CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 39)

Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 37

BA LAN: LONG TRỜI LỞ ĐẤT

33/35 VÀ 99/100 - CÔNG ĐOÀN VẬN ĐỘNG BẦU CỬ - ĐẢNG PHAI MÀU - CÔNG ĐOÀN MỞ 20.000 QUÀY THÔNG TIN - THĂM DÒ: 40% CHỌN CÔNG ĐOÀN - ĐẠI SỨ MỸ DỰ ĐOÁN - TIN TỪ THIÊN AN MÔN - ĐẢNG VIÊN LOẠI ĐẢNG VIÊN - “NHÂN DÂN KHÔNG CẦN TA NỮA” - JARUZELSKI: TỔNG THỐNG TỔNG BÍ THƯ? - TIẾN HAY LÙI?

***

Warsaw, Ba Lan. Chủ nhật, ngày 4 tháng 6, năm 1989

33/35 VÀ 99/100

1.

TRỤ SỞ BẦU CỬ CỦA CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT nằm trên tầng hai quán “Cà-phê Ngạc nhiên”, gần đại lộ chính trung tâm thủ đô Warsaw. Tối hôm đó, các nhà hoạt động Công đoàn dán mắt vào màn hình TV và không thể tin được khi đài truyền hình thông báo những kết quả bầu cử đầu tiên. Rõ ràng là một cuộc cách mạng đã diễn ra ngay trong lòng đế quốc Xô-viết, và lần này nó đã diễn ra rất ôn hòa, trong những phòng phiếu ở Ba Lan.

Hầu như không ai dự đoán được phe cộng sản lại thảm bại đến vậy. Càng về đêm, khi nhiều kết quả được công bố hơn, nỗi nhục của Đảng Cộng sản Ba Lan càng lớn hơn, dù đã cầm quyền hơn 40 năm. Thủ tục bầu cử tuy phức tạp, nhưng theo một số cách tính thì phe cộng sản chỉ thắng từ 3% đến 4% tổng số phiếu bầu. Cuộc bầu cử đã hóa thành cuộc trưng cầu dân ý về quyền thống trị của cộng sản và của Liên Xô. Phán quyết của nhân dân là một bản cáo trạng long trời lở đất dành cho chế độ.

Qua hai vòng đầu của cuộc bầu cử, Công đoàn Đoàn kết đã giành được 33 trên tổng số 35 ghế được phép tranh cử trong Hạ viện Sejm (nơi có tổng cộng 100 ghế). Đảng cộng sản và các đảng liên kết với họ giữ 65 ghế còn lại, tức những ghế không cần bầu cử trong một Hạ viện đã được sắp xếp để Đảng luôn nắm đa số. Nhưng điều này không an ủi Đảng bao nhiêu, vì Công đoàn Đoàn kết còn giành được 99 ghế trên tổng số 100 ghế được phép tranh cử tại Thượng viện.

Nói cách khác, toàn bộ những nhân vật cộng sản hàng đầu đã bị đánh bại, kể cả những tên tuổi quen thuộc cầm quyền lâu năm như Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak, Thủ tướng Rakowski, Bộ trưởng Quốc phòng Florian Siwicki.

2.

Trớ trêu là chính phe cộng sản đã yêu cầu tổ chức bầu cử nhanh, ngay sau khi các thỏa thuận Bàn tròn được ký kết. Họ cho rằng một cuộc bầu cử chớp nhoáng sẽ cho họ nhiều ưu thế và tạo bất lợi cho Công đoàn Đoàn kết. Dù gì thì Đảng tuy không có kinh nghiệm trong việc vận động bầu cử dân chủ, nhưng họ có tiền, có tổ chức, có người, và quan trọng nhất, họ nắm độc quyền truyền hình trong tay, và họ nghĩ họ có thể tận dụng đến nơi đến chốn.

Trong thời gian đàm phán Bàn tròn, Jerzy Urban – một nhân vật không được ưa thích, được xem là “thầy viết” của Tướng Jaruzelski, và là tai họa của các nhà báo trong và ngoài nước nhiều năm qua – như thường lệ, đã chua chát nói với nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết Jacek Kuron rằng: “Chúng tôi sẽ cho ông cái ZOMO (cảnh sát chống bạo động), trước khi cho ông cái TV.” Kuron trả lời: “Nhưng cái TV thì khoái hơn. Cảm ơn.”

Urban điều phối toàn bộ tin tức về cuộc bầu cử trên tất cả các báo đài trong nước, dĩ nhiên đưa toàn tin tức bất lợi cho phe đối lập. Trong cuộc bầu cử lần này, ông là một trong những ứng cử viên cộng sản thất bại nặng nhất.

*

CÔNG ĐOÀN VẬN ĐỘNG BẦU CỬ

3.

Thực ra, Công đoàn Đoàn kết đã không muốn bầu cử ngay sau đàm phán Bàn tròn, vì họ sẽ phải xây dựng tổ chức từ con số không, phải quyên tiền, thuê văn phòng, mướn người, tất cả chỉ trong vòng vài tuần. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ.

Walesa liên tục phàn nàn rằng: “Những cuộc bầu cử này … là cái giá nặng nề chúng ta phải trả để Công đoàn hoạt động trở lại.” Ông sợ rằng quần chúng, sau bao nhiêu năm dài thờ ơ với chính trị, sẽ không phản ứng và không đi bầu. Các cố vấn của ông nghĩ rằng Công đoàn Đoàn kết sẽ thắng được khoảng 1/4 các ghế được tranh tại Hạ viện, và có lẽ khoảng 2/3 số ghế Thượng viện.

Tuy nhiên, dù chỉ được những tình nguyện viên không kinh nghiệm giúp đỡ, Công đoàn Đoàn kết vẫn có thể xoay sở và vận động tranh cử rất hiệu quả. Từ Lễ Lao động 1/5/1989, khi Walesa tung chiến dịch vận động tại Nhà thờ Thánh Brigid ở Gdansk, ông đã mang đến một thông điệp rất lạc quan và phấn khích. Ông thường nói trước cử tri rằng đây là cơ hội để nhân dân Ba Lan “nói cho họ biết chúng ta đã chán lắm rồi”.

Ông chụp hình với từng ứng cử viên Công đoàn Đoàn kết tại Xưởng Đóng tàu Lenin. Trong nửa tháng trước ngày bầu cử, hình của ông với các ứng cử viên dùng làm bích chương được nhìn thấy khắp nơi, dán trên cây, trên tường, trên cửa sổ căn hộ chung cư, bên cạnh biểu tượng Công đoàn Đoàn kết với các màu đỏ, trắng, xanh dương, tức màu cờ Ba Lan. Dưới bức hình là thông điệp bằng dòng chữ Walesa viết tay: “Chúng ta phải thắng”.

4.

Giáo hội Công giáo Ba Lan cũng thuận lợi hơn sau thỏa hiệp Bàn tròn. Một số tài sản được hoàn trả miễn phí và Giáo hội được mua lại nhiều tài sản khác bị nhà nước tịch thu trước đây. Giáo hội cũng có thể đứng ra mở trường và đài phát thanh, linh mục được xét cấp các khoản trợ cấp của nhà nước. Trong bầu cử lần này, Giáo hội công khai vận động cho Công đoàn Đoàn kết, mặc dù trước đó Hồng y Glemp, nhân vật thân chính quyền, rất ngại làm mất lòng chế độ, không thích Công đoàn và xem thường Walesa.

Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước ra rả phát thanh phát hình ủng hộ Đảng, thì Thế giới Vụ Đài BBC và Đài Phát thanh Châu Âu Tự do, có hàng triệu thính giả tại Ba Lan, cũng không hề giấu giếm việc họ ủng hộ Công đoàn Đoàn kết.

Với tốc độ siêu nhanh, Công đoàn Đoàn kết thành lập một tờ nhật báo xuất sắc, lấy tên là “Gazeta Wyborcza” (Báo bầu cử) với cách viết dí dỏm, thông minh, sắc bén, khác hẳn những tờ báo Đảng nặng nề, buồn chán. Tờ báo được biên tập bởi Adam Michnik, nhưng tuyệt đại đa số các cây viết là những phụ nữ trẻ tài năng.[1]

*

ĐẢNG PHAI MÀU

5.

Phe cộng sản đã tiến hành một chiến dịch vận động bầu cử thô vụng nhưng đầy tự mãn. Giới lãnh đạo tin rằng Đảng sẽ thắng lớn trước phe đối lập rõ là vô tổ chức. Họ cũng chẳng buồn quan tâm đến việc đi vận động bầu cử ở những khu vực mà Đảng cho là họ dễ dàng kiểm soát.

Tổng hành dinh của Đảng ở Warsaw ra lệnh không bích chương hay vật phẩm in vận động bầu cử nào của Đảng được có màu đỏ, vì vậy rất nhiều màu khác đã được mang ra thử. Việc này tạo ra sự nhầm lẫn [đỏ vốn là màu của Đảng, nhưng nay là màu chủ đạo của phe đối lập], nhưng không rõ có còn vì mục đích nào khác không. Và thế là màu chiến dịch của phe cộng sản được quần chúng biết đến là màu xanh dương phai.

Một trong những khẩu hiệu thường dùng nhất của Đảng là câu “Với chúng tôi, bạn an toàn hơn”. Câu này được một nhà báo nước ngoài nhận xét rằng nghe giống như câu quảng cáo bao cao su hơn là khẩu hiệu cho một ứng cử viên chính trị.

Một đầu lĩnh của Đảng, khi đang diễn ra vận động bầu cử, đã thú nhận rằng: “Chiến dịch đó không có chút hy vọng nào, không có chút sức sống nào, cứ lơ mơ lờ đờ. Tôi không nghĩ chúng tôi hiểu thế nào là đi vận động để dân bỏ phiếu cho mình. Chúng tôi đã quá chủ quan.”[2]

*

CÔNG ĐOÀN MỞ 20.000 QUÀY THÔNG TIN

6.

Trong ngày bỏ phiếu, phe đối lập rõ ràng là đã tổ chức tốt hơn Đảng Cộng sản. Hầu hết các linh mục trên cả nước trong bài giảng lễ chủ nhật hôm đó đều nhắc nhở cộng đoàn giáo dân rằng: “Tôi nghĩ quý ông bà và anh chị em biết Chúa muốn chúng ta bỏ phiếu cho ai hôm nay.”

Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri được đưa cho một bộ phiếu rất phức tạp, dầy cộp những lá phiếu, và họ phải gạch bỏ tên ứng cử viên nào họ không muốn bầu. Công đoàn Đoàn kết nhận ra điều này sẽ làm cử tri của họ bối rối, vì vậy, họ đã cho dựng quày thông tin bên ngoài toàn bộ 20.000 phòng bỏ phiếu cả nước, để giúp cử tri xử lý những lá phiếu. Họ trưng ra một lá phiếu mẫu đã được điền để mọi người thấy tên tuổi nào – tức ứng cử viên cộng sản nào – nên bị gạch bỏ.

Sau khi biết cách làm, cử tri đã phản ứng rất sốt sắng, nhiệt tình. Một người quan sát nhận xét rằng: “Cách bầu chọn phức tạp, nhưng khi được cầm bút gạch bỏ tên những kẻ mình không ưa thì ai nấy đều thấy thỏa mãn kỳ lạ.”[3]

*

THĂM DÒ: 40% CHỌN CÔNG ĐOÀN

7.

Ngay trong sáng ngày bỏ phiếu, những người cộng sản vẫn tin rằng họ sẽ thắng. Rakowski thú thật rằng họ không dự đoán được khả năng thua đậm đến thế, hoặc không thể nghĩ rằng khi có cơ hội nhân dân sẽ lập tức loại bỏ Đảng. Ông nói: “Vào tháng 5/1989, chúng tôi thăm dò dư luận và thấy 14% sẽ bỏ phiếu cho chúng tôi và những đảng phái liên kết, trong khi 40% sẽ bỏ phiếu cho Công đoàn Đoàn kết. Số còn lại nói họ “chưa biết” bầu ai. Tôi không hiểu tại sao tôi lại tưởng tượng số người đó sẽ bỏ phiếu cho chúng tôi. Chúng tôi cứ nghĩ mình còn ở cái thời không có tự do bầu cử, nên không nghĩ ra rằng những người “chưa biết” kia sẽ không ủng hộ mình.”

Đại sứ quán Liên Xô và mật vụ KGB báo cáo về Moscow rằng kết quả chính xác nhất có thể dự báo trong cuộc bầu cử tại Ba Lan là Công đoàn Đoàn kết sẽ thắng tương đối lớn và sẽ có tiếng nói trong chính quyền trong vài năm tới. Ba Lan cũng sẽ từng bước tiến tới mô hình chia sẻ quyền lực và tiến hành cải cách tự do.

Đây chính là những dự báo mà Gorbachev và cố vấn của ông muốn nghe. Và thế là không có tiếng còi báo động nào được gióng lên, và Liên Xô rất thư giãn về những điều đang diễn ra.[4]

*

ĐẠI SỨ MỸ DỰ ĐOÁN

8.

Một trong số những người hiếm hoi dự đoán kết quả chính xác trước khi đếm phiếu chính là Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, John Davis. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu, 64 tuổi, đã làm việc tại Warsaw sáu năm, dài hơn bình thường đối với một nhà ngoại giao Mỹ ở một nhiệm sở nào đó.

Trong những tháng trước, kể từ khi đàm phán Bàn tròn bắt đầu, ông đã tạo được mối quan hệ gần gũi với giới lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết. Theo lời ông kể, họ thường gặp nhau vào buổi tối tại nhà riêng của Đại sứ tại Warsaw, nơi họ thường “tán đủ thứ chuyện, xem phim Mỹ mới nhất và ăn rất nhiều thịt bò Stroganoff”.

Trong khi các nhân vật cấp cao của Công đoàn Đoàn kết như Geremek và Mazowiecki bi quan về kết quả bầu cử thì Davis lại báo cáo về Washington rằng Công đoàn Đoàn kết “sẽ thắng, và thắng lớn”.

Ngày 19/4/1989, ông gửi điện cho Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng: “Chính quyền cộng sản… rất có thể sẽ hoàn toàn thất bại và nhục nhã ê chề”. Ngày 2/6/1989, hai ngày trước ngày bỏ phiếu, ông dự đoán “chiến thắng gần như toàn phần của Công đoàn Đoàn kết”. Nhưng ông cũng nói đó là một viễn cảnh không hoàn toàn đáng mừng, vì có mối nguy hiểm là chiến thắng của Công đoàn Đoàn kết sẽ kích động “một phản ứng tự vệ gay gắt từ phía chính quyền”, và phản ứng này có thể sẽ làm bất ổn toàn bộ Đông Âu.[5]

*

TIN TỪ THIÊN AN MÔN

9.

Walesa cũng phải kinh ngạc về tầm vóc chiến thắng ông đạt được. Ông nói: “Tôi như đương đầu với thảm họa vì một vụ mùa trúng lớn. Bỗng dưng tôi có quá nhiều thóc đến nỗi tôi không còn đủ kho chứa”.

Nhưng ông cũng nghe được những tin tức khác khiến ông thực sự lo lắng. Sớm hôm đó, hàng trăm sinh viên Trung Quốc tay không tấc sắt đã bị giết ở Bắc Kinh khi quân đội và xe tăng được điều vào để dẹp tan biểu tình kéo dài tại Quảng trường Thiên An Môn. Cũng vậy, quân đội Liên Xô và giới tướng lĩnh đầu não của chế độ Ba Lan vẫn có thể, tuy khó hơn, phản ứng dữ dội trước sự thảm bại của họ trong bầu cử.

Geremek, một trong những cái đầu lạnh nhất chung quanh Walesa cũng lo ngại cảnh báo rằng: “Vâng, dĩ nhiên, chúng ta biết mình thắng. Nhưng… cũng biết chúng nó còn đầy đủ súng ống.”[6]

*

ĐẢNG VIÊN LOẠI ĐẢNG VIÊN

10.

Sáng sớm ngày hôm sau, các lãnh đạo Đảng họp gấp trong trạng thái bấn loạn để “xét nghiệm tử thi”, đúc kết tình hình.

Tướng Jaruzelski nói: “Kết quả quá tệ hại, tệ hơn điều chúng ta dự đoán. Tôi trách Giáo hội. Họ là thủ phạm chính. Chúng ta phải gặp giới lãnh đạo Công giáo gấp.” Stanislaw Ciosek, người giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán Bàn tròn và thường xuyên gặp gỡ các giám mục, đồng ý với nhận định này. Ông nói một cách mập mờ rằng: “Chúng ta tin cậy Giáo hội, nhưng họ lại hóa thành những ông cha ‘dòng Tên’” [Linh mục Dòng Tên (Jesuit) thường được xem là cấp tiến, đi trước thời đại].

Nhưng rồi, ông quay qua trách móc Đảng, giống như nhiều thủ lĩnh cộng sản khác hôm đó cũng quay qua đổ lỗi cho nhau. Ông than: “Lỗi là của chúng ta. Chúng ta đã đánh giá quá cao sức mạnh của mình và hóa ra chúng ta hoàn toàn không có cơ sở.” Alexander Kwasniewski, người trẻ nhất và khôn ngoan nhất hàng ngũ lãnh đạo Ba Lan, nói: “Có rất nhiều Đảng viên cộng sản đã gạch bỏ tên của cả những ứng cử viên cộng sản!”.

Jerzy Urban, người điều động chiến dịch truyền thông bầu cử của Đảng, nói rằng vòng bầu cử thứ hai, sẽ diễn ra sau hai tuần nữa, để bầu chọn người cho một số ghế được phép tranh cử còn trống, cũng sẽ lại là thảm họa tương tự. Ông nói: “Chúng ta có thể biến mình thành trò cười trước cơ sở của chúng ta. Kết quả bầu cử cho thấy Đảng không chỉ đã sống quá thời hạn … Đảng còn phải đối đầu với nguy cơ tan rã. Đây không chỉ là một thất bại bầu cử, mà là kết thúc của cả một thời đại.”[7]

*

“NHÂN DÂN KHÔNG CẦN TA NỮA”

11.

Tướng Jaruzelski đã tính đến việc áp dụng thiết quân luật lần nữa, với phiên bản mới. Ông triệu tập cuộc họp với Hội đồng Quân nhân và Bộ Tổng Tham mưu. Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak có mặt trong buổi họp và họ bàn tính về khả năng sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp và tuyên bố cuộc bầu cử là không có hiệu lực.

Jaruzelski nói: “Chúng ta vẫn đang có công cụ quyền lực trong tay”, nhưng ông cũng biết bây giờ đã quá trễ cho một giải pháp bạo động. Ông đã nói chuyện với các trợ lý Gorbachev ở Điện Kremlin, và tuy kinh ngạc về kết quả bầu cử, họ cũng biết Gorbachev sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc đàn áp quân sự nào. Họ bảo đàn áp sẽ không hiệu quả và Moscow sẽ tiếp tục khuyến khích các bên đạt được những thỏa thuận chính trị.

Cuối buổi họp, Jaruzelski tuyên bố chấp nhận kết quả bầu cử và sẽ tìm cách sống chung với nó. Nhưng ông rơi vào buồn phiền, tự trách bản thân, và được đưa vào phòng riêng.

Các cố vấn của ông cho biết ông đã nghiền ngẫm rất lâu về một nhận định do Rakowski đưa ra sáng hôm đó, mà nội dung nghe như một thực tế trần trụi khó chối cãi: “Nói đơn giản, nhân dân không cần chúng ta nữa.” Vì sao thế? Ông cảm thấy mình đã chọn đúng khi đi theo con đường thỏa hiệp, mình đã hành xử đúng mực, và ông không nên bị trừng phạt vì điều đó. Jaruzelski luôn nghĩ mình là một nhà yêu nước vĩ đại luôn hành động vì quyền lợi quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề của ông là ông hiểu quá ít về nhân dân Ba Lan.[8]

*

JARUZELSKI: TỔNG THỐNG TỔNG BÍ THƯ?

12.

Quan tâm lớn nhất của Jaruzelski bây giờ, và của những người thân cận, là làm sao ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 7/1989, khi quốc hội mới bắt đầu nhóm họp. Nhưng những thuật toán bầu cử cho thấy Đảng không dễ thắng cuộc. Ông cần 35 phiếu trong Hạ viện, nhưng điều này hiện nay khó thành nếu không được Công đoàn Đoàn kết thỏa hiệp ngầm.

Không thể có được một chính quyền hiệu quả cho tới khi vấn đề ai là Tổng thống được giải quyết xong. Chính quyền vất vả xoay xở, nhưng quyền lực ra vẻ đang vuột khỏi tầm tay chế độ. Trong các cuộc đàm phán Bàn tròn, mọi người ngầm hiểu Jaruzelski sẽ được bầu làm Tổng thống, vị trí này được lập ra là để dành cho ông, như cả hai phía thương lượng đều biết.

Một số lãnh tụ thận trọng hơn của Công đoàn Đoàn kết, đặc biệt là Walesa, sợ rằng nếu họ không tôn trọng khoản này của thỏa thuận thì toàn bộ thỏa thuận sẽ đổ vỡ.

Phía cộng sản tạo áp lực để bảo đảm Jaruzelski sẽ được bầu làm Tổng thống. Một số sĩ quan cao cấp cảnh báo chính quyền rằng họ cảm thấy “cá nhân mình bị đe dọa” nếu Tướng Jaruzelski không được bầu, và họ có thể sẽ “hành động để loại bỏ các thỏa thuận Bàn tròn và kết quả bầu cử”. Nói cách khác, họ đe dọa sẽ đảo chính lật đổ ngay cả các tướng lĩnh cấp trên của họ.

Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak cũng đến gặp riêng Hồng y Glemp và các lãnh đạo khác của Giáo hội Công giáo. Ông đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng rằng: “Nếu Jaruzelski không được bầu làm Tổng thống … chúng ta sẽ càng bất ổn hơn và toàn bộ quá trình cải tổ chính trị sẽ chấm dứt. Các lực lương an ninh và quân đội sẽ không tuân lệnh một Tổng thống nào khác.”[9]

*

TIẾN HAY LÙI?

13.

Bản thân Tướng Jaruzelski cũng điểm lại tình hình và bắt đầu do dự. Suốt ba tuần, ông nói xa nói gần đến việc ông sẽ không tranh cử nếu đất nước không còn cần ông. Như nhận xét của các trợ lý, ông nói thế lúc đầu chỉ để tỏ ra mình không tham quyền cố vị. Còn trên thực tế, vì ông đã cầm quyền và quyết chí cầm quyền quá lâu, ông khó có thể tưởng tượng ra cảnh mình sẽ phải cáo quan về vườn. Nhưng, nếu các số liệu bầu cử không thuận lợi thì ông có thể sẽ nghĩ lại và từ chối đề cử.

Ông nói với các cố vấn rằng ông “không muốn lén lút leo lên chức Tổng thống”, và ông cũng không muốn nhục nhã trước nhân dân một lần nữa sau vòng bầu cử thảm họa vừa diễn ra.

Đến cuối tháng 6/1989, ông quyết không chịu rủi ro thất bại trong một cuộc bầu cử hoặc mất mặt thêm nữa. Ông quyết định rút ra khỏi cuộc đua, trừ khi có một phép lạ nào đó, một chú thỏ nào đó được rút ra khỏi chiếc mũ ảo thuật, và ông được bảo đảm sẽ thắng cử.[10]

V.S.

-----------

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989, The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.


[1] Timothy Garton Ash, We the People (Granta, London, 1990); tác giả nói chuyện vối Tadeusz Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995

[2] Như trên; tác giả nói chuyện với Jerzy Urban, Warsaw, tháng 10/1995

[3] Timothy Garton Ash, sđd, tr. 36

[4] Jaqueline Hayden, Poles Apart: Solidarity and the New Poland (Irish Academic Press, 1944), tr. 168; tác giả nói chuyện với Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995

[5] Điện tín Đại sứ Davis gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, lưu trữ tại USNSA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC) tài liệu về Ba Lan

[6] Báo Gazeta Wyborcza, ngày 5/6/1989, tr. 1; như trích trong Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997), tr. 268

[7] Hồ sơ Ban Bí thư Đảng Cộng sản Ba Lan (PZPR), Viện Nghiên cứu Chính trị, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, Warsaw

[8] Tác giả nói chuyện với Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995

[9] Tác giả nói chuyện với Mazowiecki, Warsaw, tháng 10/1995; trích điện tín của Đại sứ Davis gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 11/8/1989, USNSA

[10] Tác giả nói chuyện với Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995

Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn