Trên biển cả, Việt Nam và Trung Quốc đang chơi căng với nhau

Hau Dinh, AP

Trần Ngọc Cư dịch

Trên tàu tuần duyên 4033 của Việt Nam (AP) – Mỗi ngày tàu Việt Nam cố gắng tiến gần giàn khoan [HD 981]. Và mỗi ngày chúng đều bị những tàu lớn hơn nhiều của Trung Quốc đẩy lui.

Nhưng trước khi tăng tốc bỏ đi, với những động cơ mệt nhọc nhả khói đen ngòm, phía Việt Nam trao một tin nhắn: “Xin chú ý! Xin chú ý! Chúng tôi đang cảnh báo các anh về hành vi khiêu khích của các anh,” lời cảnh báo được phát ra từ một phiên bản ghi âm qua máy phóng thanh bằng tiếng Việt, tiếng Tàu và tiếng Anh. “Chúng tôi đòi hỏi các anh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Xin tức khắc ngưng các hoạt động và rời khỏi lãnh hải Việt Nam.”

Thỉnh thoảng đụng vào nhau hay phun vòi rồng vào nhau, tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc tiếp tục vờn nhau trong một vùng nước loáng ánh mặt trời của Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông Việt Nam] kể từ ngày 1 tháng Năm, khi Bắc Kinh đặt một giàn khoan đại dương khổng lồ đáng giá một tỉ đô la, kéo theo phản ứng giận dữ từ phía Việt Nam.

Việt Nam, mười lần nhỏ bé hơn nước láng giềng phương Bắc và lệ thuộc nước này về kinh tế, đang cần đến mọi hậu thuẫn mà mình có thể nhận được trong cuộc tranh chấp biển đảo. Lãnh đạo Việt Nam tin tưởng rằng dư luận quốc tế đang nghiêng về phía mình. Tuần này họ mời ký giả nước ngoài đến nhìn tận mắt cuộc giằng co, bước leo thang nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong nhiều năm về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa hai nước.

Việt Nam cương quyết bảo vệ điều mà nước này coi là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình chống lại Trung Quốc, một nước cũng cương quyết cho rằng hầu hết Biển Đông thuộc về chủ quyền của mình – gồm cả quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc giựt từ tay Nam Việt Nam, đồng minh của Mỹ, vào năm 1974. Nhưng Hà Nội thiếu các phương án có thể lựa chọn trong nỗ lực đối phó với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày một lớn mạnh để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền biển đảo của mình.

Việt Nam cáo buộc các tàu Trung Quốc đã cố tình và thô bạo đâm vào tàu Việt Nam. Những thước phim TV ghi hình từ một tàu Việt Nam cho thấy một tàu Trung Quốc đâm vào đuôi của chiếc tàu Việt Nam rồi de lui và đâm tới lần nữa, gây hư hại bên sườn của nó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm thứ Sáu đưa ra ba tấm ảnh với mục đích cho thấy một tàu Việt Nam đang đâm vào một tàu tuần dương Trung Quốc. Các nhà báo trên tàu tuần này không chứng kiến vụ đâm tàu nào cả.

“Không phải chúng tôi muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng chúng tôi có bổn phận thực hiện các cuộc tuần tiễu hàng ngày trong lãnh hải Việt Nam,” Đại tá Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu tuần duyên 4033 của Việt Nam đã nói như vậy. “Chúng tôi muốn tiến gần giàn khoan để thuyết phục họ rằng hành động của họ là phi pháp và họ phải rời vùng nước Việt Nam vô điều kiện.”

Gần như việc ấy sẽ không xảy ra, dù Hà Nội có gửi bao nhiêu tàu vào vùng biển này, hay lý giải cách nào trước thế giới. Đối với Trung Quốc, rút lui sẽ là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc có ý định giữ giàn khoan cho đến tháng Tám. Mặc dù hầu hết các nhà phân tích nghĩ rằng cả hai bên đều không muốn có xung đột vũ trang, nhưng nếu cuộc đối đầu càng kéo dài, thì nguy cơ diễn ra sự cố ngoài dự tính sẽ càng lớn, có thể dẫn đến một cuộc đọ sức bằng súng đạn.

Trung Quốc đã thiết lập một khu đặc quyền 10 cây số chung quanh giàn khoan, một vật xuất hiện rõ nét ở trên chân trời. Thi thoảng, máy bay thám thính Trung Quốc lượn qua bên trên các tàu Việt Nam. Cả hai bên đã triển khai hàng chục chiếc tàu, phần lớn là các đội tàu tuần duyên và tàu bảo vệ ngư trường. Chí ít, một trong những tàu Trung Quốc có đại pháo, được phô ra.

Năm 1974, Trung Quốc đã đánh bật hải quân Nam Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, gần địa điểm giàn khoan được triển khai hiện nay, gây tử vong cho 75 thủy thủ Nam Việt Nam. Hai nước đã đánh nhau trong một chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979. Năm 1988, 64 thủy thủ Việt Nam bị giết trong một cuộc đụng độ khác tại quần đảo Trường Sa gần đó, nơi các cuộc xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines đã trở nên căng thẳng gần đây.

Trong khi cuộc đối đầu mới nhất diễn ra ngoài biển, chính quyền Cộng sản Hà Nội tiếp tục phấn đấu để ngăn chặn sự phẫn nộ đang gia tăng của dân chúng đối với Trung Quốc, một sự phẫn nộ chỉ chờ cơ hội là bộc phát ra ngoài. Những người biểu tình tuần này đã đốt phá các nhà máy do người nước ngoài làm chủ và đã giết chết một kiều dân Trung Quốc, cơ hồ đổ dầu thêm vào lửa trong tình hình này.

Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội đã không làm đầy đủ bổn phận để ngăn chặn bạo động. Vào hôm thứ Sáu, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Việt Nam về việc tổ chức đưa kí giả ra quan sát hiện trường.

“Rõ ràng là mục đích của phía Việt Nam là leo thang tình hình và tạo thêm căng thẳng, hay nói cách khác, cường điệu bằng báo chí và diễn tuồng trước khán giả quốc tế,” đây là tuyên bố của Ouyang Yujing, tổng giám đốc Ban Hải dương và Biên giới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang ra sức sử dụng các lợi thế trong quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc để lặng lẽ giải quyết các bất đồng, tập trung vào tầm quan trọng của lãnh vực kinh tế trong quan hệ hữu hảo giữa hai đảng. Chỉ tháng trước đây, một trong những tàu tuần duyên Việt Nam đóng gần giàn khoan đã tham dự các cuộc tuần tra ngư trường hỗn hợp với các tàu Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, Đại tá Đinh Quốc Quân của lực lượng tuần duyên Việt Nam cho biết như vậy.

Khác với tình hình tại quần đảo Hoàng Sa, hai nước đã giải quyết vấn đề biên giới trên biển của Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.

Các thành viên trong thủy thủ đoàn đã lên tàu của nhau, mời nhau trái cây và chụp ảnh, ông Quân nói.

“Tôi không ngạc nhiên khi người Trung Quốc chuyển bạn thành địch nhanh như như vậy,” ông đại tá nói. “Làm bạn với Trung Quốc không dễ chút nào.”

H. D.

Dịch giả gửi BVN.

Nguồn: news.yahoo.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn