CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 5)



CHƯƠNG 3
CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT – KHỞI ĐẦU

CHỊ BÉ ANNA - 44 VỊ “TỬ ĐẠO” - BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN - ĐÌNH CÔNG, NỚI, XIẾT, SA THẢI - BÊNH VỰC ANNA
***
Gdansk, Ba Lan. Thứ bảy, ngày 9 tháng 8, năm 1980

CHỊ BÉ ANNA
1.
CHỊ ANNA WALENTYNOWYCZ nhỏ con, tuy đã 51 tuổi bắt đầu lên cân, nhưng với mọi người từ đầu đến cuối Xưởng Đóng tàu Lenin rộng lớn, chị vẫn được gọi bằng cái tên thân thiện là “bé” Anna. Mọi người tại xưởng đều biết Anna, và chị là một trong những công nhân được quý mến nhất. Chị nhanh nhẩu, tràn đầy năng lượng, thân thiện với mọi người, chị làm ở xưởng đã 33 năm, và đến hôm nay, chỉ còn năm tháng nữa là chị sẽ được nghỉ hưu.

Cha mẹ mất trong Thế chiến II khi Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan, cô gái mồ côi Anna trở thành đảng viên Đảng Cộng sản với niềm tin chân thành. Ước mơ của cô ở tuổi thanh niên là làm sao xây dựng được Chủ nghĩa xã hội và nơi cô muốn bắt đầu công trình này không đâu khác hơn là chính Xưởng Đóng tàu Lenin.
Cô là công nhân gương mẫu, làm công việc thợ hàn, vì nhỏ con nên cô thường được đưa vào hàn ở các ngóc ngách thân tàu, nơi công nhân to con không len vào được. Ở tuổi 21 tuổi, Anna lúc ấy là đoàn viên đầy tự hào của đoàn công nhân mang tên Rosa Luxemburg và được nhận giải thưởng “Anh hùng Lao động”. Năm 1950, theo thành tích chính thức được nhà nước phổ biến, cô đã gia tăng năng xuất được 270%, với cô, đó là “một trong những khoảnh khắc tôi tự hào nhất trong đời”.[i]
2.
Sau 16 năm làm việc với mũi hàn và lửa hàn, Anna được cất nhắc lên vị trí có nhiều trách nhiệm hơn, cô được điều khiển cần trục. Rất ít phụ nữ trong xưởng máy – chuyên sản xuất tàu hàng để xuất qua Liên Xô – có đủ khả năng điều khiển cỗ máy đắt tiền và khá nguy hiểm này.
Cô từng có gia đình vào năm 1964, nhưng hôn nhân không kéo dài. Năm sau, cô được phát hiện mắc bệnh ung thư và chỉ còn sống được năm năm. Nhưng rồi, sau khi tiến hành xạ trị, các bác sĩ lại bảo họ đã chẩn bệnh sai và cô hoàn toàn khỏe mạnh. Dù trải qua những sóng gió trong đời sống riêng tư, cô vẫn luôn là một công nhân làm việc chăm chỉ, yêu nước và trung thành với Chủ nghĩa cộng sản.
rất được tôn trọng, tin cậy nên càng ngày càng có nhiều đồng nghiệp đến giãi bày tâm sự, nhờ cô khuyên bảo. Cô luôn cố gắng giúp họ một cách cụ thể, nhưng thường thì cô chỉ cần chăm chú nghe họ thở than về những bức xúc là đủ.
Tiếp xúc nhiều, lần hồi cô bắt đầu nhận ra rằng mô hình đất nước Ba Lan mới của cô còn cách xa thiên đường Xã hội chủ nghĩa lý tưởng vô cùng. Nhưng, Anna không phải là mẫu người sinh ra với dòng máu phản kháng.
*
44 VỊ “TỬ ĐẠO”
3.
Năm 1970, sự dận dữ của quần chúng bất ngờ bùng phát tại Ba Lan, khi nhà nước – do dốt nát chọn sai thời điểm – cho tăng giá các nhu yếu phẩm như thịt, bánh mì, sữa, trứng lên tới 35% chỉ hai tuần trước lễ Giáng sinh. Bạo động nổ ra ở nhiều thành phố Ba Lan. Bạo động nặng nhất xảy ra tại Gdansk, nơi công an sả súng bắn vào đám đông tay không biểu tình trước Xưởng Đóng tàu Lenin, giết chết 44 công nhân.
Thời kỳ này, Anna đứng ngoài các vụ phản kháng, tương tự như khi xảy ra làn sóng bất ổn lớn năm 1976, với hàng ngàn người bị chính quyền bắt giữ. Nhưng, như rất nhiều đồng bào khác, cô ngày càng có cái nhìn cấp tiến hơn khi ngày càng thấy những thực tế bi thảm trong đời sống của người dân nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.
Cô luôn gọi những người bị giết chết trong năm 1970 là những vị “tử đạo”, và là một trong số ngày càng đông những người chăm sóc mộ phần của họ, sao cho có đủ nến và hoa vào ngày lễ giỗ.
Ngoài ra, cô còn phanh phui được một đường dây gian lận quy mô lớn, trong đó có một số lãnh đạo công đoàn chính thức tại nhà máy – công đoàn do Đảng Cộng sản điều hành – dính líu để trục lợi cá nhân.
*
BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN
4.
Vào Lễ Lao động 1/5/1978, cô đã đi một bước mà từ đó cô bị quan chức cộng sản Ba lan dán nhãn một kẻ gây rối. Cô tham gia một nhóm, được thành lập đúng ngày 1/5, với tên gọi khá dài dòng là “Ủy ban vận động thành lập Công đoàn Độc lập vùng Biển”. Không lâu sau, ủy ban này được gọi một cách ngắn gọn và ngày càng nổi tiếng hơn là “Solidarnosc”, hay “Công đoàn Đoàn kết”.
Ủy ban cho ra một tạp chí, lấy tên là Robotnik Wybrzeza  (Công nhân Vùng Biển), và trên trang nhất số đầu tiên, nhóm thành lập đã công bố mục tiêu nền tảng và xuyên suốt của họ:
“Chỉ có các công đoàn độc lập, với sự ủng hộ của công nhân mà họ đại diện, mới có thể thử thách chế độ. Chỉ có họ mới đại diện cho một lực lượng mà nhà cầm quyền, một ngày nào đó … sẽ phải đối xử như những người ngang hàng”. Anna Walentynowycz là một trong 65 nhà hoạt động ký vào hiến chương của tờ báo trong ngày thành lập.[ii]
*
ĐÌNH CÔNG, NỚI, XIẾT, SA THẢI
5.
Vào mùa xuân và đầu mùa hè năm 1980, một làn sóng bất ổn mới lại nhấn chìm Ba Lan. Đình công xảy ra liên tục tại các nhà máy trên toàn quốc. Công nhân hỏa xa ở Lublin, miền đông Ba Lan, đã chặn đứng tuyến xe lửa huyết mạch  chở hành khách và hàng hóa qua Liên Xô.
Các cuộc đình công được dàn xếp khi Phó Thủ tướng Mieczyslaw Jagielski đích thân đứng ra giảng hòa bằng cách loan báo chính quyền đồng ý nhượng bộ. Nhưng, có một công thức được chế độ áp dụng suốt thập niên 1970 ở Ba Lan là cứ mỗi lần chế độ nhượng bộ một nhóm công nhân nào đó, thì y như rằng họ sẽ mạnh tay với một nhóm khác ở một chỗ khác. Lần này, ánh mắt cú vọ của chế độ nhắm vào Anna.
Khoảng giữa trưa ngày 9/8/1980*, Anna được gọi tới phòng nhân sự của xưởng đóng tàu và bị cho nghỉ việc. Cái cớ mà họ đưa ra là trong một số đêm, có người đã nhìn thấy cô đi đến các nghĩa trang quanh Gdansk để thu gom các mẩu nến cháy dở. Thực ra, cô dự định lắp ghép các mẫu nến tàn thành những cây nến mới để thắp trong lễ tưởng niệm 44 vị “tử đạo” đã chết trong cuộc đàn áp năm 1970. Báo cáo của công an tố cáo cô tội ăn cắp. Nếu bị sa thải vì lý do kỷ luật như thế, Anna sẽ mất hết toàn bộ lương hưu, mặc dù cô chỉ còn ít lâu nữa là nghỉ hưu.
Một cán bộ cấp thấp xin lỗi Anna với những lời né tránh thường được các cán bộ hèn nhát khắp nơi thốt ra, rằng: “Xin lỗi, tôi không còn chọn lựa nào khác. Nếu tôi không sa thải cô thì tôi sẽ bị sa thải, và rồi vẫn sẽ có người khác cho cô nghỉ việc như thường”. Anna đáp, với khí phách của những thành viên Công đoàn Đoàn kết: “Anh nói thế thôi, chứ ‘người khác’ kia sẽ không làm việc đó, rồi người khác nữa và người khác nữa sau đó. Họ không thể sa thải tất cả mọi người được, đúng không?”.[iii]
*
BÊNH VỰC ANNA
6.
Phản ứng của công nhân xưởng đóng tàu đã diễn ra nhanh và mạnh mẽ. Năm ngày sau, một kiến nghị kêu gọi mọi người đình công để “bảo vệ người điều khiển cần trục Anna Walentynowycz … Nếu không bảo vệ Anna, nhiều người trong các bạn cũng sẽ lâm vào tình trạng ngặt nghèo y như vậy” .
Kiến nghị được bảy người ký tên, họ là bảy người được công nhân xem như những người hoạt động tích cực để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, và đặc biệt hơn, để thành lập công đoàn độc lập nằm ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản.
Cuộc khủng hoảng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan đã bắt đầu như thế. Như thường thấy, nó diễn ra trong một đất nước được mệnh danh là của công nhân, với những bất công mà một người công nhân chân chất phải chịu đựng.

-----------
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.



[i] Shana Penn, Solidarity’s Secret: The Women Who Defeated Communism in Poland (University of Michigan Press, 2005), tr. 97-125
[ii] Lech Walesa, The Struggle and the Triumph (Arcade Publishing, New York, 1994), tr. 263
* Wikipedia ghi ngày Anna bị sa thải là ngày 7/8/1980 (ND)
[iii] Jaqueline Hayden, Poles Apart: Solidatiry and the New Poland (Cass, London, 1994), tr. 38
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn