâu sắc của Từ Chi, nhà dân tộc học đáng kính được dùng làm điểm tựa cho sự phân tích về “Sự kiện Thái Bình”: “Làng là tế bào của xã hội Việt Nam. Xã hội Việt Nam là sản phẩm của tự nhiên tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư của người dân Việt trồng trọt. Hiểu được làng Việt là có trong tay cơ sở tối thiểu và cần thiết để tiến lên hiểu xã hội Việt nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung trong sự năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó”.

Nói một cách nghiêm cẩn thì chúng ta đã ứng xử không đúng đối với vấn đề có ý nghĩa cực kỳ lớn này để rồi phải gánh chịu “những phản ứng của nó trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó”. “Sự kiện Thái Bình 1997” và sau đó 15 năn, “Sự kiện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng 2012” là minh chứng hiển nhiên cho điều này. Thật ra, sự kiện Đoàn Văn Vươn xảy ra sau 15 năm, được công luận lập tức lên tiếng là nhờ có sự phát triển vượt bực của công nghệ thông tin và mạnh internet khiến người ta cố tình bưng bít cũng không bưng bít nổi. Sự kiện Thái Bình trước đó 15 năm, nếu xét về quy mô thì lớn hơn rất nhiều nhưng “nghệ thuật ém nhẹm” điêu luyện đã khiến cho nó chóng chìm vào quên lãng. Đừng quên rằng, vào lúc ấy, đã có 5 trong số 7 huyện có khiếu kiện đông người và xảy ra xung đột mà sáu ngôi nhà của cán bộ xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ bị nông dân xã này đốt cháy lúc nửa đêm nói lên tính bạo liệt của sự xung đột đó. Quên lãng là một cách nói, chứ thực ra, cội nguồn của sự kiện, bản chất của mâu thuẫn giữa vấn đề sở hữu đất đai với hệ ý thức về sở hữu toàn dân và cách quản lý đất đai tùy tiện nhằm dung túng cho lợi ích của nhà cầm quyền tác oai, tác phúc, thì người nông dân không hề quên.

Mà quên làm sao được khi “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi). “Tiếng gọi của đất”, khát vọng ngàn đời của người dân cày. Tiếng gọi đó giằng co quyết liệt với “lực hút của đất” đủ sức làm chuyện “chết đuối người trên cạn mà chơi”! (Nguyễn Gia Thiều). Chỉ có điều, “dìm chết người trên cạn” tại Tiên Lãng trước tết Nhâm Thìn dạo nọ hay tại Thái Bình năm 1997… không phải do “trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” mà do tham nhũng đất đai, nguồn tham nhũng béo bở, quá dễ dàng khi quyền đã nắm trong tay, nhân danh sở hữu toàn dân “quy hoạch” rồi “giải tỏa, đền bù” thì quá gọn! Mà trò đời, “quyền” đi liền với “tiền”, “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (Nguyễn Du)!

Các đạo diễn bậc thầy của “quy hoạch” để “chuyển đổi mục đích sử dụng” rồi “hoá giá”, rồi “đền bù, giải tỏa được thực thi trong sự “đồng thuận” của cả “hệ thống quyền lực” một cách nhanh gọn và ngoạn mục mà một đại biểu Quốc hội trong phát biểu tại nơi diễn đàn tôn nghiêm này gọi là “siêu nhanh”. Ở đây cho thấy có cả một mạng lưới khép kín và tinh nhuệ của quy trình hoá giá “của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng”. Chính sự “vẫy vùng” tái diễn cái nghịch lý bao đời “cướp ngày là quan” xưa kia đã diễn ra tại Tiên Lãng nhân danh pháp luật của “nhà nước địa phương” để thực hiện việc cưỡng chế tàn bạo và vi hiến, rồi người chỉ huy còn biểu dương đây là một cuộc “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay…. có thể viết thành sách”. Chao ôi sách!

Nhân đây xin nhắc lại một nhận định vẫn nóng bỏng tính thời sự của đồng chí Phạm Văn Đồng khi nghe báo cáo về cuộc Khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày. Ông đã không đồng tình khi người báo cáo giải thích rằng: “Ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Ông yêu cầu chỉnh lại: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Phải phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”!

Rõ ràng là vấn đề dân cày và gắn liền với nó là khát vọng ngàn đời của họ sẽ được lý giải một cách suôn sẻ bằng những định hướng tốt đẹp và những chính sách vĩ mô đúng đắn, thế nhưng những cuộc khiếu kiện liên miên xoay quanh chuyện đất đai với những ngôn từ mới mẻ “quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù”... xuất hiện cho, thấy còn quá nhiều vấn đề đặt ra.

Ai có thể ngờ cái cảnh “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ/ Ngọn đèn khuya leo lét trong lều/ Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng/ Cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” cụ Đồ Chiểu miêu tả từ một thế kỷ trước nay lại có thể tái hiện với những biến tấu mới cực kỳ phức tạp sau chuyện “cưỡng chế, thu hồi” để thực hiện đúng quy hoạch của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa! Kỷ cương phép nước đương nhiên phải giữ vững. Nhưng sau những ngôn từ đẹp đẽ đó là lực hút của đất đang tạo ra những mối lợi quá lớn mà khó có một đầu tư kinh doanh sản xuất nào sánh kịp đã đẩy tới những thủ đoạn đen tối của các nhóm lợi ích.

Cứ ngỡ rằng, từ buổi “rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi) ấy, nông dân, người trĩu trên vai mình gánh nặng nhất của công cuộc dựng nước và giữ nước, sẽ có được sự đền bù xứng đáng với máu xương của cha anh họ, với sức lực của chính họ đã bỏ ra cứu nguy cho nền kinh tế đi vào khủng hoảng trầm trọng, khi mà công nghiệp, dịch vụ và đô thị đều rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm. Chỉ bằng sự bền bỉ, nhẫn nại của nông dân mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng, đưa lại những khởi sắc! Nhưng rồi, những thành quả của Đổi Mới, của công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa thì chỉ đến nhỏ giọt với nông dân và nông thôn. Và không chỉ thế, hệ lụy trực tiếp đến với họ, oái oăm thay, từ quá trình nói trên là nhỡn tiền, mà gay gắt nhất là chuyện mất đất. Ấy thế mà, động đến vấn đề đất là động đến cái khát vọng ngàn đời của họ. Các cuộc khiếu kiện kéo dài triền miên có nguồn gốc từ khát vọng bao đời đó bị động chạm. Phản ứng dây chuyền của chuyện đất đai mà tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ là nhờ mạng lưới thông tin đại chúng với internet nối mạng toàn cầu.

Thế rồi, cuộc sống đang chứng kiến sức năng động xã hội đang từ âm ỉ đến bột phát. Những “bàn chân nổi giận” xuống đường trong các vụ khiếu kiện đang đặt ra những câu hỏi mới cho những ai quan tâm đến thế cuộc và vận mệnh đất nước. Để giải đáp thỏa đáng những câu hỏi ấy, tư duy của người có trách nhiệm phải được chiếu rọi bởi một ánh sáng mới. Liệu cái ánh “sáng lòa” mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi nói kia đã đủ làm sáng tỏ thời cuộc hay cần phải có thêm cái ánh sáng từ bộ óc lớn của Victor Hugo từng mở đường cho thời đại văn minh: “Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì? […] Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó”.

Từ nhận thức đó mà đại văn hào Pháp khuyến cáo: “Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý” **! Liệu cái “chân lý” mà V. Hugo nói đến có phải là chân lý đang tiềm ẩn trong sự vận động của lịch sử đẩy tới tốc độ của dòng sông cuộc sống.

Rõ ràng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là một bước đi tất yếu của lịch sử để nông thôn và nông dân thoát khỏi thực trạng ì ạch “con trâu đi trước cái cày theo sau” với nền độc canh lúa trên những mảnh ruộng manh mún. Đô thị hóa cũng là một giải pháp góp vào việc chuyển đổi cơ cấu lao động và ngành nghề, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao trình độ cho người lao động nông thôn trước đây đang từng bước làm quen với những ngành nghề lao động mới. Thế nhưng, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa thế nào là cả một đại vấn đề trong một xã hội sản xuất nông nghiệp với tập quán “nông vi bản”.

Phi nông bất ổn không là một nhận thức đã bị vượt qua, mà đang là một thách thức đối với cung cách tư duy đương đại. Nói đến nông nghiệp, nông dân thì vấn đề cốt lõi vẫn là vấn đề đất. Thế nhưng, nói đến công nghiệp, đến đô thị, dù có “hóa” kiểu nào, theo cách nào, nếu không có “đất”, một nhân tố quyết định của “kết cấu hạ tầng” thì cũng chỉ là nói trên giấy.

Mà động đến “đất” cũng có nghĩa là động đến vấn đề gay cấn nhất, cam go nhất trong đời sống xã hội, một xã hội còn đến hơn 70% dân số găn bó với nông thôn. Vì vậy, đã quá muộn, song muộn còn hơn không, vấn đề nông dân liên quan đến quyền sở hữu đấtcái không thể sinh sôi nảy nở trong khi người thì cứ tăng mãi lên gắn liền với chuyện đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa – phải đặt ra một cách nghiêm cẩn đúng tầm vóc của một quyết sách lớn, không chỉ liên quan đến định hướng phát triển đất nước, mà còn tác động lớn đến kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội.

Trong dòng chảy lịch sử với những biến tấu nâng dần lên về lượng và chất của tâm trạng nông dân, chỉ tạm dừng lại ở cột mốc “Sự kiện Thái Bình 1997” mười lăm năm trước “Sự kiện Tiên Lãng 2012” và những gì đang tiếp diễn và lan rộng không dừng lại chỉ ở một vài điểm “nóng”, để thấy cho ra “những phản ứng của làng quê trước những hình thái mà lịch sử đương đại đặt vào nó”! Chính ở đây đòi hỏi một tầm vóc tư duy mới vượt lên khỏi những lợi ích cục bộ và phiến diện có thể đẩy tới nhưng xung đột xã hội với những hậu quả khó lường!

Có thể nói dòng sông cuộc sống nói ở trên đang trải qua những bước gấp khúc, ở đó đang xuất hiện những đoạn “nước xoáy”! Tại đó, váng bẩn nổi lên nhiều và dạt vào bờ, con mắt trực quan rất dễ nhìn thấy. Nhưng, sức cuộn chảy từ bên dưới thì lại không dễ nhận ra! Vậy mà, những sục sôi trên bề mặt thật ra là do sức dồn nén trầm tích từ sức cuộn chảy bên dưới. Sức cuộn chảy từ bê dưới ấy đang quyết định tốc độ của dòng chảy.

Phải có đôi mắt tỉnh táo nhìn cho ra những cái gì đang và cái gì sẽ xảy ra để có quyết sách đúng, nhất là không được để cho những quyết sách đó bị khúc xạ qua lăng kính của những nhóm lợi ích thao túng quyền lực. Những cái đang xảy ra ấy đúng là đang chuyển động từ tự phát sang tự giác về quyền của chính mình. Nếu quyền ấy bị tước đoạt một cách phi pháp nhân danh những gì to tát mang tính lừa mị sẽ không còn làm lóa mắt họ nữa, họ sẽ quyết liệt đấu tranh. Khi nhà đại văn hào Pháp đòi hỏi “Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc phải chăng là lúc ông nghĩ đến “cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời” một khi họ đã nhận ra được quyền của họ.

Với người nông dân Việt Nam, quyền ấy đã được trịnh trọng tuyên bố từ “Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quyền ấy được ghi trong Hiến Pháp. Với họ, vấn đề đất đai, khát vọng bao đời của họ đang đối diện với những nghịch lý cần phải được kiến giải một cách sòng phẳng và công khai. Đó là một đòi hỏi chính đáng mà cuộc sửa đổi Hiến pháp đang tiến hành phải đặt ra, và Luật đất đai nhằm giải quyết những nghịch lý về đất để đáp ứng khát vọng ngàn đời của người nông dân nên được thông qua sau khi có Hiến pháp mới tiếp thu đầy đủ trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Quá trình tiếp thu và sửa đổi Hiến Pháp, cùng với chuyện “đại sự” đó là lấy ý kiến về Luật đất đai mà người cần được hỏi và được tỏ bày một cách công khai, minh bạch là người nông dân, chủ thể của ruộng đất, mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi và cả máu của cha anh họ. Và quá trình hỏi ý kiến, lắng nghe ý chí và nguyện vọng của người nông dân đồng thời cũng là quá trình nâng cao ý thức của người nông dân về quyền của họ, “quyền không ai được xâm phạm” mà Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dõng dạc tuyên bố với thế giới. Đấy cũng là quá trình mà đại văn hào Pháp chỉ ra “Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc”.

Hội Nông dân, một hình thái của Xã hội Dân sự, sinh ra là để làm chuyện này. Nếu chưa làm thì đây là lúc nên làm. Làm để giải tỏa nghịch lý và đáp ứng khát vọng của người nông dân.

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

* Bài đăng trên báo NÔNG THÔN NGÀY NAY số ra ngày 30.4.2013. Đây là bản gốc, khi đăng đã bỏ đi nhiều đoạn.

** Victor Hugo. Những người khốn khổ. Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM, 1999, tr. 358, 359

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn