Suy nghĩ tản mạn về văn hóa

Mạc Văn Trang

Trong cuộc tọa đàm (22 - 01- 2014) về Văn hóa, giáo dục và phát triển nhân cách người Việt Nam… khi được giới thiệu bài “Mấy suy nghĩ tản mạn về giáo dục” của tôi vừa viết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao, Du lịch Hồ Anh Tuấn liền đặt viết bài này. Dẫu không chuyên, nhưng trước một gợi ý đầy cảm hứng, nên thành thật bày tỏ mọi nghĩ suy, chỉ mong gợi ra chút gì đó để cùng tư duy….

1. Xét về nguồn gốc xuất hiện thì CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA là gốc của mọi chuyện trong xã hội. Từ khi người vượn đứng thẳng, di chuyển bằng hai chân và biết sử dụng công cụ, hai quá trình tiến hóa, phát triển cả mặt sinh học lẫn tâm lý diễn ra dài đến 4 - 5 triệu năm mới trở thành người Homo sapiens (người hiện đại – modern sapiens). Đó là những nhóm người, về mặt tiến hóa sinh học đã hoàn thiện; về mặt tâm lý đã đạt đến trình độ: biết chế tạo công cụ, làm ra lửa, tư duy, ngôn ngữ phát triển, hình thành phân công lao động, “gia đình huyết tộc” mẫu hệ … Từ người Homo sapiens đến ngày nay chừng 3 - 4 vạn năm, về mặt giải phẫu sinh lý, không có biến đổi về chất, nhưng mặt tâm lý, nhất là trí khôn đã diễn ra quá trình phát triển liên tục, nhiều đột phá, càng gần với hiện tại càng phát triển cực nhanh… (theo Nguyễn Đình Khoa, 2001).

Có CON NGƯỜI (chỉ tính từ Homo sapiens) mới có VĂN HÓA… Văn hóa đầu tiên là chế tác công cụ, làm ra cái ăn, cái mặc, tạo ra chỗ ở…, hình thành nên VĂN HÓA VẬT THỂ (các công cụ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…; các dụng cụ săn bắn, sản xuất; hang động được cải tạo, lều, lán...). Đồng thời là phát triển ngôn ngữ, các quy định về quan hệ, tập tục, các sinh hoạt cộng đồng, hình thành nên VĂN HÓA PHI VẬT THỂ. Khi con người khách quan hóa, vật thể hóa năng lực ra bên ngoài (dưới dạng công cụ, vật phẩm, ngôn ngữ) mới ý thức rõ về bản thân, rồi tự ý thức, biết đấu tranh động cơ, tự điều chỉnh hành vi, mới hình thành nên NHÂN CÁCH. Người đi trước có nhiều kinh nghiệm về hai lĩnh vực văn hóa nói trên, đem truyền thụ kinh nghiệm đó cho những người thiếu kinh nghiệm (chủ yếu là trẻ mới lớn), tức là xuất hiện GIÁO DỤC. Thoạt đầu giáo dục diễn ra trực tiếp, dùng công cụ, ngôn ngữ, hành động, thao tác để truyền dạy kinh nghiệm. Về sau cộng đồng phát triển, nhất là xuất hiện chữ viết, việc giáo dục mới trở thành một hoạt động được tổ chức, thành “lớp học”… Sản xuất phát triển, phân phối, trao đổi, lưu thông vật phẩm dồi dào, tổ chức xã hội phát triển… mới hình thành hoạt động KINH TẾ rồi CHÍNH TRỊ theo đúng nghĩa…

Tiếp cận lịch sử như vậy sẽ thấy rõ CON NGƯỜI và VĂN HÓA là gốc, chi phối tất cả đời sống xã hội. Mọi hoạt động đều do con người tiến hành; mọi hoạt động đều mang bản chất văn hóa. Nhưng khi hoạt động kinh tế, chính trị lớn mạnh, tiềnquyền có thể làm phát triển rực rỡ nền văn hóa, hoặc cũng có thể hủy hoại, làm biến dạng, suy đồi nền văn hóa… Quyền và tiền xét đến cùng, cũng chỉ là phương tiện, cái quyết định vẫn chính là con người, gốc văn hóa của con người.

2. Loài người, chủ yếu có ba loại kinh nghiệm, ba loại văn hóa gốc, đó là: chế tạo và sử dụng công cụ; phát triển các hình thức sinh hoạt cộng đồng; tổ chức, quản lý xã hội.

Thoạt đầu thì các tộc người Homo sapiens có trình độ xuất phát gần như nhau, nhưng về sau do nhiều điều kiện khác nhau đã tạo ra sự phát triển không đồng đều về cả ba lĩnh vực kinh nghiệm nói trên.

- Việt Nam tự hào có hơn 4.000 năm lịch sử tồn tại, phát triển, nhưng về mặt CHẾ TẠO CÔNG CỤ thì cho đến nay liệu ta đã có đóng góp nào vào kho tàng chung của nhân loại một cái gì chưa? Thử nhìn xem, từ cái ghim giấy, cái bấm móng tay, cái gọt bút chì, cái đinh vít, cái mở nút chai, cái vòi nước, cái đèn điện đến cái hố xí bệt, cái xe đạp, xe máy, ô tô cho đến cây cầu sắt, ngôi nhà cao tầng, tàu thủy, máy bay, tàu ngầm, súng lục đến súng đại bác, tên lửa, vệ tinh… đều không phải do ta nghĩ ra. Ta đã từng làm được trống đồng, đồ gốm, nhiều nhạc cụ tinh xảo…, nhưng tất cả bộ mặt văn minh của xã hội Việt Nam ngày nay là nhờ vào những phát minh, chế tạo và sử dụng công cụ của phương Tây rồi ta bắt chước. Ta có thể tự hào về lĩnh vực này không? Nên tự nhận là quá lạc hậu, vô cùng kém cỏi, cần phải khiêm tốn và khẩn trương học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của nhân loại mới hy vọng “phát triển nhanh và bền vững”!

- Lĩnh vực SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG của dân ta có lịch sử lâu đời và hết sức phong phú, đa dạng. Ta có quyền tự hào đôi chút, vì trong đó có một số đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại, như 09 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Sinh hoạt, giao lưu cộng đồng là loại hình văn hóa hết sức quan trọng, thậm chí Lewis Mumford (1895 - 1990) còn cho rằng loài người từng dành nhiều thời gian cho giao tiếp cộng đồng hơn cả thời gian chế tạo công cụ. Chính sinh hoạt cộng đồng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên con người văn hóa độc đáo không lẫn với các dân tộc khác. Đây là vốn văn hóa vô cùng quý giá làm nên bản sắc dân tộc, phải được chắt chịu gìn giữ, truyền đời.

- Về TỔ CHỨC, QUẢN LÝ XÃ HỘI, nhân loại đã trải qua các phương thức tổ chức quản lý từ gia trưởng, nô lệ, phong kiến, tư bản man rợ, quân phiệt độc tài, tư bản phát triển, xã hội chủ nghĩa (Liên Xô)… Kinh nghiệm của nhân loại cho thấy mô hình tổ chức, quản lý xã hội tiến triển theo hướng ngày càng tôn trọng cá nhân con người nhiều hơn, dân chủ, tự do nhiều hơn; pháp trị nghiêm minh, công khai, minh bạch, bình đẳng hơn… Bộ máy quản lý xã hội tinh giản, hiệu quả hơn; chính quyền hướng đến phục vụ dân, được chọn lựa, giám sát và phế truất bởi dân... Những phương thức tổ chức, quản lý xã hội đi ngược với xu thế tiến bộ của nhân loại, dù ngoan cố đến đâu, cuối cùng cũng bị lịch sử đào thải. Về mặt này, ta đang đứng ở nấc thang nào của nhân loại về văn hóa tổ chức, quản lý xã hội và cần học hỏi những gì từ các quốc gia phát triển, thiết nghĩ không cần phải nói! Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn rất mạnh phải “đổi mới thể chế”. Chỉ cần thực lòng học hỏi các nước có mô hình tổ chức, quản lý tiến bộ, hiệu quả để vận dụng hợp lý vào nước ta, chắc chắn văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ có chuyển biến căn bản.

Phân tích sâu hơn nữa và so sánh phát triển văn hóa giữa các nước, ta sẽ tránh ngộ nhận, hiểu rõ trình độ phát triển văn hóa của mình đang ở đâu và cần cải cách theo hướng nào.

3. UNESCO công nhận những di sản văn hóa nào của ta là di sản của nhân loại?

- Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may chưa bị phá hết! Liệu từ Cách mạng 1945 đến nay có công trình nào đáng hy vọng để sau này đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới? Tôi nghĩ, địa đạo Vĩnh Linh và địa đạo Củ Chi cần được bảo tồn như di sản quốc gia và có hy vọng…

- Có 09 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESO công nhận là di sản của nhân loại: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam bộ. Đó là điều đáng tự hào. Nhưng tất cả đều là những thứ được nảy sinh, duy trì từ xã hội phong kiến, thực dân; từ 1945, đã trải bao thăng trầm, may các nghệ nhân già còn sống sót để khôi phục lại! Đúng như Edouard Herriot (1872 - 1957) từng nói: “Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”!

Từ cách mạng 1945 đến nay ta đã có hàng trăm nghị quyết, chủ trương về “chống” và “xây”, hàng ngàn phong trào, hàng vạn điển hình tiến tiến về văn hóa, liệu có hy vọng một cái gì đó sẽ được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại? Tôi thấy có hai cái có giá trị hy vọng có thể đóng góp: Một là, Ngày hội văn hóa các dân tộc; hai là Tết trồng cây. Nhưng muốn những thứ đó mang giá trị nhân loại nó phải thực sự của dân, do dân trở thành sinh hoạt tự nhiên, rộng khắp, bền vững. Không mấy nước có được 54 dân tộc sống hòa thuận và làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc như thế. Nhưng nếu lại “chỉ đạo quyết liệt”, biến ngày hội văn hóa các dân tộc chỉ chuyên “Mừng Đảng, Mừng Xuân”, “Chào mừng đại hội” thì hỏng. Tết trồng cây là tầm nhìn văn hóa tuyệt vời của Cụ Hồ; nhưng nếu lại chỉ tổ chức mít tinh, “phát động” rầm rộ, “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân”, trồng xong “mười cây chết chín, một cây cụt đầu”; rồi mấy vị quan chức com-lê-cà-vạt giả vờ xới xới, tưới nước vào cái cây đã được người ta trồng sẵn và đeo biển tên lãnh đạo vào… thì vứt! Mỗi Tết trồng cây, cộng đồng mỗi địa phương tự nguyện cùng nhau trồng cây phủ kín một khu đất trống, đồi trọc rồi chăm sóc cho nó tốt tươi; hàng năm lại trồng mới nhiều cây nữa và chăm sóc đến nơi đến chốn, làm cho cây xanh được phủ khắp, môi trường được cải thiện, trồng và bảo vệ cây trở thành ý thức, nếp sống của người dân… Tất cả phải tự nhiên, thường tồn, của dân, do dân, hiệu quả, bền vững, mới hy vọng!

4. Sự lộn xộn, suy đồi về văn hóa - xã hội hiện nay có một nguyên nhân sâu xa từ khủng hoảng hệ tư tưởng, đảo lộn các giá trị.

Toàn dân miền Bắc từ những năm 1954 và miền Nam sau năm 1975 đã được “toàn hệ thống chính trị” truyền bá bằng mọi biện pháp để xóa bỏ tận gốc rễ những cái cũ, cả văn hóa vật thể (đập bỏ đình chùa, tịch thu ruộng đất tư, đốt sách báo của chế độ cũ…) lẫn văn hóa phi vật thể (xóa bỏ những quan niệm cũ, niềm tin, giá trị, phong tục cũ, nhiều tên phố, tên làng, tên tỉnh cũ…) để “xây dựng hệ tư tưởng mới, nền văn hóa mới, con người mới”… Ba cuộc cách mạng được đồng thời tiến hành: quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, văn hóa tư tưởng, đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội. Suốt quá trình hàng nửa thế kỷ qua, toàn xã hội Việt Nam liên tục trải qua những thí nghiệm THỬ VÀ SAI lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Những cái gì trước phê phán nhiều nhất, nay lại lên ngôi mạnh nhất. Giai cấp công nông từng được lên mây xanh, nay thực tế lại trở về đáy của xã hội!... Cùng với nội tình đó là hệ thống xã hộ chủ nghĩa thế giới sụp đổ cả về thực tiễn lẫn lý luận. Như vậy, làm sao lòng người không chao đảo? Chỉ những ai vẫn trơ như đá mới thật lạ kỳ!

Con người tạo ra văn hóa, hưởng thụ văn hóa bằng các hoạt động thực tiễn, được điều khiển bởi thế giới nội tâm rất phức tạp. Cho nên một khi những quan niệm, lý tưởng, niềm tin đã tan biến, người ta phải lấy tất cả những gì đang có: “duy tâm”, “duy vật”, “thực dụng”, “hiện sinh”, “mê tín”, “Nho”, “Lão”, “Phật”… lấp đầy vào chỗ trống đó. Các quan niệm, niềm tin, tình cảm, giá trị, động cơ, thái độ mỗi người, mỗi nhóm người trong xã hội theo một hướng, bị điều chỉnh bởi những động lực trái ngược nhau thì sao có sự đồng thuận xã hội, làm sao có được động lực chung và nền nếp, kỷ cương xã hội! Bao nhiêu chuyện mâu thuẫn, vướng mắc cả trong lý luận lẫn thực tiễn đang phơi bày ra: đảng viên hỏi, tổ chức không trả lời được; con hỏi cha, trò hỏi thầy, dân hỏi cán bộ… không trả lời được, hoặc đùn đẩy, hoặc trả lời mập mờ, loanh quanh khiến không những không thể tin tưởng mà còn gây thêm bối rối, mất lòng tin hơn! Nhiều thông điệp của các lãnh đạo cấp cao phát ra, hé mở những hy vọng tốt đẹp, thì ngay lập tức những hành động, thái độ của các cấp cơ sở thực thi, làm trái ngược hẳn lại!?...

Chỉ có thể tạo ra sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc thật sự khi tất cả đều hướng đến những giá trị chung mà không còn kỳ thị, phân biệt đối xử, nghi kỵ lẫn nhau. Các giá trị chung chủ yếu là:

- Tổ quốc trên hết, độc lập của đất nước, tự do của nhân dân là giá trị cao nhất, không một phe nhóm hay một người nào được phép vi phạm điều đó;

- Đổi mới thể chế phải theo mô hình tiến bộ của nhân loại, đã được chứng minh từ thực tiễn của nhiều nước đi trước; một con đường, một mô hình, một thể chế mà nhân dân tin tưởng. Một chính quyền và cơ chế đảm bảo: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”;

- Một đường lối dân chủ, tự do, bao dung, nhân ái đem lại hòa hợp dân tộc, “thống nhất nhân tâm”, quy tụ lòng người, tạo ra đồng thuận xã hội…

- Một thể chế pháp luật được thượng tôn, quyền lực được kiểm soát, công khai, minh bạch, không một phe nhóm, cá nhân nào được phép đứng trên, đứng ngoài pháp luật…

- Một phương thức quản lý đời sống văn hóa xã hội thay vì áp đặt, rập khuôn, đồng loạt, thi đua dối trá, tạo ra cho các cộng đồng dân cư, các đơn vị, các cá nhân quyền tự chủ, tôn trọng sự khác biệt, tự do sáng tạo, nói và làm trung thực, tự do “mưu cầu hạnh phúc”…

Hôm 13-01-2014, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận nói tại Viện Khoa học Giáo dục, có một câu hay, đại ý: Vấn đề cơ bản của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là hướng đi, đường đi; anh đi đúng thì chỉ đi 10 km là người ta thấy đúng, thấy tin rồi; anh đi sai thì đi cả 100km cũng chẳng giá trị gì, càng đi, càng sai! Đổi mới thể chế văn hóa, xã hội, xây dựng tư tưởng, niềm tin… cũng cần theo cách đó.

5. Đời sống văn hóa của mỗi cộng đồng dân cư cần được nhìn nhận như một cấu trúc tổng thể các yếu tố thường tồn làm nên văn hóa.

Mỗi cộng đồng dân cư đều có hệ thống những thiết chế văn hóa được hình thành, gắn kết bao đời với nhau không thể thiếu, như: mỗi dòng họ đều có Từ đường, mộ Tổ, gắn với một ít đất chung; mỗi làng, xã, bản mường… đều cần có: trụ sở chính quyền, trường học, trạm xá, đình, chùa (hoặc nhà thờ…), chợ, nghĩa trang, chỗ vui chơi của thanh thiếu niên; đều có những “lệ làng”, những tập tục, lễ hội… Đó là những thiết chế làm nên đời sống văn hóa - xã hội thường tồn của cộng đồng qua bao nhiêu đời. Thế mà chính quyền nhiều nơi chẳng quan tâm gì đến nơi giữ trẻ, trường học, trạm xá phục vụ cho dân; đình chùa hầu hết bị phá đi, làm lại, mất hết giá trị truyền thống; nhiều chợ bị chính quyền dẹp bỏ, dân phải tự tìm cách nhóm họp thành “chợ tạm”, “chợ đuổi”, “chợ chui”… Nhiều nghĩa địa bị “giải tỏa” khiến dân bức xúc; những nghĩa địa còn lại chẳng được quản lý đúng đắn, khiến xảy ra tình trạng mạnh ai nấy xây mồ mả. Nhìn vào cái nghĩa địa ở nông thôn đủ thấy sự phân hóa đẳng cấp bát nháo của xã hội. Chung quy tiền và quyền phô trương sức mạnh bằng những từ đường hoành tráng, lăng mộ ngạo nghễ, quái dị, đè bẹp hết những nấm mồ người bình dân. Chỉ nhìn vào đó cũng thấy một tình trạng vô văn hóa, sự bất công xã hội, những hố sâu ngăn cách giữa các nhóm thành viên của cộng đồng dân cư.

Các sinh hoạt văn hóa của mỗi cộng đồng đã trở thành nếp sống của dân cư cần được tôn trọng để người dân tự biết tổ chức sao cho phù hợp với họ, tránh chỉ đạo rập khuôn, cấm đoán tùy tiện. Nhưng quản lý nhà nước cần hướng dẫn bỏ dần những tập tục không còn phù hợp với pháp luật (tảo hôn), hay phản văn hóa so với những giá trị chung của nhân loại hiện nay (như lễ hội đâm trâu, chém lợn đầu xuân…).

Ở những nơi hình thành cộng đồng dân cư mới (khu công nghiệp, đô thị, di dân…), ngoài những trụ sở đảng, ủy ban, công an (thường rất hoành tráng), cần đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường học, bệnh xá, chợ, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, địa điểm tâm linh, nghĩa trang cho dân… Có những thiết chế văn hóa - xã hội đó mới hình thành nên cộng đồng dân cư và dần dần hình thành nên cái văn hóa chung của cộng đồng và đó là môi trường để hình thành nên con người văn hóa gắn bó với cộng đồng.

Những “khu phố văn hóa” hiện nay chủ yếu mang tính phong trào, một hình thức quản lý xã hội của chính quyền, nó thiếu các yếu tố tạo nên đời sống văn hóa chung của cộng đồng.

Các “làng văn hóa” hay 19 tiêu chí xây dựng “nông thôn mới” chủ yếu là những tiêu chí về kinh tế - chính trị - xã hội hơn là văn hóa. Ở đó không đề cập đến đình chùa, nhà thờ, sinh hoạt văn hóa tâm linh hay các lễ hội văn hóa của cộng đồng, các giá trị truyền thống cần bảo tồn, phát huy… Những “khu phố văn hóa” và làng “nông thôn mới” như vậy, chủ yếu chỉ thấy phần xác mà không có phần hồn văn hóa!

6. Văn hóa nghề nghiệp phải từ “làm nghề gì ăn nghề ấy” trở thành “làm nghề nào ra nghề ấy”!

Mỗi nghề nghiệp sinh ra, tồn tại và mất đi hay phát triển đều xuất phát từ nhu cầu của xã hội, chẳng nên phân biệt nghề này “cao quý” hơn nghề khác. Mỗi nghề đều có sứ mạng, chức năng, nhiệm vụ, đạo đức, yêu cầu, giá trị nghề nghiệp của nghề đó. Thể chế bất cập, quản lý xã hội sai lầm đã dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức nghề nghiệp, hình thành nên thứ “triết lý” “LÀM NGHỀ GÌ ĂN NGHỀ ẤY”. “Ăn” ở đây là ăn chặn, ăn gian, ăn bẩn, ăn bất chính, ăn hối lộ… Thời bao cấp, những nghề phân phối lương thực, thực phẩm, cung cấp hàng hóa thiết yếu là những nghề “thơm”, nghề “ăn” trong xã hội. Người làm những nghề ấy không chỉ “ăn” chênh lệch giá giữa “cung cấp” và “tự do” mà còn có oai quyền ai “xin” thì “duyệt cho”… Có lần anh bạn tôi bực tức với chị bán thịt, quát lên: “Chị bảo làm nghề gì ăn nghề ấy, thì cho chị đi đổ thùng xí!” (hồi đó chưa có hố xí tự hoại). Nhưng thực tế, người đổ thùng xí vẫn tìm cách “ăn được”. Sáng sớm, họ cứ đỗ “xe thùng” ở trước các hàng phở, hàng cà phê… đang sắp đông khách. Thế là chủ nhà hàng vội chạy ra giúi ít tiền để họ rời xe ra xa!... Những người công nhân thì lấy cắp mấy cái ốc vít, tí xi măng, cuộn dây thép bỏ trong cạp lồng cơm đã ăn xong… Từ ngày đổi mới nhu cầu xã hội bung ra, những nghề cấp phép, thu thuế, ký duyệt dự án, thanh tra… mới “ăn dày”, “ăn bội thực”… Các nghề khác, hưởng đồng lương đói rách kinh niên, thấy vậy cũng phải tìm cách “ăn”. Như lời một cán bộ xã nói: “Việc dễ không gây khó, lấy chó gì mà ăn!”. Thế là “toàn hệ thống chính trị” bất kỳ ai ở vị trí nào cũng tìm cách tạo ra “quyền” làm khó cho đối tượng phục vụ để được “ăn”! Quyền bé thì ăn vặt, ăn bé; quyền lớn thì ăn to, ăn dày… Người không được ăn thì tức tối, tìm cách phá. Thế rồi người “phá” cũng được chia phần để nguôi ngoai “đồng cảm”! Thê thảm nhất là thầy thuốc “ăn” bệnh nhân, thầy giáo “ăn” học trò, quan tòa “ăn” khổ chủ, thầy tu “ăn” tín đồ, người đi cứu trợ “ăn” nạn nhân!... Ai không “ăn” được người khác thì “ăn” vào công quỹ, “ăn” thời gian để làm việc riêng. Ai không ăn được gì thì ăn trộm, ăn cướp!... Người làm nghề hầu như chẳng gắn bó say mê với sứ mệnh, lý do tồn tại vì xã hội của nghề, mà chỉ mượn nghề như một vị trí, một phương tiên để kiếm ăn! Người ta bỏ nhiều tiền ra chạy chức chạy quyền, thực chất là “đầu tư” để kiếm lời. Sự tha hóa nhân cách nghề nghiệp, văn hóa nghề nghiệp diễn ra âm thầm, trường kỳ dai dẳng mà thật khủng khiếp. Nhân cách văn hóa người làm nghề, hầu hết tha hóa, biến dạng, méo mó! Ai sống thật với nghề thì vật vờ, lạc lõng như ở bên lề xã hội!...

Để cho “LÀM NGHỀ NÀO RA NGHỀ ẤY cả về phương diện pháp luật lẫn văn hóa đạo đức là một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài, chứ không thể bằng mấy cái chỉ thị “cấm nhận phong bì”, mấy cuộc vận động “phê, tự phê”, “học tập làm theo”, “dấy lên phong trào thi đua”… Trước hết cần:

- Thấy rõ các chủ tư nhân bao giờ cũng tìm kiếm những người có phẩm chất, năng lực tốt, làm việc hiệu quả để thuê mướn và trả lương xứng đáng để họ sống đàng hoàng, yên tâm gắn bó với công việc; đồng thời loại bỏ ngay khỏi bộ máy, những người kém đức, bất tài, vô tích sự, ăn hại. Vậy thì hãy chuyển sang tư nhân tối đa những gì có thể tư nhân hóa được, để tạo ra cuộc cách mạng về quản lý sử dụng con người và các nguồn lực khác hiệu quả hơn. Tất nhiên nhà nước phải hỗ trợ những ngành nghề cần cho xã hội mà đang gặp khó khăn; phải có luật pháp và cách kiểm soát để chủ tư nhân không làm bậy. Cái này nhân loại có nhiều kinh nghiệm thành công rồi, ta thật lòng muốn học thì không khó.

- Thay đổi lại cách nhìn và cách đào tạo, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực của xã hội. Giáo dục phổ thông đã cần hướng nghiệp và phân hóa để mỗi học sinh chủ động, hiểu mình, biết về nghề nghiệp trong xã hội để lựa chọn, quyết định phù hợp; mỗi cơ sở đào tạo đều ý thức rõ, chủ động tuyển chọn, đào tạo nhân lực hướng vào nhu cầu, yêu cầu của những nhóm khách hàng xác định và hàng hóa sức lao động đào tạo ra cạnh tranh được trên thị trường lao động; việc quản lý nhân lực quan trọng nhất là dùng người đúng việc, tạo cơ chế phát huy sáng kiến, phát triển tài năng và trả lương xứng đáng cho người làm nghề sống được bằng nghề chứ không cần “ăn” vào đối tượng phục vụ; có cơ chế thải loại kịp thời những người không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…

- Có một bộ luật quy định rõ yêu cầu của từng nghề (nhóm nghề) về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp từ người giúp việc gia đình đến giáo viên, bác sĩ, luật sư, nhà báo, quan chức… Luật đó cũng cần quy định rõ quyền mua, bán sức lao động chứ không phải mua bán, nhân phẩm con người; trả lương là mua sức lao động chứ không phải mua thân xác hay nhân phẩm của người bán sức lao động…

- Mại dâm cũng nên là một nghề, vì nó gắn với nhu cầu tự nhiên của con người xa xưa nhất và mãi mãi về sau; có cấm đoán, bắt bớ hết đợt này đến đợt khác cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”, mà càng làm nhơ nhớp thêm cho thân phận bao con người, cho xã hội. Là một nghề hay một công việc pháp luật không cấm và được quản lý như ở nhiều nước đã có kinh nghiệm, sẽ làm cho môi trường xã hội lành sạch hơn, người làm nghề đỡ thân phận lạc loài và nhà nước thu được thuế…

7. Giáo dục, hình thành con người văn hóa, nhân cách văn hóa.

Nhìn vào thực trạng con người Việt Nam hiện nay nhiều người quá bi quan: bao trùm lên xã hội là dối trá, ích kỷ, vô cảm, bạo lực, lãng phí, cờ bạc, nhậu nhẹt, phân hóa giàu nghèo, lòng người phân ly… Tôi thì thấy con người trong xã hội hiện nay, trộn lẫn cả những thói hư tật xấu đáng sợ với những phẩm chất, khả năng đáng khâm phục, nhiều khi chúng tương phản nhau thật bi hài. Nhân cách hiện nay đang biểu hiện tính hai mặt, tạp, không thuần nhất, khó đoán định. Không thể trừ khử từng cái “tiêu cực” và phát huy từng cái “tích cực” riêng lẻ kiểu “hai không” được, mà phải nhìn con người như một tổng thể, có khả năng biến cải, phát triển mạnh mẽ, nếu cải cách thể chế, tạo ra môi trường phù hợp. Nhiều người ở trong nước cũng giống như mọi người, nhưng ra các nước văn minh sống và làm việc, họ trở nên đàng hoàng, tự biết điều chỉnh bản thân, khắc phục cái xấu, học hỏi cái hay, cái tốt để thích ứng với môi trường sống. Hơn nữa để khẳng định mình, thể hiện giá trị khác biệt của mình, họ liền tìm cách khoe những đặc sắc văn hóa Việt với bạn bè. Nào phở, nào nem rán, bánh chưng, bánh cốm…; nào khéo tay, thân thiện, hiếu khách, tình cảm…; nào áo dài, múa nón, nhạc dân tộc, dân ca độc đáo… được bạn bè ngưỡng mộ. Và họ mới thấy tiếc nuối còn biết bao nhiêu giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc, quý giá mà họ chưa được giáo dục, chưa thể hiện ra được với thế giới. Thiếu quá, tiếc quá! Họ thấm thía rằng mình đã được nhồi nhét bao nhiêu cái vớ vẩn, chẳng giúp gì cho cuộc sống và bao nhiêu cái cần lại không được học! Cái quý giá đã có, cái tiếc nuối còn thiếu đều là văn hóa sống của con người, đều do giáo dục, tự giáo dục mà hình thành.

Nhưng giáo dục, hình thành con người văn hóa, nhân cách văn hóa là quá trình lâu dài, kiên định. “Vì lợi ích trăm năm trồng người” là triết lý đúng đắn. Cần thấy rằng mỗi thiết chế văn hóa - xã hội có những chức năng đặc thù, phải làm tốt công việc của nó một cách bền bỉ, nhất quán; đừng tưởng tất cả đồng loạt, xúm vào ào ào cùng làm một việc là tốt.

- GIA ĐÌNH là nơi đầu tiên và nơi cuối cùng con người trải nghiệm cái văn hóa làm người. Gia đình chủ yếu hình thành nên đời sống tình cảm, nghĩa vụ trách nhiệm (tình nghĩa) và cách ứng xử giữa những con người đang sống với nhau và với người đã khuất. Mối quan hệ huyết thống vẫn là mối quan hệ thiêng liêng, bền vững nhất. Bao nhiêu thứ “tình” cũng trôi đi, còn đọng lại bền sâu là tình gia tộc, huyết thống. Giáo dục tâm linh đúng đắn từ gia đình rất quan trọng. Đạo làm người phải từ nền móng gia đình hình thành, phát triển lên; nó đã hỏng từ đây thì thật khó khăn cho xã hội…

- NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG là nơi chủ yếu hướng dẫn cho trẻ lĩnh hội văn hóa chế tạo, sử dụng công cụ của nhân loại theo cách “đi tắt đón đầu” để bắt kịp bước tiến của thời đại; hướng dẫn trẻ trải nghiệm và lĩnh hội tinh hoa văn hóa dân tộc mình và các dân tộc khác; học sinh không chỉ hưởng thụ mà còn biết sáng tạo văn hóa, biết cách sống giữa người với người, giữa các dân tộc sao cho đàng hoàng, tử tế, thân ái, có lý có tình và khẳng định được giá trị văn hóa khác biệt của mình. Quá trình đó cũng đồng thời hình thành nên nhân cách công dân vừa có cái chung của nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc mình.

- TRƯỜNG NGHỀ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chủ yếu đào tạo văn hóa nghề nghiệp, nhân cách người làm nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của xã hội. Thực chất cũng là tạo ra hàng hóa sức lao động cạnh tranh thắng lợi trên thị trường lao động và biết sống một cuộc đời có ý nghĩa, có văn hóa.

- GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (học suốt đời) là giúp con người thích ứng với những thay đổi không ngừng và nhanh chóng của môi trường; giúp con người tránh là nạn nhân của những thay đổi; có văn hóa vượt qua giới hạn cá nhân, thích ứng những thay đổi của tự nhiên và với một thế giới muôn màu văn hóa, “thế giới phẳng” để sống chủ động và có ý nghĩa cho mình, cho mọi người…

- TRÊN ĐẠI HỌC không ai giáo dục được nữa, họ tự giáo dục, tự học để phát triển, hoàn thiện và một bộ phận trở thành tầng lớp tinh hoa của xã hội, “nguyên khí của quốc gia”. Vấn đề là ở chỗ thể chế và văn hóa tổ chức quản lý xã hội phù hợp thì tầng lớp này phát triển mạnh mẽ, đem lại những giá trị văn hóa đỉnh cao cho xã hội, “sánh vai cường quốc năm châu”; thể chế và văn hóa quản lý không ra gì thì họ cũng chỉ sống vật vờ, tạo ra những giá trị kiểu “văn hóa bình dân” mà thôi!

- NHÂN CÁCH VĂN HÓA ĐÔ THỊ ở ta chắc còn lâu mới có! Nhìn vào lối sống của người dân Hội An, Đà Nẵng ta có hy vọng, vì thấy được hình hài của văn hóa đô thị, nhưng ở Hà Nội chắc còn lâu lắm. Bộ mặt thành phố quá nham nhở, xô bồ; có nhiều ngôi nhà đẹp nhưng không làm nên cả con phố đẹp; có một vài con đường đẹp, vài tiểu khu đẹp, mà không làm nên cả thành phố đẹp… Nhưng tệ hại nhất là lối sống tùy tiện, cá nhân, ích kỷ, chỉ biết mình của cư dân hiện hữu khắp nơi nơi trong thành phố. Khi nào hầu hết người dân ý thức được mình là một phần của thành phố, biết tự điều chỉnh hành vi của mình để làm đẹp thêm cho thành phố, có ý thức gìn giữ danh dự, bản sắc văn hóa của hành phố, biết tránh gây phiền phức cho chung quanh và biết xin lỗi khi làm phiền người khác, mới thấy hình bóng của nhân cách văn hóa đô thị. Tại sao Hà Nội có bao nhiêu cuộc vận động, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu lệnh cấm, bao nhiêu “khu dân cư văn hóa” mà không hình thành được lối sống văn hóa đô thị? Chỉ nhìn vào cái vỉa hè, cứ đào lên, lát lại liên tục mà chưa bao giờ xứng với cái vỉa hè đô thị, đủ biết có văn hóa đô thị, còn lâu lắm!

- NHÂN CÁCH VĂN HÓA LÃNH ĐẠO. Nói chung, chỉ đào tạo được tri thức, kỹ năng quản lý chứ không giáo dục, đào tạo nên nhân cách lãnh đạo được. “Quy hoạch” cán bộ lãnh đạo lại càng khó. Những nhà lãnh đạo là tinh hoa của tinh hoa. Từ cuộc sống xã hội đầy thử thách, họ có tư chất, có chí hướng vươn lên, dấn thân trải nghiệm, tự đúc rút kinh nghiệm, tự học hỏi hoàn thiện mình, tự làm nên nhận cách có bản lĩnh lãnh đạo, có phong cách hấp dẫn, thu hút được quần chúng; có tầm nhìn xa và có vai trò vạch đường, chỉ lối, tiên phong, dẫn dắt… Nhân loại đã tìm ra phương thức hiệu quả để sàng lọc, chọn ra những người có nhân cách lãnh đạo phù hợp với yêu cầu của xã hội trong từng hoàn cảnh lịch sử. Đó là cơ chế cạnh tranh, sàng lọc quyết liệt (không phải quyết liệt với dân!); có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả, công khai và thấy ai không phù hợp thì loại bỏ kịp thời, thay ngay bằng người phù hợp hơn. Mỗi người lãnh đạo biết rõ vai trò và thân phận của mình trước xã hội; họ phải nỗ lực tự hoàn thiện và chứng minh văn hóa lãnh đạo trước nhân dân. Dân tín nhiệm thì họ tiếp tục, dân bất tín nhiệm thì họ khôn khéo rút lui mau lẹ có văn hóa, để tránh gây phản cảm cho xã hội và học hỏi từ bài học thất bại để tiếp tục tìm cơ hội tái xuất trên chính trường. Đó là điểm cơ bản của văn hóa lãnh đạo. Quy luật đào thải tự nhiên như vậy sẽ tránh dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng loạt cán bộ lãnh đạo các cấp đã mất uy tín, thành “bầy sâu” đục khoét xã hội, mà “kỷ luật hết, lấy cán bộ dâu mà làm việc” (!). Chính “bầy sâu” đe dọa sự tồn vong của đảng cầm quyền, chứ không phải ai khác! Không có biện pháp nào hữu hiệu để giáo dục được nhân cách người lãnh đạo; chỉ có thể chế giám sát khách quan, thải loại kịp thời người không đủ tín nhiệm mới răn đe được họ, khiến họ phải tự ý thức, tự học hỏi, tự điều chỉnh để xứng đáng sự tín nhiệm, tránh sự phế truất của nhân dân, sự phán xét của lịch sử… Điều ấy lại phụ thuộc vào thể chế, vào văn hóa công dân của cả xã hội. Lịch sử đã chứng minh: dù người lãnh đạo lúc mới cầm quyền rất tốt, nhưng thể chế độc tài sẽ làm người lãnh đạo tha hóa nhân cách, dẫn đến những suy nghĩ, hành động phản lại văn hóa lãnh đạo.

Con người văn hóa, nhân cách văn hóa ở ngành nghề gì, cấp độ nào cũng phải thấm nhuần những giá trị chung làm nên NHÂN CÁCH CÔNG DÂN, VĂN HÓA CÔNG DÂN. Người dân chỉ biết phục tùng mệnh lệnh, hùa theo tập thể, làm theo phong trào một cách a dua, máy móc là ở trình độ nhân cách sơ khai, văn hóa thấp kém; sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, khi mệnh lệnh không còn hiệu quả, tập thể rệu rã, phong trào tự phát… Tản Đà (1889 - 1939) viết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, rất sâu sắc, nói lên khía cạnh dân ta chưa trưởng thành về nhân cách công dân. Nhân cách công dân, văn hóa công dân phải được hình thành, phát triển, định hình từ thể chế của một xã hội công dân.

8. Văn hóa quản lý văn hóa. Tôi không rõ hệ thống quản lý văn hóa, nên xin phép gặp đâu nói đấy.

- Quản lý văn hóa phải “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu” (Tố Hữu, 1920 - 2002), không thể cắt khúc ra từng nhiệm kỳ! Cứ mỗi nhiệm kỳ lại “tân quan tân chính sách”, phải “đột phá” cái này, “dứt điểm” cái kia, dấy lên phong trào nọ… Nhiều công trình “trùng tu” phải giải quyết trong nhiệm kỳ, nên đập béng cái cũ đi, xây mới cho nhanh, mà cái khoản tài chính nó cũng nhanh, gọn, ra tấm ra miếng! Nhiều phong trào cũng phải tổng kết, báo cáo thành tích kịp thời để nhiệm kỳ có “dấu ấn”!... Nhiệm kỳ nào cũng chất chồng thành tích, đầy huân huy chương, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc… nhưng có ai hỏi cái giá trị văn hóa đọng lại được bao nhiêu?!

- Tôi không thể hiểu tại sao, mọi cấp lãnh đạo đều có quyền “phá đi làm mới” những di sản văn hóa, bất chấp giá trị lịch sử. Ở quê tôi, chi bộ (thực chất là mấy ông chi ủy) quyết định phá sạch đình, chùa, đền miếu cũ; bây giờ gạ được mấy đại gia công đức xây lại đình chùa mới, liền nhau, bê tông cốt thép! Mười hai họ trong làng xây 12 cái ki-ôt sát bên đình, thành một dãy liền kề, bằng nhau chằn chặn, mỗi cái chừng 7m2, gọi là Từ đường của mỗi họ. Bao nhiêu làng xã đã bị đập bỏ hết đình, chùa, cổng làng, cầu đá…? Mỗi ông bộ trưởng lên lại nhập, tách trường đại học này với trường kia, viện nghiên cứu này với viện nghiên cứu khác… Bao nhiêu truyền thống với những cái tên danh tiếng bị xóa sạch! Mỗi ông tổng biên tập mới lên lại thay măng-set tờ tạp chí, tờ báo! Bao nhiêu đội bóng đá danh tiếng giàu truyền thống bị xóa sạch; có những đội bóng khốn khổ, lúc ghép với tên ngân hàng, lúc xi măng, dầu khí, lúc phân bón…! Một anh trưởng phòng hành chính cũng có quyền đập bỏ cái cổng cơ quan, vứt tên biển cơ quan, xây cổng mới, thay biển mới; vứt hết bàn ghế cũ thay mới hoàn toàn… Đố ai còn tìm thấy cái bàn ghế của giáo sư Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi… từng ngồi ở cơ quan trước đây! Thử nhìn sang các nước văn minh, xem có ai làm những việc như thế không?!

- Quản lý các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học rất dễ, nếu tạo điều kiện cho họ tự do hoạt động sáng tạo; nhưng sẽ vô cùng khó khăn, vô vọng nếu cứ muốn “quản chặt, nắm chắc” lấy tư tưởng của họ, công việc của họ, sợ họ không theo mình! Cái kiểu dùng “tập thể” để áp đảo các cá nhân khác biệt không được nữa. Xử lý một cá nhân tưởng dễ, nhưng cá nhân đó đại diện cho một khuynh hướng nghệ thuật, xu hướng xã hội sẽ không hề đơn giản.

- Cái gì không quản được thì cấm là cách quản lý ấu trĩ. Cấm đoán chỉ là mặt trái của cách tổ chức một hệ thống tích cực; càng ít cấm càng chứng tỏ văn hóa tổ chức quản lý cao. Tôi xin đề nghị ngành văn hóa chịu khó thống kê xem từ 1945 đến nay, ta đã ban bố bao nhiêu lệnh “cấm” và có mấy cái kết quả? Một đề tài Tiến sĩ rất hay đấy. Tôi nghĩ có đến hàng trăm, hàng nghìn lệnh cấm từ cấp huyện, tỉnh, đến các bộ, ngành trung ương, nhưng hình như chỉ có mỗi cái “cấm đốt pháo” là có kết quả. Ai ra lệnh cấm mà không đem lại kết quả, phải chịu kỷ luật, vì như vậy là dốt, làm hỏng văn hóa quản lý!

- Không thể lấy “toàn hệ thống chính trị” thay cho các thiết chế văn hóa - xã hội được. Ông Tố Hữu trước đây từng nói: Mỹ có tên lửa ba tầng, ta có “tên lửa bốn tầng”. Đó là “con người mới” được đào luyện qua bốn tổ chức liên hoàn: nhi đồng - thiếu niên - thanh niên - đảng viên…! Vậy sao những “con người mới” được “luyện” qua “bốn tầng lò” lại thành sản phẩm như ngày nay? Hãy quản lý văn hóa bằng cách xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa - xã hội ở cộng đồng dân cư và tổ chức những sinh hoạt văn hóa như vốn nó thường tồn. Cần bớt quản lý văn hóa bằng chỉ thị, mệnh lệnh, khẩu hiệu “đồng loạt ra quân”, “dấy lên phong trào”, “thi đua thực hiện”, “chỉ đạo quyết liệt”… (Những nước không xài các món này, văn hóa của họ vẫn tốt lắm). Văn hóa là những cái tích tụ, lắng đọng, vun xới lớn dần lên mới đâm hoa kết trái, không tiền trao - cháo múc, chộp giựt, đổ khuôn ngay đươc!

- Xin bớt cờ, đèn, kèn, trống, loa đài, pano, áp phíc, khẩu hiệu… đi! Năm 1945, 1954, 1975 thì dân ta rất khoái những thứ đó, nhưng cái gì lặp lại mãi cũng nhàm chán ít tác dụng, rồi phản tác dụng! Ngay những người làm công việc đó cũng làm như máy, vô cảm, nhiều sai sót. Mà tốn kém, lãng phí sức người, sức của. Rồi một cái đền, chùa nhỏ xíu cũng có đến 5-7 hòm “công đức”, nhìn thấy ghê ghê! Mỗi đền chùa chỉ nên có một “hòm” là đủ.

- Xin bớt chính trị hóa các sinh hoạt văn hóa dân sự đi! Ngày giỗ các cụ Tổ của tôi, là Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung… vua quan đại phong kiến, mà địa phương cũng treo đầy cờ búa liềm, thì các cụ nhìn thấy hãi hết hồn, sao dám về! Tôi đã thấy nhiều hình ảnh đám cưới, buổi họp mặt đồng hương, giỗ họ, liên hoan, thi nấu ăn, tiếp thị mỹ phẩm phụ nữ, thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên… cũng cứ phải có quốc kỳ, cờ búa liềm và tượng Cụ Hồ chứng kiến!

Dân ta thường bảo “vui như Tết”, “vui như hội”, nhưng nhiều nơi những buổi tổ chức “vui Tết”, “khai hội” mà dân phải nghe đủ các cấp lãnh đạo lên huấn thị dài dòng, mất hết vui! Khổ nhất là các cháu học sinh trong ngày khai trường và tổng kết năm học, nhất là trường nào lại được huân chương hay bằng khen càng khổ; các bác lãnh đạo lên dạy “làm người” thế này thế kia, hiệu trưởng lên đáp lễ, phụ huynh lên căn dặn, học sinh lên hứa hẹn… Nhiều em ngồi nghe chán quá chọc ghẹo nhau thì bị cô chủ nhiệm lườm, đe ghi sổ liên lạc! Nhiều học sinh còn sợ nhất là sáng thứ hai chào cờ. Đứa nào có tội lỗi gì bị đem ra phán xét dưới quốc kỳ trước toàn trường!...

Ôi, văn hóa quả là mênh mông, kỳ thú, đi mãi chẳng biết đâu là bến bờ!

Xin phép dừng ở đây.

Hà Nội, ngày mồng 5 Tết Giáp Ngọ (04/2/2014)

M. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn