Trao đổi với Nguyễn Trung

Nguyễn Đình Cống

Vừa qua ông Nguyễn Trung đã công bố bài viết “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới”. Bài viết được nhiều người quan tâm, đánh giá cao. Đó là những kiến nghị tâm huyết và có giá trị của một trí thức, một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, còn nặng lòng với đất nước. Đối với tôi, Nguyễn Trung thuộc bậc đàn anh. Tôi yêu mến, kính trọng ông, đồng ý với ông về cơ bản và trong phần lớn đề xuất cụ thể. Tuy vậy có một vài tiểu tiết tôi chưa nhất trí được, xin nêu ra để ông và những ai quan tâm trao đổi thêm.

A- Một số điều tôi nhất trí và rất tâm đắc

Đó là các nhận xét sau: đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng… Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng tụt hậu xa hơn và yếu đi.

Thất bại đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa chà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ – quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc.

ĐCSVN hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử.

…ĐCSVN như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của ĐCSVN hôm nay đối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến,

Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc ĐCSVN như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.

Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử … Muốn tiến hành cải cách chính trị, đảng phải chủ động loại bỏ “chủ nghĩa Mác – Lênin” và ý thức hệ đi kèm…

Những điều tâm đắc còn nhiều nhưng xin tạm dừng.

B- Một số điều xin trao đổi vì chưa nhất trí

1- Nhận định “Cục diện thế giới hiện nay đặt nước ta vào tình thế nguy hiểm chưa từng có”, làm tiền đề cho đòi hỏi sinh tử của cải cách. Tôi nghĩ tình hình thế giới ảnh hưởng lớn đến chúng ta, nhưng đòi hỏi cải cách chính phải bắt nguồn từ tình hình trong nước, mà chủ yếu bởi các điều nêu trong mục A ở trên. Thảm trạng của đất nước như hiện nay do “Người trong nước tự gây ra” là chủ yếu. Thiên tai cũng có phần nặng nề, nhưng NHÂN TAI của NỘI XÂM đóng vai trò quyết định. Để cho đất nước rơi vào những thảm cảnh như hiện tại, những người, thế lực lãnh đạo và quản lý không thế chối bỏ trách nhiệm và tội trạng.

2- Sự học tập của toàn dân. Nguyễn Trung đề ra một biện pháp quan trọng để cải cách là “Đề cao việc học tập của toàn dân”. Điều này nhằm NÂNG CAO DÂN TRÍ. Đó là việc đúng cho thời gian lâu dài. Trước mắt để làm việc này có hiệu quả là rất khó. Học cái gì, tự học hay có ai tổ chức dạy? Có vài luật sư tổ chức lớp học về dân chủ và dân quyền đã bị bắt và kết án tù. Bản thân tôi, chỉ dạy môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và sáng tạo cũng bị ngăn cấm. Ngoài vấn đề DÂN TRÍ còn cần CHẤN HƯNG DÂN KHÍ. Tôi thấy một việc làm có hiệu quả hơn là TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI. Qua đối thoại giữa những người đang cầm quyền và những người phản biện, muốn cải cách sẽ đồng thời đạt một số mục tiêu, trong đó có nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí. Ngoài ra thì phải có được tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trước đây Nguyễn Trung rất hăng hái cổ vũ đối thoại, nhưng trong bài lại bị lu mờ. Vẫn biết rằng để có được đối thoại là rất khó, ông Võ Văn Thưởng nêu ra việc đối thoại chỉ nhằm xoa dịu chứ không thật lòng. Tuy vậy khi tổ chức được đối thoại rộng rãi thì tác dụng nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí sẽ tăng lên.

3- Ai làm cải cách? Viết hoặc nói rằng đảng phải làm việc nọ việc kia tưởng thế là rõ ràng nhưng thực ra rất mơ hồ. Làm việc này việc kia phải là những con người cụ thể. Trong toàn bài Nguyễn Trung chỉ viết chung chung là Đảng phải làm. Cuối bài ông có viết: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ… và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này”. Và ông viết tiếp: “tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!”.

Đảng được đại diện bằng Tổng bí thư và Bộ Chính trị. Khi có được một TBT và BCT có trí tuệ, tránh được sự vô minh, chủ động làm cải cách thì đó là điều tốt đẹp cho dân cho nước. Nhưng hãy nhìn kỹ vào nhân sự hiện tại xem có hy vọng gì không. Tôi thấy xác suất để ông Trọng và đa số trong BCT có được trí tuệ như mong muốn là rất thấp, chỉ dưới 1%. Vậy trong đảng chỉ có thể trông chờ vào một số đảng viên nào đó còn có lương tri, muốn làm và làm được người tử tế, có trí tuệ, có dũng khí, có lòng yêu nước chân chính. Những nhà hoạt động dân chủ nên hướng sự vận động vào những đảng viên như vậy, và các đảng viên đó nên tìm cách liên kết nhau lại, thành một lực lượng trong đảng để cứu đảng và cứu nước. Phải làm sao để trong đảng xuất hiện những Trần Xuân Bách, những Trần Độ, những Hoàng Minh Chính mới, họ không những tránh được vô minh mà còn biết làm tổ chức, biết tạo nên lực lượng để rồi nếu không cải cách được đảng này thì họ đứng ra lập đảng mới, đối lập.

4- Đảng của dân tộc. Đảng CS được định nghĩa là của giai cấp vô sản. Từ 1956 Khơrutsep đưa ra khái niệm ĐCS Liên xô là của toàn dân. Điều đó bị lên án mạnh mẽ, cho là xét lại. Nhưng rồi thực tế đã buộc ĐCS VN viết một điều đầy mâu thuẩn như sau: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc VN”. Bây giờ Nguyễn Trung muốn biến ĐCS thành đảng của dân tộc. Tôi cho như vậy không thể chấp nhận.

Một số lần tôi có viết ĐCS VN từ vai trò là đảng cách mạng, chuyển thành đảng cầm quyền. Để làm tốt nhiệm vụ mới này đảng phải có thay đổi từ gốc, vì giữa đảng cách mạng và đảng cầm quyền có mục đích và nhiệm vụ khác xa nhau. Đảng cầm quyền là một đảng chính trị.

Nếu xem rằng có một đảng chính trị nào đó là đảng của dân tộc thì dễ đề cao vai trò của nó, lại dễ đặt nó cao hơn mọi tố chức khác. Nếu có đảng đối lập với nó thì đảng đối lập đó dễ bị quy kết là phản dân tộc. Không, tôi không đồng ý khái niệm đảng chính trị của dân tộc. Đảng chính trị là tổ chức của những người có cùng chính kiến, cùng mục tiêu.

C- Vài lời cuối

Tôi vừa đọc xong một số quyển sách như Thất bại Lớn (Brzezínski), Trật tự thế giới (Kissinger), bộ sách về Phương pháp (Edgar Morin), Chết dưới tay Trung quốc (Peter Navarro), Giai cấp mới (Milovan Djilas)… xem xong 10 tập phim The Vietnam war… và ngẫm nghĩ, và tự hỏi: “Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân - Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. Vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng. Những câu như: Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên, Chẳng hay muôn sự tại Trời. Có Trời mà cũng có Ta, v.v. liệu đúng được bao nhiêu phần trăm? Có tìm thật đúng nguyên nhân gốc gác thì may ra mới tìm được biện pháp hữu hiệu cho những cải cách trước mắt và đường lối lâu dài.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn