Trao đổi với quý độc giả

Phan Thành Đạt

Kính thưa quý ông quý bà

Cách đây vài ngày trang bauxitevietnam có đăng bài viết của tôi với nhan đề «Một vài suy nghĩ về học thuyết Mác-Lênin»

Trong bài viết tôi có trích dẫn tác phẩm Hitler đã nói với tôi, Hitler m’a dit của Hermann Rauschning. Với mong muốn thể hiện là người viết có trách nhiệm cho dù trình độ hiểu biết có hạn, tôi muốn gửi đến quý vị mấy lời nhận xét về cuốn sách này.

Hitler m’a dit xuất bản tại Pháp năm 1939, đây cũng là thời kì đầu của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, (1939-1945). Tác giả của cuốn sách là Hermann Rauschning, một cựu quan chức của Đức quốc xã, ông là nhà tư sản giàu có, đã tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, bị thương trong chiến tranh, ông phụ trách công việc hậu cần ở bộ chiến tranh, sau đó trở thành chủ tịch nghị viện Danzing. Ông là người có nhiều dịp tiếp xúc với Hitler và biết khá rõ về nhân vật này kể từ khi Hitler bắt đầu tham gia chính trị và trở thành lãnh tụ của đảng quốc xã đầu năm 1933. Hitler được gần 90 % dân Đức ủng hộ qua cuộc trưng cầu dân ý, và trở thành lãnh đạo của nhà nước Đức quốc xã, le III Reich.

Hitler m’a dit thuật lại những buổi tiếp xúc giữa Hitler và Hermann Rauschning. Cuốn sách này nêu ra khá nhiều vấn đề quan trọng như các kế hoạch quân sự của Đức quốc xã ở phạm vi Châu Âu và thế giới: Kế hoạch đánh chiếm nước Nga, kế hoạch chiếm Ai Cập và Châu Phi, những bình luận về nhà nước Đức quốc xã... Cuốn sách này gây khá nhiều tranh cãi, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu của Pháp và Anh đánh giá độ tin cậy của cuốn sách, các nhà sử học Thụy Sĩ phê phán độ xác thực của nó, vì họ cho rằng Hermann Rauschning chỉ tiếp xúc với Hitler có 4 lần, không thể biết rõ toàn bộ quan điểm của Hitler qua hơn 150 trang sách, có nhiều ý kiến cho rằng, tác giả nhớ lại các cuộc tiếp xúc với Hitler và quan sát thêm các diễn biến chính trị để viết cuốn sách này, cũng có người cho rằng cuốn sách này bịa đặt... Hitler là nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX, nên những nhận định về nhân vật này rất khác nhau, và gây nhiều tranh cãi. Thậm chí có những tổ chức phát xít mới, cực đoan còn lấy Hitler làm hình tượng.

Tôi trích dẫn cuốn sách Hitler m’a dit vì một số lí do sau đây: Trước hết tôi biết đến cuốn sách này, khi đọc tác phẩm La grande parade, cuộc thao diễn vĩ đại của viện sĩ hàn lâm Pháp, Jean-François Revel, cuốn sách được xuất bản năm 2000, là sách của Viện Hàn lâm Pháp. Jean-François Revel là nhà trí thức uyên bác, các tác phẩm của ông đã được dịch ra 20 thứ tiếng, ông là một nhà nghiên cứu có uy tín về triết học và chính trị. Trong tác phẩm Cuộc thao diễn vĩ đại, Jean-François Revel có nói đến cuốn sách này và trích dẫn một số đoạn.

Tôi còn biết đến cuốn sách này trong chương trình học đại học qua giáo trình các luồng tư tưởng chính trị, pensées et idées politiques của phó giáo sư Nathanie Blanche-Nöel, l’Unversité de Bordeaux. Bà có giới thiệu cuốn sách này và có đưa ra nhận định về nó.

Tuy nhiên tất cả những lí do trên vẫn chưa phải là quan trọng, điều đáng lưu ý là những ý tưởng của Hitler trong cuốn sách được Hermann Rauschning đưa ra khá đúng với thực tế lịch sử. Hitler nói đến các kế hoạch của mình mà không hề che giấu, sau đó tiến tới thực hiện chúng. Lưu ý là cuốn sách được viết và xuất bản năm 1939, thời điểm khởi đầu chiến tranh thế giới thứ 2, các kế hoạch cụ thể của Đức quốc xã, các ý tưởng của Hitler đã được cảnh báo, nhưng không ai quan tâm.

Cuốn sách Hitler m’a dit đến nay vẫn là chủ đề tranh cãi và là nguồn tài liệu được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn. Luôn có hai luồng ý kiến đánh giá cao cũng như phủ nhận nó. Điều đó dựa trên quan điểm cá nhân.

Các nguồn thông tin và các ý kiến trái chiều rất cần được tranh luận và được làm rõ nghĩa để góp phần làm sáng tỏ mọi vấn đề. Trong xã hội dân chủ, con người sẽ có dịp được lắng nghe các ý kiến khác nhau dựa trên quan điểm chính trị, văn hóa khác nhau. Con người cũng có dịp được đọc các nguồn thông tin và những bình luận đa dạng về cùng một vấn đề, do đó kĩ năng phân tích và thấu hiểu mọi chuyện cũng dễ hơn. Điều đó sẽ góp phần làm cho kiến thức của mỗi người thêm vững vàng và luôn có tư duy phản biện. Giáo dục con người trong xã hội tư bản tốt đẹp hơn trong xã hội của chúng ta vì họ tôn trọng tư duy độc lập của mỗi người.

Là cộng tác viên của trang mạng bauxitevietnam, tôi cho rằng trang mạng của các nhà trí thức yêu nước đang đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp đổi mới của đất nước, nhiều bài viết rất có chất lượng đã phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân cũng như khao khát đổi mới đất nước theo con đường ôn hòa. Nhưng tôi cũng tự hỏi không biết có bao nhiêu người biết đến trang báo này cũng như các trang báo độc lập khác để nâng cao kiến thức, bởi vì viết cho những người đã có trình độ và có nhiều cơ hội tìm hiểu các nguồn thông tin thì không có gì quan trọng, vì họ ít nhiều đều hiểu nội dung của các bài viết. Quan trọng hơn là viết để đánh thức những người khác, đặc biệt là những người có trách nhiệm với vận mệnh đất nước.

Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo.

P. T. Đ.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn