CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 36)

Tác giả: Victor Sebestyen

Dịch giả: Phan Trinh

CHƯƠNG 34

RUMANI: NỢ HẾT, ĐỘC TÀI CÒN NGUYÊN

TIN VUI CỰC XẤU - TỰ THIÊU, ĐẢ ĐẢO, THƯ NGỎ - BRUCAN, QUAN CHỨC PHẢN KHÁNG - CEAUSESCU CÃI GORBACHEV, SỢ BỊ LẬT ĐỔ - SAN BẰNG PHỐ CỔ, XÂY NHÀ LỚN NHẤT THẾ GIỚI - CHI PHÍ 500 TRIỆU LÊN 6 TỈ

***

Bucharest, Rumani. Thứ tư, ngày 12 tháng 4, năm 1989

TIN VUI CỰC XẤU

1.

NHÀ ĐỘC TÀI CEAUSESCU BÁO CHO NHÂN DÂN biết trước ông sẽ nói những điều trọng đại. Nhưng nhân dân Rumani đã chán ngấy những lời vàng ý ngọc của lãnh tụ. Vì lãnh tụ cứ nói dài dằng dặc, cũng chẳng phải nói mà là uể oải đọc những câu chữ Mác-Lê vô nghĩa, và lúc nào cũng báo tin xấu. Tuy vậy, nếu lúc ông nói trùng với hai tiếng đồng hồ có điện mỗi ngày trong khu phố thì nhà nào có ti vi sẽ ngồi xem ti vi.

Nhưng, lần phát biểu này của ông quan trọng thật. Và tuy nhân dân đã quá quen với cảnh túng thiếu bần cùng, lần này họ vẫn thấy lãnh tụ báo tin cực xấu, xấu khác thường.

Ceausescu kiêu hãnh phát biểu rằng tất cả mọi món nợ nước ngoài của Rumani đã trả xong và đã trả trước thời hạn những bảy tháng. Ông còn gọi hôm nay là một ngày trọng đại của nền độc lập quốc gia.

2.

Trong chốc lát, một số người dân có lẽ đã khấp khởi mừng rằng hết nợ rồi thì dân sẽ đủ ăn, sẽ không còn phải nhịn để đem thực phẩm bán qua phương Tây lấy tiền trả nợ cho nhà nước. Nhưng họ đã lầm.

Họ được báo rằng mọi mặt hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục được xuất khẩu vì quyền lợi nước nhà, để Rumani có thể duy trì độc lập. Chế độ khẩu phần nghiêm ngặt phân phối thịt, trứng, sữa, bột mì, đường, và gần như mọi loại thức ăn, sẽ được duy trì như cũ. Một số mặt hàng có thể khan hiếm hơn những tháng tới. Mức sử dụng xăng, dầu, khí đốt và điện vẫn tiếp tục bị hạn chế, bất kể mùa đông vừa qua lạnh cắt da, trong khi hầu hết nhân dân phải sống trong những căn hộ chung cư thiếu tiện nghi và tồi tàn xấu xí.

Mùa đông vừa qua, hàng trăm người già được phát hiện nằm co ro trên giường trong căn hộ của mình, bọc kín người trong áo măng tô dầy cộm, nhưng đã chết cóng vì giảm thân nhiệt. Những hàng người chờ mua bánh mì dài hơn mọi khi. Rau củ tươi gần như không thể tìm thấy.

Giờ đây, nhân dân Rumani được bảo cho biết mức sống sẽ không có gì cải thiện. Họ hiểu họ sẽ chẳng bao giờ được hưởng điều gì, dù đã phải cặm cụi hy sinh bao nhiêu năm nay.

Một thầy giáo, Alex Serban, chia sẻ: “Đó là thời điểm kinh khủng nhất từ trước đến nay. Nhưng đắng cay hơn nữa là họ cứ bảo rằng chúng ta đang sống giữa ‘thời hoàng kim’. Thù ghét Ceausescu đã lan rộng cả nước. Chúng tôi cũng thù ghét chính mình, vì đã cúi đầu im lặng, chấp nhận những gì ông ta làm cho đất nước, xem đó như điều tất yếu, không thể nào thay đổi trong cuộc sống”.[1]

*

TỰ THIÊU, ĐẢ ĐẢO, THƯ NGỎ

3.

Vợ chồng Ceausescu đã khiến Rumani quay lưng với thế giới bên ngoài. Thế giới bên ngoài cũng ngoảnh mặt, không nhìn Rumani. Đất nước này không còn giá trị với phương Tây như trước.

Những thay đổi tại Ba Lan, Hungary và quan hệ ấm cúng hơn giữa Liên Xô và Mỹ đã làm Rumani trở nên thừa thãi, không còn nằm trong tính toán quyền lợi chiến lược của phương Tây nữa. Ceausescu không còn được chào đón ở các thủ đô phương Tây và các lãnh tụ phương Tây không còn ca ngợi ông như ngày nào. Nhưng cũng chẳng ai buồn phê phán ông.

Rumani cứ thế đóng kín cửa. Chế độ hiếm khi nào cho phép các nhà báo phương Tây đến thăm và rất ít thông tin đáng tin cậy lọt được ra ngoài. Gần như không có biểu tình chống chế độ độc tài dưới bất cứ hình thức nào. Nhưng thỉnh thoảng người dân đã bộc lộ bức xúc và được nhắc tới trong những dòng tin ngắn ngủi trên báo chí phương Tây. Như trường hợp sau đây.

Ngày 2/3/1989, vài tuần trước diễn văn nói về xong nợ, họa sĩ Liviu Babes, 47 tuổi, đã châm lửa tự thiêu trước mắt một nhóm du khách phương Tây tại Brasov. Ông chết để đánh động dư luận rằng chế độ Rumani bất lương và lộng hành. Liviu cầm tấm bảng ghi dòng chữ “Rumani = Auschwitz”. [Auschwitz: trại tập trung khét tiếng man rợ của Đức Quốc xã trong Thế chiến II]

4.

Nhân dân Rumani mê bóng đá và đã có hai lần các trận bóng là chất xúc tác cho vài cuộc biểu tình hiếm hoi chống Ceausescu xảy ra.

Vào tháng 6/1988, một cuộc ẩu đả đã xảy ra giữa công an và một số người hâm mộ trong trận đấu giữa hai đội mạnh thủ đô Bucharest, Đội Steaua và Đội Dinamo. Ban đầu đó chỉ là một vụ quậy phá thường thấy trong các trận bóng đá, nhưng sau lại biến thành một cuộc biểu tình nhỏ chống chính quyền. Đám đông bị giải tán nhanh chóng. Một số người biểu tình bị đánh đập và bị bắt.

Vài tháng sau lại nổ ra một cuộc bạo loạn tại trung tâm Cluk sau khi Đội Rumani đánh bại Đội Đan Mạch trong trận đấu vòng loại, chọn đội vào tranh Cúp Bóng đá Thế giới. Ban đầu đám đông hò hét cổ vũ bóng đá, nhưng rồi tiếng hò hét vui vẻ bỗng hóa thành tiếng hô “Đả đảo Ceausescu”, cụm từ gần như chưa ai nghe thấy tại Rumani trước đây.

5.

Cũng trong tháng 3/1988, sáu cựu đảng viên, đều giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ, đã viết một lá thư ngỏ gửi Đảng, phê phán Ceausescu đang “phản bội chủ nghĩa xã hội”.

Những người đứng tên thư ngỏ, đều tự nhận mình là “đảng viên trung kiên”, là những lão thành cách mạng trên 70 tuổi nhưng vẫn còn ảnh hưởng lớn. Hai trong sáu vị là hai cựu Thủ tướng Rumani, một trong hai là Gheorghe Apostol, là người đầu tiên trước đây đề bạt Ceausescu lên làm lãnh tụ Đảng Cộng sản Rumani.

Giờ họ phàn nàn rằng nhà độc tài đã vi phạm nhân quyền và rằng Ceausescu đang đưa đất nước Rumani đến bờ diệt vong. “Lá thư Sáu người” này đã đến được tay Đài Phát thanh Châu Âu Tự do, và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nơi lá thư được phổ biến như là “một tuyên ngôn của Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc Rumani”.

Thư được chuyển đến giới truyền thông phương Tây qua tay ông Silvui Brucan, một trong những nhân vật cộng sản Rumani kỳ lạ nhất và cũng không kém phần nham hiểm.

*

BRUCAN, QUAN CHỨC PHẢN KHÁNG

6.

Tên khai sinh của Silvui Brucan là Saul Bruckner, sinh năm 1916, ông đổi tên khi còn là thiếu niên, vì sống ở Rumani giữa những cuộc chiến nối tiếp nhau mà lại mang tên Do Thái thì chẳng hay ho gì. Ông là một nhà báo có tài và nhạy bén, nhiều thập niên là tín đồ của chủ nghĩa Stalin. Ông có quan hệ thân thiết với mật vụ Liên Xô KGB. Khi cộng sản nắm quyền tại Rumani sau Thế chiến II, Brucan trở thành Tổng biên tập của tờ báo Đảng Scinteia.

Vợ ông, người đàn bà đáng sợ nhưng cực kỳ thông minh, Alexandra Sidorovici, là công tố viên Tòa án Nhân dân, nơi đã đẩy hàng ngàn người dân vào chỗ chết vì những tội danh khống trong các cuộc thanh trừng nội bộ liên tục.

Brucan thăng quan tiến chức rồi trở thành Đại sứ Rumani tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Sau ông về Bucharest trở thành giám đốc Đài Truyền hình Rumani. Ông trở nên thân thiết nhờ nhiều năm nịnh hót vợ chồng Ceausescu, nhưng họ chưa khi nào tin ông hoàn toàn.

Cuối thập niên 1970, với những người thân tín nhất, ông bắt đầu chỉ trích nhà độc tài, và kể từ năm 1987, ông ngày càng chỉ trích công khai hơn. Ông trả lời phỏng vấn của Thế giới vụ Đài BBC, lên tiếng phê phán chế độ.

Dĩ nhiên, Brucan cần bị trừng phạt vì dám “phản bội” như thế, nhưng Ceausescu cũng tính toán cách trừng phạt cho phù hợp. Brucan là tay thủ đoạn thâm niên và có cách giữ được bạn bè chống lưng mình tại Điện Kremlin, tại trụ sở KBG ở Lubyanka, tại thủ đô Washington và New York trong suốt bảy năm làm đại sứ tại Mỹ. Ông cũng quen biết các nhân vật cấp cao trong hàng ngũ mật vụ Securitate trong nước.

7.

Ceausescu có một hồ sơ dày 100 trang ghi lại tất cả những khuyết điểm cá nhân của Brucan, tất cả những cuộc cãi vã trong gia đình hoặc các cuộc trò chuyện giữa ông với phóng viên đài BBC hoặc tờ International Herald Tribune. Ông bị giám sát rất nghiêm ngặt, nhưng vì có quá nhiều quan hệ tốt, ông vẫn được đối xử một cách tế nhị.

Brucan và những người ký tên khác trong Lá thư Sáu người đình đám nói trên bị quản thúc tại gia. Riêng ông còn bị trục xuất khỏi căn biệt thự tiện nghi nơi đã sống nhiều năm, trong khu dân cư sáng giá nhất Bucharest, nơi nhiều quan chức hàng đầu cư ngụ, và được đưa về sống trong một căn chòi tồi tàn, không có cả nước vòi, tại một vùng quê hẻo lánh.

Ông được cấp cho một hộ chiếu hoàn toàn mới và được khuyến khích sử dụng, với hy vọng ông sẽ đi khỏi đất nước và không về nữa. Ông có đi, đi thăm Liên Xô và Mỹ, nhưng rồi ông vẫn cứ trở về Rumani.[2]

*

CEAUSESCU CÃI GORBACHEV, SỢ BỊ LẬT ĐỔ

8.

Ceausescu thực ra không sợ côn đồ đóng đá, cũng chẳng ngại gì một nhúm nhỏ trí thức bất đồng có quan hệ với truyền thông nước ngoài. Ông chỉ sợ Liên Xô sẽ tìm cách lật đổ ông bằng một cuộc đảo chính. Lúc bấy giờ, mọi thức ăn trước khi được dọn lên cho ông và bà Elena đều phải qua hai người nếm thử, để bảo đảm thức ăn không nhiễm độc.

Nỗi sợ của ông nhân đôi sau cuộc viếng thăm của Gorbachev đến Bucharest vào mùa hè 1987, một chuyến viếng thăm chỉ có thể gọi là thảm hại. Gorbachev không thích thú gì khi đến Rumani, và điều đó được bộc lộ rất rõ trong hai ngày rưỡi ông có mặt tại chỗ.

Đêm đầu tiên, hai ông đã cãi cọ to tiếng tại buổi tiệc tối dành riêng, trong khi hai bà vợ thì im lặng rầu rĩ, gần như không cả nhìn vào mặt nhau. Có lúc Ceausescu còn ra lệnh cho đóng tất cả các cửa lớn và cửa sổ để không ai, kể cả các vệ sĩ, nghe được nội dung cuộc tranh cãi.

Thực ra, Gorbachev cố gắng thuyết phục Ceausescu nới lỏng cách cai trị độc tài kiểu Stalin và tiến hành perestroika, tái cấu trúc chế độ. Gorbachev nói với Ceausescu: “Ông đang điều khiển một chế độ độc tài… ông phải mở cửa ra với thế giới”. Nhưng Ceausescu phản bác, khẳng định rằng Gorbachev đang phá hủy Chủ nghĩa cộng sản và toàn bộ tòa nhà quyền lực sẽ sụp đổ nếu Liên Xô cứ tiếp tục đi theo con đường nguy hiểm của họ.

9.

Hôm sau, Gorbachev được đưa đến thăm chợ Unirii tại trung tâm Bucharest, ngôi chợ to nhất thủ đô. Sau thời gian xuống cấp nhếch nhác, chợ vừa được tân trang để chào đón lãnh tụ Liên Xô, quầy kệ trong chợ được chất đầy hàng hóa, đầy ắp trái cây, rau củ và thịt, tức những món mà tuyệt đại đa số nhân dân Rumani không thấy đâu trong nhiều năm.

Nhưng viếng thăm xong, khi đoàn xe limousine của hai lãnh tụ đang rời khỏi chợ thì một cuộc bạo loạn bỗng xảy ra, trước mắt Ceausescu. Những người đứng xem bên đường đã vượt qua hàng rào cảnh sát, ném đá vỡ kính cửa chợ và xông lên, lao vào trong, cướp thực phẩm. Họ phải hành động nhanh trước khi đoàn xe tải chờ sẵn lấy hết thức ăn trong chợ mang đi chỗ khác, đến những cửa hàng dành riêng cho quan chức Đảng và mật vụ. Gorbachev không thấy cảnh náo loạn này, nhưng nghe các trợ lý của ông kể lại.

Có lẽ vì thế nên trước khi rời Rumani, Gorbachev đã lên tiếng kêu gọi loại bỏ khỏi Đông Âu “tất cả những ai không theo kịp thời đại… những ai đã tự bôi xấu mình bằng sự dối trá, vô nguyên tắc và thói gia đình trị, những ai vì chạy theo quyền lợi đã đánh mất hình ảnh đạo đức đích thực của một đảng viên”. Ông cũng phê phán cách Rumani đối xử với người thiểu số gốc Hungary. Ceausescu đứng đó, ngay cạnh Gorbachev tại bục chủ tọa, rõ ràng đã run lên vì giận dữ. Kể từ đó, Ceausescu tin rằng Liên Xô chỉ còn chờ thời cơ thích hợp nữa là sẽ lật đổ ông.[3]

*

SAN BẰNG PHỐ CỔ, XÂY NHÀ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

10.

Hầu hết thời giờ của vợ chồng Ceausescu vào cuối thập niên 1980 được dùng vào việc thực hiện một đại dự án ngay tại thủ đô, để chứng minh họ vĩ đại đến mức nào. Ông và bà Elena bị ám bởi kế hoạch xây một dinh thự vĩ đại, để họ được lưu danh trong sử sách như những người có công lớn với đất nước.

Tòa nhà họ muốn xây được gọi là “Cung Nhân dân”, và họ muốn đây sẽ là dinh thự lớn nhất thế giới. Ngay Hitler và Albert Speer cũng không dám mơ đến việc xây dựng những gì lớn đến thế. Ngay cả các cung văn hóa to lớn có hình chiếc bánh sinh nhật – một thiết kế do Stalin đích thân chọn và được sao chép tràn lan sau Thế chiến II tại thủ đô các nước chư hầu Liên Xô – cũng chỉ là cò con so với Cung Nhân dân Rumani.

Để dọn chỗ xây dựng dinh thự mới, thủ đô Bucharest đã bị phá hủy khủng khiếp. Vợ chồng Ceausescu ra lệnh rằng mặt tiền sơn trắng của dinh thự rộng 200 mét, cao 100 mét này sẽ nhìn ra một con đường lớn đặt tên là “Đại lộ Chủ nghĩa xã hội chiến thắng”, và đại lộ này phải dài ít nhất ngang hàng Đại lộ Champs-Élysées ở Paris.

Để tiến hành dự án này, hai quận phố cổ ở thủ đô Bucharest sẽ bị phá bỏ hoàn toàn và san bằng. Quận Arsenal Hill là một địa điểm ngoạn mục, từ đó có thể thấy toàn thành phố. Quận Uranus là một phố cổ, chủ yếu là khu dân cư, với rất nhiều căn nhà thật sang trọng, nhiều nhà có vườn tược đẹp đẽ, quận có một tu viện và nhiều thánh đường cổ, những hàng cây hạt dẻ tán rộng xum xuê, nhiều trường học, cửa hiệu và đường xe điện.

Cả hai quận sẽ bị phá hủy hoàn toàn, để thay thế bởi Cung Nhân dân và những tòa nhà chung cư khổng lồ cạnh Đại lộ mới. Nói chung, một phần sáu thủ đô Bucharest bị phá hủy để dọn chỗ xây dự án này, nơi sẽ tập trung toàn bộ các văn phòng Đảng và Nhà nước, cũng là nơi ở và hầm trú bom hạt nhân cho gia đình Ceausescu.

Kiến trúc sư công trình này là Anna Petrescu*, một cô gái trẻ chưa học xong đại học, năm 1978 cô thắng giải thiết kế mở rộng để tìm mẫu thiết kế cho tòa nhà, một giải thi mà hai giám khảo duy nhất không ai khác ngoài ngài Chủ tịch nước Ceausescu và Đệ nhất Phu nhân Elena.

*

CHI PHÍ 500 TRIỆU LÊN 6 TỈ

11.

Mất sáu năm trước khi việc xây dựng bắt đầu, và khi bắt đầu cũng là lúc vợ chồng Ceausescu can thiệp trực tiếp nhiều hơn. Không lâu sau, cô Petrescu phải hối hận vì mình đã thắng giải thiết kế.

Vợ chồng Ceausescu can thiệp liên tục. Họ đến thăm công trường hai hoặc ba lần mỗi tuần. Cứ mỗi sáng thứ bảy, họ lại đến đó ít nhất hai tiếng đồng hồ. Không có khoản trang trí hay bàn ghế nào là quá nhỏ để ông bà bỏ qua, không đích thân duyệt. Họ quyết định mọi thứ, từ kích cỡ bóng đèn và đài nước dọc Đại lộ Chủ nghĩa xã hội chiến thắng đến hình dáng của tay nắm cửa và hoa văn khảm chìm trên bàn làm việc bằng gỗ anh đào của bà Elena.

Đến giữa năm 1989, Cung Nhân dân gần hoàn tất. Chi phí ban đầu được dự trù là 500 triệu lei tiền Rumani, nhưng những đòi hỏi chỉnh sửa của lãnh tụ khiến chi phí càng lúc càng cao.

Dự án bị đình hoãn nhiều tháng chỉ vì vợ chồng lãnh tụ không thể quyết định nên chọn cột cổ Hy Lạp dạng “Doric”, đơn giản, không đế, hay dạng “Lonic” phức tạp, có đế (sau vài lần đổi tới đổi lui, cuối cùng họ chọn dạng Doric).

Rồi vợ chồng Ceausescu, bất chợt nghĩ ra, lại quyết định cho xây thêm hai tầng nữa phía trên làm không gian văn phòng trong tòa nhà. Chưa kể công nhân phải mất vài tháng để đào một đường hầm nhỏ cho xe lửa ngầm, nối từ Cung Nhân dân đến trung tâm thủ đô Bucharest, để Đệ nhất Phu nhân và chồng dùng riêng.

Cuối cùng, chi phí tăng 12 lần, lên đến 6.000 triệu lei. Không lạ gì khi những câu chuyện khôi hài đen lan nhanh, nhất là trong năm 1989, khi mọi thứ ở Rumani đều trở nên khan hiếm. Thực vậy, trong khi nhân dân chết rét và vất vả xếp hàng dài mua bánh mì, thì mỗi năm ngài Chủ tịch lại chi một số tiền lớn, gần bằng toàn bộ ngân sách an sinh quốc gia cho cả nước, vào việc xây dựng Cung Nhân dân cho ông.

-----------

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.


[1] Tác giả trò chuyện với nhân vật tại Bucharest, tháng 10/2007

[2] Brucan nói chuyện với tác giả, Bucharest, tháng 4/1990; và Mark Almond, The Rise and Fall of Nicolae and Elena Ceausescu (Chapmans, London, 1992), tr. 160-4

[3] Peter Siani-Davies, The Romanian Revolution of December 1989 (Cornell University Press, 2007), tr. 139

* Tuy tên nghe tương tự nhưng cô Petrescu không có bà con dòng họ gì với Ceausescu.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn