CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 12)

Tác gi: Victor Sebestyen
 Dch gi:  Phan Trinh
CHƯƠNG 10
CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT – THỜI KỲ BỊ ĐÀN ÁP
THỜI TRẤN ÁP - GẬY GỘC, CÀ-RỐT, PHẢN CÔNG - QUẤY NHIỄU WALESA - SỐNG CHUI, KHÔNG NÓNG, KHÔNG BẮN - MICHNIK KHÔNG ĐI - GIÚP CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT - ĐƯỜNG DÂY CHUYỂN TIỀN - GIỮ LỬA VÀ TẮT ĐÈN - POPIELUSZKO: LINH MỤC XUẤT SẮC - GLEMP: HỒNG Y THÂN CHÍNH QUYỀN - GIÁO HOÀNG TRỞ LẠI BA LAN - “ĐỪNG HUYỀN THOẠI HÓA GIÁO HỘI” - HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN BẾ TẮC

***
Warsaw. Thứ bảy, ngày 3 tháng 12, năm 1983
THỜI TRẤN ÁP
1.
LECH WALESA BỊ GIAM LỎNG VÀI NGÀY sau khi thiết quân luật đắt đầu tại Warsaw. Rồi ông bị đưa đi xa, xa thủ đô Warsaw 800 km và cũng xa Gdansk 800 km, đến một căn nhà ở vùng săn bắn hẻo lánh Arlamowo, miền đông Ba Lan, gần biên giới Ukraine. Ngôi nhà này trước đây là của cựu Tổng Bí thư Edward Gierek.
Walesa bị quản thúc chặt chẽ, nhưng được đối xử tương đối tốt. Ông được phép gặp linh mục mỗi tuần một lần và thỉnh thoảng vợ được đến thăm. Tuy thích giao du, ông bị cấm trò chuyện với bạn bè. Ông được cấp những bữa ăn dồi dào và thuốc lá hút tùy thích, nhưng ít tập thể dục.
11 tháng sau, khi xuất hiện trở lại, ông mập hơn nhiều, xanh hơn, tóc bạc hơn và trông buồn hơn. Ông được về sống với vợ con, và trở về làm việc tại Xưởng Đóng tàu Lenin, nơi ông trở thành người thợ điện nổi tiếng nhất thế giới.
Ông kiên nhẫn chờ đợi và tin rằng đến một lúc nào đó, chế độ sẽ phải thương lượng với ông và với Công đoàn Đoàn kết.
2.
Trong thời “nội chiến” [thời kỳ thiết quân luật, giới quân sự cầm quyền] các tướng lĩnh đã cắt đứt Ba Lan với thế giới bên ngoài, và cùng lúc cố hết sức để “hiện đại hóa đất nước”. Nhưng, vừa cô lập vừa hiện đại hóa là hai điều không thể đi chung.
Ba Lan được Hội đồng Quân nhân Cứu Quốc điều hành, tên Hội đồng viết tắt theo tiếng Ba Lan là WRONA (đọc trại thành “con quạ”), gồm toàn bộ nhân sự là quân nhân, do tướng Jaruzelski lãnh đạo. Khoảng 10.000 người đã bị bắt và giam giữ trong các nhà tù hoặc trong 49 trại tạm giam được vội vã dựng lên. Hàng triệu công chức, từ người lái xe lửa đến người giữ sách thư viện, đã bị buộc phải ký bản cam kết trung thành với nhà nước, hoặc đúng hơn, trung thành với Hội đồng Quân nhân đang nắm quyền.
Đường liên lạc điện thoại bị cắt và các máy điện báo telex bị cấm dùng, hàng loạt tờ báo bị đóng cửa, công an tịch thu 370 máy in “ngoài luồng” và 1.200 thiết bị - như máy photocopy - có thể dùng để phát tán báo chui samizdat, các phát thanh viên mặc quân phục khi đọc tin tức truyền hình…
Tuy nhiên, thiết quân luật vẫn chỉ ở mức có giới hạn. Đã không có cuộc đàn áp dã man nào, như từng xảy ra sau vụ Nổi dậy ở Hungary năm 1956. Dân chúng không bị trục xuất hàng loạt hay xử bắn vô tội vạ.
*
GẬY GỘC, CÀ-RỐT, PHẢN CÔNG
3.
Tuy Walesa bị quấy nhiễu thường xuyên, nhưng Công đoàn Đoàn kết lại được phép tồn tại ngầm.
Đó là một dàn xếp quái gở cho thấy Hội đồng Quân nhân đang do dự vì biết rằng vào thập niên 1980, họ không thể dùng lại các biện pháp man rợ của thời kỳ trước. Cũng có những nhóm cực đoan trong Đảng Cộng sản, được gọi là “Nhóm Bê-tông”, chủ trương các biện pháp chống dân cứng rắn hơn nhiều, nhưng Jaruzelski ít khi xem trọng ý kiến của họ.
Walesa bị điều tra vì những sai phạm thuế lặt vặt, và thường xuyên bị bắt giữ ngắn, vài giờ mỗi lần. Cùng lúc, một chiến dịch tuyên truyền được tung ra nhắm vào ông trên hệ thống truyền thông nhà nước, tô vẽ ông như “đại sứ tự phong của Mỹ tại Ba Lan”. Nhưng Walesa không nao núng. Khi dùng gậy đánh phá không xong, chế độ bèn dùng cà-rốt khuyến dụ. Ông được hứa hẹn nhiều khoản tiền béo bở nếu chịu ra nước ngoài. Nhưng Walesa từ chối.
Vào tháng 4/1983, ông gây sốc khi – đáng lẽ bị quản thúc 24 giờ mỗi ngày – ông tìm cách đến được buổi họp bí mật kéo dài ba ngày với các lãnh đạo “chui” của Công đoàn Đoàn kết. Mật vụ không biết gì về cuộc họp kín. Và ông luôn có cách để liên lạc với người của tổ chức bị đặt ngoài vòng pháp luật này.
4.
Thời gian đó, Walesa đề nghị với chính quyền là ông có thể hòa giải với chính quyền nếu được phỏng vấn trên truyền hình. Các tướng lĩnh thích thú với đề nghị này và tưởng tượng họ sẽ dùng cuộc phỏng vấn như một cú “đảo chính” lật ngược thế cờ tuyên truyền.
Nhưng, khi máy quay phim và micro thu âm đến nơi, Walesa đã dùng chúng để hùng hồn lên án thiết quân luật và phê phán chế độ. Cuộc phỏng vấn rõ ràng bất lợi cho Jaruzelski, dù đội ngũ làm tuyên truyền của Đảng đã cẩn thận chắp vá, lồng ghép cho phù hợp, cuộc phỏng vấn đã không được chiếu trên truyền hình nhà nước. Cuối cùng chính quyền đã ra lệnh tiêu hủy băng hình.
Tuy nhiên, một bản thu âm cuộc phỏng vấn, qua tay chuyên viên âm thanh Wojciech Harasiewicz, người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, đã được chuyển cho thông tín viên David Ensor của đài truyền hình Mỹ ABC News, làm việc ở Warsaw. Bản thu âm được phát liên tục trong chương trình phát thanh tiếng Ba Lan của Đài Châu Âu Tự do và Thế Giới vụ Đài BBC, được sao chép và phát tán ngoài luồng trên cả nước. Đó là một sai lầm ngoạn mục của chế độ, và chế độ cũng chỉ biết phản ứng thụ động như dự báo là bắt giam Harasiewicz.
*
QUẤY NHIỄU WALESA
5.
Nhưng, dù có bực Walesa đến đâu, các tướng cầm quyền cũng không thể dùng biện pháp nặng với ông. Ông đã quá nổi tiếng, nhất là sau khi đoạt Giải Nobel Hòa bình vào tháng 12/1983. Ông không dám đến Stockholm để nhận giải, vì sợ Hội đồng Quân nhân sẽ không cho ông trở lại Ba Lan. Danuta, vợ ông, đã đi và thay mặt ông đọc diễn văn nhận giải.
Bà Danuta lúc này không còn là cô gái nhút nhát, rụt rè, hay lo như khi mới cưới. Dù bà khuất trong cái bóng của chồng nhưng ông không làm bà khớp vía, và bà cũng đáo để chẳng sợ ai, như cuốn băng ghi âm đặc biệt của mật vụ Ba Lan dưới đây cho thấy.
Chưa bao giờ tin cộng sản, bà ngày càng ra mặt chống đối chế độ. Nhà của ông bà ở phố Pilotow, Gdansk, bị đặt thiết bị nghe lén, nhưng cả nhà đều biết. Một lần nọ, mật vụ Ba Lan SB đến nhà để đưa Walesa đi thẩm vấn, như họ vẫn thường làm mỗi năm mấy lần, nhưng không thấy ông đâu. Danuta mở cửa trước và dưới đây là cuộc trò chuyện tiếp theo:
“ĐẠI ÚY MAREK ROGOWSKI: Walesa đâu?
DANUTA WALESA: Đảo quanh nhà mà xem, cứ tự nhiên. Anh Walesa ơi! Dân quân đến tìm này. Này cậu kìa (nói với một công an trẻ đang soi mói các phòng), chồng tôi có mặt ngay bây giờ đấy!
ĐẠI ÚY ROGOWSKI: Tránh ra cho tôi vào. Này, tôi không đến để gặp bà nhé!
DANUTA: Đợi đã… Cậu nghĩ cậu làm gì thế? Cứ như côn đồ ấy. Cậu bảo ‘có lệnh’ là sao? Là có lệnh xộc vào nhà người ta rồi ghi âm phỏng?
ĐẠI ÚY ROGOWSKI: Buông tay ra, bà Walesa. Không được đẩy tôi.
LECH WALESA: (vừa về đến nhà) Tôi đang nghỉ ốm và không được ra ngoài … Cậu không được dùng vũ lực bắt người ốm.
ĐẠI ÚY ROGOWSKI: Được đấy! Chúng tôi có quyền đấy!
DANUTA: Vậy là bốn con bò đã vào nhà bắt chồng tôi. Các cậu là côn đồ. Ồ, nhìn cậu kia kìa … trông cũng bình thường mà … Lấy súng ra bắn đi, mất cái gì chứ? Đồ con lợn, bọn ăn thịt người! Đúng đấy, cứ ghi âm đi! Bà đập cái gạt tàn này lên đầu chúng mày bây giờ, bọn đần độn!
ĐẠI ÚY ROGOWSKI: Tôi cảnh cáo bà! Xúc phạm người thi hành công vụ thì …
“DANUTA: Tôi cũng là người dân như cậu. Nhưng tôi không tự tiện xộc vào nhà cậu mà ghi âm …
“LECH WALESA: Bình tĩnh đi em, kẻo lại rắc rối.
“DANUTA: Bọn cớm chúng mày sao cứ quẩn quanh như mèo phải đái ấy!
“LECH WALESA: Rõ ràng là các cậu đột nhập nhà tôi.
“DANUTA: Bọn đê tiện … chúng mày không làm bà sợ được đâu!
“ĐẠI ÚY ROGOWSKI: Tôi sẽ mời bác sĩ đến khám cho ông Walesa”.[i]
6.
Công sức và chi phí bỏ ra để theo dõi Lech Walesa trong nhiều năm là con số rất lớn. Sau này ông tính, theo tài liệu về chiến dịch theo dõi ông, chi phí ba tuần theo dõi hạn chế – gồm ghi âm và đánh máy nội dung 170 giờ thoại, nhân viên theo dõi 8 tiếng mỗi ngày trong 21 ngày – đủ để trả lương cho cả bộ phận thợ hàn tại Xưởng Đóng tàu Lenin trong một tháng. Đó là chưa tính chi phí ca đêm, lương người phiên dịch, chi phí xe con và xe thùng công an đậu trước nhà.[ii]
***
SỐNG CHUI, KHÔNG NÓNG, KHÔNG BẮN
7.
Thiết quân luật được bãi bỏ vào tháng 7/1983, nhưng nhiều quy định vẫn còn hiệu lực, chủ yếu cấm Công đoàn Đoàn kết hoạt động và cấm biểu tình.
Cuộc chiến tiêu hao kéo dài thêm ba năm nữa. Những lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết may mắn thoát được bố ráp vào đêm bắt đầu thiết quân luật sau đó hầu hết đều bị bắt giam nhiều lần. Họ phải đội lốt bí mật mới sống được, như nhận xét của Zbigniew Bujak, một lãnh tụ trẻ trung tài năng của Công đoàn Đoàn kết hoạt động chui ở Warsaw. Anh nói: “Tôi không ở đâu lâu quá một tháng, thường ít hơn. Mỗi người chúng tôi được chỉ định một căn hộ ở tạm, nhưng không được làm việc chung một nơi … Chúng tôi cũng không bao giờ gặp nhau tại nơi mình ở”.
Trong một số giai đoạn thiết quân luật, Công đoàn Đoàn kết gần như biến mất, nhưng theo Bujak, công việc của những người như anh là làm sao cho Công đoàn Đoàn kết tiếp tục tồn tại.
8.
Giữa hai bên dường như cũng có “quy tắc tác chiến” hẳn hoi. Mức độ bạo lực mà chế độ áp dụng thực ra có giới hạn. Trong Công đoàn Đoàn kết cũng có những cái đầu cực nóng, họ có cả vũ khí, nhưng không bao giờ được phép dùng.
Bujak kể khi anh biết có một nhóm cấp tiến cực đoan đang tích trữ súng trường, anh đã tìm ra điểm giấu súng, đột nhập, thu gom, chất lên xe thùng, rồi mang vứt hết xuống Sông Vistula gần Warsaw. Theo Bujak, một số nhân vật trong chế độ “muốn kích cho chúng tôi bạo động khủng bố … nhưng chúng tôi không chủ trương đụng chạm nóng trên đường phố … Nếu theo đường lối đó, chắc chắn chúng tôi thua”.
Bogdan Borusewicz, người điều hành mạng lưới ngầm của Công đoàn ở Gdansk, cho biết anh bị bắn hai lần trong thời kỳ thiết quân luật, nhưng đó là ngoại lệ. Nhìn chung, công an đã không dùng vũ khí bắn vào dân. “Họ rất dứt khoát trong việc tóm chúng tôi, bắt chúng tôi, nhưng gần như vẫn có một thỏa thuận bất thành văn nào đó. Nói chung, họ không bắn chúng tôi, chúng tôi cũng không bắn họ … Chúng tôi không vượt qua một số giới hạn nhất định … còn họ thì cũng không giam chúng tôi quá lâu trong tù”.[iii]
*
MICHNIK KHÔNG ĐI
9.
Chế độ liên tục tìm mọi cách chia rẽ phe đối lập, lúc tinh vi, nhiều lúc thô thiển, lộ liễu, nặng tay, cách hành xử thường thấy trong một chế độ độc tài quân phiệt.
Ví dụ sau đây là một điển hình.
Chẳng bao lâu sau khi thiết quân luật ban hành, sử gia và nhà báo Adam Michnik bị bắt giam. Đến tháng 12/1983, Bộ trưởng An ninh Ba Lan, Tướng Czeslaw Kiszczak, cho mời bạn gái Michnik là Basia Labuda đến văn phòng.
Ông tướng yêu cầu cô thuyết phục Michnik ra nước ngoài. Michnik kể: “Tôi có cơ hội đón Giáng sinh lãng mạn bên bờ Riviera, hoặc tiếp tục ở tù vài năm nữa. Trong góc phòng giam, tôi viết cho ông [Bộ trưởng] rằng ‘tôi biết ở hoàn cảnh tôi, ông sẽ chọn Riviera. Nhưng đó là sự khác biệt giữa chúng ta. Các vị là lợn, chúng tôi thì không. Tôi yêu Ba Lan, dù đang ngồi tù. Tôi không hề có ý định rời Ba Lan. Vì vậy, đừng phí công vô ích”.[iv]
***
GIÚP CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT
10.
Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gặp Tổng thống Reagan tại Vatican ngày 7/6/1982. Dù có chung cái nhìn về chủ nghĩa cộng sản “ma quỷ”, hai người vẫn không tâm đầu ý hợp về ý thức hệ. Ngài Tổng thống, từ đầu, là một tín đồ “ngoan đạo trở lại”  thuộc hệ phái tin lành thuần chất Mỹ. Giáo hoàng lại là người không chấp nhận chủ nghĩa tư bản thị trường thái quá và chủ nghĩa vật chất vô độ, cũng như ngài không chấp nhận chủ nghĩa xã hội vô thần. Điều này ít người phương Tây chú ý, họ tuy ủng hộ Giáo hoàng nhưng lại hiếm khi đọc huấn thị của ngài về những đề tài này. Tuy nhiên, vị Giáo hoàng và ngài Tổng thống đều đồng lòng bắt tay nhau ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.
Họ đồng ý chia sẻ thông tin tình báo về Ba Lan, và thực ra, ban đầu, hầu hết tin tình báo về Ba Lan đều đến từ Vatican. Đích thân Giáo hoàng và các giáo sĩ Ba Lan ở Rome đã duy trì được quan hệ gần gũi với những người trong nước và chia sẻ thông tin quan trọng cho Washington.
Giám đốc CIA, William Casey, người thân cận Reagan và là một Chiến binh Chiến tranh Lạnh nồng nhiệt, ở ông có sự pha trộn kỳ lạ giữa một trí thức sắc bén và một kẻ lập dị hoang dã, ông thu thập kinh nghiệm tình báo từ khi hoạt động trong Thế chiến II cho OSS (Office of Strategic Services – Sở Dịch vụ Chiến lược), trước khi CIA ra đời. Ông đọc ngấu đọc nghiến, và có thói quen lạ khi say mê đọc sách hoặc bị cuốn vào một cuộc trò chuyện thú vị, là ông vừa xỉa răng vừa xỉa móng tay bằng cùng một chiếc kim kẹp giấy.* Casey thành khẩn tin nên phục hồi cuộc chiến tâm lý, văn hóa và tuyên truyền với Liên Xô, vốn là một phần quan trọng trong xung đột siêu cường vào thập niên 1950, 1960. Ông cho rằng Ba Lan là một mặt trận sinh tử trong cuộc chiến này.
Casey sôi nổi, khó lường và là một tín đồ Công giáo nhiệt thành. Ở Washington, ông thường xuyên gặp Tổng Giám mục Pio Laghi, Đại diện Tòa thánh tại Mỹ. Ở Vatican, ông thường gặp Hồng y Agostino Casaroli, viên chức Tòa thánh phụ trách ngoại vụ, để đặt kế hoạch hỗ trợ vật chất cho Công đoàn Đoàn kết.[v]
11.
Ban đầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Carter là nơi khơi mào việc giúp đỡ Công đoàn Đoàn kết. Cố vấn An ninh Quốc gia của Carter, ông Zbigniew Brzezinski, người gốc Ba Lan, tích cực ủng hộ Công đoàn Đoàn kết và với tư cách cá nhân đã giúp quyên góp cho Công đoàn những ngân quỹ lớn. Tuy nhiên, trước công chúng chính quyền Mỹ vẫn e ngại. Brzenzinski lập luận rằng: Chính nghĩa của Công đoàn Đoàn kết sẽ không được đề cao nếu dư luận biết chính quyền Mỹ giúp đỡ họ, và Mỹ có thể gặp nguy hiểm nếu bị xem như can thiệp vào nội bộ Ba Lan. Vì thế chỉ có những khoản tiền nhỏ được Mỹ gửi đến để giúp phát hành tạp chí Kultura thân Công đoàn, trong khi hỗ trợ tinh thần thì rất nhiều.
Khi mới lên cầm quyền, Reagan thận trọng không kém và không cam kết khoản tiền nào đáng kể, cả trong thời gian thiết quân luật được áp dụng. Nhưng, một năm sau Mỹ đã thay đổi quan điểm và CIA bắt đầu chuyển những số tiền lớn, máy móc in ấn, thiết bị phát thanh, cùng hàng trăm máy photocopy đến Ba Lan để, theo lời phó giám đốc CIA Robert Gates: “tiến hành cuộc chiến tranh chính trị ngầm”. Các khoản trợ giúp này được chuyển qua tổ chức công đoàn Mỹ AFL-CIO, với trung gian là giám đốc Irving Brown, người từng làm việc gần gũi với tình báo Mỹ trong những ngày đầu của Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu sau Thế chiến II.
*
ĐƯỜNG DÂY CHUYỂN TIỀN
12.
Theo Gates, Giám đốc CIA Casey “khẳng định rằng việc chối bỏ mọi liên quan trong vụ này là rất quan trọng, cho Công đoàn Đoàn kết” cũng như cho Mỹ, vì vậy họ đã phải tính đến những mưu chước tinh vi để CIA không bị soi mói.
Theo kế hoạch, tổ chức AFL-CIO sẽ chuyển tiền đến cho Viện Đào tạo Tông đồ, một tổ chức Công giáo có quan hệ thân thiết với Tòa thánh. Rồi đến lượt Ngân hàng Vatican cùng Banco Ambrosiano sẽ dựng lên những công ty vỏ bọc ở Bahamas và Panama, và đường dây giấy tờ sẽ dẫn đến đích là các tài khoản được văn phòng Công đoàn Đoàn kết Lưu vong mở ra ở Brussels. Văn phòng này do Jerzy Milewski điều hành. Milewski, nhà vật lý và nhà tư tưởng của Công đoàn Đoàn kết, sống ở phương Tây trong thời gian Tướng Jaruzelski ban hành thiết quân luật làm đảo trộn tình hình. Là một trí thức lịch lãm, điềm đạm, ăn nói nhẹ nhàng, ông không nghĩ có ngày mình sẽ là trung gian cho những phi vụ rửa tiền của một cơ quan tình báo, dù việc rửa tiền là có chính nghĩa.
Ông tổ chức chuyển hàng viện trợ cho Ba Lan, qua ngã Thụy Điển, kèm theo hàng hóa cứu trợ từ thiện của Giáo hội Công giáo và những kiện hàng hợp pháp khác. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, người ủng hộ Công đoàn Đoàn kết, đã cam kết với Reagan rằng Hải quan Thụy Điển sẽ làm ngơ trước các đợt hàng xuất khẩu trên đường đi đến Gdansk.
13.
Chế độ Ba Lan có biết về vụ viện trợ vừa kể của CIA và Vatican không? Sau này, tướng Wladislaw Pozoga, trùm phản gián Ba Lan thời thiết quân luật, đã tỏ vẻ rất tự hào khi nói rằng chế độ có biết.
Ông khoe: “Chúng tôi đã khéo léo xâm nhập vào mạng lưới ngầm [của Công đoàn Đoàn kết]”. Chế độ cài gián điệp trong văn phòng của Công đoàn Đoàn kết tại Brussels và có nhân viên tình báo tại Thụy Điển.
Cấp trên của ông, Bộ trưởng An ninh Kiszczack, đồng tình với ý kiến trên và thêm rằng: “Nhờ các gián điệp của mình … chúng tôi có thể nắm được đường đi nước bước của những chuyến nhập lậu vào Ba Lan với số lượng lớn máy móc và vật liệu in ấn. Chúng tôi có thể chặn bắt các thông điệp gửi cho Lech Walesa và những người khác … Nhờ một gián điệp ở văn phòng Milewski, chúng tôi có thể bẻ mã, và mọi thông tin được mã hóa lưu trong đĩa … mật vụ chúng tôi đều đọc được”.
Kiszczack khẳng định họ cố tình thả lỏng cho những thiết bị in ấn được chuyển đi, đồng thời cứ để cho thông tin liên lạc tiếp diễn như bình thường, vì đó là một cách để họ “nắm bắt các hoạt động ngầm”.
*
GIỮ LỬA VÀ TẮT ĐÈN
14.
Nếu quả thực giới tướng lĩnh biết được mức độ và số lượng hàng lậu nhập vào Ba Lan thì họ đã phạm một sai lầm quá lớn vì đã cho phép vụ việc diễn ra và không cản trở. Máy in, sách vở và những thiết bị truyền thông chuyển đến đều góp phần giữ lửa cho Công đoàn Đoàn kết, nhất là trong những ngày đen tối khi ai cũng dễ dàng nghĩ rằng phong trào đã bị tiêu diệt.
Dưới đây là một ví dụ thú vị:
Mỹ gửi qua Ba Lan một thiết bị thông minh, do CIA chế tạo, có thể làm nhiễu sóng truyền hình. Thiết bị phát ra một loại sóng riêng đè lên sóng của đài truyền hình nhà nước. Màn hình thông thường sẽ mờ nhòa đi và một khung hình được thiết kế sẵn sẽ xuất hiện với biểu tượng của Công đoàn Đoàn kết và thông điệp nói rằng phong trào vẫn tồn tại và cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ thành công.
Nội dung phát hình này được phát vào giờ cao điểm có đông người xem nhất, chẳng hạn vào lúc giải lao giữa hai hiệp thi đấu bóng đá. Thiết bị có tác dụng giới hạn và trong phạm vi hẹp, chừng vài cây số và kéo dài chỉ vài phút, nhưng nội dung phát hình đã có tác động tâm lý vô cùng sâu rộng. Nó cho thấy Công đoàn Đoàn kết vẫn đang ở vị trí có thể đối đầu và làm mất mặt chính quyền. Người xem được yêu cầu “phát tín hiệu” nếu thấy các lượt phát sóng này bằng cách bật và tắt công tắc đèn nhà mình. Và việc bật đèn tắt đèn này đã tạo ra một hiệu quả ánh sáng rất ngoạn mục giữa đêm tối Ba Lan.
CIA tiếp tục cung cấp hàng hóa thường xuyên cho Công đoàn Đoàn kết cho đến cuối năm 1988, chỉ trừ một thời gian ngắn `gián đoạn trong năm 1983 - sau khi mật vụ SB bắt và trục xuất thương gia Mỹ James Howard. Mật vụ tố cáo Howard là gián điệp CIA bị họ bắt được khi đang họp chung với các nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết tại thủ đô Warsaw. Tính chung trong vòng sáu năm, được Vatican hỗ trợ, CIA đã gửi cho Công đoàn Đoàn kết hơn 50 triệu đô-la Mỹ.[vi]
***
POPIELUSZKO: LINH MỤC XUẤT SẮC
15.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 31/10/1984, ở gần Wloclawek, một thị trấn nhỏ cách Warsaw 120 km về phía đông, xác một người đàn ông bị đánh bầm giập được vớt khỏi hồ nước. Mặc dù đã trương phồng, biến dạng, không thể nhận diện, các thợ lặn của công an vừa vớt xác khỏi hồ nước lạnh cóng đều biết đó là ai.
Đó là xác Jerzy Popieluszko, một linh mục Công giáo 37 tuổi. Suốt 10 ngày trước, tin đồn về vị chủ chăn mất tích đã lan ra cả nước. Ông là người nổi tiếng nhất Ba Lan, nổi hơn cả Lech Walesa vì ông là một linh mục. Dư luận đồn rằng ông đã chết khá lâu trước khi tìm thấy xác, rằng ông bị giết chết và kẻ giết ông không ai khác hơn là chế độ cộng sản.
16.
Walesa gọi linh mục Popieluszko là “Tuyên úy không chính thức của Công đoàn Đoàn kết”, còn chính quyền thì gọi ông là “kẻ gây rối”.
Những bài giảng nảy lửa của ông tại Nhà thờ Thánh Stanislaw Kostka ở Warsaw thường xuyên thu hút giáo dân đông đến 40.000 người, và đông hơn nữa vào những ngày lễ lớn. Họ đứng tại quảng trường ngoài nhà thờ, đứng tràn qua cả các ngả đường bên cạnh để nghe ông giảng.
Mỗi chủ nhật, ông đều nói về “mồ hôi nước mắt, thương tích và máu của người lao động”. Các bài giảng của ông rất hay, cách truyền đạt khéo léo và có nội dung chính trị công khai. Có nhiều linh mục “có vấn đề” ở Ba Lan, nhưng trong mắt chế độ, cha Popieluszko chính là người “có vấn đề” nhất, giảng thuyết hay nhất và có khả năng khuấy động quần chúng nhất. Ngoài tài ăn nói và đức tin mạnh mẽ, ông cũng được biết đến như người trông coi những khoản tiền lớn cho các nhóm Công đoàn Đoàn kết hoạt động ngầm tại Warsaw.
Tối ngày 15/10/1984, khi đang trên đường trở về thủ đô sau chuyến thăm Gdansk, ba mật vụ SB đã cưỡng đoạt xe hơi của ông và bắt cóc ông. Họ mang ông từ đường lộ đến một cánh rừng hẻo lánh. Kế hoạch ban đầu của họ là chỉ đánh dằn mặt vị linh mục, cho ông sợ, chứ không giết. Nhưng họ làm hỏng việc. Họ dùng cọc gỗ đập vào đầu làm ông chết. Các tay mật vụ SB hoảng sợ, bèn ném ông suống Sông Vistula.
Quần chúng phản ứng dữ dội khiến chính quyền phải có động tác đáp trả nhanh chóng. Các chế độ cộng sản thường không có thói quen đưa ra ánh sáng công lý những tay mật vụ quá sốt sắng khi thi hành công vụ. Vì vậy, vụ này đã gây chấn động lớn khi ba người giết linh mục Popieluszko, và cả cấp trên ra lệnh bắt cóc ông nữa, đã lập tức bị bắt và bị kết án nhiều năm tù giam.**
Không có chứng cớ cho thấy những người ở cấp cao hơn dính vào vụ này; vụ này dường như là công việc của những thành phần ác ôn trong hàng ngũ mật vụ SB. Nhưng quần chúng không tin. Họ tin và đồn đãi đã có âm mưu bao che để bảo vệ thượng cấp.[vii]
*
GLEMP: HỒNG Y THÂN CHÍNH QUYỀN
17.
Vụ giết hại linh mục Popieluszko đưa ra ánh sáng những căng thẳng và rạn nứt trong hàng ngũ đối lập, và cả trong Giáo hội Công giáo Ba Lan.
Đám tang của vị linh mục vào ngày thứ bảy 3/11/1984 tại Nhà thờ Thánh Stanislaw Kostka là một khung cảnh phi thường. Khoảng 200.000 giáo dân đã đến để tỏ lòng thương tiếc ông. Vị Tổng Giám mục của Giáo hội Ba Lan, Hồng y Glemp, trong bài giảng đã tôn vinh sự hy sinh của linh mục Popieluszko, nhưng một cách kín đáo, Hồng y Glemp lại bất mãn vì vị linh mục kia tuy đã chết nhưng tầm vóc vẫn lấn lướt ông, làm ông thấy mình nhỏ bé.
Hồng y Glemp, 55 tuổi, là một người thực dụng từ bản chất và cũng là người hay nhượng bộ. Ông không xem Popieluszko như một vị tử đạo, mà như một mối lo. Vào lúc Popieluszko chết, Hồng y Glemp đang tìm cách thuyên chuyển ông khỏi Warsaw, nơi ông đang nổi bật, để đưa về một giáo xứ hẻo lánh vùng xa nào đó.
Hồng y Glemp nghĩ rằng khi các linh mục công khai bày tỏ lập trường chính trị là họ đang đe dọa sự thống nhất của Giáo hội và làm suy yếu vị thế của Giáo hội khi thương lượng với chính quyền cộng sản. Ông thường đứng về phía chính quyền. Ông liên tục khẳng định rằng thiết quân luật vẫn tốt hơn giải pháp thay thế là bị Liên Xô xua quân xâm lăng.
Hồng y Glemp và Tướng Jaruzelski cũng đồng tình về một việc quan trọng: cả hai đều muốn Đức Giáo hoàng đến thăm Ba Lan lần nữa. Với Tướng Jaruzelski, chuyến viếng thăm sẽ hợp thức hóa chế độ quân phiệt của ông, và cho thấy Ba Lan cũng “bình thường” như các nước khác. Còn với Hồng y Glemp, chuyến viếng thăm sẽ củng cố vị trí của Giáo hội và vị trí Tổng Giám mục của ông.
18.
Nhưng Đức Giáo hoàng chỉ đồng ý thăm nếu tình hình Ba Lan ổn định. Với Hồng y Glemp và với chế độ, điều này có nghĩa Giáo hội phải tìm cách tránh xa các hoạt động ngầm của Công đoàn Đoàn kết.
Hồng y Glemp đã cho kỷ luật các linh mục “bướng bỉnh”, theo cách ông gọi, và ra lệnh cho họ không được nói chuyện chính trị khi giảng đạo. Ông triệu tập 300 linh mục “bướng bỉnh” về Warsaw và cảnh cáo họ với lời lẽ cứng rắn. Ông nói: “Tôi chẳng thấy Công đoàn Đoàn kết có cửa nào để thắng. Sau khi chính quyền áp đặt thiết quân luật thành công thì ta có thể đoán họ sẽ tấn công Giáo hội. Vì vậy, các linh mục có bổn phận chuẩn bị cho tình hình … bằng cách chỉ tập trung vào việc đạo. Các cha phải tránh xa chính trị”.
Ông còn nói Giáo hội Ba Lan đang đứng trước nguy cơ lìa bỏ sứ mệnh tinh thần để gánh lấy sứ mệnh chính trị, và nếu điều đó tiếp diễn Giáo hội sẽ thua. Ông giận dữ chỉ trích các “nhà tu nhưng cứ tưởng mình là nhà báo!”[viii]
*
GIÁO HOÀNG TRỞ LẠI BA LAN
19.
Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trở lại Ba Lan vào tháng 6/1983 để phục hồi hy vọng cho một đất nước đã suy kiệt, như lời ngài mô tả.
Một phần thỏa thuận giữa Vatican và Jaruzelski là thiết quân luật phải được bãi bỏ nếu muốn cuộc viếng thăm diễn ra, và chế độ đã thực hiện thỏa thuận này một tháng sau đó. Chuyến viếng thăm lần này không có được nồng độ vui mừng và cảm xúc vỡ oà như chuyến viếng thăm bốn năm trước. Đám đông vẫn cực kỳ đông đảo nhưng kiềm chế hơn. Không có những cảm xúc bộc lộ dữ dội.
Một lần nữa, Đức Giáo hoàng đã phải thận trọng tránh dùng những lời lẽ có màu sắc chính trị công khai. Nhưng, trong thánh lễ với 1.000.000 người tham dự tại vùng Krakow thân thuộc, khi ngài nói về “những bất công tệ hại của lịch sử” và khi tuyên bố người Ba Lan đã được “mời gọi để đi đến chiến thắng” thì giáo dân rất hiểu ngài đang nói gì.
*
“ĐỪNG HUYỀN THOẠI HÓA GIÁO HỘI”
20.
Sau khi Đức Giáo hoàng trở về Rome, Hồng y Glemp tiếp tục thỏa hiệp với chính quyền, và vì vậy càng lúc càng mất lòng giáo dân.
Trước kia, khi ông được bầu làm Tổng Giám mục, trùm An ninh Ba Lan Czeslaw Kiszczak đã gửi một báo cáo mật cho cơ quan KGB ở Moscow, nói rằng việc chọn Glemp vào chức vụ này đã làm chế độ Warsaw thở phào nhẹ nhõm: “Ông tân Tổng Giám mục … không phải là người chống Liên Xô như người tiền nhiệm. Người tiền nhiệm Wyszynski đã có ảnh hưởng rất lớn, lời của ông là luật. Wyszynski cũng là mục tiêu của một chiến dịch sùng bái cá nhân … Còn Glemp lại là một người khác và chúng ta chắc chắn có thể tác động lên ông”.
Kiszczak đã nói đúng. Việc hồng y Glemp cắt đứt quan hệ với Công đoàn Đoàn kết được mọi người biết đến vào năm 1984, sau khi ông nói với một nhà báo Brazil rằng Walesa đã không còn kiểm soát được phong trào, vì Công đoàn Đoàn kết đã “trở thành một cái túi hổ lốn, cái gì cũng có thể quăng vào, từ phe đối lập đủ kiểu, đến những tay Mác-xít, những tay Trốt-kít, những kẻ cơ hội và cả Đảng viên cộng sản”.
Tuy nhiên, Glemp chẳng nhận được bao nhiêu từ chính quyền. Chế độ chỉ đáp lại thiện chí của ông một cách cầm chừng, như cho phép xây dựng 900 nhà thờ mới, và Glemp được phép xuất hiện trên truyền hình vào các dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh.
Từ đó, một từ mới đã đi vào ngôn ngữ Ba Lan, được dịch là “Glempic” [nói như Glemp], có nghĩa là bốc phét cao đạo.[ix]
21.
Không lâu sau cái chết của linh mục Popieluszko, sử gia kiêm nhà báo Adam Michnik đưa ra nhận xét này:
“Đừng huyền thoại hóa vai trò của Giáo hội, sự ủng hộ của Giáo hội dành cho những người đối kháng … không phải là tuyệt đối. Giáo hội tuy chống cộng nhưng lại không tin rằng chủ nghĩa cộng sản sắp đến ngày sụp đổ. Ngược lại, họ cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ tiếp tục tồn tại và điều này đòi hỏi Giáo hội phải sáng suốt thích ứng. Tôi không chê trách các vị giám mục … Họ đã hành xử khá hợp lý. Điều tôi phản đối … là lịch sử Giáo hội đang được trình bày như những đợt sóng không hề đứt quãng của đối kháng vì dân chủ [trong khi lịch sử Giáo hội vẫn có những mảng tối]”.[x]
*
HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN BẾ TẮC
22.
Sau một thời gian cai trị, các tướng lĩnh thấy mình chẳng khá hơn hay hiệu quả gì hơn các quan chức Đảng cầm quyền trước đó.
Họ vẫn phải nhờ những khoản tiền viện trợ khổng lồ từ Liên Xô để ổn định giá cả, một việc mà ngay các thủ lĩnh Điện Kremlin cũng than thở là đã “đẩy ta đến tận cùng giới hạn, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục đòi hỏi”.
Chính quyền quân nhân dùng cách tương tự như những chính quyền trước là liên hệ với giới tài chính ngân hàng phương Tây để tiếp tục vay mượn, giải quyết gấp chuyện trước mắt, dù biết sẽ tạo thêm áp lực về lâu dài.
Jaruzelski bắt đầu thấy tình hình khốn đốn của Ba Lan sẽ không thể giải quyết được nếu Ba Lan không chịu từ bỏ lý thuyết Mác-xít. Nhưng lúc đó, ông chưa sẵn sàng để làm điều không thể tưởng tượng kia và tìm cách chia sẻ quyền lực với những người đối lập.

-----------
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.



[i] Robert Boyes, The Naked President (Secker and Warburg, London, 1994), tr. 178-82
[ii] Như trên
[iii] Jaqueline Hayden, Poles Apart: Solidarity and the New Poland (Irish Academic Press, 1944), tr. 146-58
[iv] Adam Michnik, Letter from Freedom (California University Press, 1999), tr. 93
* Casey tin chắc rằng KGB đứng sau vụ ám sát Giáp hoàng Gio-an Phao-lô II vào tháng 5/1981. Mặc dù phó của ông, Bob Gates, tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng, bắt đầu từ tiền đề là Liên Xô chịu trách nhiệm trong vụ này và cần tìm ra chứng cớ, nhưng cuộc điều tra đã không có được chứng cớ nào để liên kết KGB với tội ám sát. Thực ra, những chứng cớ rõ nhất lại cho thấy Liên Xô không dính líu. Nhưng điều này không làm Casey đổi ý, cho tới cuối đời ông vẫn tin rằng KGB đã tìm cách giết Đức Giáo hoàng, thông qua kẻ ám sát không chuyên gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca.
[v] Tim Weiner, Legacy of Ashes: The History of the CIA (Allen Lane, London, 2007), tr. 340-47
[vi] Robert Gates, From the Shadows (Simon & Schuster, New York, 1997), tr. 378-85; Nigel West, The Third Secret: The CIA, Solidarity and the KGB’s Plot to Kill the Pope (Harpercollins, 2001), tr. 186-200
** Ba nhân viên cấp thấp trực tiếp dính líu đến vụ giết người, trung úy Leszek Pekala, đại úy Grzegorz Piotrowski, và trung úy Waldemar Chmielewski, ban đầu bị tuyên án 20 năm tù giam, nhưng ba năm sau, án giảm xuống còn từ sáu đến mười năm. Đại tá Adam Pietruszka, cấp trên ra lệnh cho họ phạm pháp, ban đầu nhận mức án tù 25 năm, đến 1987 giảm xuống còn 10 năm. Đến thập niên 1990, có hai nỗ lực được thực hiện để truy tố những quan chức cấp cao hơn nữa, nhưng cả hai vụ xét xử đều không thành khi bên công tố không đưa ra được đầy đủ bằng chứng. 
[vii] Thông tin về linh mục Jerzy Popieluszko trong sách của Grazyna Sikorska, A Matyr for the Truth (Collins, London, 1985); Norman Davies, God’s Playground: A History of Poland (Oxford University Press, 2005); và Kevin Ruane, To Kill a Priest (Gibson Square, London, 2004)
[viii] Robert Boyes, sđd, tr. 240-46
[ix] Vasili Mitrokhin và Christopher Andrew, The Mitrokhin Archive: The KGB in Europe and the West (Allen Lane, London, 1998), tr. tr. 488-90
[x] Adam Michnik, sđd, tr. 230-32
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn