CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 34)

Tác giả: Victor Sebestyen

Dịch giả: Phan Trinh

CHƯƠNG 32

BUSH: NGƯỜI MỸ THẬN TRỌNG

THẬN TRỌNG GÂY THẤT VỌNG - HOÃN BINH - BUSH NGHI NGẠI GORBACHEV - CIA “KHÔNG ĐỌC BÁO” - GATES VÀ CHENEY LÊN TIẾNG - NHÌN SAU LƯNG - THATCHER: “ĐỪNG ĐỂ LỬNG LƠ” - BUSH BẤT AN, GANH TỊ - ĐÁNH GIÁ 11-4-89: CỨ CHỜ

***

Washington DC, Mỹ. Thứ bảy, ngày 1 tháng 4, năm 1989

THẬN TRỌNG GÂY THẤT VỌNG

1.

TỔNG THỐNG MỸ GEORGE BUSH là người thận trọng. Theo Ngoại trưởng James Baker, thận trọng là ưu điểm lớn nhất của ông Bush, và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự kiên định Bush bộc lộ trong những năm đế quốc Xô-viết tự vỡ.

Cố vấn chính của Bush về Liên Xô, người phụ nữ tài ba, tham vọng và quyết tâm Condoleezza Rice, nói rằng sự bình thản sâu thẳm làm người khác vững dạ của ông Bush là yếu tố sinh tử trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Một chính trị gia Mỹ khác nói rằng đóng góp lớn của ông chính là nhờ “những điều ông không làm cũng quan trọng như những điều ông đã làm. Ông cứ điềm tĩnh, không vội. Ông giúp bôi trơn cú trượt khiến những người Cộng sản văng ra khỏi quyền lực. Bush không thể làm gì nhiều để thúc đẩy các cuộc cách mạng xảy ra trong năm 1989 … ngược lại, có nhiều điều Tổng thống Mỹ nếu làm sẽ khiến các cuộc cách mạng 1989 đi trật khỏi đường ray đã đi”.

Tuy nhiên, với những người không làm việc cho Bush thì sự thận trọng của ông có thể làm người ta phát điên vì thất vọng.[1]

*

HOÃN BINH

2.

Bush tính rằng ông cứ từ từ xem sao, trước khi quyết định sẽ làm việc với Gorbachev và Liên Xô như thế nào. Vừa được bầu làm Tổng thống, trước khi nhậm chức, ông đã gửi một thông điệp đến lãnh tụ Liên Xô thông qua cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, nhân vật vẫn còn ảnh hưởng lớn trong việc hình thành chính sách đối ngoại và ngoại giao của Mỹ.

Kissinger đến Moscow đầu năm 1989 để họp tuyệt mật với Gorbachev và cố vấn chính của ông là Alexander Yakovlev. Ông trao cho Gorbachev một lá thư viết tay, trong đó Tổng thống Bush hứa sẽ tiếp nối những bước tiến đạt được trong quan hệ Xô-Mỹ dưới thời Reagan, nhưng không phải ngay lập tức. Bush viết ông hy vọng Gorbachev sẽ hiểu nếu chính quyền Bush có một thời gian “tạm ngưng” để cân nhắc các bước tiếp theo.

Gorbachev không chắc là mình hiểu ý Bush. Ông cho biết ông mong muốn có một cuộc chuyển giao êm thắm, rằng Bush sẽ tiếp nối những gì Reagan làm chưa xong.

Cũng nên nhắc lại là dù tôn trọng Reagan nhưng Gorbachev đã mệt mỏi khi phải nghe đi nghe lại các câu chuyện ví von Reagan cứ dùng mỗi lần gặp mặt. Gorbachev muốn làm việc với một đối tác Mỹ có trí nhớ tốt hơn và nắm vững các chi tiết, tương tự như mình. Gorbachev hy vọng Bush sẽ là phiên bản trẻ hơn, sáng hơn Reagan. Và theo Gorbachev, Mỹ sẽ không đổi chiều khi Bush lên nắm quyền vì Mỹ đang muốn có một “quan hệ tốt đẹp dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau”.

3.

Bush tự thuyết phục mình rằng Gorbachev không hẳn “quá tốt” đến mức ông phải quá tin. Ông cho xem lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Liên Xô và Đông Âu.

Trong những tuần lễ đầu làm Tổng thống, ông triệu tập một chuỗi các buổi làm việc trong tuần tại Nhà Trắng, và cuối tuần tại tư dinh ở Kennebunkport, Maine.

Các bài tham luận được trình bày bởi rất nhiều những sử gia, nhà kinh tế, giáo sư đại học, nhà báo và thành viên các trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ. Hầu hết đều nói đến tình hình Afghanistan, các cuộc đàm phán Bàn tròn tại Ba Lan, hiện tình Hungary, và những điều Liên Xô nói về “Học thuyết Sinatra” [chủ trương “đường ai nấy đi”, Đông Âu tự quyết] để cho thấy thế giới đang thay đổi nhanh chóng ra sao.

Bush rất quan tâm đến nhận định của Condoleezza Rice rằng cả trong trường hợp Gorbachev bị loại trừ, “Liên Xô sẽ khó có thể đảo ngược tình thế … sẽ khó có thể bắt ông thần đèn nhốt vào đèn trở lại”. Baker, mặc dù thận trọng không thua gì Tổng thống, cũng nghĩ rằng “không có ‘show’ [chương trình biểu diễn] nào khác trên phố cạnh tranh với Gorbachev … và show của Gorbachev là show hay”.[2]

*

BUSH NGHI NGẠI GORBACHEV

4.

Tuy vậy, Bush vẫn nghi ngại.

Ông nhớ như in cuộc trò chuyện lần trước với Gorbachev tại Gorvenors Island ở New York, sau khi Gorbachev đọc bài diễn văn lẫy lừng trước Đại Hội đồng Liên hiệp quốc. Khi ăn trưa, Reagan nói rằng cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy 85% người Mỹ ủng hộ mối quan hệ mới của Mỹ với Liên Xô. Gorbachev đáp, chủ ý cho Bush nghe, rằng: “Tôi rất vui khi nghe tin này. Nhưng điều quan trọng là những gì đang diễn ra sẽ vẫn được tiếp nối”.

Bush hỏi Gorbachev: “Vậy có gì bảo đảm perestroika và glasnost sẽ thành công? Ông có thể cho tôi biết, để tôi nhắn gửi giới doanh nhân Mỹ đang muốn đầu tư vào Liên Xô”. Gorbachev đáp trả ngay bằng một câu cụt ngủn mà Bush nghĩ là vì giận dỗi, Gorbachev nói: “Ngay cả chúa Giê-su Ki-tô cũng không biết được câu trả lời nữa là!”.

Rồi sau đó, mềm mỏng hơn, Gorbachev nói với Bush rằng:

“Tôi biết thiên hạ đang bảo ông điều gì, họ bảo rằng vì mới thắng cử, ông phải chầm chậm thôi, ông phải cẩn thận, phải xem xét lại, rằng ông không được tin chúng tôi, rằng tất cả những việc chúng tôi đang làm chỉ là diễn tuồng thôi.

“Ông sẽ nhanh chóng thấy rằng tôi không hề diễn tuồng, tôi không làm những điều này để làm ông suy yếu, làm ông bất ngờ hoặc lợi dụng ông.

“Tôi đang làm chính trị thực dụng. Tôi làm những việc đang làm vì cần phải làm. Tôi làm những việc này vì đang có một cuộc cách mạng diễn ra ngay trong nước tôi. Tôi đã khởi đầu nó. Họ đều vỗ tay tán thưởng khi tôi bắt đầu nó vào năm 1986, nhưng nay họ không thích nhiều như trước. Nhưng dù sao đi nữa nó sẽ vẫn là một cuộc cách mạng … đừng hiểu lầm tôi”.[3]

5.

Những lời đó làm Bush hoang mang. Hoang mang như khi những quan chức hoài nghi khác cảnh báo Bush về ý định của Liên Xô. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Brent Scowcroft, nghĩ rằng Gorbachev là con “gấu khôn”, ông ta tiếp bước Brezhnev, tức theo đuổi mục tiêu bành trướng trong khi ru ngủ phương Tây bằng một cảm giác an toàn giả tạo. Gorbachev là mối đe dọa chính vì ông làm ta quá yên tâm.

Scowcroft nói: “Mục tiêu của Gorbachev là phục hồi sức sống cho hệ thống Xã hội chủ nghĩa và làm Liên Xô sống lại, trong nước cũng như trên trường quốc tế, để cạnh tranh với phương Tây”. Ông tiếp:

“Gorbachev là mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào. Vì các tiền nhiệm này, tuy mức hung hăng khác nhau, họ đều không làm phương Tây có ảo tưởng về Liên Xô, nhờ vậy tránh được nguy hiểm trước khi quá muộn.

“Gorbachev khác. Ông ấy muốn giết chúng ta bằng sự tử tế hơn là bằng sự ầm ĩ. Ông ta nói những điều chúng ta muốn nghe, đưa ra vô số những đề nghị quyến rũ để nắm bắt và duy trì thế thượng phong trong trận chiến tuyên truyền chinh phục dư luận quốc tế …

“Tôi sợ rằng Gorbachev sẽ có thể thuyết phục chúng ta giải giới mà phía Liên Xô lại không làm những điều hệ trọng tương tự trong cấu trúc quân sự của họ. Và nếu thế thì, chỉ trên dưới 10 năm, chúng ta có thể phải đối đầu với một thách thức còn nghiêm trọng hơn từ trước tới nay”.[4]

*

CIA “KHÔNG ĐỌC BÁO”

6.

Scowcroft là một chiến sĩ dầy dạn kinh nghiệm, một chuyên gia đối ngoại có tiếng và cũng là bạn thân của Tổng thống. Bush tin cậy ông. Cả hai vẫn nhận các báo cáo hàng ngày của CIA về sức mạnh Liên Xô, trong đó có sức mạnh kinh tế. Nhưng, những báo cáo kia không có mấy giá trị.

Theo nhận định sau này của Đô đốc William Crowe, Tổng Tham mưu trưởng dưới thời Bush, thì CIA, vì một lý do nào đó, đã không thấy được sự kiện là kẻ thù chính của họ đang chết dần và đế quốc của nó đang tan rã. Crowe nói: “CIA nói về Liên Xô cứ như họ không hề đọc báo, huống chi là đọc thông tin tình báo tế nhị”.

Có thể lý giải là mọi cơ quan tình báo nói chung, vì guồng máy quản lý và lý do ý thức hệ, đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình khi phóng đại những đe dọa do kẻ thù gây ra. Họ thường áp dụng nguyên tắc “thà nói khống mà an toàn còn hơn nói đúng mà ăn đạn”.

7.

Nhiều nhân viên tình báo CIA tại chỗ có cái nhìn chính xác hơn cấp trên về tình hình hỗn loạn và sự phá sản của hệ thống Cộng sản. Nhưng, như nhà phân tích hàng đầu của CIA về tình hình Liên Xô suốt 25 năm, ông Douglas Maceachin, nhận xét: “Ngay cả khi biết, chúng tôi cũng không thể phổ biến các thông tin như thế. Nếu phổ biến, thiên hạ sẽ ‘đòi lấy đầu’ tôi lập tức”.

Những quan điểm trái chiều ít khi nào đến được Nhà Trắng hoặc thượng tầng của Hội đồng An ninh Quốc gia. Thế nên CIA vẫn tiếp tục báo cáo rằng nền kinh tế Liên Xô và một số nước chư hầu đang tăng trưởng.

Mark Palmer, Đại sứ Mỹ tại Hungary và sau này trở thành một chuyên gia nổi tiếng về Liên Xô của Bộ Ngoại giao, nói rằng: “Đơn giản, họ cứ lấy những gì Liên Xô thông báo chính thức, bớt đi một phần trăm rồi phổ biến. Cách làm đó rất sai. Bất cứ ai từng có mặt tại Liên Xô, ở thành thị hay thôn quê, thì chỉ cần nhìn quanh thôi sẽ biết những gì CIA nói là vớ vẩn”.[5]

*

GATES VÀ CHENEY LÊN TIẾNG

8.

Vào một dịp khác thường, ngày 1/4/1989, Robert Gates, cựu Giám đốc CIA, lúc bấy giờ là nhân vật mũi nhọn của CIA tại Nhà Trắng, loan báo trước công chúng những nghi vấn của ông. Trong bài nói chuyện tại Brussels, ông cho rằng cả Gorbachev lẫn “cấu trúc quyền lực của ông ta không hoàn toàn dấn thân vào con đường cải cách” và cảnh báo về “cuộc khủng hoảng kéo dài” tại Liên Xô và Đông Âu. Ông lặp lại quan điểm riêng rằng Gorbachev vẫn trung thành với sự thống trị độc quyền của Đảng Cộng sản, vốn tiếp tục là nơi vừa chưa hề thay đổi, vừa bất khả xâm phạm.

Không lâu sau đó, một chiến binh Chiến tranh Lạnh nhiệt tình khác của chính quyền Bush đặt vấn đề có nên hoà hoãn thêm nữa với Liên Xô hay không. Đó là tân Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney. Xuất hiện trong một chương trình phỏng vấn truyền hình, Cheney nói: “Nếu hôm nay phải dự đoán thì tôi đoán Gorbachev cuối cùng sẽ thất bại … và sẽ bị thay thế bởi một ai đó thù địch với phương Tây nhiều hơn rất nhiều”.

Cả hai nhân vật kể trên đều được Tổng thống Bush nhắc nhở đừng nên công khai những gì họ nghi vấn. Nhưng đã trễ, giới lãnh đạo Liên Xô đã sôi lên sùng sục.

*

NHÌN SAU LƯNG

9.

Mục tiêu dài hạn của Gorbachev là đạt được thêm những thỏa thuận về cắt giảm vũ khí với Mỹ, giảm thiếu tối đa chi phí quốc phòng của Liên Xô và vay được những món tiền lớn từ Mỹ để vực dậy nền kinh tế Liên Xô. Ông cũng sẵn sàng, khi cần thiết, giải thể “đế quốc ngoại biên” để đạt những mục tiêu trên. Nhưng khi Mỹ không mấy mặn mà với cá nhân ông, hoặc không ủng hộ nhiệt tình công cuộc cải cách của ông, là Mỹ đã làm khó ông trong nước.

Gorbachev phải luôn dè chừng phía sau lưng mình, sợ phe bảo thủ và quân đội sẽ giáng những đòn chí tử. Các tướng lĩnh Nga đã bất mãn sâu sắc với một số những lời chỉ trích họ nghe được từ Washington.

Sau khi xem thấy Cheney trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng Tham mưu Trưởng quân đội Liên Xô, tướng Mikhail Moiseyev, nổi giận đùng đùng: “Ta có chắc ta đang làm gì với bọn người như thế không? Có phải ta đã mắc sai lầm khi tin ta có thể làm việc trên cùng mẫu số với họ không?”. Ông càng điên tiết khi vào đầu tháng 4/1989, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ câu chuyện – sau này mới rõ là sai sự thật – rằng Liên Xô đã điều các máy bay ném bom tầm xa đến Libya.

Ba ngày sau khi Gates đăng đàn tại Brussels, ngay cả Shevardnadze, người vốn kiên nhẫn và vui vẻ, cũng phải nổi giận khi Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo rằng – lần này thì đúng sự thật – Liên Xô đã bị bắt quả tang lúc đang tìm cách đặt thiết bị nghe lén trong Lãnh sự quán Mỹ ở Leningrad. Shevardnadze nói người Mỹ đang “dấy lên một chiến dịch cũ kỹ và phi lý chống lại ta”. Nghe như ngôn ngữ thời Chiến tranh Lạnh cách đó 10 năm, hoặc trước nữa.[6]

*

THATCHER: “ĐỪNG ĐỂ LỬNG LƠ”

10.

Gorbachev đưa sự việc ra khiếu nại với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, “bạn tranh luận” cũ của ông và là một trong những người ở phương Tây ủng hộ ông đầu tiên.

Đầu tháng 4/1989, họ gặp nhau khi Gorbachev đến thăm Anh trong một chuyến đi ngắn. Tại văn phòng Thủ tướng Anh, số 10 Đường Downing, London, ông nói riêng với bà rằng ông “rất giận” Washington. Ông nói chiến thuật “tạm ngưng” của Bush là một chướng ngại vật.

Ông nói với Thatcher: “Tại sao phải mất quá nhiều thời gian để một Tổng thống, vốn là một phần của chính quyền trước, tìm ra đường đi nước bước cho mình? Và bà cũng đã mấy lần bênh vực Tổng thống Bush”. Chẳng phải bà đã từng trấn an Gorbachev rằng tân Tổng thống Mỹ sẽ tiếp nối những gì Reagan để lại đó sao? Nhưng điều đó lại chưa xảy ra, Gorbachev tiếp: “Thay vào đó … lại là rất nhiều quấy nhiễu lặt vặt gây phiền phức. Toàn bộ tình hình là không thể chịu đựng được!”.

Bà Thatcher khuyên ông nhẫn nại, bà nói: “Tôi biết George Bush và James Baker rất rõ. Tôi không thấy họ có lý do nào để … đi ngược lại đường lối của Reagan. Dĩ nhiên, Bush là người rất khác. Ông chú trọng đến chi tiết nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, ông ấy sẽ tiếp tục đường lối của Reagan”.[7]

11.

Gorbachev được xoa dịu phần nào nhờ chuyến viếng thăm. Ông tin cậy bà Thatcher và ông biết tất cả những gì ông nói sẽ được báo lại cho Washington.

Đúng vậy. Thatcher dường như trùng ý với lãnh tụ Liên Xô. Trước đó sáu tuần, bà đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Baker rằng bà “lo lắng vì không khí thư giãn rất lộ liễu ở Washington”. Bà khuyên giới lãnh đạo Mỹ: “Đừng để sự việc lửng lơ. Đừng để đất không canh tác”.* Ngay sau khi Gorbachev rời văn phòng bà, bà đã gửi một lá thư báo cho Bush biết Gorbachev giận dữ ra sao, và giận dữ “vì lý do chính đáng”. Bà nói chính quyền Bush đã mất quá nhiều thời giờ, đến mức không chịu đựng được, khi tính toán những bước đi kế tiếp.[8]

*

BUSH BẤT AN, GANH TỊ

12.

Bush có một lý do khác để do dự. Ông từng nói rằng quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo giữ vai trò sinh tử. Ông viết: “Nếu lãnh tụ này biết được tính cách và nhịp đập trái tim của lãnh tụ kia thì cả hai sẽ ít phạm sai lầm hơn”. Ông vẫn hoài nghi tính cách của Gorbachev, kể từ ngày Gorbachev đến Washington ký Hiệp ước INF, năm 1987. Bush cảm thấy “Hội chứng cuồng Gorby” ở phương Tây đã làm vị lãnh tụ Liên Xô rơi vào ảo tưởng. Bush nói với Scowcroft ông đã tận mắt thấy điều này.

Ông kể: “Hôm đó, chúng tôi chuẩn bị đi từ Tòa Đại sứ Liên Xô đến Nhà Trắng trong cùng một đoàn xe. Ông ấy hơi trễ, nhưng vẫn có vẻ bình thản. Rồi ông bỗng nổi hứng, hối hả mời tôi … lên cùng xe với ông. Đọc đường chúng tôi đi, đám đông chào đón thật đông đảo … đi được một quãng, tôi bảo ước gì ông có thời gian dừng lại để nói chuyện với dân chúng, và nếu làm vậy ông sẽ được hoan hô ngay. Một phút sau, chiếc xe limousine thắng két lại … nhân viên an ninh chìm của cả Liên Xô lẫn Mỹ phải nhanh chóng vào vị trí khi ông liều lĩnh tiến đến tiếp cận một đám đông, khiến họ ngạc nhiên, phấn khích ... ông bắt tay họ, chào họ bằng tiếng Nga … việc đó có vẻ kích thích tinh thần ông mạnh mẽ. Khi trở vào xe, rõ ràng là ông rất phấn chấn”.[9]

Thực ra, Bush cũng ganh tị với tình cảm quần chúng dành cho Gorbachev - Bush hiếm khi nào thấy một đám đông ngưỡng mộ mình đến thế khi ông xuất hiện. Nhưng đó chỉ là việc nhỏ, có một vấn đề lớn hơn nhiều. Đó là kỹ năng quan hệ công chúng của Gorbachev cùng những sáng kiến độc đáo khiến báo chí phải giật tít trang nhất đã tạo áp lực khiến Bush phải tỏ ra là đối thủ ngang tầm với lãnh tụ Nga, ít nhất là trong lời ăn tiếng nói. Trong một lá thư riêng gửi cho người bạn cũ Aga Khan, Bush viết với sự bực dọc rằng: “Tôi sẽ tiêu, nếu Gorbachev cứ chiếm lĩnh dư luận thế giới mãi thế này”.[10]

*

ĐÁNH GIÁ 11-4-89: CỨ CHỜ

13.

Sau nhiều lần điều chỉnh kế hoạch, vì Tổng thống thấy chưa đủ sáng tạo, cuối cùng bà Condoleezza Rice được giao nhiệm vụ chấp bút cho chính sách của chính quyền Bush về Liên Xô và Trung Âu.

Tài liệu “Đánh giá Tình báo Quốc gia 11-4-89” đánh giá tốt hơn và tích cực hơn nhiều về công cuộc cải cách tại Liên Xô. Văn bản có đoạn viết: “Việc sử dụng sức mạnh quân sự của Liên Xô như một công cụ ở nước ngoài sẽ còn tiếp tục giảm thiểu … Những tiến bộ mà Gorbachev đã khơi dậy … sẽ có thể dẫn đến những thay đổi lâu dài trong cách ứng xử của Liên Xô”.

Nhưng, tài liệu lại có một kết luận mang đặc tính “rất Bush”: Liên Xô có lẽ sẽ tự sụp đổ. Người Mỹ không phải làm gì để thúc đẩy quá trình này.

Và như thế, với sự thận trọng cố hữu, Bush quyết định cứ chờ xem sao.[11]

-----------

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.


[1] James Baker nói chuyện với tác giả tại Houston, tháng 9/2997; Robert Gates, From the Shadows (Simon & Schuster, New York, 1997), tr. 298

[2] James Baker nói chuyện với tác giả tại Houston, tháng 9/2997

[3] Michael Beschloss và Strobe Talbott, At the Highest Level (Little, Brown, New York, 1993), tr. 156

[4] George H. W. Bush và Brent Scowcroft, A World Transformed (Knopf, New York, 1998), tr. 86

[5] Như trích trong Tim Weiner, Legacy of Ashes: The History of the CIA (Allen Lane, London, 2007), tr. 349-53

[6] Michael Beschloss và Strobe Talbott, sđd, tr. 158-60

[7] Tường trình cuộc nói chuyện giữa Gorbachev và Thatcher tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow); và tác giả nói chuyện với Lord Powell, London, tháng 5/2007

* Bà Thatcher dùng ngôn ngữ tài tình, nhiều ản dụ. Nguyên văn câu này: “Don’t let things linger. Don’t let them lie fallow”. (ND)

[8] Michael Beschloss và Strobe Talbott, sđd, tr. 160

[9] George H. W. Bush và Brent Scowcroft, sđd, tr. 94

[10] William Wohlforth, Cold War Endgame (Penn State University Press, 2002)

[11] NIE 11-4-89: Soviet Policy Towards the West, USNSA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC)

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn