Nhân sự việc nhà lưu niệm Trần Huy Liệu xin góp ý vài điều

Nguyễn Đình Cống

Tôi đọc thông tin trên Bauxite ngày 15 tháng 5 về việc gia đình, nhiều nhà khoa học và Viện Hàn lâm KHXHVN muốn dùng tầng 1 nhà 16 Phan Huy Chú làm nơi lưu niệm, nơi lưu giữ tài liệu, phòng đọc Trần Huy Liệu và cũng là nơi thờ cúng ông. Việc này tưởng quá đơn giản vì hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Thế nhưng đã gặp quá nhiều trở ngại, nhiều người than thở là “ không ngờ” lại xảy ra như thế. Riêng tôi lại thấy rất bình thường, chẳng có chút không ngờ nào cả, vì đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy và các cách giải quyết khác nhau. Trước khi phân tích sự việc và đề xuất cách xử lý xin kể câu chuyện vui, có thật như sau:

Chuyện cha con ông Năm. Hồi năm 2007, ông Năm 58 tuổi, là đại tá về hưu với 40 năm tuổi Đảng và rất nhiều huân chương. Ông có nhiều chiến hữu và bạn bè quen biết làm việc ở các cơ quan thành phố. Anh Thành, con ông, 23 tuổi, đang tại ngũ. Một hôm Thành về nhà thấy cha vừa buồn rầu, vừa như tức giận, hỏi chuyện, được ông cho biết khó khăn đang gặp phải. Nhà ông đang ở là thuê của nhà nước và đang bị hư hỏng, ông muốn xin sửa chữa. Ông đã tìm hiểu thủ tục, thông thạo các nghị định, thông tư, vừa làm đơn đi các nơi cần thiết, vừa gặp bạn bè có quyền nhờ giúp đỡ. Đến đâu ông cũng nhận được lời hứa hẹn tốt đẹp. Thế mà đã hơn 2 năm ông vẫn chưa nhận được quyết định cho sửa nhà. Hỏi ra mới biết còn vướng một số giấy tờ, thủ tục, người ta dặn ông cứ an tâm mà đợi, khi nào được người ta sẽ báo. Nghe xong anh Thành bảo: Ba cứ để đấy, con chỉ vẩy tay một cái là xong. Tưởng nói thế sẽ được ông tin cậy và bảo đi làm đi, không ngờ anh bị mắng cho một trận, nào là tao đã tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý, tao đã làm đơn chỗ này chỗ kia, gặp anh này anh nọ thế mà chưa được, mày chẳng biết gì, chẳng quen ai thì làm sao được, mày tưởng mày khôn hơn, mày giỏi hơn, mày có nhiều quan hệ hơn cha mày hay sao, khó khăn là chung cho cả nước chứ riêng gì cho nhà mình. Thành chỉ nói với ông một câu “Thì ba cứ để đấy con lo” rồi lặng lẽ ra khỏi nhà. Đến chiều Thành về đưa cho ông tờ giấy phép sửa nhà với dấu đỏ chót. Ông Năm cầm tờ giấy vừa mừng vừa thắc mắc không biết thằng con mình đã dùng biện pháp nào. À thì ra cả hai cha con cùng nhằm một mục tiêu có được giấy phép nhưng cách làm khác nhau, hiệu quả khác nhau.

Chúng ta quen làm việc gì cũng phải có lý, có tình và theo đúng luật pháp [Đã đưa đến trước cửa công. Ngoài thì là lý, song song là tình- Nguyễn Du]. Thế nhưng cái tình, cái lý và pháp ấy rất khó dùng trong xã hội bây giờ khi mà thủ tục “đầu tiên” chưa giải quyết xong. Tôi có tổng kết là: Cha ông đã dặn làm việc gì phải có lý, có tình, nhưng “không thể nói lý với người ngu, không thể dùng tình với bọn tham”. Còn về luật pháp thì tuy có nhiều luật nhưng người ta chỉ thích dùng một luật lâm nghiệp. Hai bên quan hệ với nhau mà lại dùng hai loại luật khác nhau thì khó thành công.

Quay trở lại với Nhà tưởng niệm Trần Huy Liệu. Tôi thấy việc làm của gia đình, của các nhà khoa học, của Viện Hàn lâm KHXH gần giống với việc ông Năm đã làm. Cách làm ấy tỏ ra chưa có hiệu quả. Tôi đề nghị 3 phương án: thượng sách, trung sách và hạ sách sau.

Thượng sách. Đừng trông chờ gì vào Đảng vì Đảng đã có danh sách 38 người, trong đó không có những tên như Trần Huy Liệu, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng , Nguyễn Xiển v.v… Cần dựa vào Quốc hội và Chính phủ. Một mặt đưa đơn chính thức, mặt khác cố mà tìm được một vài người có cương vị và còn lương tri, quen biết, nhờ họ vận động hành lang. Phải dùng thế từ Quốc hội và Chính phủ ép xuống thì mới may ra.

Trung sách. Tự lo, đừng trông chờ vào nhà nước, đừng trông chờ vào sự công bằng hoặc đạo lý. Con cháu kết hợp với một vài người có tâm huyết với việc trên lập ra một nhóm vận động làm nhà tưởng niệm, gửi thư vận động đi các nơi xin tiền. Không cần làm tại 16 Phan Huy Chú mà làm nhà ở một trong các nơi sau: tại quê hương Vân Cát- Nam Định, tại một nơi có đường Trần Huy Liệu ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng hoặc TP HCM (liên hệ xin cấp hoặc mua đất với chính quyền địa phương hoặc cá nhân).

Hạ sách. Trước hết cũng phải bằng cách nào đó lo được thủ tục “đầu tiên” rồi dùng nó theo cách của anh Thành trong chuyện trên. Việc này các nhà khoa học và Viện Hàn lâm KHXH không làm được, phải nhờ bọn trẻ.

Trong những thư, kiến nghị mà tôi đã biết thì các tác giả rất quan tâm đến việc giữ lại cho dân tộc một tài sản tinh thần quý giá do Trần tiên sinh để lại. Thế nhưng những người có trách nhiệm giải quyết sự việc lại không hề quan tâm đến tài sản tinh thần đó, cái họ quan tâm nhất là điều khác kia. Bài toán đặt ra không giải được theo cách thông thường vì dùng sai tiên đề, dùng sai giả thiết. Phải dùng hệ tiên đề và giả thiết khác, phù hợp với thực tại thì mới may ra có cách tiếp cận lời giải.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn