Về ba lần thống nhất đất nước

Đỗ Thúy Hường

Chính tôi cũng không hiểu vì sao tôi chán ngấy môn sử cho đến khi thấy nguyên nhân chính: Sử là môn khoa học, nhưng nó bị chính trị hóa để phục vụ một ý đồ.

Tôi đọc Loạn 12 sứ quân. Chỉ mất 15 phút. Rồi đọc rộng ra, về các nhân vật và sự kiện liên quan. Rất dễ tìm trong wikipedia. Hết 30 phút. Đọc xong, tôi đặt ra những câu hỏi để tôi có thể đánh giá, bàn luận, phê phán nhiều sự kiện, nhân vật. Hóa ra, thú vị ra phết.

Chán Sử, có thể do nhiều nguyên nhân khác, với tôi: 1) Sự kiện và nhân vật lịch sử bị bịa đặt, sửa, làm sai lệch… để phục vụ ý đồ không trong sáng (ví dụ bịa ra nhân vật anh hùng Nguyễn Văn Bé); 2) Bắt học thuộc mà không cho bàn luận, hoặc chỉ được bàn luận theo định hướng; 3) Sử cung cấp cho hậu thế những bài học thành công và thất bại, nhưng lại được viết để người học ca ngợi phe ta. Lịch sử đảng (80 năm) dài dòng hơn lịch sử dân tộc (mấy ngàn năm)...

Nhân 30 tháng tư, tôi xin đưa ra vài nhận định cá nhân về ba lần thống nhất đất nước – không phải để tranh luận đúng hay sai – mà để các bạn cùng hiểu vì sao tôi hết chán môn Sử.

Lần thứ nhất: năm 968

Đầu thế kỷ X, người Tàu đã đô hộ ta ngàn năm. Các cuộc khởi nghĩa chỉ giữ được chính quyền trong vòng một đời vua, rồi bị đàn áp. Cho đến năm 905, nhân bên Tàu có loạn, Khúc Thừa Dụ, vị hào trưởng ở châu Hồng (gọi theo chữ Hán là Hồng Châu – nay thuộc Hải Dương) đã nhân cơ hội mà đoạt lấy chức “tiết độ sứ”, truyền được tới 3 đời lận. Tàu cử quân sang lấy lại chức này; nhưng chỉ vài năm lại mất vào tay người Việt là Dương Đình Nghệ - hào trưởng châu Ái (nay là Thanh Hóa).

Vài giải thích: Tiết độ sứ: chức quan cao nhất cai trị nước ta, trước kia chỉ dành cho người Tàu, nay người Việt năm. Hào trưởng: người Việt có thế lực và uy tín trong một châu (nước ta hồi đó gồm 12 châu). Sau 6 năm, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn (hào trưởng châu Phong, nay là Phú Thọ) giết hại, để thay làm Tiết Độ Sứ. Khi bị hào trưởng châu Ái là Ngô Quyền (con rể Dương Đình Nghệ) đem quân ra “hỏi tội”, Kiều Công Tiễn liền cầu cứu Bắc Triều. Quân Tàu chưa tới nơi, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng (938) thắng lợi. Một người góp công lớn là Dương Tam Kha, con trai Dương Đình Nghệ đồng thời là em vợ Ngô Quyền. Thắng giặc, Ngô Quyền lên ngôi vua, lập triều đình, đặt quốc hiệu. Các hào trưởng tôn phục, gọi là Ngô Vương. Đáp lại, vua phong các hào trưởng tước “công” (chỉ dưới tước vương một bậc). Ngô vương mở ra kỷ nguyên độc lập – thể hiện sự trưởng thành về ý thức quốc gia, ý thức dân tộc – xứng đáng là một anh hùng dân tộc.

Nhận xét : Chức tiết độ sứ do Bắc Triều đặt. Khi giành được chính quyền, (905 và 931), tổ tiên ta chưa dám xưng “vua” mà vẫn chỉ xưng tiết độ sứ. Có một tiết độ sứ người Việt “tự phong” lại không đủ sức “tự giữ” - là Kiều Công Tiễn – khi bị đe dọa phải cầu quân Tàu sang cứu. Như vậy, với chức vụ cao nhất nước, lại mời giặc vào nhà, tôi cho rằng ông tiết độ sứ Kiều Công Tiễn xứng đáng “đại việt gian” đầu tiên. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ là số 2 và 3.

- Ngô Quyền không xưng là Tiết Độ Sứ (chức của Tàu) mà xưng vương – ngang vua Tàu; nói lên tinh thần độc lập, ý thức dân tộc.

Thời nay, phải “bán nước” ở chức vụ nào mới xứng là đại việt gian số 4?.

Ngô vương ở ngôi không lâu (939-944). Khi vua mất, hai con trai còn nhỏ, bị cậu (tức em ruột mẹ) là Dương Tam Kha lạm quyền 6 năm. Ông này đã đuổi thái tử Ngô Xương Ngập khỏi kinh đô, rồi tự xưng Bình Vương, khiến các hào trưởng không phục, khắp nơi nổi dậy. Con thứ Ngô Quyền là Ngô Xương Văn, được sự giúp đỡ của tướng Đỗ Cảnh Thạc và các hào trưởng trung thành, đã giành lại quyền lực, lên làm vua cùng với anh ruột, nhưng vẫn không thể vãn hồi sự ổn định. Nhiều lần hai vua phải mang quân đi đánh dẹp (gay go là cuộc đánh dẹp Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư), nhưng kết quả không đáng kể. Sau đó, Xương Ngập chết bệnh (954); rồi Xương Văn chết trận (965); khiến tình hình càng rối ren. Các hào trưởng cố giữ đất của mình và tìm cách thôn tính các hào trưởng khác. Những người hùng mạnh nhất có tham vọng làm vua. Sách lịch sử kê ra 12 vị sứ quân, trong đó có Ngô Xương Xí, Ngô Xương Văn, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ (và 8 vị khác)

Nhận xét:

Lịch sử, nếu do bên thắng cuộc viết ra, đương nhiên sẽ vơ chính nghĩa về mình và coi bên thua cuộc là “sứ quân nổi loạn”, “giặc”; hoặc “ngụy”… Còn lịch sử viết muộn cũng dễ ưu ái bên thắng cuộc – với điều kiện: Từ khi nắm được quyền cai trị, họ thật sự có công với dân tộc. Vài ví dụ: Thực chất Lê Hoàn chiếm ngôi nhà Đinh, nhưng về sau đánh đuổi được ngoại xâm; còn nhà Trần rành rành cướp ngôi nhà Lý, nhưng về sau đuổi được giặc Nguyên. Hai triều đại này vẫn được lịch sử ghi công.

Vậy nhà Đinh có công hay có tội? Theo tôi: Có công. Có công ngay từ trước khi lên ngôi vua. Thứ nhất, nội chiến kéo dài tới 24 năm (944-968), khiến nhân dân điêu đứng. Bất cứ ai, nếu chấm dứt được nội chiến, vãn hồi hòa bình… đều có công. Thứ hai, đất nước phải thống nhất kịp thời, trước khi Thiên Triều ổn định nội bộ, có điều kiện thực hiện dã tâm xâm lược - khi nhận ra cơ hội. Công này cũng thuộc Đinh Bộ Lĩnh. Thứ ba, nhà Đinh khi nắm quyền chưa bao giờ bị dân nghi ngờ có tà tâm “dâng nước cho ngoại bang”. Ngược lại, nhà Đinh đã phát triển lực lượng quân sự (với 10 đạo quân hùng mạnh, do “thập đạo tướng quân” Lê Hoàn chỉ huy), với 2 mục tiêu: dập tắt sớm các thế lực có ý đồ cát cứ và sẵn sàng chống Tàu xâm lược. Rất phù hợp với tiến trình lịch sử. Trong triều, vua Đinh biết dùng người tài (Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, sư Khuông Việt); lại biết đề cao pháp luật (nuôi hổ báo, nấu vạc dầu để trị tội) nhằm răn đe mọi ý đồ ly khai, cát cứ… Tất cả, khiến chế độ phong kiến nước ta tiến từng bước vững chắc vào thời kỳ tập quyền, non sông một mối, lòng người quy tụ, ý thức dân tộc lên cao…

Lần thứ hai: năm 1802

Khi đại công thần triều Lê là Nguyễn Kim mất (1545), quyền lực về tay con rể ông là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lo sau này hai con trai Nguyễn Kim (Uông, Hoàng) trưởng thành sẽ tranh chấp quyền lực với con mình (Trịnh Tùng) còn ít tuổi. Do vậy, Nguyễn Uông bị ám hại, khiến Nguyễn Hoàng lo sợ. Ông xin anh rể đi trấn thủ Thuận Hóa (cực nam) – giống như đi biệt xứ (1558). Để sống còn, ông chỉ có cách lấn sâu hơn nữa về phía nam. Nguyễn Hoàng và hậu duệ đã thành công Ban đầu, lực còn yếu, Nguyễn Hoàng cố giữ quan hệ tốt với Trịnh Tùng, kể cả còn gả con gái Ngọc Tú cho con trai Trịnh Tùng (là Trịnh Tráng; tức cháu lấy cô). Nhờ vậy, mãi tới năm 1627, Trịnh Tạc (con Trịnh Tráng) mới mang 200 ngàn quân đánh chúa Nguyễn, chỉ vì “không nộp thuế cho triều đình”. Số dân cả nước chỉ 10 triệu, đủ thấy sự huy động lớn mức nào. Trong 7 lần động binh, riêng Trịnh Tạc thực hiện 4 lần; đủ thấy sự quyết tâm. Cho tới khi họ Trịnh nhận ra không thể nuốt nổi cơ đồ họ Nguyễn, đành chấp nhận ai ở đâu cứ ở đó, kéo dài được 156 năm. Kết quả cuối cùng, như ta biết: Tây Sơn diệt Trịnh (1786); Nguyễn diệt Tây Sơn (1802), có công thống nhất đất nước. Sử sau 1945 chưa thừa nhận công trạng này, mà còn coi họ Nguyễn là “cõng rắn cắn gà nhà” – như chúng ta đã được học trong chính khóa.

Nhận xét:

- Họ Nguyễn có công mở nước (đất nước rộng gấp 2) có thể so với công dựng nước của họ Hùng. Tại sao sách Sử sau 1945 không thừa nhận điều này, không cho thảo luận đánh giá công lao? Theo tôi, có lẽ do các nhà chính trị đã coi nhà Nguyễn là “cõng rắn cắn gà nhà”; không muốn sửa nữa.

- Thường thì nội chiến không phân thắng bại sẽ dẫn đến chia cắt lâu dài. Thời vua Ngô, đất nước chia cắt không lâu, Đinh Bộ Lĩnh chinh phục nhanh. Lần chia cắt thứ hai, có hai cuộc nội chiến: Trịnh với Nguyễn; và Tây Sơn với Nguyễn. Lần chia cắt này tới gần 200 năm, đến nỗi dân hai miền khó nghe, khó hiểu tiếng nói của nhau. Khi chính quyền hai miền buộc phải giao dịch với nhau, trong văn thư đã gọi nhau là “quý quốc”(!).

- Nguyên nhân. Cả lần 1 và 2, nguyên nhân nội chiến đều từ nội bộ, rất khác với lần 3.

- Bên nào chính nghĩa? Chẳng bên nào; mặc dù khi Trịnh tấn công Nguyễn đều lấy danh nghĩa làm “theo lệnh vua Lê”; còn Nguyễn thì kết tội Trịnh là áp chế vua, lại mượn danh nghĩa vua để xâm lược, còn mình chỉ “tự vệ”. Trận tấn công của Nguyễn ra tận Nghệ An cũng được giải thích là “để tự vệ”.

- Thế còn Tây Sơn, có chính nghĩa? Hoàn toàn chính nghĩa khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh. Ngoài ra, Tây Sơn vẫn chỉ là một bên trong cuộc tranh chấp quyền lợi riêng với Trịnh hoặc với Nguyễn. Sử nhà Nguyễn (bên thắng cuộc) tất nhiên gọi Tây Sơn là “ngụy”. Các cố đạo gửi thư cho nhau (không dính dáng chính trị, phe phái) mô tả quân Tây Sơn như bọn cướp. Có lẽ vào lúc phong trào thoái hóa, như lịch sử đã nói về mọi phong trào nông dân lúc suy tàn.

- Nếu Tây Sơn là bên thắng cuộc? Có một thứ nhãn quan lịch sử rất ham ca ngợi các cuộc cướp ngôi, các cuộc vùng dậy (bạo lực) – cho rằng đó là cách mạng. Nhưng, lịch sử cho thấy dưới chế độ phong kiến cách mạng đúng nghĩa phải do giai cấp tư sản lãnh đạo. Khác thế, chỉ là “hữu” hoặc “tả”; cuối cùng chính quyền khởi nghĩa vẫn chỉ là phong kiến. Do vậy, cuộc nổi dậy của Tây Sơn – khởi nghĩa nông dân – dù có thành công, lãnh tụ khởi nghĩa vẫn lên làm vua, lập triều đình mới… nhưng chẳng có gì mới.

Chọn đường. Có người tiếc rằng, lẽ ra khi đã tiếp xúc nhiều với phương Tây, Nguyễn Ánh (nếu còn Hoàng tử Cảnh) có thể chọn con đường duy tân theo châu Âu. Thực ra, năm 1802, châu Á còn chìm đắm dưới chế độ phong kiến. Cách mạng tư sản Pháp Mỹ thành công mới được chục năm. Phải 60 năm sau mới xuất hiện Minh Trị ở Nhật. Con đường duy nhất của Nguyễn Ánh là làm vua. Không có chuyện “nên chọn đường nào”. Một điều mong mỏi của ông là sớm được nhà Thanh công nhận thay thế nhà Lê để có chính danh, đề phòng sự chống đối trong nước….

Lần thứ ba: năm 1975

Cách chúng ta chưa xa lắm, do vậy khi nhận định dễ lẫn lộn lịch sử với thời sự. Khác 2 lần thống nhất trước, lần thứ 3 có vai trò rất quan trọng của các yếu tố bên ngoài.

Chống Pháp (1946-1954) là chống ngoại xâm, được dư luận thừa nhận chính nghĩa. Đang đà thắng lợi (Điện Biên Phủ) Trung Quốc muốn VN là chư hầu lâu dài đã ép VN ký hiệp định Paris bất lợi. Đất nước chia cắt; đảng CS quyết thu lại miền Nam. Con đường bạo lực được quyết định dứt khoát, khi: 1) thi đua hoà bình sẽ thua, như triệu chứng ngày càng rõ ở đông Đức và bắc Triều; 2) sau khi ông Lê Duẩn từ miền Nam ra báo cáo tình hình: địch không mạnh; lòng dân không theo. Ông này thuộc nhóm chủ chiến, đa số; đánh bại nhóm cụ Hồ, tướng Võ... Liên Xô ngại VN sẽ là điểm bùng nổ, nên ban đầu chỉ giúp cầm chừng, sau mới giúp nhiều vũ khí nặng. Trung Quốc giúp nhiều, đa dạng, nhưng muốn 2 bên cầm cự càng lâu càng tốt để biến VN thành phụ thuộc hoàn toàn, làm chư hầu và vùng đệm (như bắc Triều).

Phấn chấn từ thắng lợi chống Pháp, lại thêm Mỹ đưa nửa triệu quân vào miền Nam (mang tiếng xâm lược); đảng CS động viên được dân miền Bắc xông vào phong trào “chống Mỹ xâm lược”, lập được mặt trận “giải phóng”.

Các đợt tấn công tập trung vào dịp nước Mỹ bầu tổng thống, hy vọng tổng thống mới sẽ đổi ý. Có những thất vọng ở cấp cao khi tống thống Mỹ tái cử (chứng tỏ dân ủng hộ). Thiệt hại lớn nhất là tấn công 1968, nhưng làm thay đổi nhãn quan dân Mỹ. Năm 1972 cũng thiệt hại lớn, nhất là khi cố giữ Quảng Trị. Cả hai lần, tướng Võ tránh được trách nhiệm. Đợt 1975, ông tham gia chỉ đạo, thắng ròn rã. Ông Duẩn và ông Thọ rất nhiều lần phải nuốt cục tức vào trong.

Sau khi thống nhất, đảng CS không đủ khoan dung và tôn trọng bên thua, không nhìn ra đó là đồng bào, không học được gì từ tinh thần hòa giải của cuộc nội chiến Hoa Kỳ.

Nhiều bài viết, nhiều nghiên cứu đã đi đến 2 kết luận về chiến tranh VN (1960-1975):

1) Đây là cuộc nội chiến lớn nhất, đẫm máu nhất so với các cuộc khác. Nội chiến, vì 3 triệu lính chết (và trên 10 triệu lính bị thương) là người Việt. Mỹ chết 55 ngàn, các nước XHCN giúp miền Bắc chết 6000(?) tức là chỉ chiếm 2 phần ngàn tổng số.

2) Đây là chiến tranh ý thức hệ - khác với các nội chiến thời phong kiến.

Lẽ ra…

Nếu sau cuộc chiến, cuộc sống của dân thái bình, giàu mạnh, dân chủ, hạnh phúc… dân sẽ không oán hận. Nhưng đảng CS lại áp dụng “xây dựng CNXH” bằng đúng những bài bản sai lầm gây tan vỡ Liên Xô. Quá chậm hồi tỉnh. Tỉnh nửa chừng, vẫn nửa mê, nên chỉ đổi mới nửa vời, chính do vậy đối nội thì phá sản, dân oán; đối ngoại thì phụ thuộc Tàu…

Đ.T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn