Dân chủ là gì?

Phan Thành Đạt

Định nghĩa đơn giản về dân chủ: Dân chủ là chế độ chính trị thể hiện quyền lực thuộc về nhân dân. Người dân thực hiện các quyền của mình bằng cách trực tiếp hoặc bằng cách chọn ra các đại biểu để đảm nhiệm các công việc trong bộ máy nhà nước. Dân chủ gồm hai loại dân chủ trực tiếp thể hiện quyền tham gia trực tiếp của các công dân vào các công việc quan trọng. Dân chủ gián tiếp thông qua bầu cử những người đại diện.

clip_image002

So sánh ba thể chế dân chủ ở Na Uy, Pháp và Bắc Triều Tiên.

Na Uy và toàn bộ các nước thuộc khu vực Bắc Âu được đánh giá là những nền dân chủ tiêu biểu nhất và là mô hình lí tưởng cho nhiều nước học theo. Các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, quyền bình đẳng, quyền tự do đi lại... được Nhà nước đặc biệt chú ý. Chỉ số phát triển về con người và mức độ tự do báo chí của Na Uy luôn đứng ở đầu bảng xếp hạng.

Pháp được xếp là nền dân chủ lâu đời, nhưng trên bảng xếp hạng của các nước, Pháp không đứng ở vị trí đầu, tự do đồng nghĩa với việc làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm. Điều 4 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, ngày 26 tháng 8 năm 1789 quy định: “Tự do là làm tất cả những gì không hại đến người khác, nghĩa là quyền tự nhiên của mỗi người cần có những giới hạn. Những giới hạn đó nhằm đảm bảo cho những người khác trong xã hội cũng được hưởng các quyền tương tự. Những quy định về giới hạn chỉ có thể được luật pháp quy định”.

Bắc Triều Tiên không phải là chế độ dân chủ, đây là chế độ gia đình trị và đã truyền ngôi được ba thế hệ. Người dân Triều Tiên phải sống theo nhịp sống của gia đình nhà họ Kim. Khi gia đình này muốn nhân dân nhảy múa, chào mừng sinh nhật các lãnh tụ, người dân sẽ nhảy múa, ca hát. Khi nhà họ Kim có chuyện buồn, người dân phải khóc thương lãnh tụ. Ở Triều Tiên, dù người dân bụng vẫn đói nhưng vẫn phải nhảy múa và hát ca để tỏ lòng biết ơn lãnh tụ. Người dân không có quyền bầu cử, không được bàn luận chính trị, không hiểu rõ các quyền cơ bản của mình. Mọi việc đã do lãnh tụ anh minh tính hết.

clip_image004

Tổng thống Obama nói với các nhà độc tài châu Phi: “Hãy nói cho tôi biết dân chủ đang suy thoái ở nơi nào ở châu Phi?”. Họ trả lời: “Sẽ có lí và suy nghĩ nhanh hơn, khi chúng tôi cùng trả lời ông, dân chủ đang có những bước tiến ở đâu”.

Trong các chính thể độc tài, sẽ thật buồn cười khi bàn về dân chủ, khi chính họ thích sử dụng bạo lực để đàn áp mà không cần đối thoại (hình tượng thanh kiếm), hoặc không có dấu hiệu nào hứa hẹn cho dân chủ từ phía họ.

clip_image006Dân chủ ở Mỹ: Nhân dân muốn tôi (Tổng thống Mỹ là người được nhân dân tín nhiệm, thông qua bầu cử cạnh tranh). Dân chủ ở Trung Quốc: Nhân dân sẽ có tôi (thông qua sự sắp xếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dù nhân dân có muốn hay không, Chủ tịch Nước đồng thời là Chủ tịch Đảng vẫn có quyền lãnh đạo nhân dân. Nhân dân không có quyền phản đối hay phế truất).

Dân chủ ở Mỹ gắn với quyền dân, còn dân chủ ở Trung Quốc gắn với quyền đảng, cao hơn cả quyền dân. Việt Nam vẫn theo cách lãnh đạo của Trung Quốc hay theo thể chế dân chủ trong tương lai? Câu trả lời xin dành cho những nhà lãnh đạo đang chèo lái con thuyền Việt Nam.

clip_image008

Bức tranh Tự do dẫn đường cho nhân dân (La liberté guidant le peuple) của Eugène Delacroix, 1830

Tự do dẫn đường cho nhân dân là bức tranh sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ Eugène Delacroix, được vẽ năm 1830, miêu tả sự kiện chính trị ở Paris diễn ra trong ba ngày 27, 28, 29 tháng 7 năm 1830, vào thời điểm đó, quần chúng Paris nổi dậy, nhằm xóa bỏ chế độ quân chủ thiết lập nền cộng hòa. Họ dựng các chiến lũy trên đường phố, chiến đấu chống lại quân đội. Vua Charles X và toàn bộ gia đình phải bỏ chạy.

Bức tranh nổi tiếng này hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre. Nó được coi là biểu tượng của nền cộng hòa và cũng là biểu tượng của nền dân chủ ở Pháp. Bức tranh được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, mới đây, Trung Quốc đã đề nghị Pháp mượn bức tranh này để trưng bày. Nhiều người lo ngại cho việc bảo quản bức tranh, mỗi khi nó bị chuyển ra nước ngoài để triển lãm.

Để xây dựng thành công nền dân chủ, nước Pháp phải đi qua một chặng đường dài: Từ khi nền cộng hòa được thiết lập năm 1793, sau đó đến đế chế của Napoléon được thiết lập năm 1799, người Pháp lại trở về với chế độ quân chủ, nền cộng hòa được thiết lập trở lại tử năm 1873. Sau gần một thế kỷ, nền cộng hòa thực sự mới được thiết lập bằng nền móng dân chủ vững chắc. Trong khi đó, nền dân chủ ở Mỹ và Anh được thiết lập từ khá sớm. Ở Mỹ, quyền lực được tổ chức hợp lí nhờ thương lượng và có cơ chế giám sát từ sớm; quyền lực ở cấp quốc gia và các bang được Hiến pháp phân công cụ thể. Nền dân chủ ở Anh cũng được xây dựng và củng cố trong ổn định nhờ kết hợp hài hòa giữa quyền lực mang tính biểu tượng của hoàng gia và quyền lực thực tế của Nghị viện. Ở Pháp, ít có thương lượng vì mỗi khi một thế lực lên nắm quyền đều muốn xây dựng một thể chế theo ý mình, thế lực nắm quyền phủ định những nguyên tắc được chế độ cũ xây dựng. Do vậy con đường đến với dân chủ lâu hơn vì mọi xung đột và bất đồng không được giải quyết triệt để, hoặc giải pháp đưa ra lại là biện pháp bạo lực.

clip_image010

“Độc tài có nghĩa là hãy im miệng đi, dân chủ là thoải mái được nói” là câu nói nổi tiếng của nghệ sĩ Jean-Louis Barrault, sau này nghệ sĩ hài Coluche cũng nhắc lại câu này khi bàn về dân chủ. Coluche là người sáng lập ra các tiệm ăn vì tấm lòng (les restaurants du coeur), dành cho người nghèo và những người vô gia cư. Ông cũng là người đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, với câu nói nổi tiếng: “Đừng đụng đến bạn tôi” (ne touche pas à mon pote).

Dân chủ đồng nghĩa với quyền tự do ngôn luận, mỗi người được nói ra những suy nghĩ của mình mà không sợ bị bắt bớ đe dọa. Điểm khác biệt trong chính thể dân chủ và độc tài hay độc đoán ở chỗ con người được nói theo suy nghĩ của mình và con người nghĩ một đằng nhưng phải nói một nẻo. Người Trung Quốc có câu tục ngữ: “Ở triều đình người ta hát, sau đó được thưởng rượu để uống, còn ở vùng quê, người ta uống sau đó tự hát”. Báo chí tự do thuộc quyền sở hữu tư nhân và thông tin đa chiều sẽ đảm bảo tốt các giá trị dân chủ và nâng cao trình độ hiểu biết cho con người.

P. T. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn