TIỂU LUẬN ĐIỂM SÁCH

Vì sao họ đánh nhau: Chiến tranh tạo ra Nhà nước và Nhà nước thiết lập hòa bình bằng cách nào

Michael Mandelbaum, Foreign Affairs, 11/12, 2014

Trần Ngọc Cư dịch

MICHAEL MANDELBAUM là Giáo sư Chính sách Đối ngoại Mỹ, hàm giáo sư vinh danh Christan A. Herter, tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins và là tác giả cuốn The Road to Global Prosperity [Con đường dẫn đến thịnh vượng toàn cầu].

clip_image002

Bức tranh vẽ quanh chỗ bị một quả đạn pháo bắn trúng trong đợt tấn công của Bắc Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong, ngày 9/4, 2014. (Damir Sagolj / Courtesy Reuters)

Sách được phê bình: War! What Is It Good For? Conflict and the Progress of Civilization From Primates to Robots [Chiến tranh! Nó có ích lợi gì? Xung đột và bước tiến của văn minh nhân loại từ khỉ đến người máy] của IAN MORRIS. Farrar, Straus, và Giroux, 2014, 512 tr. 30 USD.

Triết gia Alfred North Whitehead từng nhận xét rằng lịch sử triết học châu Âu chỉ là một chuỗi cước chú về Platon. Còn đối với Ian Morris, lịch sử thế giới có thể được hiểu là một chuỗi cước chú về Thomas Hobbes. Theo triết lý chính trị của Hobbes, trật tự chiếm một địa vị nổi bật nhất trong tất cả các tình trạng xã hội. Không có nó, sự tồn tại của loài người sẽ trở nên, như cụm từ thường được trích dẫn của ông, “bỉ ổi, đầy thú tính, và ngắn ngủi.” Trật tự, Hobbes viết, được thể hiện thông qua việc thành lập một chính phủ đầy quyền lực, mà ông gọi bằng từ “Leviathan,” theo tên một loài thủy quái khổng lồ trong Cựu Ước.

Theo cuốn sử đại cương này của Morris về tình trạng chiến tranh từ thời tiền sử đến ngày nay, trật tự xã hội phát xuất từ các chính phủ đủ mạnh để bảo vệ người dân sống dưới thẩm quyền của mình, y như phát biểu của Hobbes về nguồn gốc của trật tự. Những chính phủ này lại có xuất xứ từ chiến tranh. Đáp án cho câu hỏi được nêu ra bởi đầu sách của Morris là, chiến tranh có ích lợi cho việc tạo ra tình trạng an toàn – nói cách khác, chiến tranh có lợi cho hòa bình. Hẳn nhiên, không phải mọi cuộc chiến tranh đều “có hiệu quả” [productive], và Morris cũng nhìn nhận điều này; những cuộc chiến làm suy yếu hay làm tan rã các Leviathan đáng được gọi là “phản tác dụng” [counterproductive], vì chúng làm cho người dân dễ bị tổn thương hơn. Theo ông, lịch sử loài người đã chứng kiến những thời kỳ dài của hai loại chiến tranh này. Để chứng minh luận cứ của mình, Morris đưa ra một cái nhìn khái quát khá hữu ích về quân sử thế giới kể từ khi bắt đầu diễn ra những cuộc chiến có tổ chức, mặc dù lối tường thuật của ông gặp nhiều trở ngại khi nó tiến gần đến thời hiện tại.

MỘT LỊCH SỬ BẠO ĐỘNG

Biên khảo của Morris bắt đầu bằng những sự kiện cách đây 10.000 năm, tức là vào Thời đồ đá, khi chỉ có dăm bảy triệu người trên hành tinh này, sinh sống trong các bầy đoàn săn bắn-hái lượm nhỏ bé, thường xuyên gây chiến lẫn nhau. Trong kỷ nguyên bất hạnh này, theo các ước tính phải nhìn nhận là rất khái quát, từ mười đến 20 phần trăm dân số trên trái đất có thể dự kiến sẽ chết do bạo hành từ tay kẻ khác. Trong suốt năm thiên niên kỷ tiếp theo, các điều kiện sống được cải thiện hơn nhờ những biến chuyển lớn trong lịch sử loài người: sự ra đời của nghề nông và sự phát triển các cộng đồng định cư to lớn, đặt cơ sở trên việc canh tác đất đai. Những cộng đồng hùng mạnh nhất bành trướng và thôn tính các cộng đồng nhỏ bé hơn, bằng cách vận dụng nhiều sáng kiến quân sự khác nhau, như vũ khí bằng đồng, công sự chiến đấu, và xe tứ mã. Cuối cùng, các đế quốc lớn bắt đầu xuất hiện, như Đế chế Maurya ở Nam Á, nhà Hán ở Trung Quốc, và Đế quốc La Mã quanh Địa Trung Hải.

Những Leviathan cổ đại này làm cho đời sống người dân trở nên an toàn hơn. Đúng là, các chính phủ mạnh có khả năng và thực sự bảo vệ người dân sống trong lãnh thổ của mình, giảm thiểu việc giết người và ngăn chặn chiến tranh. Tỉ lệ tử vong do bạo động giảm bớt nhanh chóng, theo ước tính của Morris, chiếm khoảng từ hai đến năm phần trăm trong tất cả các loại tử vong. Các Leviathan còn làm cho dân chúng giàu có hơn lên. Để giải thích việc này đã diễn ra như thế nào, Morris dựa vào khái niệm “tướng cướp cố định” [the stationary bandit] của nhà kinh tế Manur Olson. Trong khi “tướng cướp lưu động” [the rowing bandit] tấn công vào các khu định cư, vơ vét càng nhiều của cải càng tốt, rồi bỏ đi nơi khác, các thủ lĩnh của những cộng đồng nông nghiệp to lớn, mặc dù không kém tham lam, vẫn ở yên một chỗ. Vì vậy họ muốn thúc đẩy sự phồn thịnh của người dân mà họ cai trị – nhờ đó, xã hội sẽ có thêm nhiều của cải để họ ăn cắp. Và vì sự phồn thịnh cần đến trật tự xã hội, các nhà cai trị bèn áp đặt trật tự lên người dân. Các lợi lộc của tướng cướp lưu động được gọi là “của cướp được” [loot]. Các tướng cướp cố định gọi những gì mà họ bòn rút được từ người dân là “thuế”; do đó lãnh địa của họ càng có hòa bình thì họ có thể thu về càng nhiều lợi tức.

Cảnh thái bình, được nuôi dưỡng bởi các đế quốc cổ đại dưới quyền cai trị của các tướng cướp cố định, không tồn tại lâu dài. Một sáng kiến quân sự đặc thù đã làm thay đổi tình hình: đó là việc sử dụng ngựa. Các toán du mục đã kiện toàn tài chiến đấu trên lưng ngựa và do đó có thể giành thắng lợi trong chiến tranh phá hoại [phản tác dụng]. Những thế lực quân sự mới này đã đóng vai các tướng cướp lưu động: họ đột kích, cướp phá, làm suy yếu, và cuối cùng triệt hạ những Leviathan. Đây là cách để Đế quốc La Mã xuống dốc và sụp đổ. Tại châu Âu, những thế kỷ tiếp theo sau đó thường được gọi Thời kỳ Tăm tối [the Dark ages]. Morris cho rằng từ ngữ này cũng có thể áp dụng cho nhiều vùng khác trên thế giới. Khi các cuộc chiến tranh phản tác dụng hủy diệt những đế quốc cổ đại, thế giới lâm vào cảnh hỗn loạn suốt 14 thế kỷ đầu của Công Nguyên. Tử suất do bạo động tăng cao trở lại, chiếm từ năm đến mười phần trăm trong số tử vong do tất cả các nguyên nhân gây ra.

Tuy nhiên, bắt đầu từ Thời kỳ Phục hưng, tình trạng rối loạn bắt đầu nhường chỗ cho một thời kỳ củng cố trật tự dài 500 năm. Thêm một lần nữa, một phát minh quân sự quan trọng – thuốc súng – đã khởi động chuyển biến này. Các nhà lãnh đạo lấy lại khả năng tổ chức các đơn vị chính trị to lớn, lần này bằng cách sử dụng các loại súng và đại pháo có hỏa lực mạnh hơn so với trước đó. Bên trong những đơn vị chính trị này, tỉ lệ dân số chết vì bạo động giảm bớt. Vào giai đoạn sau của thời kỳ này, bắt đầu từ 1760, sự biến đổi vĩ đại thứ hai trong lịch sử loài người đã diễn ra: cuộc Cách mạng Công nghiệp. Người châu Âu sử dụng các loại máy móc mà cuộc cách mạng này làm ra để phục vụ các mục đích quân sự lẫn dân sự; việc này giúp họ chiếm được nhiều vùng trong phần còn lại của thế giới vào thế kỷ 19. Cũng như trong các đế quốc cổ đại, trong các đế quốc châu Âu quan trọng của thời hiện đại – một số, đặc biệt là Đế quốc Anh, dàn trải quanh thế giới – đời sống của thần dân trở nên an toàn hơn bao giờ cả so với trước đó.

Thế kỷ 19 cũng chứng kiến sự xuất hiện của một hiện tượng mà Morris gọi là “cảnh sát toàn cầu” [globocop], một cường quốc lãnh trách nhiệm duy trì trật tự trên qui mô toàn cầu. Vương quốc Anh giữ vai trò này cho đến Thế chiến II, sau đó Mỹ chiếm địa vị của Anh. Qua lịch sử hai thiên niên kỷ của chiến tranh có hiệu quả [productive warfare], hành tinh này đã đi từ Hoà bình La Mã [Pax Romana] đến Hoà bình Anh [Pax Britannica] đến Hoà bình Mỹ [Pax Americana]. Sự tồn tại của loài người đã trở nên ngày một an toàn hơn. Tỉ lệ toàn cầu về số người chết do bạo động trong thế kỷ 21 đã xuống mức thấp hơn bao giờ cả, dưới một phần trăm số tử vong do tất cả các nguyên nhân gây ra.

TƯƠNG LAI CỦA CHIẾN TRANH

Qua một quãng thời gian lâu dài như quãng thời gian mà Morris nghiên cứu, người ta có thể tìm ra bằng chứng gần như cho bất cứ một mô hình nào, nhưng mô hình mà Morris đặt ở vị trí trung tâm trong sách của ông chắc chắn có ý nghĩa lịch sử. Các nhà nước đầy quyền lực trên thực tế đã bảo vệ người dân của mình (đồng thời cũng thường áp bức họ), và động cơ thúc đẩy sự thành hình những những nhà nước này thường là chiến tranh. “Chiến tranh là cha đẻ của mọi thứ,” triết gia Hy Lạp Heraclitus từng nhận xét, vì thế ta không nên ngạc nhiên khi một trong những đứa con của nó là hòa bình.

Nhưng, mô hình mà Morris tìm ra hình như chỉ phù hợp với quá khứ xa xưa chứ không đúng với lịch sử cận đại, đừng nói chi đến tương lai. Trong thế kỷ 20, xu thế hướng tới củng cố các quốc gia đã đi theo chiều ngược lại, với các đế quốc hiện đại thay nhau tan rã và để lại đằng sau những đơn vị chính trị nhỏ bé hơn, nhưng đời sống người dân ở đây không vì thế mà trở nên kinh tởm hơn, gần với thú tính hơn, hay ngắn ngủi hơn. Thật vậy, trong một trăm năm qua, yếu tố chủ yếu quyết định tỉ lệ bạo động của một quốc gia chính là khả năng chứ không phải là kích cỡ của nó. Các nước Bắc Âu, chẳng phải là Leviathan chút nào, đã trở thành những nơi an toàn nhất trên thế giới. Trên thực tế, các quốc gia dân tộc [nation-state] nhỏ bé đã tỏ ra ít có nguy cơ bạo động hơn những đế quốc rộng lớn đa dân tộc, nhờ ở chính nghĩa vĩ đại mà các đơn vị đồng chủng có được trước mắt người dân của mình. Cứ lẽ thường, người dân muốn được cai trị bởi những nhà lãnh đạo cùng một chủng tộc, một tôn giáo, hay một ngôn ngữ hơn bởi những kẻ mà họ coi là người nước ngoài, và họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ hệ thống chính trị mà họ ưa thích.

Ngoài ra, vào thế kỷ 19, viên cảnh sát toàn cầu Anh gần như không làm gì cả để làm cho đời sống ngoài biên giới đế quốc của mình trở nên an toàn hơn. Không mấy bận tâm giữ gìn trật tự cho châu Âu – phần hành tinh sẽ là nơi phát sinh những cơn bạo động gây tang thương trong thế kỷ 20 – người Anh giữ thái độ thiếu mặn mà ở đây. Hòa bình và trật tự trên châu lục này dựa trên một cán cân quân bình lực lượng giữa các quốc gia quan trọng, chứ không dựa trên các nỗ lực của Anh. Đúng là, Vương quốc Anh có dùng sức mạnh hải quân của mình để tạo ra một khuôn khổ an ninh cho một nền kinh tế càng ngày càng mang ý nghĩa toàn cầu. Trong chiều hướng này, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị của Anh đã đóng góp nhiều cho việc nâng cao mức sống khắp thế giới, nhưng không giúp gì nhiều cho việc giảm bớt các rủi ro tử vong do bạo động tại các khu vực nằm ngoài Đế quốc Anh.

Xin dẫn thêm một áp dụng vụng về của mô hình Morris cho lịch sử cận đại: Thế chiến I và Thế chiến II có vẻ hội đủ điều kiện để được gọi là “chiến tranh xây dựng” theo cách Morris định nghĩa thuật ngữ này vì chúng dọn đường cho sự xuất hiện của viên cảnh sát toàn cầu Mỹ [the American globocop]. Tuy nhiên, tổng số tử vong của hai cuộc chiến này ở mức 100 triệu người có vẻ là một cái giá quá đắt phải trả chỉ để thay thế một bá quyền này bằng một bá quyền khác.

Cuối cùng, dù chiến tranh có mang lại bất cứ lợi ích dài hạn nào trong quá khứ, ngày nay ngoài một vài nơi đang có xung đột và hỗn loạn, thật khó tưởng tượng ra việc chiến tranh có thể hữu ích cho hòa bình trong tương lai. Tư duy của Hobbes và mô hình chiến tranh xây dựng mà Morris tìm ra đúng là có ý nghĩa phần nào đối với người dân tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, và Syria, chẳng hạn, nhưng đối với phần còn lại của thế giới chúng có vẻ gần như vô nghĩa. Thế giới vẫn có khả năng trải qua tình trạng bạo động trên qui mô lớn. Những tiến bộ về công nghệ quân sự trong thế kỷ qua đã ban cho các chính phủ cái khả năng đẩy các tỉ lệ tử vong do bạo động lên cao nhanh chóng nếu họ quyết định sử dụng những vũ khí mạnh nhất mà họ có trong tay.

Morris cảm nhận mối đe dọa lớn nhất trong tương lai sẽ phát xuất từ một sự lặp lại những biến cố của đầu thế kỷ 20, khi Đức thách đố Vương quốc Anh và đẩy thế giới vào hai cuộc xung đột khủng khiếp. Ngày nay, với việc Mỹ chiếm vị trí mà Anh đã giữ cách đây một trăm năm, chính Trung Quốc là cường quốc đặt ra mối đe dọa cho viên cảnh sát đang ngự trị toàn cầu [the reigning globocop]. “Nếu 40 năm từ thập niên 2010 đến thập niên 2050 diễn ra giống như 40 năm từ thập niên 1870 đến thập niên 1910,” Morris viết, vẽ ra sự tương đồng giữa Vương quốc Anh lúc bấy giờ và Mỹ hiện nay, “đó sẽ là những năm nguy hiểm nhất trong lịch sử.” Lý do là, nếu Trung Quốc đặt ra một thách thức với Mỹ và đưa đến một cuộc chiến trên qui mô của hai thế chiến được châm ngòi bởi các tham vọng của Đức, hai bên có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân mà họ có trong tay. Việc này sẽ đảm bảo rằng, dù cho những người sống sót có dùng bất cứ tính từ nào để chỉ một cuộc xung đột như thế, tính từ “có hiệu quả” [productive] sẽ không nằm trong đó.

Đối với Morris, niềm hi vọng tránh một thảm họa như thế trong thế kỷ 21 sẽ dựa vào công nghệ. Ông gợi ý, khoa điện toán đặc biệt có thể tiến bộ nhanh chóng trong những năm sắp tới đến nỗi làm biến thể loài người, đưa đến hậu quả là những sinh vật “xuyên nhân loại” [transhuman]1 hay “hậu nhân loại” [posthuman]2 có thể có khả năng vượt lên trên bạo động. Ở đây Morris dựa vào ý kiến của một số nhà tương lai học giàu tưởng tượng. Viễn kiến của họ nghe có vẻ khoa học giả tưởng, và những tiên đoán của khoa học giả tưởng lắm khi tỏ ra là chính xác. Tuy nhiên, lắm khi chúng không chính xác, và vì thế việc dựa vào sự thể hiện những viễn kiến này để tránh Thế chiến III có vẻ là thiếu thận trọng.

Còn có nhiều khả năng khác. Một trong những khả năng đó là, quan niệm về chiến tranh đã thay đổi. Ngày xưa, chiến tranh được coi là một đặc điểm tất yếu của cõi người ta [human existence], nhưng lề lối ứng xử cổ xưa này càng ngày càng bị coi là không thể chấp nhận, là lỗi thời, và có thể tránh được. Sự tàn phá khủng khiếp mà các vũ khí hiện đại có thể gây ra truyền đạt một mức độ thận trọng vào chính sách đối ngoại mà trước đây, nếu có chăng, vẫn là rất hiếm thấy trước nửa thế kỷ 20.

Hơn nữa, những cuộc đại chiến xảy ra vào nửa đầu của thế kỷ trước một phần không nhỏ đã phát xuất từ ý thức hệ, một đặc điểm của đời sống xã hội-chính trị chưa từng thấy trước Cách mạng Pháp và vì thế không nằm trong đại bộ phận lịch sử nhân loại mà Morris bàn đến. Việc Đức theo đuổi các tư tưởng phát-xít và việc Liên Xô quyết thực hiện các lý thuyết cộng sản đã biến thế giới này thành một nơi đầy máu lửa hơn là nếu không có những ý thức hệ này. Ít ra, [Cộng hòa Liên bang] Đức đã trở thành một đất nước hòa bình hơn nhiều sau Thế chiến II, cũng như một đế quốc xâm lược đầu sỏ khác trong cuộc xung đột ấy, Nhật Bản, một phần cũng vì hai nước này đã chấp nhận các tư tưởng chính trị và hệ thống chính trị của một trong những cường quốc thắng trận, đó là Hoa Kỳ. Dân chủ giúp tạo dựng hòa bình. Trên thực tế, xu thế tránh chiến tranh với nhau giữa các nước dân chủ hiện nay là rất kiên định, và nó đưa ra triển vọng là các nước có thể ngăn ngừa một cuộc đại chiến phản tác dụng trong tương lai. Nếu Trung Quốc sẽ trở thành một nước dân chủ, thì triển vọng tránh lặp lại cuộc xung đột Anh-Đức, song lần này với các kho vũ khí của thế kỷ 21, chắc chắc sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Không có gì bảo đảm rằng thể chế dân chủ sẽ đến với Trung Quốc trong một tương lai gần, hoặc trên thực tế việc này có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng một Trung Quốc dân chủ có vẻ có khả năng trở thành hiện thực hơn trước, và vì thế đây mới là một cơ may tốt đẹp để gìn giữ hòa bình hơn là chờ đợi một sự chuyển hóa loài người do máy tính thúc đẩy. Chắc chắn là, việc xây dựng và duy trì trật tự, an toàn, và hoà bình thế giới thông qua sự bành trướng của thế chế dân chủ không phải là một đề tài trong tác phẩm Leviathan. Mặc dù Hobbes là một nhà tư tưởng lớn, ảnh hưởng lên nhiều thế hệ về sau, nhưng trong thời đại của chúng ta, có đủ thứ chuyện chưa bao giờ được nghĩ tới trong triết lý của Hobbes.

M. M.

Chú thích của người dịch:

1Chủ nghĩa xuyên nhân loại (transhumanism) là một phong trào văn hóa và trí thức có mục đích nhiên hậu là chuyển hóa thân phận con người bằng cách phát huy các công nghệ để gia tăng vượt bậc các khả năng tri thức, thể chất và tâm lý của con người.

2Hậu nhân loại (posthuman) là một ý niệm xuất phát từ khoa học giả tưởng hoặc tương lai học trong đó một người hoặc một thực thể đã vượt lên trên tình trạng làm người.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn