Trận đánh CHỈ ĐƯỢC THẮNG KHÔNG ĐƯỢC BẠI *

Hay là: Quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của Tướng Giáp

Lê Phú Khải

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ban đầu được đặt ở Thẩm Púa, cây số 15 đường Tuần Giáo đi Điện Biên. Vùng này có suối, thác và nhiều núi đá. Các đồng chí Lê Liêm, Đặng Kim Giang đã đi trước một tháng để chuẩn bị cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi với các đơn vị sau cùng lên Điện Biên Phủ và đi bằng xe Jeep đã ọc ạch, chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới. Đồng bào vui vẻ hoan hô cán bộ đi ô-tô ra mặt trận, chứng tỏ quân ta đã mạnh. Dọc đường đi, Đại tướng đặc biệt chú ý đến những diễn biến mới ở Điện Biên Phủ. Và, trao đổi với đồng chí cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh về cách đánh tốt nhất ở Điện Biên Phủ là tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng. Đồng chí cố vấn rất đồng ý với Đại tướng về lối đánh này.

Đến gần Thẩm Púa, đồng chí Hoàng Văn Thái ra đón, báo cáo với Đại tướng là đã trao đổi với các đồng chí trong đoàn cố vấn đi trước chuẩn bị chiến trường, là nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Theo đồng chí Hoàng Văn Thái thì sự xuất hiện của pháo binh và cao xạ pháo của quân ta sẽ làm cho địch bất ngờ lớn. Đánh nhanh thắng nhanh bộ đội sung sức, đỡ tổn thất, không phải đối phó với khó khăn về tiếp tế đạn dược, lương thực quân và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày… Khi Đại tướng hỏi cần phải giải quyết những vấn đề gì thì được hay, đoạn đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ dài 70 km là đường cho ngựa thồ, đã bỏ lâu ngày, nay đang phải sửa cho xe kéo pháo vào vị trí nổ súng. Đại tướng đã chỉ thị cho Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái phải gấp rút đưa nhanh Đại đoàn 312 vào đội hình bao vây địch, không để chúng rút chạy như ở Nà Sản trước đây.

Đi tiếp vào chỉ huy sở, Đại tướng thấy một không khí rất nhộn nhịp, ai cũng phấn khởi và chung một ý kiến: cần đánh nhanh thắng nhanh trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có thể ta giành chiến thắng trong vài ngày đêm!

Chỉ riêng Đại tướng thì thấy việc đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm vì so sánh lực lượng ta và địch trên chiến trường, không thể huy động toàn bộ lực lượng ta để tiêu diệt lực lượng địch trong một vài ngày. Nhưng khi Đại tướng đem trình bày suy nghĩ của mình với Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh thì được đồng chí Vi nói, đã gặp đồng chí Mai Gia Sinh và những chuyên gia cùng đi trước với cán bộ Việt Nam. Các đồng chí chuyên gia và các đồng chí Việt Nam đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng.

Trước tình hình đó, vì chưa có đủ sơ sở để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn nên ngày 14.1.1954, mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến trên sa bàn lớn ở Thẩm Púa, cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt. 308 được giao đánh thọc sâu từ hướng Tây, xông thẳng tới sở chỉ huy De Castries. 312, 316 đột kích hướng Đông, nơi có các cao điểm trọng yếu. Dự kiến đánh trong 2 ngày 3 đêm. Trước hết tập trung lực lượng hoàn thành kéo pháo và đưa pháo vào trận địa dã chiến. Nghe lượng pháo 105 dự trận này, ai cũng trầm trồ. Nhưng khi phổ biến kế hoạch chiến đấu, Đại tướng vẫn chuẩn bị cho bộ đội trước về tư tưởng, ông nói: “Hiện nay, địch chưa có triệu chứng thay đổi. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí” (Trang 95 sách đã dẫn).

Trước mỗi trận đánh, Đại tướng đều khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn. Nhưng lần này, ai cũng hăng hái nhận nhiệm vụ. Chỉ có người hỏi rõ hơn, không ai thắc mắc gì. Sau này mới biết, có những chỉ huy thấy nhiệm vụ quá nặng, phải lo đột phá liên tiếp, không giải quyết được thương binh và tiếp tế đạn… nhưng trước không khí hào hùng trao nhiệm vụ, không ai dám nói những băn khoăn của mình!!!

Tuy nhiên, Đại tướng vẫn chỉ thị cho đồng chí Hiếu, Chánh văn phòng của Bộ theo dõi tình hình, nghiên cứu thêm và chỉ được trao đổi riêng với Đại tướng. Đồng thời giao cho đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2 điều tra thật cẩn thận các vị trí trên cánh đồng hướng Tây, nơi được coi là mũi đánh thọc sâu. Đại tướng còn yêu cầu Cao Pha báo cáo từng ngày hiện tượng tăng quân, củng cố công sự.

Sở chỉ huy chiến dịch lúc này được chuyển từ cây số 15 vào một khu rừng ngang cây số 62 gần bản Nà Sản Tấu. Khó khăn lúc này là sau khi pháo đã được kéo bằng xe cơ giới đến cách Điện Biên Phủ 15 km, nay phải kéo bằng tay vào những trận địa trên quãng đường dài 15 km, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao vực sâu. Người viết bài này trong dịp lên Điện Biên Phủ lần thứ 2 vào cuối những ngày năm 2003 vừa qua, trên đường từ Mường Thanh ngược lại Tuần Giáo để rẽ vào Mường Phăng, đã được tận mắt chứng kiến con đường kéo pháo bằng tay để pháo ta có thể giăng thành vòng vây lửa xung quanh Điện Biên Phủ. Thật không thể hình dung nổi những cỗ pháo nặng hơn 2 tấn, đặc biệt là cao xạ pháo, còn nặng hơn lựu pháo 105 ly bởi chân pháo rất dài… lấy đường đâu mà đi bên những vực thẳm chênh vênh thế này, lấy sức đâu mà kéo khi phải vượt qua những dốc cao 30, 40 độ, có khi đến 60 độ! Đấy là chưa kể lại kéo pháo ra!!! Dừng xe quan sát bìa rừng nơi quân ta kéo pháo năm xưa – nay không còn dấu tích sau 50 năm – tôi lại nhớ mấy ngày trước ở Hà Nội, buổi sáng hôm tôi may mắn được Đại tướng tiếp kiến tại nhà riêng, đây cũng là lần thứ 2 tôi được trực tiếp hỏi chuyện Đại tướng về trận Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nói vào băng ghi âm: “Đồng chí Phạm Kiệt (người anh hùng của khởi nghĩa Ba Tơ trước Cách mạng tháng 8 – LPK) là người đầu tiên và cũng là người duy nhất phát hiện khó khăn và đề nghị được gặp tôi qua điện thoại hai ngày trước khi nổ súng. Anh Kiệt nói: Pháo ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa được kéo tới trận địa…” (Trích băng ghi âm). Tôi rất ngạc nhiên, vì từ trước tới nay chưa bao giờ được nghe nói đồng chí Phạm Kiệt, đứng đầu du kích Ba Tơ Quảng Ngãi năm xưa dự trận Điện Biên Phủ tận Tây Bắc nên… Đại tướng liền cho hay: Đồng chí Phạm Kiệt lúc đó phụ trách bảo vệ mặt trận!

Sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Thời gian nổ súng dự định là ngày 20.1.1954, phải lui lại 5 ngày.

Thời gian chờ đợi nổ súng, những tin tức Đại tướng thu được qua đồng chí Cao Pha, qua các đơn vị đang bao vây, trinh sát của Bộ và cả tin của địch qua vô tuyến điện… Giặc Pháp ở Mường Thanh đã có thêm nhiều xe tăng và trên bốn chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố, đặc biệt là hệ thống công sự phụ, những hàng rào dây thép gai và bãi mìn không ngừng được mở rộng mỗi ngày… Ngày 24, Cục 2 cho biết, Điện Biên Phủ lại được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn… Gần ngày nổ súng, trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ở 312 đề nghị trả bớt pháo! Vì được trao quá nhiều pháo.

Ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt và Hoàng Cầm làm cho Đại tướng đặc biệt lưu tâm. Vì đây là lần đầu tiên một đơn vị đột kích lại từ chối pháo thuộc (!). Hơn thế, Đại tướng còn nóng lòng khi các chiến trường phối hợp trong toàn quốc, đặc biệt là Khu 5 chưa nổ súng. Đến ngày 25 mới có tin Khu 5 bắt đầu tiến lên Tây Nguyên và Hạ Lào quân ta đã chuyển động…

Đến giờ chót, một chiến sĩ của Đại đội 312 không may bị địch bắt! Diễn biến đầu tiên này ngoài dự kiến nên Bộ chỉ huy quyết định dời trận đánh 24 tiếng!

Từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu mới chỉ 10 ngày trôi qua… nhưng với người chỉ huy cao nhất của trận đánh như cả tháng, cả năm trôi qua. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn và Nghị quyết Trung ương lại văng vẳng bên tai người chịu trách nhiệm cao nhất trận đánh lịch sử, chưa từng có với quân đội nhân dân từ ngày đầu cách mạng mùa Thu: “Chỉ được thắng không được bại vì bại là hết vốn”!

Đêm 25 tháng 1, Đại tướng thức trắng, đầu đau nhức, y sĩ Thùy phải buộc lên trán Đại tướng một nắm rau ngải cứu!

“Không phải chỉ có sức mạnh tinh thần cao là lúc nào cũng chiến thắng. Sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn”. Những suy nghĩ ấy theo Đại tướng trong đêm và ba khó khăn hiện lên rất rõ: Một là, chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là một tiểu đoàn tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản thương vong nhiều…

Hai là, đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa hề diễn tập! Xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào!

Ba là, chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng có máy bay, pháo và xe tăng yểm trợ.

Tất cả khó khăn đó đều chưa bàn kỹ và tìm cách khắc phục!

Suốt đêm Đại tướng chỉ mong trời sáng… Sáng 26.1.1594, Đảng ủy Mặt trận họp. Trước khi họp, Đại tướng gặp cố vấn. Đồng chí Vi Quốc Thanh đã ngạc nhiên khi nhìn thấy nắm ngải cứu trên trán Đại tướng. Ông hỏi: Võ Tổng (tức Võ Tổng tư lệnh – LPK) cho biết tình hình tới nay ra sao? Sau khi nêu rõ ba khó khăn, Đại tướng kết luận: Nếu đánh là thất bại! Trưởng đoàn cố vấn đã đồng ý với Võ Đại tướng và ông hứa sẽ làm công tác tư tưởng trong đoàn cố vấn.

Nhưng cuộc họp Đảng ủy không dễ dàng. Chủ nhiệm chính trị nêu khó khăn: tinh thần bộ đội đang lên cao, nếu thay đổi, giải thích cho bộ đội ra làm sao? Chủ nhiệm hậu cần cũng nêu khó khăn, nếu không đánh ngay sau này lại càng không đánh được. Tham mưu trưởng thì cho là, lần này có ưu thế về binh lực, pháo 105 và cao xạ pháo xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, nếu đánh vẫn có khả năng giành chiến thắng (!).

Nhưng khi Đại tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” và đề nghị mọi người trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Câu trả lời là: Làm sao mà dám đảm bảo như vậy? Nếu yêu cầu 100% thì khó… Cuối cùng cuộc họp đi đến nhất trí là, trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể khắc phục. Lúc đó Đại tướng mới đứng lên dõng dạc kết luận: …”Chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị sang phương châm mới…” (trang 107 – 108 sách đã dẫn).

Sau đó Đại tướng cầm máy gọi cho pháo binh:

- Tình hình đã thay đổi: Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (Trần Đình là bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy ra lệnh cho các đồng chí 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa… Triệt để chấp hành mệnh lệnh không giải thích…

Đầu dây bên kia chỉ nghe tiếng của chính ủy pháo binh Phạm Ngọc Mậu: Rõ! Xin triệt để chấp hành…

Sau đó, đến lượt Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 nhận lệnh của Đại tướng: Tình hình thay đổi, Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Phabăng tiến quân… gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời… Đầu dây đằng kia nghe tiếng: Rõ!

Mặt khác, Đại tướng lại chỉ thị một đơn vị nhỏ mang theo điện đài đi về hướng Mộc Châu, mỗi ngày 3 lần đánh điện về báo cáo: “Đại đoàn 308 đã về đến nơi”. Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Vì thế, địch ban đầu tưởng 308 quay về đồng bằng…

clip_image002

clip_image004

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm xa cách. Ảnh: Lê Phú Khải (1994)

Trong cuộc tiếp kiến buổi sáng một ngày cuối năm 2003 tại Hà Nội như đã kể trên, Đại tướng đã nói vào băng ghi âm của tôi: Mấy vạn quân đã dàn trận rồi, sắp nổ súng mà lại ra lệnh rút quân! Trong dân quân, nhiều người nói đây là lệnh của Việt gian!

Rồi Đại tướng kết luận: Riêng đối với tôi, quyết định thay đổi phương châm tác chiến là quyết định lớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi.

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

* Bài trích từ cuốn “Tại sao Điện Biên Phủ” xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản năm 2014.

clip_image006

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn