CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 9)

Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 7
QUYỀN LỰC DÂN ĐEN – VACLAV HAVEL
GIẤC MƠ JEANS XANH – CAM CHỊU VÀ NỔI DẬY – BẮT BAN NHẠC – HUSAK KHÔNG ĐÙA – HAVEL LÊN TIẾNG – HIẾN CHƯƠNG 77 RA ĐỜI – HIỆP ƯỚC HELSINKI: “VŨ KHÍ” NHÂN QUYỀN – NHÓM QUAN SÁT HELSINKI – VACLAV HAVEL – SỰ THẬT VÀ TÙ TỘI – CỨ NHƯ LÀ – QUYỀN LỰC DÂN ĐEN – TRÍ THỨC DẤN THÂN – BỚT MAN RỢ LỘ LIỄU – “BƯỚC ĐI SAI, LỘ TRÌNH ĐÚNG” – KUNDERA ĐI, HAVEL Ở – TRÍ THỨC PHẢN KHÁNG: KHỐI U CỦA CHẾ ĐỘ – QUÊN TỰ DO, ĐƯỢC ĂN – XE HƠI: NHẤT CÁN BỘ, NHÌ BẠN CÁN BỘ – VŨ ĐIỆU TỬ THẦN: CỘNG SẢN VÀ ĐÔ-LA MỸ – TƯ BẢN LÀ THUỐC PHIỆN – KINH TẾ VỊ QUÂN SỰ: LẤY SỐ BÙ CHẤT – QUỐC PHÒNG: 40% NGÂN SÁCH

***

Praha. Tháng 6, năm 1982
GIẤC MƠ JEANS XANH
1.
THỜI KỲ ĐÓ, BA LAN LÀ MỘT NGOẠI LỆ về nhiều mặt, là một đất nước gần-như-vô-chính-phủ, đến nỗi một lãnh đạo Liên Xô phải gọi đó là “Gót chân Archilles” của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng với hầu hết người ngoài, thủ đô Warsaw nhìn cũng giống thủ đô các nước cộng sản khác như Bucharest hay Đông Berlin.
Một trong những điều du khách có thể thấy ngay, vào đầu thập niên 1980, như từng thấy trong thập niên 1950, là từ Varna bên bờ Biển Đen đến Vilnius bên bờ Biển Baltic, đường phố vắng bóng bảng quảng cáo và hiệu buôn vắng bóng hàng hóa. Không phải “có ít”, mà là không có gì. Một du khách từ phương Tây có thể cho rằng “không có cũng tốt”, nhưng rõ ràng khung cảnh này là nét đặc trưng của các thành phố trong thế giới xã hội chủ nghĩa, không lẫn vào đâu được.
Hầu hết các thành phố này, cứ đêm về là tối tăm đến rờn rợn. Phố xá leo lét vài ngọn đèn, thỉnh thoảng vài chiếc ô-tô tư nhân qua lại. Mọi người tuy quần áo lành lặn vào thập niên 1980, không ai rách rưới, nhưng người chú ý đến thời trang sẽ không tìm được mẫu mã khác biệt, cũng chẳng mấy thứ để mua trong cửa hàng nội hóa. Đỉnh cao của xa xỉ, cũng là đỉnh điểm của khát khao, là một chiếc quần Jeans xanh, của Mỹ.
“Chúng ta giả vờ làm việc, chúng nó giả vờ trả lương” là câu cửa miệng truyền khắp Đông và Trung Âu, nhưng thật trớ trêu, câu nói đó không đùa chút nào. Ngược lại, nó mô tả ngắn gọn và chính xác đời sống nơi đây.
*
CAM CHỊU VÀ NỔI DẬY
2.
Về mặt chính trị, Đông Âu đã bị đóng băng.
Tính đến thập niên 1980, hầu hết các chế độ đương nhiệm đều nằm trong tay những người đã nắm quyền trên 10 năm. Bộ đôi lãnh tụ Todor Zhikov ở Bulgaria và Janos Kadar ở Hungary đã nắm quyền hơn 20 năm, tính đến thời điểm ban hành thiết quân luật tại Ba Lan. Họ không hề có ý định từ bỏ quyền lực, dù là từ bỏ vì mình hay vì các quan thầy ở Moscow.
Các nhà độc tài cộng sản này tin rằng khi quần chúng im lặng có nghĩa là quần chúng chấp nhận họ – chấp nhận một cách bất đắc dĩ, một cách rầu rĩ, một cách bất hạnh đi chăng nữa – thì điều quan trọng là quần chúng đã ngoan ngoãn cam chịu, và không gây cho họ rắc rối gì đáng kể.
3.
Nói chung, cam chịu diễn ra trên toàn cõi đế quốc Xô-viết. Cũng có những cuộc nổi dậy. Nhưng nổi dậy bị đè bẹp thê thảm, và xe tăng Xô-viết đã nghênh ngang diễu phố trong những thủ đô thuộc hàng đẹp nhất Châu Âu này.
Ký ức về cuộc nổi dậy của người dân Hungary và Tiệp Khắc vẫn còn mới nguyên: Năm 1956 tại Hungary, hơn 2.500 người chết ở Budapest trong cuộc chiến đấu cho tự do rất hào hùng nhưng bi tráng. Người dân Tiệp Khắc vẫn cảm thấy bị đè bẹp khi Mùa Xuân Praha 1968 thất bại. Dư chấn của cả hai trải nghiệm này vẫn còn là cơn đau sâu trong lòng dân.
Hàng trăm người Hungary đã bị xử tử vì dám thách thức chế độ, hơn 15.000 người bị bỏ tù. Tại Tiệp Khắc, thời kỳ được chế độ gọi là “bình thường hóa” tuy ít khắc nghiệt hơn, nhưng vẫn là “ruột bạo động, vỏ văn minh” theo cách nói của Milan Simacka, một nhà văn Slovakia*. Nhưng dù kém khắc nghiệt, khi cuộc thanh trừng toàn diện diễn ra, nó vẫn thay đổi bộ mặt của đất nước Tiệp Khắc và cả Đảng lãnh đạo.
Trong thời kỳ “bình thường hóa”, gần nửa trong tổng số 1.500.000 Đảng viên bị khai trừ Đảng. Mọi nhân sĩ trí thức, nhà báo và giáo sư hàng đầu phải ký vào những cam kết “trung thành” với nhà nước – tức trung thành với Đảng – và nếu không ký, họ sẽ bị khai trừ. Đài truyền thanh truyền hình Tiệp Khắc sa thải 1.500 trên tổng số 3.500 nhân viên.
Vào thập niên 1970 và 1980 tại thủ đô Praha, có rất đông những người thợ đốt lò, nhân viên bảo vệ hoặc thợ máy từng là những triết gia, giáo sư sử học, biên tập viên các tờ báo trước hoặc trong thời kỳ Mùa Xuân Praha.
4.
Toàn trị đã dạy người dân những bài học đắt giá và người dân phải tìm ra cách tồn tại trong lòng chế độ. Họ đành rút lui vào cuộc sống riêng tư, nơi họ hy vọng mật vụ Stasi hay Securitate sẽ không bám sát.
Nhà báo kiêm nhà văn Ba Lan Konstanty Gebert (một học giả vui tính, râu rậm, bút danh Dawid Warszawski) nói rằng ông đã xây được “một rào chắn nhỏ và di động, đặt nó giữa bản thân và sự câm lặng, cam chịu, nhục nhã, mất nhân cách. Rào chắn đó xe tăng không đâm thủng được, và chừng nào rào chắn còn đó … thì vẫn còn đó quanh tôi một khoảng trời tự do nho nhỏ”.[i]
*
BẮT BAN NHẠC
5.
Đó là một đêm vui. Ít nhất là cho tới khi ba vị khách không được mời bỗng xuất hiện lúc cuối tiệc và bắt ban nhạc đi mất.
Các nhạc sĩ vừa kết thúc buổi diễn tại một căn hộ ở trung tâm Praha ngày 15/6/1976. Họ uống bia, các thành viên ban nhạc trò chuyện huyên thuyên cùng khách dự tiệc. Rồi ba mật vụ Tiệp Khắc, tiếng Tiệp là Statni Bezpecnost (StB), bước vào.
Đêm đó, họ bắt bỏ tù các thành viên của nhóm nhạc Người Nhựa Vũ trụ, nhóm nhạc phổ thông nổi tiếng nhất Tiệp Khắc, họ cũng bắt nhốt một số người ủng hộ ban nhạc, tổng cộng 19 người, vì lý do “quấy rối trật tự”.
Ngày hôm sau, cả nhóm bị kết tội “say sưa, nghiện ngập và có hành vi không được xã hội chấp nhận”. Sau phiên tòa xử, bốn thành viên trong nhóm bị kết án tù giam từ một đến ba năm rưỡi, trong số có người sáng lập ban nhạc, Milan Hlavsa, cũng là người viết ca từ và chơi guitar bass.[ii]
6.
Về âm nhạc, đó không phải là ban nhạc xuất sắc. Nếu so với thần tượng của họ là Frank Zappa, Captain Beefheart hoặc The Velvet Underground thì Người Nhựa không mấy sáng tạo với tư cách là những nghệ sĩ.
Họ cũng không chủ trương hoạt động chính trị, như thủ lĩnh ban nhạc Hlavsa vẫn nói: “chúng tôi không có thông điệp chính trị nào cả. Chắc một điều là chúng tôi không toan tính hạ bệ chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi chỉ thích nhạc “Rock and Roll” và muốn nổi tiếng, thế thôi”.[iii]
Tuy vậy, lãnh tụ bù nhìn được Moscow dựng lên vào năm 1969 tại Tiệp Khắc, Gustav Husak, vẫn run sợ.
*
HUSAK KHÔNG ĐÙA
7.
Husak là người bảo thủ trầm trọng trong nhiều mặt, không thích đùa, và luôn muốn quần chúng ngoan ngoãn tuân phục chế độ. Ông cứng rắn, không nhân nhượng, xuất thân từ một thị trấn nhỏ bên bờ Sông Danube gần Bratislava, từng bị chế độ phát-xít bỏ tù tại Slovakia khi quân Đức chiếm vùng này trong Thế chiến II. Sau này, ông phất lên nhanh với tư cách một đảng viên cộng sản, nhưng vào những năm 1950, lúc xảy ra thanh trừng nội bộ, ông đã phải ở sáu năm trong trại cải tạo vì bị kết tội “tư sản dân tộc”. Kinh nghiệm này làm ông sợ.
Lúc này 63 tuổi, ông thấy bị đe dọa bởi bất cứ gì ông tưởng tượng là bất thường. Trước đó ít lâu, ông cho truy tố một nhà văn Slovakia, Jan Kalina, vì tội hiệu đính và xuất bản cuốn sách có tên “1001 truyện tiếu lâm”, một bộ sưu tập gồm hầu hết là truyện tiếu lâm chống cộng, được xem như rất có hại cho chế độ. Nhà của Kalina ở Bratislava bị đặt thiết bị nghe lén để cơ quan tình báo biết ai gửi truyện cho ông, và rồi Kalina bị xử tù hai năm.[iv]
8.
Nhạc phổ thông được xem là một mối nguy cho nhà nước. Ban nhạc Người Nhựa Vũ trụ được thành lập cuối thập niên 1960, và lúc đầu được phép biểu diễn hợp pháp. Nhưng đến năm 1973, cùng một số ban nhạc Tiệp khác, họ bị cấm chơi tại các tụ điểm công cộng. Thế là họ tìm cách hoạt động, vẫn như trong vòng pháp luật, tại các “tụ điểm riêng” như đám cưới, tiệc sinh nhật, tại nhà riêng, hoặc, lợi dụng lỗ hổng luật pháp có thể lách được, tại các khu vườn. Ban nhạc nhanh chóng thu hút được một nhóm người hâm mộ cuồng nhiệt.
Giới trẻ cho rằng nếu ông trùm cộng sản Husak và toàn bộ lực lượng của chế độ cộng sản đã được dùng để chống lại một ban nhạc, thì có nghĩa ban nhạc Người Nhựa có lẽ đã làm được điều gì đó rất đúng đắn.
Một trong những người ngưỡng mộ ban nhạc là nhà biên kịch bắt đầu được chú ý trên văn đàn. Nhà biên kịch này, Vaclav Havel, cũng là người viết luận văn và là triết gia, tác phẩm của ông lúc đó bắt đầu được chú ý ở phương Tây.
*
HAVEL LÊN TIẾNG
9.
Người Nhựa ăn mặc giống như các ban nhạc ngoài luồng khác cùng thời ở Mỹ hay Tây Âu, cũng áo khoác da, quần jeans, áo thun nhuộm màu loang, đeo chuỗi hạt các kiểu, và họ để tóc dài.
Công an và mật vụ StB dĩ nhiên biết ban nhạc có biểu diễn, nhưng trong vài năm vẫn cho phép họ hoạt động vì không muốn làm thế hệ trẻ khó chịu. Người Nhựa tuy thiên về “lãng đãng chủ nghĩa” hơn tư bản chủ nghĩa, nhưng danh tiếng của họ lại là cái gai thường trực đối với những tiếng nói bảo thủ tân-Stalin trong lòng chế độ.
Những đầu lĩnh cộng sản trị vì tại Lâu đài Praha ra lệnh cho an ninh bắt giữ “bọn lười biếng” này. Theo một cuộc trao đổi được ghi nhận giữa những quan chức cao nhất trong chính quyền Tiệp Khắc, thì: “Nhạc của chúng không có gì liên quan đến nghệ thuật và đe dọa nghiêm trọng đạo đức xã hội. Ca từ của chúng … chứa đầy những điều cực kỳ nhảm nhí có tác dụng chống chủ nghĩa xã hội và phản xã hội, hầu hết ca từ đều cổ vũ chủ nghĩa hư vô, lối sống suy đồi và tư duy thần bí”.[v]
Khi thành viên ban nhạc bị đem ra xét xử trong phiên tòa công cộng vào tháng 10/1976, Havel, người yêu thích sức sống và sức lay động của nhạc rock, đã có mặt trong hàng ghế khán giả để quan sát một phần “vở diễn” được gọi là phiên toà này.
Sau đó, ông viết một luận văn xuất sắc, có tên “The Trial” (phiên tòa) gợi ngay đến tiểu thuyết cùng tên của Kafka, được in và phổ biến chui, và rồi luận văn này được tuồn qua phương Tây, làm nhà cầm quyền Tiệp Khắc càng bực bội.
Luận văn có đoạn viết: “Người Nhựa chỉ đơn thuần là những người trẻ tuổi muốn sống theo cách của mình, muốn làm nhạc theo cách mình thích, muốn hát những điều họ muốn hát, muốn sống hài hòa với chính mình một cách chân thực”. Người Nhựa đại diện cho “cuộc sống khát khao được tự do thể hiện chính mình, một cách chân thực và không bị giới hạn”.[vi]
*
HIẾN CHƯƠNG 77 RA ĐỜI
10.
Hai tháng sau khi Người Nhựa bị truy tố và tuyên án, Havel cùng một ít nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa bảng và nhạc sĩ đã thành lập một tổ chức để vận động trả tự do cho ban nhạc, và rộng hơn, kêu gọi sự chú ý của thế giới bên ngoài đối với những vi phạm nhân quyền diễn ra đàng sau Bức màn Sắt.
Tổ chức tuyên bố đó là một “hiệp hội mở, không chính thức và linh hoạt của những người dân … liên kết lại bằng khát khao đấu tranh, với tư cách cá nhân hoặc tập thể, vì quyền con người và quyền dân sự tại nước mình và trên thế giới”.
Tuyên bố này được biết đến với tên gọi Hiến chương 77, được gửi đến Đài Truyền hình Tây Đức và Đài phát thanh Deutsche Welle. Tại các đài này, tuyên bố chỉ nhận được sự tường trình vừa phải. Thoạt đầu, Hiến chương 77 nhận được chữ ký ủng hộ của 243 người.[vii]
***
HIỆP ƯỚC HELSINKI: “VŨ KHÍ” NHÂN QUYỀN
11.
Có một chất xúc tác đàng sau sự hình thành của tổ chức Hiến chương 77 – sau này trở thành tổ chức đấu tranh cho nhân quyền nổi tiếng nhất Đông Âu, bên cạnh Ủy ban Bảo vệ Công nhân, KOR, tại Ba Lan. Chất xúc tác đó là Hiệp ước Helsinki về An ninh Châu Âu, được ký vào năm 1975, sau những đợt thương thuyết lâu dài.
Hiệp ước Helsinki mang lại cho những người đấu tranh đòi dân quyền một vũ khí mạnh mẽ để có thể thách thức chế độ cộng sản. Những quy định về “quyền” ghi trong Hiệp ước Helsinki đã tác động sâu rộng, hơn hẳn những gì các nhà ngoại giao soạn Hiệp ước tưởng tượng, nó từng bước bào mòn sự tự tin, sức mạnh và ý chí cai trị của những người cộng sản.
12.
Ban đầu, Liên Xô và các nước chư hầu đều ca tụng Hiệp ước Helsinki là một nước cờ ngoại giao bậc thầy của các ông trùm Điện Kremlin.
Hiệp ước công nhận các đường biên giới được xác lập ngay sau Thế chiến II là bất khả xâm phạm, và điều này gần như đã xác nhận tính chính danh của các chế độ cộng sản trên vùng đất họ đang chiếm giữ, tính chính danh mà trước đây họ chưa từng có.
Đặc biệt, những người cộng sản Đông Đức đã rất phấn khích, vì trước đó chưa từng có nước nào ngoài các nước khối cộng sản công nhận Công hòa Dân chủ Đức như một quốc gia. Theo Hiệp ước này, từ nay Đông Đức có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với mọi nước.
Nhưng, để có những quyền lợi này, người Xô-viết phải trả giá. Họ phải chấp thuận tuyên bố tôn trọng hàng loạt những quyền dân sự về tự do hội họp, tự do ngôn luận, và những giá trị dân chủ khác được minh định trong Hiến chương Liên hiệp Quốc.
Lời mở cầu của Hiệp ước Helsinki có đoạn viết: “Mọi bên ký kết đồng ý tôn trọng các quyền tự do về dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và các quyền tự do khác, tất cả những quyền này đều xuất phát từ nhân phẩm vốn có của con người”.[viii]
Phe cộng sản cho rằng nếu phương Tây đồng ý công nhận hiện trạng biên giới hậu chiến, thì điều đó cũng có nghĩa không ai được tìm cách thay đổi sinh hoạt chính trị nội bộ của các nước xã hội chủ nghĩa nằm sau những biên giới kia. Họ tin rằng Hiệp ước sẽ khiến cho chế độ cộng sản tại các nước chư hầu trở thành thường trực và kết thúc mọi khả năng xảy ra nhưng vụ nổi dậy như Mùa Xuân Praha.
Nhưng, họ đã sai lầm nghiêm trọng. Vì Hiệp ước Helsinki được mô tả như là:
“… một cây đinh đóng vào quan tài cộng sản …
“Với Brezhnev, ông chỉ nôn nao chờ xem dư luận phản ứng thế nào khi biết thỏa thuận quốc tế chung cuộc về các đường biên giới hậu chiến, đường biên giới mà Liên Xô đã phải hy sinh rất nhiều để có được. Còn về nhân quyền, có thể được nhắc tới, nhưng chỉ được nhắc sơ qua trong nước, không cho dư luận chú ý nhiều, và ông nghĩ điều này sẽ không gây rắc rối gì. Nhưng ông lầm …
“Ngay tại Điện Kremlin, một số những lãnh tụ lão thành đã thất kinh khi lần đầu tiên thấy được chữ nghĩa của những khoản viết về nhân quyền trong Hiệp ước. Andropov, Suslov (và những người khác) đã rất lo ngại về việc chấp nhận những cam kết quốc tế như vậy, vì điều này có thể mở cửa cho sự can thiệp từ bên ngoài vào sinh hoạt chính trị nội bộ của ta …
“Nhiều nhà ngoại giao Xô-viết bày tỏ lo ngại vì họ dự đoán, rất chính xác, rằng sẽ xảy ra những tranh cãi quốc tế sau này về nhân quyền. Nhưng Gromyko đã thắng cuộc tranh luận khi tuyên bố “có sao đâu, ta sẽ làm chủ nhà ta mà”, và như thế, ông bày tỏ sự bất tuân Hiệp ước ngay từ đầu …
Tuy vậy, những cam kết trong Hiệp ước dần dần trở thành nội dung tuyên ngôn của phong trào phản kháng đòi tự do – một biến chuyển hoàn toàn vượt xa trí tưởng tượng của giới lãnh đạo Liên Xô”.[ix]
*
NHÓM QUAN SÁT HELSINKI
13.
Thực ra, giới lãnh đạo Liên Xô không thể nói không với Hiệp ước Helsinki. Những quyền dân sự được long trọng ghi vào Hiệp ước, ít nhất về lý thuyết, đều là những khoản được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa bằng thứ ngôn ngữ thật trân trọng và hùng hồn.
Họ cũng không thể dễ dàng phớt lờ những điều khoản đi kèm, tuy rất muốn. Hiệp ước Helsinki cho phép phương Tây khiển trách Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa nếu họ không tôn trọng các điều khoản, đồng thời cho những nhà vận động tự do dân sự trên toàn đế quốc một nền tảng pháp lý để dựa vào đó yêu cầu chính quyền tôn trọng các khoản đã thỏa thuận.
Các nhóm Quan sát Helsinki mọc lên như nấm tại các nước khối xã hội chủ nghĩa, ngoại trừ Rumani, nơi không ai dám thành lập vì sợ. Sử gia Tiệp Khắc, Petr Pithart nói rằng những điều khoản đi kèm của Hiệp ước đã trang bị cho phe đối lập một chiến lược mới. Thay vì đòi những quyền mới họ chưa có thì các nhóm Quan sát Helsinki có thể nói rằng những quyền tự do kia đều được luật pháp quy định rành mạch, nhưng không được công nhận trên thực tế. Lập trường này giúp cho phe phản kháng trở nên hợp lý, có chính nghĩa hơn và ép các Đảng Cộng sản vào thế thủ.
Triết gia kiêm nhà hoạt động nhân quyền Hungary, ông Milos Haraszti, đồng ý với điều này và cho rằng: “Helsinki cho chúng tôi một cây gậy để chúng tôi có thể không ngừng đánh vào chính quyền. Điều này hết sức quan trọng”.[x]
14.
Ngay những nhân vật nổi tiếng hoài nghi của phương Tây cũng dần bị thuyết phục. Khi Hiệp ước Helsinki còn đang được thương lượng, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã lên tiếng chế nhạo. Trợ lý chính của ông tại Châu Âu, William Hyland, xác nhận rằng thái độ của sếp Kissinger là một thái độ “khinh thị. Kissinger nói: ‘Tôi chẳng quan tâm họ đang làm gì … họ có viết Hiệp ước bằng tiếng Phi Châu tôi cũng chẳng cần biết … Tôi không tin là một nhúm những tay cách mạng gộc, đã xoay sở để nắm quyền suốt 50 năm nay, sẽ bị loại khỏi ván bài bởi những người đang ngồi thương lượng ở Helsinki.’”[xi]
Nhưng sau này, Kissinger lại thay đổi quan điểm và công nhận rằng Hiệp ước là “một cột mốc chính trị và đạo đức quan trọng, góp phần vào sự suy tàn từng bước của hệ thống Xô-viết … Hiếm khi có một quá trình ngoại giao nào làm lộ rõ sự hạn hẹp của tầm nhìn con người đến thế”.[xii]
***
VACLAV HAVEL
15.
Vaclav Havel không có vẻ ngoài của một lãnh tụ lớn.
Dáng thấp, tướng đi xuề xòa, thô vụng, ông khiến người đối diện liên tưởng đến một giáo sư thông thái nhưng hơi đãng trí và có phần thiếu tự tin. Ông cũng là người không che đậy được sự bất an và ngờ vực chính mình.
Ông kiếm sống được cũng nhờ viết về những tính cách kia với sự dí dỏm, duyên dáng và thật thà như đếm. Tuy nhiên, khi thời cơ đến, ông lại có thể hành động chắc nịch, kiên quyết và nhanh chóng.
Về nhiều mặt, có thể xem ông là mẫu người tiêu biểu cho trí thức Trung Âu, họ sung sướng nhất khi được nói chuyện thâu đêm về triết lý, kịch nghệ và chính trị trong quán rượu với bạn bè cầm bút. Như ông tự nhận, ông đã dành rất nhiều thời gian lưu tới quán rượu ưa thích của mình gần Sông Vltava ở khu Phố Cổ Praha.
Ông có thiên khiếu về triết học, nhưng lại yêu thích sân khấu và nghệ sĩ biểu diễn. Hoàn cảnh và tai nạn biến ông thành một lãnh tụ chính trị, nhưng ông cũng thấy mình có khiếu về lĩnh vực này tương tự như mình có khả năng viết lách.
16.
Havel sinh ra tại Praha vào ngày 5/10/1936, trong một gia đình phát đạt. Thuở nhỏ, ông được nuông chiều và hưởng nhiều ưu đãi.
Ông của Havel tạo được một cơ nghiệp lớn nhờ mua bán đất đai và xây dựng một khu thương mại sang trọng, được trang hoàng rất nghệ thuật và nổi tiếng là khu The Lucerna, ngay cạnh Quảng trường Wenceslas, trung tâm thủ đô Tiệp Khắc. Đó là một trong những dự án kinh doanh lớn theo hình thức này sớm nhất ở Châu Âu. Cha của Havel là một chủ nhà hàng nổi tiếng ở Praha.
Tất cả tài sản của gia đình ông đều bị tịch thu năm 1948 khi cộng sản lên nắm quyền. Havel và những người như ông được xem là kẻ thù giai cấp của chế độ mới. Vì là con của giai cấp tư sản, ông không được học cao hơn trung học. Đại học dành chỗ riêng cho con cháu công nhân – hoặc con những đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản, bất kể xuất thân từ giai cấp nào.
Ông nhận được chân làm việc vặt trong Nhà hát Balustrate tại Praha. Niềm say mê sân khấu của ông ra đời từ đây. Giờ rảnh rỗi, Havel bắt đầu viết các vở kịch theo thể tối giản, phi lý, hầu hết không thể diễn trong nước vì không qua được ải kiểm duyệt. Tuy vậy, những vở kịch hay nhất của ông bắt đầu được biểu diễn thường xuyên trên sân khấu nước ngoài, nơi tên tuổi ông ngày càng được biết đến.[xiii]
*
SỰ THẬT VÀ TÙ TỘI
17.
Trong một cuộc họp tại Nghiệp đoàn Nhà văn Tiệp Khắc, thái độ của Havel, trước khi bước vào tuổi 20, đã khiến ông bị gọi là một “phần tử chống đối” – Nghiệp đoàn này là một tổ chức quan trọng trong chế độ cộng sản, không ai in được gì nếu không là thành viên. Trong phiên họp này, ông đã diễn thuyết, chỉ trích những nhà văn lớn tuổi hơn và có tiếng tăm hơn là những người “đạo đức giả”, lý do chính không hẳn vì họ không nói sự thật – một điều khó làm và thậm chí còn nguy hiểm nữa – mà vì họ không chịu lắng nghe sự thật.
Và “sự thật” chính là điều làm Havel trăn trở nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Những tác phẩm lớn nhất của ông là những luận văn có tính biện luận và triết lý về đề tài làm thế nào để sống chân thực hết mức trong lòng một chế độ áp bức, trong một đất nước, nơi “nhà nước cắm chòi gác trong đầu từng người dân một”, nơi “lịch sử thật đã ngưng lại … và mọi lịch sử đều trở thành lịch sử ngụy tạo … chính quyền, như từng làm, đã quốc hữu hóa cả thời gian. Và vì vậy, buồn thay, thời gian cũng phải chịu chung số phận với những thứ bị quốc hữu hóa khác. Nó bắt đầu không còn là mình, nó bắt đầu tàn lụi”.[xiv]
18.
Havel trở thành người phát ngôn chính cho nhóm chủ trương Hiến chương 77, sau khi Hiến chương được phổ biến vào tháng 1/1977. Nhóm tuy nhỏ, và cũng chỉ gây cho chính quyền chút bối rối, nhưng Havel vẫn bị bắt tới bắt lui trong những tháng sau đó, mỗi lần bắt giữ kéo dài khoảng 24 tiếng đồng hồ.
Việc Havel không ngừng diễu cợt gọi lãnh tụ Đảng, Gustav Husak, là ông “Chủ tịch Chóng quên” là một trong những lý do ông bị bắt đi bắt lại. Đến tháng 4/1979, chế độ mất kiên nhẫn và quyết định đưa ông ra làm gương. Ông bị mật vụ StB bắt, bị kết tội “phỉ báng nhà nước” và bị xử bốn năm rưỡi tù giam – trong những nhà tù khắc nghiệt nơi giam giữ các tội phạm hình sự gạo cội, thay vì được giam chung với những trí trức hiền lành.
Ông bị bắt làm việc nặng, sức khỏe ông vốn yếu lại càng tệ hại hơn, các bệnh vùng ngực và phổi thường tái phát. Nhưng, dù sao thì đây vẫn là đất nước Tiệp Khắc, xứ sở của Anh lính tốt bụng Svejk [tên tác phẩm châm biếm nổi tiếng của Jaroslav Hasek, in năm 1923], và là lãnh thổ của Kafka, nên vẫn có những khoảnh khắc khôi hài đen phía sau song sắt. Havel thường kể rằng ông vẫn nhớ đến các anh cai ngục – gọi là bonzaks – họ hay nhờ ông viết hộ các bản báo cáo về tù nhân Vaclav Havel. Ông nói: “Tôi phải viết nhiều báo cáo mật về chính mình. Tôi muốn giúp các bonzaks, nhưng bên  cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chơi khăm chính quyền”.[xv]
*
CỨ NHƯ LÀ
19.
Sau khi ra tù, ông tiếp tục bị theo dõi và bám sát, phải chịu nhiều sỉ nhục vặt vãnh, nhưng được phép để kiếm sống tương đối khá.
Ông được phép giữ tiền nhuận bút nhận được từ hải ngoại. Xét theo tiêu chuẩn Tiệp Khắc, ông là người giàu. Ông dành nhiều thời gian để âm thầm viết lách trong căn nhà vùng quê ở Bohemia, cách Praha hai tiếng rưỡi lái xe.
Mật vụ xây một gác canh cao hai tầng gần đó để có thể theo dõi ông. Vào những ngày trời trong, ông có thể nhìn thấy nhân viên mật vụ đang quan sát ông qua ống nhòm. Havel mặc kệ, không chú ý đến họ, cũng như mặc kệ không chú ý đến hai nhân viên StB được cài thường trực bên ngoài căn hộ của ông ở Praha.
Ông biết rằng cả điện thoại lẫn nhà ông đều bị nghe lén, nhưng ông cũng mặc kệ chừng nào còn có thể, và sống một cuộc sống “bình thường” tốt nhất ông có thể, gặp bất cứ ai ông muốn gặp, vào lúc thích hợp, và nói chuyện với họ về bất cứ điều gì ông muốn nói.
Ông thực hành cách tồn tại trong lòng một chế độ toàn trị nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn nhân phẩm một con người. Thông điệp của ông là: Nếu chúng ta sống “cứ như là” chúng ta đang tự do, chúng ta có thể trải nghiệm được tự do “thật”, bất kể nhà nước toàn trị có làm gì ta chăng nữa.
*
QUYỀN LỰC DÂN ĐEN
20.
Ý tưởng này có vẻ mang tính cá nhân và đạo đức, nhưng Havel cho rằng đó là một thái độ có tính chính trị tối cao. Ông giải thích điều này hay nhất trong luận văn kinh điển “The Power of the Powerless” (Quyền lực Dân đen).**
Trong luận văn, ông nói sẽ không hiệu quả nếu đối đầu với kẻ nắm quyền hay tranh luận với họ. “Nói” lên sự thật cũng không hẳn hiệu quả, mặc dù nói sự thật để chống lại một chế độ xây dựng trên dối trá là điều rất quan trọng. Điều then chốt nhất là phải “sống trong sự thật”, khác đi là thỏa hiệp.
Ông viết: “Nếu trụ cột chính của hệ thống là sống trong dối trá thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu mối đe dọa lớn nhất của hệ thống chính là sống trong sự thật … [trong khi đó,] việc thành lập một nhóm chính trị buộc con người phải bắt đầu chơi trò quyền lực, thay vì đề cao sự thật”. Những ai không tìm được thế đứng độc lập với nhà nước thì sẽ góp phần “khẳng định chế độ, hoàn tất chế độ, tạo nên chế độ, và chính chế độ”.
Dĩ nhiên, những điều này là một ý niệm khó nắm bắt, và thường bị công nhân mang ra đùa giỡn. Công nhân là những người mà ưu tư lớn nhất không phải là ý niệm về “sự thật” hoặc cảm nhận đạo đức, mà là làm sao vẫn có cơm để ăn, có nhà để ở khi gặp rắc rối với chế độ, hoặc làm sao để con cái  có thể học lên cao.
Ở một đoạn khác, Havel viết:
“Vào giây phút một ai đó ở một nơi nào đó tỏ thái độ bất tuân, một ai đó la to “hoàng đế ở truồng”, một ai đó vi phạm luật chơi, thì đó là lúc họ chỉ ra rằng tất cả chỉ là một trò đùa, và mọi sự sẽ được nhìn khác hẳn, toàn bộ vỏ bọc cứng cáp bỗng hóa thành giấy mỏng bị kéo căng và sẽ đến lúc bị xé nát không thể cưỡng được”.
Những ý tưởng này hoàn toàn xa lạ với những người như Husak và các lãnh đạo cộng sản. Tuy nhìn đâu cũng thấy kẻ thù nhưng họ vẫn biết đâu là mối đe dọa thực sự khi chúng xuất hiện, vì trong một xã hội toàn trị, việc qua mặt nhà nước luôn ẩn chứa một thách đố nghiêm trọng đối với chế độ.
Havel biết các ý tưởng của ông khó thu hút giới công nhân, như những công nhân nhà máy xe kéo ở Brno. Ông thú nhận: “Có lẽ những biện pháp này không thực tế trong thế giới ngày nay và rất khó áp dụng trong đời sống. Tuy nhiên, tôi không còn biết cách nào khác”.[xvi]
*
TRÍ THỨC DẤN THÂN
21.
Havel là người phê phán chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-viết sáng tạo nhất, lưu loát nhất và mạnh mẽ nhất. Ông tạo cảm hứng và khuyến khích các trí thức khác. Những người như ông là một thiểu số rất nhỏ nhoi trong lòng đế quốc xã hội chủ nghĩa. Nhưng tuy ít người, ảnh hưởng của các trí thức bất đồng lại rất lớn.
Các nhà văn luôn được chế độ cộng sản đánh giá cao, được Stalin gọi là “kỹ sư tâm hồn”, và nhà nước độc tài luôn tìm đủ cách để ve vãn, dụ dỗ, sử dụng họ, hết năm này qua năm khác. Nếu thuận theo chế độ – làm việc như một cán bộ tuyên truyền của Đảng, viết bài tán tụng hoặc bài chúc thọ lãnh tụ độc tài theo yêu cầu – nhà văn có thể sống trong nhung lụa và được trọng vọng như những ngôi sao.
Cũng nên chú ý là trong lịch sử, tại hầu hết các nước Trung và Đông Âu, giới trí thức là một đẳng cấp riêng biệt, họ tích cực tham gia chính trị theo phong cách khác hẳn với những trí thức tại các nước Anglo-Saxon, và hiếm thấy ở các nước Châu Âu khác. Bronislaw Geremek, một trong những cố vấn có ảnh hưởng lớn đến Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, thường nhận xét rằng: “Phương Tây thì khác, có thể gọi đó là nơi ‘bình thường’. Còn ở đây … đã trí thức thì phải dấn thân … Vì chúng tôi phải chiến đấu mới giành được quyền suy nghĩ”.[xvii]
*
BỚT MAN RỢ LỘ LIỄU
22.
Lúc này, các nước chư hầu Liên Xô cũng khó đàn áp những người bất đồng hơn. Đông Âu không còn bị cắt đứt khỏi phần còn lại của Châu Âu. Các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ có mối liên lạc với phương Tây tốt hơn trước. Nhìn chung, không còn những ngày mà một nhà thơ hay họa sĩ có vấn đề sẽ bị bắt, bị lén lút xử bắn, hoặc bị đầy đến một trại tù hẻo lánh để chết dần chết mòn.
Dĩ nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Tháng 9/1978, mật vụ Bulgaria – với sự giúp đỡ của KGB – đã giết chết nhà văn lưu vong Georgi Markov tại một trạm xe buýt trên Cầu Waterloo ngay giữa London. Ông bị đầu độc bởi chất ri-xin đặt trong một viên bi nhỏ đính trên mũi cây dù, mật vụ đã dùng mũi dù quét nhẹ vào chân ông. Markow chết sau vài ngày trong bệnh viện và không ai biết chi tiết vụ giết người này cho tới mấy năm sau đó. Một trường hợp khác, hai nhà báo Rumani lưu vong làm việc cho Đài Phát thanh Châu Âu Tự do đã bị mật vụ Securitate của Rumani giết chết ngay ở Tây Đức.
Nhưng đó là những ngoại lệ dữ dội do những chế độ tàn ác hơn gây ra. Còn ở nơi khác, các nhà bất đồng chính kiến được đối xử tế nhị hơn, ít nhất là ít man rợ công khai hơn. Một trường hợp điển hình là những gì xảy ra cho ca sĩ kiêm người sáng tác ca khúc trào phúng Wolf Biermann, một cái gai trong mắt chế độ Đông Đức lâu nay. Các ca khúc châm biếm dí dỏm của anh càng cho thấy những kẻ quen hà hiếp người khác sợ nhất trên đời là bị đem ra diễu cợt. Đến tháng 11/1976, chế độ muốn loại bỏ Biermann, nhưng họ đã chờ đến khi anh đi Tây Đức lưu diễn mới ra tay. Sau buổi trình diễn tại Cologne, chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức ra thông báo anh đã bị tước quyền công dân và không được phép trở về Đông Đức nữa.
*
“BƯỚC ĐI SAI, LỘ TRÌNH ĐÚNG”
23.
Cho đến năm 1986, hầu hết những chống đối chế độ đều đến từ nội bộ Đảng Cộng sản.
Vì người chống cộng bị đàn áp hoặc bị khủng bố, buộc phải im lặng trong sợ hãi, nên những ai có tư duy độc lập và dám lên tiếng đều cẩn thận nói họ đứng trên “lập trường Mác-xít” để xem xét điều gì không đúng trong hệ thống. Đó là những “bước đi sai trên lộ trình đúng” và họ đề xuất những cuộc cải cách theo hướng “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người” tương tự như những gì lãnh tụ Alexander Dubcek đề xướng trong Mùa Xuân Praha 1968. Nhà văn Milan Simecka cũng bày tỏ: “Chúng tôi chỉ cố tìm khuyết điểm trong bản vẽ chi tiết”. Nhưng, sau khi Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc, rõ ràng là Đảng sẽ không cho phép ai thách thức những giáo điều nghiêm ngặt. Tâm trạng bi quan sâu bao trùm hàng ngũ trí thức, sâu hơn mức thường thấy ở Trung Âu. Ngay những tín đồ cộng sản thuần thành cũng bi quan hoặc hoài nghi, tuyệt vọng.
Tình trạng nặng nề được giải tỏa phần nào khi Havel và các trí thức mở ra một con đường, giúp người ta có thể tiếp tục sống – theo tiểu thuyết gia Ludvik Vaculik – như “công dân của một đất nước mà tôi không bao giờ lìa bỏ, nhưng ở lại tôi sống cũng không vui”.[xviii]
*
KUNDERA ĐI, HAVEL Ở
24.
Cũng có người không thấy “sống trong sự thật” ẩn chứa một chiến lược phản kháng nào cả. Nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera nói rằng: “Không chỉ là quá lý tưởng, mà còn ngu xuẩn nữa khi chủ trương đối chọi với một chế độ bất di bất dịch chỉ bằng những việc nhỏ nhặt vô nghĩa, chẳng hạn như truyền tay nhau các bản tuyên bố, kiến nghị”.
Kundera hết hy vọng và rời Tiệp Khắc, đến định cư tại Paris, bên tả ngạn sông Seine. Havel đáp lại sự kiện Kundera di dân với một nhận xét thường thấy, vì bản thân Havel cũng được khuyến khích rời Tiệp Khắc đi nước khác, nhưng ông chọn ở lại. Ông nói: “Giải pháp … không nằm trong việc ra đi. 14 triệu dân không thể cứ rời Tiệp Khắc mà đi”.[xix]
*
TRÍ THỨC PHẢN KHÁNG: KHỐI U CHẾ ĐỘ
25.
Theo Adam Michnik, hầu hết những trí thức phản kháng không thích được gọi là “bất đồng chính kiến”. Ông nói: “Người bất đồng là người không chịu thỏa hiệp, người nổi loạn, có thể xem họ như một loại chim hiếm, trong khi chúng tôi … tin mình đại diện cho đa số người dân trong nước”. Tuy vậy, truyền thông phương Tây vẫn dùng từ “bất đồng chính kiến” để gọi họ.
Với những trí thức chọn ở lại đất nước mình, cuộc sống thực sự khó khăn, dù có dễ hơn trước chút ít. Triết gia Hungary, Gaspar Tamas, mô tả cuộc sống của họ như sau:
“Bất đồng vốn bất thường. Người bất đồng … sống khác quần chúng. Thành hay bại của họ, hy vọng hay tuyệt vọng của họ đều rất khác với thành bại, buồn vui của quần chúng.
“Trong khi các nhà khoa bảng ở nước ta, hoặc … đồng nghiệp của họ, ước ao được thăng quan tiến chức, được trở thành tác giả danh giá, được du lịch quốc tế, được có thêm căn nhà thứ hai, hoặc những điều tương tự, thì niềm tự hào của chúng ta lại nằm ở chỗ mình có bài đăng trên những tờ truyền đơn nhỏ xấu xí, quay rô-nêo với giấy nến … và thành công của chúng ta lại là phân phát được vài trăm tờ truyền đơn, trước khi mật vụ xuất hiện …
“Có lần một cậu mật vụ, hôm đó mặc chiếc áo thun có chữ ‘Trường Đại học Texas Mỹ’ khiến tôi không thể quên, hỏi tôi rằng: ‘Bác tự cho mình là một người khôn ngoan đúng không? Nhưng, việc bác làm lại mâu thuẫn với quyền lợi của bác, phải giải thích sao đây!?’ Kẻ cầm quyền … đúng là đã rối cả lên, không, đã thất kinh thì đúng hơn, khi có người dám chống chế độ. Trí thức không thích thỏa hiệp và dễ khác người nên thường bị xem là mất trí, ngay trong các xã hội cởi mở hơn Đông Âu. Bất đồng chính kiến được nhiều người xem như biểu hiện của bất bình thường, lệch chuẩn.
“Vâng, tôi không phủ nhận rằng có một số nhân vật dị thường trong hàng ngũ chúng tôi … có cả những nhà bất đồng hay nói những điều bất thường … nhưng họ cũng bắt đầu nói về … ‘không gian công tồn tại song song’, về ‘văn hóa ngầm của giới bất đồng’, hoặc những điều tương tự, giống như họ đang hài lòng với lối làm chính trị, nghệ thuật và đạo đức cấp tiến trong thế giới ngầm tối tăm kia.
“Giới bất đồng thường để râu quai nón, không chịu để dành tiền mua xe hơi Đông Đức, họ biết ngoại ngữ và là lớp người đầu tiên địu con trong túi võng trước ngực. Cũng có nhiều người gốc Do Thái.
“Năm 1968, trong khi không ít người tử tế tại Hungary và Đông Đức uống say bí tỉ vì vui mừng thấy Tiệp Khắc, kẻ thù truyền kiếp của họ, bị Liên Xô xua quân làm nhục, thì những nhà bất đồng lại chọn đứng về phía những người dân Tiệp Khắc bị đàn áp.
“Nói tóm lại, họ là khối u trong lòng chế độ”. [xx]
*
QUÊN TỰ DO ĐI, ĐỂ ĐƯỢC ĂN
26.
Các lãnh tụ cộng sản dĩ nhiên có nhiều việc lớn phải lo, hơn là các chuyện nhỏ do vài tay tóc dài chơi nhạc rock hay biên kịch gây ra.
Chế độ đang trên đà phá sản về kinh tế, và họ tin chỉ có các nhà tư bản phương Tây mới cứu được họ. Những lãnh tụ như Husak tìm cách thỏa thuận với quần chúng, theo kiểu: Nếu bạn thỏa hiệp, dù chỉ bên ngoài, và không gây rối, thì Đảng chúng tôi đảm bảo bạn sẽ có đủ ăn, có mức sống hợp lý không ngừng cải thiện, và có những quyền lợi xã hội khác. Cứ quên tự do hoặc các ý tưởng ‘dân chủ tư sản’ đi là được, rồi bạn sẽ được thỏa mãn những quyền lợi vật chất. Đó là lúc, theo mô tả của nhà tiểu thuyết Tiệp Khắc lưu vong Josef Skvorecky, “cửa hàng thịt trở thành đồng hồ khí áp đo mức hài lòng của người dân Đông Âu”.
Thỏa thuận vừa kể có tác dụng trong một thời gian ngắn, và bắt đầu đổ vỡ vào đầu thập niên 1980. Các chế độ cộng sản Đông Âu không thể thực hiện lời hứa nếu không vay mượn những khoản tiền khổng lồ từ phương Tây. Lần hồi, những sai lầm cơ bản trong hệ thống ngày càng trở nên lộ liễu.
Nhưng, dù phải thay đổi, họ lại không thể thay đổi, vì lý do ý thức hệ và lý do chính trị. Đảng xưa nay vốn nắm quyền dựa trên niềm tin rằng mình không thể sai lầm, và rằng lịch sử đang đứng về phía mình. Khó khăn chồng chất khó khăn khi diễn biến thực tế không tuân theo kịch bản được các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa đầy viễn kiến khi xưa mường tượng.
*
XE HƠI: NHẤT CÁN BỘ, NHÌ BẠN CÁN BỘ
27.
Giới lãnh đạo thấy cải tổ kinh tế là nguy hiểm. Dù thể chế hiện tại có vô tích sự và không làm được gì thì nó vẫn giúp họ tiếp tục nắm quyền. Họ thấy, và thấy đúng, rằng quyền lực của họ tùy thuộc vào việc duy trì nền kinh tế kế hoạch tập trung, trong đó quyết định kinh tế được đưa ra vì lợi ích chính trị nhiều không kém vì lợi ích kinh tế.
Trên hết, chính yếu tố “kế hoạch tập trung” đã giúp bảo đảm rằng họ, những người cộng sản, vẫn là người có quyền định đoạt. Việc tản quyền khỏi trung tâm, bằng hình thức kinh tế thị trường, sẽ làm quyền lực của họ phân tán và khiến cho tín điều “Đảng là người duy nhất nắm quyền” lung lay.
Chế độ vẫn không sản xuất được hàng tiêu dùng tốt. Ví dụ sản xuất xe hơi, đây là dấu hiệu dễ thấy và thấy rõ về sự khác biệt giữa Đông và Tây. Xe hơi là biểu tượng của cuộc sống tiêu dùng, của giàu có, của tự chủ, độc lập và của hiệu quả kinh tế. Nhưng ai cũng thấy chiếc Mercedes và chiếc Trabant khác nhau thế nào, và cái khác nhau này đã được bêu riếu trong các truyện tiếu lâm ngay tại Đông Đức, chưa kể tại nơi khác trên thế giới.
Các nước cộng sản Đông Âu sản xuất xe kém. Nguyên nhân chính không vì kỹ thuật, cũng chẳng vì kinh tế, mà vì cách “bán” xe. Sở hữu một chiếc xe hơi không chỉ cần tiền, mà còn phải có quyền. Nhà nước là người phân phối xe hơi, giống như phân phối mọi sản phẩm xa xỉ, nhà cửa hay kỳ nghỉ khác.
Ở Tiệp Khắc chẳng hạn, nhửng người bị trừng phạt sau vụ Liên Xô xâm lăng năm 1968 đều nằm trong danh sách đen không được mua xe. Phải mất mấy năm sau, quyền mua xe mới trở lại “bình thường” tại Tiệp Khắc và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa còn lại. Và “bình thường” có nghĩa là ưu tiên theo thứ tự: Nhất: cán bộ; nhì: bạn cán bộ; ba: dân có tiền.
*
VŨ ĐIỆU TỬ THẦN: CỘNG SẢN VÀ ĐÔ-LA MỸ
28.
Cách duy nhất để có thể chất đầy hàng trong cửa hiệu ở Đông Âu là vay thật nhiều tiền từ phương Tây.
Viễn kiến này được Adam Michnik gọi là “xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng đô-la Mỹ”. Giới lãnh đạo cộng sản Đông Âu và giới tài phiệt phương Tây bị cuốn vào vòng tay nhau trong một danse macabre, một “vũ điệu tử thần” ma mị, kỳ quái.
Các chế độ cộng sản Đông Âu xem tư bản của phương Tây như phương tiện để mua chuộc dư luận trong nước và để trì hoãn những cải cách cấp tiến khẩn thiết. Họ không dùng tiền vay phương Tây để đầu tư vào công nghệ hoặc đa dạng hóa nền tảng công nghiệp, mà dùng vào việc mua thức ăn và hàng tiêu dùng, là những món họ sẽ bán cho dân với giá bao cấp, thấp đến phi lý và phi thực tế.
Thoạt đầu, người dân Đông Âu hài lòng. Giới ngân hàng phương Tây cũng hài lòng và đi lại tất bật giữa London, Wall Street, Warsaw, Berlin và Budapest.
Một nửa những khoản vay là từ các ngân hàng tư nhân, được chính quyền phương Tây bảo lãnh, vì chính quyền khuyến khích họ cho vay sau Bức màn Sắt. Nửa còn lại không có bảo lãnh nhưng ngân hàng vẫn cho vay vì tin rằng các chính quyền Đông Âu là những con nợ có trách nhiệm.
Giới tài phiệt tư bản kém trí nhớ cứ đinh ninh rằng các chế độ cộng sản kia rất ổn định, có lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Quan trọng hơn, họ tin Liên Xô đang “bảo lãnh” khối xã hội chủ nghĩa nên sẽ không thể xảy ra vỡ nợ.[xxi]
29.
Giới tài phiệt làm ăn bất chấp nguyên tắc, nhưng cùng lúc lại hoàn toàn ngây thơ về hệ thống chính trị họ đang hợp tác.
Về lâu về dài, hy vọng thực tế nhất giúp họ thu hồi vốn là khuyến khích một nền dân chủ cởi mở hơn, nhưng họ không nghĩ đến điều này. Ngược lại, nhiều tay tài phiệt phương Tây lại chào đón thiết quân luật tại Ba Lan như một sự kiện tuyệt vời. Họ cho rằng khi các tướng tá nắm quyền thì xe lửa phải chạy đúng giờ.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Commentary năm 1982, người đứng đầu bộ phận tài chính quốc tế của ngân hàng Citibank viết: “Đố ai biết được hệ thống chính trị nào tốt hơn? Điều duy nhất chúng tôi quan tâm là: họ có trả được nợ hay không?”[xxii]
*
TƯ BẢN LÀ THUỐC PHIỆN
30.
Tính đường dài, những khoản tiền vay đổ vào đã không giảm bớt cảnh ngộ khốn cùng của chủ nghĩa cộng sản, ngược lại, còn làm nó tệ hơn.
Ba Lan là nước mắc nợ nặng nhất, như một nhà kinh tế Ba Lan nhận xét, Ba Lan đã “mắc nghiện, mà lại nghiện loại thuốc nguy hiểm nhất”. Trong sáu năm trước khi ban hành thiết quân luật, nợ nước ngoài của Ba Lan đã tăng gấp 15 lần, lên tới 66 tỉ đô-la Mỹ.
Nhưng, các chế độ Đông Âu đều đã dùng “thẻ tín dụng bạch kim” một cách vô tội vạ, dẫn đến thảm họa. Chẳng mấy chốc, việc trả tiền lãi bắt đầu ngốn vào ngân sách quốc gia.
Ở Đông Đức, vào đầu thập niên 1980, 60% thu nhập quốc gia được dùng để trả nợ vay nước ngoài – một mức độ không thể duy trì mãi. Miklos Nemeth, nhân vật chủ chốt của Bộ Kinh tế Hungary trong gần hết thập niên 1980 và sau này trở thành Thủ tướng Hungary, đã phải buồn phiền giải thích cách dùng tiền vay như sau: “Chúng tôi dùng hai phần ba số tiền vay để trả lãi. Một phần ba còn lại dùng để nhập khẩu hàng tiêu dùng, để giảm bớt ấn tượng là kinh tế đang khủng hoảng”.
Giới lãnh đạo già nua của các nền kinh tế này gần như chúi đầu vào cát. Dĩ nhiên, họ chẳng bao giờ cho dân biết họ đang mắc nợ như chúa chổm, và chủ nợ lại chính là những kẻ mà truyền thông nhà nước vẫn ra rả hàng ngày gọi là bọn tư bản ác ôn.[xxiii]
***
KINH TẾ VỊ QUÂN SỰ: LẤY SỐ BÙ CHẤT
31.
Liên Xô cũng rơi vào tình trạng kinh tế tồi tệ không khác các nước trong đế quốc – thậm chí tệ hơn một số nước trong khối. Giữ được những lãnh thổ họ sở hữu sau Thế chiến II ngày càng trở nên gánh nặng, dù những đầu lĩnh ở Điện Kremlin không nhìn nhận điều này. Họ không chịu mổ xẻ lợi hại của việc duy trì đế quốc họ chiếm được vài chục năm trước đó. Họ kiên quyết giữ cho được vị trí siêu cường, vì lý do ý thức hệ và vì uy tín, nhưng không quan tâm đến việc họ đang lèo lái Liên Xô vào vòng cùng quẫn.
Liên Xô khi ấy liên tục sản xuất vũ khí, ngày càng to và nặng hơn, trên quy mô khổng lồ. Nền công nghiệp Xô-viết vào thập niên 1970 và 1980 vẫn hướng về sản xuất phục vụ quân sự, thay vì phục vụ dân sự làm ra hàng hóa người tiêu dùng và công dân Liên Xô muốn mua, hoặc cho đến cuối thế kỷ 20, làm ra nhu yếu phẩm người dân phải có.
Quy hoạch kinh tế vẫn mang tính “hai mặt”. Mọi nhà máy sản xuất công nghiệp như xe hơi hoặc đồ điện bắt buộc phải có một tính năng quân sự kèm theo – phòng khi cần có thể nhanh chóng chuyển đổi để phục vụ chiến tranh. Tính hai mặt đã làm méo mó nền công nghiệp Liên Xô cho đến ngày tàn của chế độ.
Một con số khổng lổ vũ khí mọi loại đã được sản xuất. Hàng trăm hỏa tiễn liên lục địa ra lò mỗi năm. Và những hỏa tiễn này – lạ lùng thay, nhất là trong một đất nước do những người vô thần lãnh đạo – được đặt tên là “Quỷ Satan”. Hàng ngàn xe tăng cũng được xuất xưởng mỗi năm.
Có thể nói các nhà lãnh đạo Liên Xô đã không ngừng bành trướng kho vũ khí vì lý do ý thức hệ, và cũng vì mặc cảm tự ti. Họ tìm cách bắt kịp chất lượng công nghệ vượt trội của phương Tây, nhưng lại lấy số lượng đấu với chất lượng.
Lý thuyết quân sự của họ cho rằng họ phải mạnh hơn không chỉ Mỹ, mà cả khối NATO, phải có nhiều vũ khí hạt nhân hơn cả Anh và Pháp, và mạnh hơn Trung Quốc. Giới quân sự Liên Xô nghĩ rằng chất lượng vũ khí của họ chắc chắn không bằng vũ khí của Mỹ, vì vậy, họ phải bù lại bằng số lượng. Viktor Starodubow, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov, thú nhận rằng: “Chúng tôi sản xuất thật nhiều vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì đó là một trong vài việc chúng tôi có thể làm tốt nhất”.[xxiv]
32.
Nhưng, dường như quân đội và công nghiệp hỗ trợ nói trên đã đi trượt khỏi mọi đường ray logic. Vitali Katayev, một quan chức Bộ Quốc phòng thời đó, nói rằng quân đội Xô-viết là “con bò tót hung hăng trong tiệm gốm sứ vùng cao bồi Texas kiểu Xô-viết. Nó muốn có càng nhiều vũ khí càng tốt. Quyết định sản xuất vũ khí mới không dựa trên nhu cầu quân sự hoặc phẩm chất kỹ thuật, mà dựa vào thế lực của cơ quan đề xuất loại vũ khí đó, và quan hệ của họ với các vị lãnh đạo chính trị. Ngành công nghiệp quân sự Liên Xô được giao chỉ tiêu phải tăng trưởng 3% mỗi năm – đó là quy định ghi trong Quy hoạch – cũng vì vậy, việc sản xuất nhiều loại vũ khí đã không thể dừng lại, kể cả sau khi quân đội đã có thừa”.[xxv]
*
QUỐC PHÒNG: 40% NGÂN SÁCH
33.
Georgi Arbatov – vị giám đốc có tầm vóc của Viện Nghiên cứu Canada và Mỹ, cũng là cố vấn chính cho nhiều đời lãnh tụ cao nhất Điện Kremlin – nhận xét rằng Liên Xô đã “sản xuất ồ ạt và quá mức vũ khí các loại. Nó làm sút giảm niềm tin của phương Tây dành cho chúng tôi … việc chúng tôi làm càng thúc đẩy Mỹ chạy đua vũ trang cật lực hơn nữa”.
Rất khó để có số thống kê chính xác về tình hình này, nhưng theo số liệu được trình cho Brezhnev vào những tháng cuối đời ông thì có thể thấy chi phí quân sự trực tiếp, như chi phí để duy trì các lực lượng vũ trang và khí tài, chiếm ít nhất là 15% ngân sách nhà nước. Chi phí trực tiếp cho các lĩnh vực quốc phòng còn cao gần gấp 2,5 lần số vừa kể. Một ước lượng hợp lý là chi phí quốc phòng chiếm khoảng 40% ngân sách Liên Xô – nhiều hơn nhiều con số Liên Xô phải trả khi chuẩn bị Thế chiến II. Khi kinh tế đang trì trệ tệ hại thì đây là sự phí phạm khủng khiếp tài nguyên quốc gia.
Một số lãnh tụ biết điều đó, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã làm gì để chấn chỉnh tình hình, hoặc đưa vấn đề ra bàn bạc. Dường như đã không có cuộc thảo luận nào tại Điện Kremlin về vấn đề sinh tử bậc nhất cho tương lai đất nước này.
Ngay một số lãnh đạo quân đội cao cấp nhất cũng cho rằng ngân sách quân sự đã phình ra quá mức. Đầu thập niên 1980, Thống chế Nikolai Ogarkov, người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết, đã lên tiếng rằng có quá nhiều phí phạm trong phức hợp quân sự và công nghiệp, quá nhiều yếu kém trong hiệu quả và quá nhiều dự án khủng nhưng hầu như không đáng làm. Ông nói rằng cố gắng mù quáng đuổi theo Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang chính là “tự sát”.
Nhưng, điều ông nói, thay vì kích hoạt một cuộc tranh luận ra trò về tương lai quân đội Liên Xô và về chiến lược địa chính trị, đã khiến ông bị âm thầm sa thải.[xxvi]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
* Czechoslovakia (Tiệp Khắc) có hai sắc dân Czech và Slovakia (ND)
[i] Như trích trong Gale Stokes, The Walls Came Tumbling Down (Oxford University Press USA, 1993), tr. 235
[ii] Tác giả phỏng vấn Milan Hlavsa và các thành viên khác của Ban nhạc Người Nhựa Vũ trụ, Praha, tháng 4/1999
[iii] Như trên
[iv] Ben Lewis, Hammer and Tickle: A History of Communism Told through Jokes (Weidenfeld & Nicolson, London, 2008), tr. 208
[v] William Echikson, Lighting the Night (Pan, London, 1991), tr. 78
[vi] Vaclav Havel, Living in Truth (Faber & Faber, London, 1987), tr. 75-90
[vii] Có thể đọc bản gốc Hiến chương tại Open Society Archive, Budapest
[viii] Có thể tìm đọc Hiệp ước Helsinki tại website: www.state.gov/history/frus
[ix] Anatoly Dobrynin, In Confidence (Lidove Noviny, Prague, 1999), tr. 191-3
[x] Nhân vật trao đổi với tác giả tại Budapest, tháng 12/1989
[xi] Trích phỏng vấn trong các hồ sơ Chiến tranh Lạnh, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[xii] Henry Kissinger, Diplomacy (Simon & Schuster, New York, 1994)
[xiii] Vaclav Havel, Living in Truth, sđd; Disturbing the Peace (Knopf, New York, 1990), tr. 75-90
[xiv] Như trên
[xv] John Keane, Vaclav Havel: A Political Tragedy in Six Acts (Bloomsbury, London, 1999), tr. 134
** Tác phẩm này có một số bản Việt ngữ với tựa khác nhau, một bản tên “Quyền lực của không quyền lực” do Khải Minh dịch, một bản tên “Quyền lực của kẻ không quyền lực” do Phạm Nguyên Trường và Nhóm Văn Lang dịch. (ND)
[xvi] Vaclav Havel, Living in Truth, sđd, tr. 167
[xvii] Nhân vật nói chuyện với tác giả tại Warsaw, 1995; và trích từ sách của Gale Stokes, The Wallls Came Tumbling Down, sđd, tr. 125
[xviii] Ludvik Vaculik, A Cup of Coffee with My Interrogator (Readers International, New York, 1987), tr. 14
[xix] Như trích trong Gale Stokes, The Wallls Came Tumbling Down, sđd, tr. 179
[xx] Gaepar M. Tamas, From Liberal Values to Democratic Transition (Central University Press, Budapest, 2003), tr. 78
[xxi] Adam Michnik, Letter from Freedom (California University Press, 1999), tr. 180
[xxii] Như trích trong Timothy Garton Ash, The Polish Revolution (Jonathan Cape, London, 1983), tr. 318
[xxiii] Tony Judt, Postwar: A History of Europe Since 1945 (Penguine, London, 2005), tr. 497
[xxiv] Richard Rhodes, Arsenals of Folly (Knopf, New York, 2007), tr. 186
[xxv] Như trên, tr. 245
[xxvi] Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 338
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn