CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 28)

CHƯƠNG 26

Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh
HUNGARY VÀ RUMANI ĐẤU KHẨU 
ĐIỀM BÁO CHIẾN TRANH – MỐI THÙ TRUYỀN KIẾP – RUMANI “HỆ THỐNG HÓA”, XÓA SỔ LÀNG MẠC – NGƯỜI TỊ NẠN TỪ RUMANI – HUNGARY BIỂU TÌNH RẦM RỘ – CEAUSESCU CÀI BẪY GROSZ – HUNGARY CHO PHÉP CÔNG TY TƯ NHÂN – ĐẤU KHẨU, ĐẤU LUẬT – HUNGARY CHO LẬP ĐẢNG ĐỐI LẬP

***
Budapest. Chủ nhật, ngày 1 tháng 1, năm 1989
ĐIỀM BÁO CHIẾN TRANH
1.
QUÂN BÁO CỦA CẢ HAI SIÊU CƯỜNG đều càng lúc càng lo vì trước đây chưa từng thấy các cuộc chuyển quân như thế dọc biên giới 100 km giữa hai nước Hungary và Rumani. Dường như không thể tin chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai nước đồng minh trong khối Warsaw. Nhưng điềm báo chiến tranh lại quá rõ.
Phía Rumani trong nhiều tuần đã cho xây dựng một hệ thống hàng rào phòng thủ bằng dây thép và tháp canh trên phần đất phía Rumani. Có thể xem đây là Bức màn Sắt thứ hai, chủ yếu là để giữ dân ở lại trong nước như giữ tù. Nhưng khi các đơn vị bộ đội vừa nhập ngũ và vũ trang toàn diện được điều động đến nơi thì căng thẳng gia tăng nhanh chóng.
Hungary đáp lễ ngay. Tại thủ đô Budapest, lãnh tụ mới của Đảng Cộng sản, Karoly Grosz, cầm quyền mới hơn sáu tháng, đã điều một đơn vị thiện chiến đóng tại biên giới với nước Áo đến đối phó với quân Rumani. Việc chuyển quân không chỉ có tính biểu tượng, mà còn cho thấy Hungary giờ đang hướng về phương Tây. Đó cũng là phản ứng tự nhiên vì Hungary thực sự sợ nhà độc tài Rumani, Ceausescu, có thể sẽ xua quân tấn công xâm lược.
2.
Liên Xô cũng lo. Trong cùng đế quốc thì về lý thuyết, không thể có chuyện “các nước xã hội chủ nghĩa anh em” đánh nhau. Trước đây, ngay những bất đồng nhỏ nhặt giữa các nước chư hầu đều không được công khai, đã là đồng chí thì phải bày tỏ truyền thống đoàn kết keo sơn dưới “sự lãnh đạo” ân cần của Liên Xô. Vì theo các nhà lý thuyết, người cộng sản đã tiến hóa vượt bực, vượt qua khỏi giai đoạn “chủ nghĩa quốc gia tiểu tư sản” là nguyên nhân dẫn tới hai cuộc thế chiến. Nhưng giờ đây, Liên Xô đã đánh mất sứ mệnh đế quốc của mình. Họ không còn đủ quyền lực để kiểm soát mọi biến cố trong các thuộc quốc của mình, nhất là các biến cố tại Rumani.
*
MỐI THÙ TRUYỀN KIẾP
3.
Người Hungary và Rumani là hai kẻ thù truyền kiếp. Tranh chấp chủ yếu giữa hai bên là tranh chấp vùng núi rừng Transylvania đẹp ngoạn mục, nơi có đất nông nghiệp thuộc hạng mầu mỡ nhất Châu Âu.
Transylvania thuộc về Hungary trong nhiều thế kỷ, cho đến cuối Thế chiến I, lúc vùng đất được trao cho Rumani theo Hiệp ước Trianon. Đó là một mất mát đau đớn đối với người Hungary bại trận. Tại Hungary, vẫn có một số nhóm người có tinh thần quốc gia mạnh mẽ tin rằng họ là chủ nhân đương nhiên của Transylvania.
Trong khi đó, Rumani cũng có một cộng đồng thiểu số khoảng 1.500.000 người gốc Hungary, họ giữ văn hóa và nói tiếng Hungary. Ceausescu đối xử bạo ngược với họ trong 15 năm qua. Ông cấm họ dậy tiếng Hungary trong trường học. Ông tìm cách trấn áp Giáo hội Cải cách Hungary. Ông đóng cửa các trung tâm văn hóa Hungary tại các thị trấn vùng Transylvania, đóng cửa lãnh sự quán Hungary tại thành phố Cluj, thủ phủ vùng Transylvania. Mục tiêu tối hậu của ông là hủy diệt cộng đồng Hungary, xóa sổ nó trên đất nước Rumani.
4.
Khoảng một phần ba người dân nước Hungary có họ hàng sống tại Transylvania, và Ceausescu tìm cách cắt đứt quan hệ của họ với nhau. Chẳng hạn, người Rumani không được phép qua thăm Hungary, và ngược lại, Ceausescu ngăn chặn người Hungary vượt biên vào Transylvania. Khi đời sống tại Rumani trở nên quá tồi tệ suốt thập niên 1980, người Hungary còn bị cấm gửi các thùng thực phẩm cứu trợ cho bà con và bạn bè tại Transylvania.
Ceausescu còn tin rằng hầu hết những ý tưởng cái cách xuất phát từ Budapest đều có tính phá hoại. Ông cấm, không cho dân Rumani, kể cả trong các cơ quan đầu ngành của Đảng Cộng sản, đọc báo chí Hungary. Trước đó ông đã cấm báo chí Liên Xô, sau khi một trợ lý cho ông xem các trích đoạn khen ngợi perestroika và glasnost trên một số tờ báo Nga.
*
RUMANI “HỆ THỐNG HÓA”, XÓA SỔ LÀNG MẠC
5.
Tại Transylvania, ý tưởng mới nhất của Ceausescu nhằm “tổ chức lại nền văn minh” được xem là mối đe dọa nguy hiểm nhất nhắm vào cộng đồng thiểu số Hungary. Nhà độc tài gọi viễn kiến vĩ đại của ông cho nông thôn Rumani là “công cuộc hệ thống hóa”.
Để hệ thống hóa, ông dự định san bằng 8.000 trong số 13.000 làng xã tại Rumani, và thay thế chúng bằng 500 trung tâm công nông nghiệp khổng lồ. Các “công nhân nông nghiệp” – không ai được gọi là “nông dân” nữa – sẽ sống trong những khối nhà bê tông to lớn, tương tự như các chung cư mà giới vô sản thành thị đang ở.
Ceausescu tưởng tượng đây là một bước tiến bộ, mang ích lợi của quy hoạch cộng sản đến những vùng nghèo đói, xiêu vẹo, không có đường xá, không có điện hoặc hệ thống cấp thoát nước. Và chắc hẳn ông biết khi tập trung “công nhân nông nghiệp” vào các chung cư, thay vì để họ sống tản mác trong các làng cũ, thì sẽ dễ theo dõi họ hơn rất nhiều.
Tính đến năm 1988, chỉ có ba làng xã bị phá hủy. Cả ba đều gần thủ đô Bucharest và nằm gần các đại nông trường tập thể đang hoạt động. Nhưng tin đồn lại lan ra rằng công cuộc hệ thống hóa sắp bắt đầu tại Transylvania, và sẽ nhắm vào các làng có người Hungary.
Chỉ cần tin đồn như thế là đủ kích hoạt một cuộc xuất hành của những người dám từ bỏ cuộc sống và công ăn việc làm hiện tại để rời Rumani. Nhiều năm trước đây, chỉ một ít người Transylvania vượt biên đến được Hungary để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng nay, hơn 25.000 người đã ra đi chỉ trong vài tuần lễ. Rất nhiều người đã chết trong khi tìm cách vượt biên, và hàng ngàn người đã bị bắt trên đường đến biên giới.
*
NGƯỜI TỊ NẠN TỪ RUMANI
6.
Người tị nạn từ Rumani đã gây ra một cuộc khủng hoảng cho Hungary. Trong quá khứ, chế độ của lãnh tụ Kadar đã thường xuyên khiếu nại với Rumani về cách họ đối xử với người thiểu số Hungary. 20 năm trước, hai bên đã ký thỏa thuận trục xuất người tị nạn “trái phép” trở về Rumani, nhưng trên thực tế, Hungary chưa hề trả về bất cứ người Hungary nào để họ phải rơi vào “vòng tay êm ái” của mật vụ Securitate. Một số ít người tị nạn xoay sở đến được Hungary đã được tiếp đón và được chính quyền Hungary cấp cho nơi tái định cư.
Giờ đây, số người tị nạn lớn đột biến đã đẩy chính quyền vào thế kẹt. Họ được bà con, bạn bè, các giáo hội và nhóm từ thiện chăm sóc. Quả là người Hungary rộng lượng. Nhưng quần chúng phẫn nộ vì chính quyền dường như chỉ làm rất ít để giúp người tị nạn mới đến và chỉ duyệt những khoản ngân sách nhỏ để hỗ trợ họ.
Về pháp lý, tình trạng của người tị nạn không rõ ràng. Về thực tế, họ bấp bênh. Ceausescu yêu cầu trả họ về Rumani. Hungary đề nghị các phái đoàn trung gian độc lập đến Transylvania xem xét tình hình, nhưng Ceausescu nói ông sẽ không cho phép phái đoàn nhập cảnh.
*
HUNGARY BIỂU TÌNH RẦM RỘ
7.
Giống như vụ xây đập trên Sông Danube, đây là một vấn đề  đã kích động người Hungary. Về mặt tình cảm, vụ này gây chấn động mạnh hơn nhiều vụ bảo vệ môi trường vì đụng chạm đến vết thương chưa lành trong ý thức quốc gia của người Hungary.
Ban đầu, nhà nước Hungary chưa thấy có gì nguy hiểm. Những người cộng sản cầm quyền còn cho rằng khi dân chúng biểu tình chống Rumani thì đó lại là cái van gián tiếp giúp xả bớt những áp lực đang trực tiếp nhắm vào chế độ cộng sản Hungary. Một trong những người cộng sản cải cách hàng đầu tại Hungary, ông Imre Pozsgay, tiên phong trong chiến dịch chống Ceausescu, đã xem Ceausescu như một người có “những động thái chính trị ngu dốt và không thể lý giải được, làm tổn thương nền văn minh Châu Âu và là một tội ác chống nhân loại”.[1]
Nhưng, vào mùa xuân và mùa hè năm 1988, hàng loạt các cuộc biểu tình khổng lồ đã diễn ra tại thủ đô Budapest và các thành phố lớn tại Hungary. Biểu tình bắt đầu với các yêu sách đòi chính quyền giúp người tị nạn từ Transylvania, nhưng rồi nhanh chóng biến thành các cuộc mít-tinh chống cộng sản.
Sandor Zsindely, một người biểu tình có gia đình đang chăm sóc một số người tị nạn, nói như sau: “Dĩ nhiên, chúng tôi đi biểu tình vì chúng tôi quan tâm đến những người gốc Hungary tại Transylvania, nhưng chủ yếu là vì chúng tôi ghét cộng sản. Biểu tình là cách duy nhất để bộc lộ bất mãn.”[2]
*
CEAUSESCU CÀI BẪY GROSZ
8.
Cuộc hạ bệ Kadar trước đó là để có thêm thời gian cho những người cải cách trong Đảng Cộng sản Hungary. Họ tin rằng nếu vị lãnh tụ già không còn thì quần chúng sẽ nghĩ chế độ cũ đã qua đi và rồi họ sẽ ủng hộ những người kế vị Kadar nhiều hơn. Nhưng họ đã lầm.
Cuộc biểu tình lớn nhất, diễn ra ngày 28/6/1988, được tổ chức sáu tuần sau khi Kadar rời ghế Tổng Bí thư. Hơn 90.000 người đã biểu tình tuần hành trên đường phố Budapest, thành phố có dân số hơn 1.500.000 người.
Áp lực đè nặng lên Grosz, từ ngoài nước lẫn trong nước. Ceausescu gửi lời mời tân lãnh tụ Hungary đến dự hội nghị tại Arad, một thành phố nhỏ của Rumani gần biên giới Hungary, để thảo luận về người tị nạn. Grosz đồng ý dự hội nghị, trái với lời can ngăn của các trợ lý thân cận nhất của ông, của các quan chức hàng đầu trong Đảng, và của hầu hết những tiếng nói từ phe đối lập đang ngày càng lớn mạnh. Họ can ngăn vì không biết Hungary sẽ có được ích lợi gì khi đến gặp Ceausescu.
Grosz và Ceausescu gặp nhau vào cuối tháng 8/1988, và Ceausescu dường như đã tỏ thái độ tốt nhất có thể. Ông ra vẻ niềm nở, và mặc dù không đưa ra bất cứ cam kết chắc chắn nào như Grosz mong muốn, như mở lại lãnh sự quán ở Cluj, Ceausescu vẫn cứ bảo đảm với Grosz rằng người thiểu số Hungary sẽ được hưởng các quyền dân sự, và chắc chắn tiếng Hungary sẽ được dậy trong trường tại Transylvania.
Grosz trở lại Budapest, tin tưởng rằng ông đã đạt được thỏa thuận với nhà độc tài Rumani. Nhưng ông đã sập bẫy. Ngay khi Ceausescu trở về từ Arad, ông liền ra vẻ cay cú, lên tiếng lăng mạ điều ông gọi là “sự can thiệp không thể chấp nhận của Hungary vào công việc nội bộ của Rumani”. Tờ báo Đảng tại Rumani, Scinteia, tuyên bố rằng Hungary “đang đưa ra những yêu sách mà ngay cả tay phát-xít Đô đốc Horthy cũng không dám đưa ra vào thập niên 1930”.[3]
Các nhân vật hàng đầu trong Đảng Cộng sản Hungary lên án Grosz đã quá ngây thơ khi chấp nhận những bảo đảm của Ceausescu và chứng tỏ mình yếu kém. Từ đó, ông không thể phục hồi được uy thế chính trị và bị buộc phải nhượng bộ quá mức ông mong muốn trong nhiều việc.
*
HUNGARY CHO PHÉP CÔNG TY TƯ NHÂN
9.
Trong khi đó, luật công ty mới được công bố và có ảnh hưởng lâu dài đến tiền đồ của chủ nghĩa cộng sản, dù chưa mang lại hiệu quả trước mắt về tài chính.
Trên thực tế, luật công ty ra đời, mang lại nhiều thay đổi đáng kể: quy hoạch tập trung bị bãi bỏ; quyền sở hữu cổ phần tư nhân lần đầu tiên được cho phép; không giới hạn quy mô một doanh nghiệp tư nhân; các công ty cổ phần được phép thành lập; doanh nghiệp nước ngoài được phép mua toàn phần các công ty Hungary… Một loạt các khoản ưu đãi về thuế cũng được đưa ra áp dụng.
Reszo Nyers, một trong những nhà kinh tế đưa ra kế hoạch cải cách này, tuyên bố rằng: “Chúng tôi đang đi vào vùng đất mình chưa đặt chân đến bao giờ”.[4]
*
ĐẤU KHẨU, ĐẤU LUẬT
10.
Cuộc đấu khẩu với Rumani ngày càng cay cú hơn. Vào tháng 11/1988, các nhà ngoại giao của cả hai phía đều bị rút về nước. Ceausescu yêu cầu phải hồi hương người tị nạn. Hungary đáp lễ bằng cách cung cấp nơi lánh nạn cho người tị nạn và ký “Quy ước 1951 của Liên hiệp Quốc về Người Tị nạn”. Hungary là nước đầu tiên ký Quy ước, không bất cứ nước nào trong khối xã hội chủ nghĩa ký trước đó.
Mục tiêu của việc ký Quy ước là để Hungary được bảo vệ về pháp lý khi từ chối trả người tị nạn Transylvania về Rumani, như thỏa thuận trước kia giữa hai nước đòi hỏi. Các luật sư của Đảng khuyên chính quyền rằng Quy ước kia của Liên hiệp Quốc sẽ phủ quyết và thay thế cho thỏa thuận được các nước trong Khối Warsaw ký nội bộ với nhau.
Ceausescu cảnh báo rằng nếu Rumani tham gia cuộc chiến vũ trang, “Rumani có khả năng sẽ chế tạo vũ khí hạt nhân”. Đó là một lời hù dọa không đáng tin, nhưng Grosz không hoàn toàn chắc rằng Ceausescu chỉ khoác lác. Vì mới vài tháng trước, Grosz đã rất bất ngờ khi biết Liên Xô cài đặt phi đạn hạt nhân trong nước ông. Dù lúc đó là Thủ tướng, cũng không ai cho ông biết điều này, và tại Hungary, vũ khí hạt nhân là một bí mật, chỉ có Tổng Bí thư Đảng, Bộ trưởng Quốc phòng cùng hai vị tướng khác được biết.
*
HUNGARY CHO LẬP ĐẢNG ĐỐI LẬP
11.
Khi năm mới 1989 bắt đầu, Ceausescu cho củng cố hệ thống hàng rào biên giới kiên cố hơn và nói năng hiếu chiến hơn. Quân đội Rumani lớn gấp ba quân đội Hungary nhưng nếu xảy ra xung đột vũ trang, hậu quả thật khó đoán.
Các bản tin mới nhất từ Moscow thì bình tĩnh hơn và cho rằng rằng Lãnh tụ Vĩ đại của Rumani chỉ đưa vũ khí ra dọa nạt mà thôi, và cuộc đấu khẩu giữa hai láng giềng có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, nhưng Grosz vẫn không thể mở cờ trong bụng.
Grosz không thể yên tâm vì cả đời mình ông là người cộng sản trung kiên, vậy mà giờ đây ông lại thấy quá nhiều thay đổi nhanh chóng diễn ra trước mắt. Ngày hôm đó, 1/1/1989, tờ báo Đảng Nepszabadsa đã tháo bỏ biểu tượng và khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết lại” ra khỏi trang nhất. Và chỉ trong 10 ngày sau, ngày 11/1/1989, dưới quyền lãnh đạo của ông nhưng vượt ngoài mọi điều ông dự kiến, Hungary sẽ trở thành nước đầu tiên trong khối xã hội chủ nghĩa cho phép thành lập các đảng phái chính trị cạnh tranh với Đảng Cộng sản.
12.
Như lời các đồng chí lão thành trung kiên nói với Grosz trong đầu năm mới, đó là khoảnh khắc lịch sử biến ông thành người đào mồ chôn chủ nghĩa cộng sản.
Đã có lúc, tuy không lâu, ông định dùng biện pháp mạnh: Ông ra lệnh cho những trợ lý thân cận nhất chuẩn bị kế hoạch đối phó, tức ban hành thiết quân luật tại Hungary nếu xảy ra chiến tranh với Rumani, hoặc kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Thiết quân luật cũng có thể là cách duy nhất để Đảng duy trì quyền lực.
Ông không thảo luận ý định này với nhiều người tại Hungary, nhưng theo lời cố vấn đối ngoại Gyula Thurmer, Grosz đã hỏi ý kiến Tướng Jaruzelski, lãnh tụ Ba Lan. Nhưng Jaruzelski khuyên ông nên từ bỏ kế hoạch, vì thiết quân luật đã không mang lại ích lợi gì nhiều cho Ba Lan, ông nói: “Chúng tôi thắng trận đó, nhưng lại thua cả cuộc chiến”. Tướng Jaruzelski khuyên Grosz tiếp tục đường lối thỏa thuận với phe đối lập. Và Gorsz gần như chấp nhận định mệnh của ông là trở thành một trong những lãnh tụ cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử cộng sản.[5]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
PT
Dịch giả gửi BVN.
[1] Báo Nepszabadsag, ngày 3/5/1988
[2] Tác giả trò chuyện với nhân vật tại Budapest, tháng 4/2004
[3] Báo Scinteia, Bucharest, ngày 1/9/1988
[4] Báo Nepszabadsag, ngày 4/10/1988
[5] Gyula Thurmer, Nem Kell NATO (Progressio, Budapest, 1995)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn