Mỹ và Trung Quốc đứng đâu trong thế kỷ 21?

(Nhân đọc bài viết The Future of American Power của giáo sư Joseph S. Nye Jr. trên chuyên san Foreign Affairs số tháng 11 và 12-2010 – vừa được dịch trên Bauxite VN)

Mạnh Kim

imageKể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, không biết bao nhiêu quyển sách và bài báo viết về sự suy vi của nước Mỹ đã được ấn hành; và tần suất những “dự báo hiện thực” trên càng dày đặc kể từ hiện tượng suy thoái kinh tế bắt đầu vào năm 2008. La Mã, Mông Cổ, Anh… là những biện dẫn cho lập luận thịnh suy tất yếu của các cường quốc khi đề cập đến “ngày tàn” nước Mỹ. Nhiều tương đồng đã được nêu ra, chu kỳ thịnh vong được tính đến và sự trỗi dậy của vài cường quốc khác cũng được xem là yếu tố dự báo cho thấy việc nước Mỹ phải chấp nhận nhường vị trí số một là điều đương nhiên. Tuy nhiên, liệu nước Mỹ có phải thật sự tiệm cận đến chu kỳ thăng trầm tất yếu của lịch sử?

Từ lịch sử thịnh suy của đế quốc Anh

Ngày 22-6-1897, khoảng 400 triệu người khắp thế giới, tương đương ¼ dân số hành tinh, được phép nghỉ làm việc. Đó là dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày Nữ hoàng Anh Victoria lên ngôi. Lễ kỷ niệm được tổ chức hoành tráng như một trong những sự kiện nổi bật của lịch sử thế giới nói chung và lịch sử đế quốc Anh nói riêng, kéo dài liên tục 5 ngày, trên đất liền lẫn ngoài đại dương, với cao điểm là chương trình tuần hành và lễ tạ ơn ngày 22-6. 11 thủ hiến trấn thủ các thuộc địa Anh đều về tề tựu, cùng các hoàng thân, công tước, đại sứ, ngoại giao đoàn từ khắp thế giới. Lễ duyệt binh gồm 50.000 lính đã có mặt kỵ binh nhẹ từ Canada, kỵ binh từ New South Wales, bộ binh từ Naples, quân đoàn lạc đà từ Bikaner (Ấn Độ), lính Gurkha từ Nepal… Chứng kiến sự kiện (khi mới 8 tuổi), sử gia lừng danh Arnold Toynbee sau này thuật rằng chương trình lễ kỷ niệm hùng tráng đến mức dường như Mặt trời “đứng bất động giữa Thiên đàng”.

“Tôi còn nhớ cái không khí đó” – Arnold Toynbee viết – “Ở đây chúng ta đang trên đỉnh thế giới và chúng ta đã đến đỉnh chót vót này để ở đó mãi mãi”. Đó đúng là thời điểm cực thịnh của đế chế Anh, khi họ kiểm soát khoảng ¼ diện tích đất liền trên Trái đất cùng với ¼ dân số thế giới. Hệ thống thuộc địa, lãnh thổ, căn cứ quân sự, hải cảng được quản lý từ London đã mở rộng khắp toàn cầu. Đế quốc Anh được bảo vệ bởi Hải quân Hoàng gia, lực lượng hải quân lớn nhất lịch sử, được kết nối bởi 170.000 hải lý cáp đại dương và khoảng 1.065.385km cáp chôn và cáp trên không. Các con tàu Anh được trang bị thiết bị liên lạc toàn cầu đầu tiên, qua đường điện tín. Vô số tuyến hỏa xa và kênh rạch (đặc biệt kênh đào Suez) càng củng cố thêm mức độ kết nối của hệ thống đế chế. Đặc biệt hơn cả, đế quốc Anh còn thiết lập thị trường toàn cầu đầu tiên trong lịch sử. Cái gọi là “quyền lực mềm” (sử dụng ảnh hưởng bằng công cụ văn hóa) phổ biến ngày nay cũng đã được người Anh biết dùng. Sử gia Claudio Véliz chỉ ra rằng vào thế kỷ 17, hai cường quốc bấy giờ – Anh và Tây Ban Nha – đều cố truyền bá ý tưởng đến các nước thuộc địa. Theo cây bút bình luận tên tuổi người Mỹ gốc Ấn Fareed Zakaria (tiến sĩ khoa học chính trị Đại học Harvard), trong thực tế, chính Anh chứ không ai khác mới là nhà truyền bá văn hóa thành công nhất lịch sử nhân loại. Trước khi xuất hiện khái niệm “Giấc mơ Mỹ”, “Cách sống kiểu Anh” đã được sao chép khắp nơi.

Hai năm sau đại lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày Nữ hoàng Anh Victoria lên ngôi, Anh bước vào cuộc chiến Boer, một cuộc chiến mà nhiều học giả cho rằng nó đánh dấu thời điểm đế quốc Anh bắt đầu suy tàn. London chắc ăn đến mức họ tin rằng chẳng khó khăn gì để thắng cuộc chiến trên. Trước đó, quân đội Anh đã thắng cuộc chiến Omdurman khi tiêu diệt các chiến binh Hồi giáo ở Sudan dù quân số chỉ bằng ½. Trong cuộc chiến Omdurman, lính Anh đã tiêu diệt 48.000 tay súng đối phương chỉ trong 5 giờ trong khi họ chỉ bị thiệt mạng 48 người. Với Boer, cuộc chiến được khởi động với lý lẽ bảo vệ quyền lợi của những người nói tiếng Anh tại hai nước Cộng hòa Boer, Orange Free State tại Nam châu Phi và Cộng hòa Nam Phi (trước đó gọi là Cộng hòa Transvaal). Thật ra, London vốn không thật sự quan tâm đến việc những người nói tiếng Anh tại hai nước Boer trên bị đối xử như công dân hạng hai, cho đến khi người ta phát hiện vàng tại khu vực vào năm 1886 (mà sau đó hai nước trên cung cấp đến ¼ nguồn vàng cho thị trường toàn cầu!). Tương tự phiên bản cuộc chiến Iraq 2003, Anh cũng khởi động cuộc chiến Boer bằng chiến dịch đánh phủ đầu, với giai đoạn hai (tăng mạnh hỏa lực) bắt đầu vào năm 1899. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự lấn át của Anh vẫn không dứt điểm nhanh được cuộc chiến khi đối phương tỏ ra kiên quyết sống còn, áp dụng chiến thuật du kích. Bế tắc, quân Anh chẳng còn cách nào khác hơn là đốt làng mạc, lùa thường dân vào trại tập trung, và tăng cường quân số. Cuối cùng, số binh lính Anh có mặt tại chiến trường lên đến 450.000, đọ với 45.000 lính địa phương. Người Boer không thể gồng mãi. Năm 1902, họ đầu hàng. Nhưng nhìn toàn cục, Anh đã thất bại với tổn thất 45.000 binh sĩ cùng nửa tỉ bảng. Trên phương diện ngoại giao, Anh bị Pháp, Đức và Mỹ chỉ trích… Phân tích nguyên nhân khiến đế quốc Anh tàn lụi, giới sử gia đã viết hàng trăm quyển sách, nêu ra hàng trăm lý do, rằng nếu như Anh đừng dây vào cuộc chiến Boer, rằng đừng đặt chân đến châu Phi, rằng nên lánh mặt khỏi Thế chiến thứ nhất…

Thật ra, đế quốc Anh đã chết vì kinh tế chứ không hẳn chính trị. Vào giai đoạn cực thịnh của đế chế (1845-1870), kinh tế Anh chiếm hơn 30% GDP toàn cầu. Lượng tiêu thụ năng lượng Anh gấp 5 lần Mỹ và 155 lần so với Nga. Anh chiếm đến 1/5 mậu dịch thương mại và 2/5 mậu dịch sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1870, Mỹ đã bắt đầu tương đương Anh ở hầu hết các chỉ số sản xuất công nghiệp và đến đầu 1880 thì Mỹ đã qua mặt Anh. Đến Thế chiến thứ nhất, kinh tế Mỹ đã có giá trị gấp đôi Anh. Dù là quốc gia tiên phong trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, Anh lại thiếu tầm nhìn. Năm 1907, Anh tung ra lượng xe đạp gấp bốn so với Mỹ nhưng Mỹ chế tạo nhiều xe hơi hơn Anh gấp 12 lần. Trong khi Mỹ tiến ngày một nhanh hơn bằng dây chuyền lắp ráp, ngành sản xuất Anh vẫn cho ra lò sản phẩm trong những nhà máy lạc hậu. Còn nữa, trong khi Mỹ bắt đầu tiến đến mô hình dân chủ, Anh vẫn bám víu vào hệ thống quân chủ. Chính sự thất bại kinh tế đã đưa Anh vào hẻm cụt. Và rồi, Thế chiến thứ hai trở thành cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài đế quốc Anh. Năm 1945, GDP Mỹ đã gấp Anh đến 10 lần. Anh hẳn còn bi đát hơn nếu không chọn con đường hợp tác với Mỹ thay vì đối đầu…

Nhìn lại nước Mỹ

Nước Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20 (và đầu thế kỷ 21) cũng ở giai đoạn cực thịnh như đế quốc Anh ngày nào. Ở đâu mà chẳng có người Mỹ! Vấn đề là liệu Mỹ có đổ như Anh từng đổ? Liệu hai cuộc chiến mà Mỹ đang tiến hành (Iraq và Afghanistan) có lặp lại vết xe cũ của Anh tại chiến trường Boer và là dấu hiệu cho sự suy vi nước Mỹ? Thật ra, có quá nhiều khác biệt khi so sánh Anh-Mỹ. Đế quốc Anh xuất hiện khắp thế giới như những anh thực dân xâm chiếm và bòn rút thuộc địa; trong khi Mỹ – trên nhiều bình diện – vẫn hiện diện đó đây như những nhà đầu tư và mang lại lợi nhuận cho đất nước mà họ đến. Anh xây dựng đế chế bằng bàn tay quân sự trong khi Mỹ tỉnh táo và khôn ngoan hơn khi xây dựng sức mạnh quốc gia bằng nguồn lực kinh tế là chủ yếu. Cần biết, kinh tế Mỹ đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới suốt từ thập niên 1880 đến nay. Trừ giai đoạn ngắn cuối thập niên 1940 và thập niên 1950, khi hầu hết các nước công nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, Mỹ gần như luôn chiếm ¼ tổng sản lượng kinh tế toàn cầu (32% năm 1913; 26% năm 1960; 22% năm 1980; 27% năm 2000; 26% năm 2007…). Và dù hiện chịu ảnh hưởng của cú đấm suy thoái, kinh tế Mỹ tiếp tục là trụ cột thế giới trong ít nhất hai thập niên nữa (một số nhà kinh tế thậm chí cho rằng đến năm 2025, kinh tế Mỹ vẫn sẽ gấp đôi kinh tế Trung Quốc xét về GDP). Ngoài ra, thế giới thời đế quốc Anh là thế giới của khu vực trong khi thế giới ngày nay là thế giới toàn cầu. Khác biệt giữa Anh và Mỹ còn thể hiện ở nhiều điểm. Trong khi quân đội Anh ngày trước chỉ tung hoành ở đại dương, quân đội Mỹ ngày nay hoạt động ở mọi địa thế và địa hình. Ngân sách quốc phòng Mỹ hiện bằng gần ½ tổng ngân sách quốc phòng thế giới. Và xét về tính hiệu quả ở nhiều mặt khác, Mỹ cũng nhỉnh hơn, từ giáo dục, nghiên cứu, sử dụng người tài, đầu tư, kinh doanh đến giải trí-thông tin. Trong tất cả ngành công nghiệp then chốt cho tương lai, từ công nghệ nano đến hóa sinh, Mỹ tiếp tục ở vị trí đầu tàu (lợi nhuận từ công nghiệp kỹ thuật sinh học Mỹ đạt đến 50 tỉ USD năm 2005, gấp 5 so với châu Âu và tương đương 76% lợi nhuận công nghiệp kỹ thuật sinh học thế giới). Trong tương lai, Mỹ còn có lợi điểm về mặt dân số. Nicholas Eberstadt, học giả thuộc Viện doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), dự báo dân số Mỹ sẽ tăng thêm 65 triệu vào trước năm 2030 trong khi dân số châu Âu ngày càng già đi và không có nguồn thay thế. Cơ quan dân số LHQ dự báo tỉ lệ người ở tuổi lao động so với người già tại Tây Âu sẽ giảm từ 3,8/1 hiện nay xuống còn 2,4/1 vào năm 2030. Ưu thế dân số trẻ của Mỹ cũng cao hơn so với nhiều nước châu Á trong đó có Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Goldman Sachs dự báo tuổi trung bình của Trung Quốc sẽ tăng từ 33 năm 2005 lên 45 năm 2050…

Đây không phải lần đầu tiên người ta bàn đến sự sụp đổ của nước Mỹ. Lần thứ nhất xảy ra cuối thập niên 1950 khi Liên Xô qua mặt Mỹ về nghiên cứu không gian (với sự kiện phóng vệ tinh Sputnik). Lần thứ hai vào đầu thập niên 1970 khi giá dầu tăng cao và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) chơi ép khiến thị trường Mỹ khốn đốn. Lần thứ ba xuất hiện giữa thập niên 1980, khi hầu hết nhà quan sát tin rằng chẳng bao lâu nữa Nhật sẽ nuốt chửng Mỹ (Nhật mua nhiều công ty Mỹ trong đó có Trung tâm Rockefeller ở New York, hãng phim Columbia Pictures….). Một trang bìa tuần báo Mỹ thậm chí minh họa xu hướng này bằng hình ảnh Nhật thả “bom nguyên tử” hàng hóa xuống Mỹ và hãng tin ABC News thốt lên rằng “Ai đang sở hữu nước Mỹ?”. Thậm chí vào thập niên 1980, sau khi Mỹ gượng dậy từ thất bại cuộc chiến Việt Nam, sử gia Paul Kennedy (Đại học Yale) vẫn dự báo về “cái chết đau đớn” của nước Mỹ, bởi chính sách quân sự hóa ở nước ngoài trong khi không kiềm chế tiêu xài trong nước. Năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ tan nát càng khiến khả năng dự báo nước Mỹ sụp đổ trở nên gần với hiện thực, trong bối cảnh ngân sách quốc gia và cán cân thương mại bị thâm hụt, khiến Mỹ lần đầu tiên trở thành con nợ quốc tế và lệ thuộc vào dòng vốn từ châu Âu và Nhật.

Cuối thập niên 1980, sử gia Paul Kennedy thuộc Đại học Yale, trong quyển The Rise And Fall Of The Great Powers (Sự thịnh suy của các cường quốc), viết rằng “câu hỏi đang được công chúng tranh luận tăng dần là liệu nước Mỹ có thể duy trì thế đứng hiện tại được chăng chỉ có thể được hồi đáp bằng câu trả lời duy nhất là “KHÔNG”!... Và từ cuối thập niên 1990 đến nay, những “sấm truyền” tương tự vẫn liên tục xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo và truyền thông Mỹ (cuối năm 2009, hai tác giả Brad Delong và Stephen Cohen còn tung ra quyển The End of Influence – Dấu chấm hết của ảnh hưởng – nói về sự kết thúc của ảnh hưởng Mỹ với thế giới). Vấn đề ở chỗ hầu hết ý kiến trên đều dựa vào ảnh hưởng của cuộc suy thoái hiện tại hoặc biện dẫn từ những sai lầm trong chính sách diều hâu thời George W. Bush (phải thừa nhận rằng sự suy yếu nhiều mặt của Mỹ hiện nay, từ kinh tế đến ngoại giao trong đó có việc bỏ lỏng “địa bàn” Đông Nam Á vô hình trung giúp Trung Quốc “thừa nước đục thả câu” bằng quan điểm “đường lưỡi bò” nhằm mục đích nuốt chửng Biển Đông, là hậu quả trực tiếp của chính sách Bush!). Và sự hoài nghi về vị trí cường quốc của Mỹ lại xuất hiện, lần thứ tư, vào đầu thế kỷ 21. Năm 2005, Thị trường chứng khoán New York tỉnh dậy với cú sốc rằng 24 trong 25 trường hợp IPO (niêm yết chứng khoán lần đầu tiên) lớn nhất thế giới đã xảy ra bên ngoài phạm vi nước Mỹ. Đó cũng là thời điểm Mỹ liên tục xảy ra nhiều vụ bê bối tài chính chấn động.

Một “định lượng” giúp nhìn lại sức mạnh Mỹ (còn hay mất)

Nếu có thuật từ nào xứng đáng được chọn là một trong những đại diện cho xã hội văn minh hiện đại được nhắc nhiều nhất, từ đó chắc chắn là “Giấc mơ Mỹ” (American Dream). Tác giả thuật từ – James Truslow Adams, trong quyển The Epic of America (1931) – đã định nghĩa: “Giấc mơ Mỹ là niềm mơ ước về một vùng đất nơi mà cuộc sống trở nên tốt hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho tất cả, với cơ hội cho mỗi người đều có thể có được chỉ bằng tài năng”. Tất nhiên nước Mỹ chính là vùng đất lý tưởng đó, nơi “đất lành chim đậu”. Giấc mơ Mỹ trở thành khái niệm quen thuộc tượng trưng cho sự thành đạt được đền bù xứng đáng từ nỗ lực bền bỉ. Giấc mơ Mỹ đưa nước Mỹ trở thành cường quốc thịnh vượng.Để định lượng lại sức mạnh Mỹ, nhất thiết xem xét lại khả năng tồn tại của Giấc mơ Mỹ.

Nhắc đến Giấc mơ Mỹ, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh cơn sốt đào vàng thế kỷ 19, đến sự thành đạt từ bàn tay trắng cần cù và nghị lực phi thường, đến sự khát vọng làm giàu, đến hình thái chính trị-xã hội tự do dân chủ đích thực mang lại sự phóng khoáng trong tư duy, đến mô hình kinh tế thị trường tự do và còn nhiều điều tốt đẹp khác. Khi Franklin Delano Roosevelt nhậm chức tổng thống năm 1933 với chương trình cải tổ toàn diện New Deal đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái, Giấc mơ Mỹ bắt đầu đâm hoa thật sự. Dân Mỹ được chăm lo tốt hơn bằng những chính sách cụ thể. Giấc mơ Mỹ chưa dừng lại ở đó. Năm 1941, Henry Luce (người sáng lập tờ Time) tung ra bài bình luận nổi tiếng The American Century trên tạp chí Life với nội dung rằng nước Mỹ không nên đứng ngoài lề Thế chiến thứ hai mà nên dùng sức mạnh mình để hoằng dương “lòng yêu tự do, sự công bằng trong tận dụng cơ hội, truyền thống độc lập tự chủ và thái độ hợp tác”. Luce cũng đề nghị Giấc mơ Mỹ cần được sử dụng như một cách để quảng bá lối sống Mỹ, thứ mà những quốc gia phi dân chủ nên noi theo. Gần như trong cùng thời gian, trong diễn văn Thông điệp liên bang năm 1941, Tổng thống Roosevelt cũng gián tiếp mở rộng khái niệm Giấc mơ Mỹ với việc đưa ra “bốn sự tự do tối cần thiết cho con người” mà nước Mỹ thề sẽ chiến đấu giành cho được đến cùng – gồm: Tự do ngôn luận; Tự do tôn giáo; Tự do yêu thích và Tự do sợ hãi.

Liệu Giấc mơ Mỹ đã chết? Câu trả lời là chưa. Có nhiều cơ sở cho thấy Giấc mơ Mỹ vẫn tồn tại và sẽ tồn tại. Đúng là người Mỹ đang sống khó khăn hơn. Tằn tiện hơn. Chật vật hơn. 6/10 cho biết thu nhập hiện không đủ trang trải chi phí sinh hoạt; 6/10 cho biết họ thấy chẳng dễ dàng gì để kiếm đủ tiền đổ xăng (!); ¼ cho biết họ gặp vấn đề về cái ăn hàng ngày; và 5/10 cho biết họ không thể lo nổi chi phí chăm sóc sức khỏe (U.S. News & World Report 13-6-2008). Tuy nhiên, như nhà kinh tế học Stephen Rose chỉ ra, trước thời điểm khủng hoảng, Mỹ có nhiều hơn 12% hộ dân có thu nhập hơn 100.000 USD/năm so với cách đây 20 năm; trong khi các đối tượng kiếm được ít hơn 30.000 USD không tăng. Điều đó cho thấy tầng lớp trung lưu Mỹ thật ra bắt đầu tăng. Sử gia kinh tế từng đoạt Nobel, William Robert Fogel, cũng cho biết sự bất công trong hưởng thụ các tiện ích-dịch vụ xã hội cũng thu hẹp. Nhiều người tiếp tục tin rằng cơ hội tại Mỹ vẫn không từ bỏ họ, nếu có ý chí. 82% đối tượng sinh trong hoàn cảnh nghèo khổ hiện có cuộc sống tốt hơn cha mẹ họ và hơn 1/3 trong số đó thậm chí leo lên bậc thang trung lưu hoặc cao hơn. Một nền tảng khác cho thấy Giấc mơ Mỹ vẫn còn giá trị: tỉ lệ người trưởng thành hoàn thành trung học và đại học tiếp tục tăng. Gần 90% tất cả người trưởng thành Mỹ hiện đều tốt nghiệp trung học so với 33% năm 1947; tỉ lệ tốt nghiệp đại học tăng từ 5,4% năm 1947 lên gần 30% hiện nay. Hơn 2/3 dân Mỹ tin rằng con người luôn được tưởng thưởng nhờ trí thông minh và tài năng – tỉ lệ cao nhất trong 27 quốc gia tham gia cuộc thăm dò về quan niệm sống. Điều đó phản ánh niềm tin phổ biến rằng con người có tài thật sự luôn có đất sống. Tất nhiên Giấc mơ Mỹ thời suy thoái không còn đậm màu hồng nhưng nó vẫn giá trị như một niềm tin. Trong cuộc khảo sát gần đây (MetLife Study of the American Dream 2009) – dẫn lại từ U.S. News & World Report (12-3-2009), 1/3 người Mỹ nói rằng họ đã đạt được Giấc mơ Mỹ; và trong cuộc khảo sát do CBS News/New York Times thực hiện (công bố ngày 4-5-2009), 44% người Mỹ cho biết họ đã đạt được Giấc mơ Mỹ, tăng 12 điểm so với kết quả khảo sát 2005. 31% người khác cho biết họ sẽ giành được Giấc mơ Mỹ trong đời mình. Cũng trong cuộc khảo sát trên, có đến 58% cho biết chuẩn sống của họ tốt hơn đời bố mẹ họ. Giấc mơ Mỹ đối với những đối tượng này là “tự do và cơ hội” (27% - tỉ lệ cao nhất); “thành đạt” (18%); “ổn định tài chính và có việc làm” (13%); “có nhà riêng” (9%); “an lành và hạnh phúc” (6%).

Một lần nữa, giá trị “tự do” vẫn là cốt lõi trong khái niệm Giấc mơ Mỹ. Chính yếu tố đó là nền tảng căn bản tạo ra sự tồn tại và phát triển của Giấc mơ Mỹ và nó sẽ đi theo mãi trong suốt lịch sử Giấc mơ Mỹ. Giấc mơ Mỹ sẽ chết chỉ khi nào “tự do” không còn và chính điều đó sẽ giúp ổn định sức mạnh Mỹ. Điều này hoàn toàn trái ngược với siêu cường mới nổi Trung Quốc. Thử hỏi, có ai trên thế giới muốn và bằng bất cứ giá nào di cư đến Trung Quốc, nơi khái niệm dân chủ và tự do là con số không to tướng, để tìm một “giấc mơ” tương tự?

Mỹ “yếu” như thế nào?

Trong thực tế, dù bị bầm giập bởi suy thoái, kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với trị giá 14,3 ngàn tỉ USD; gấp ba so với nền kinh tế thứ hai thế giới là Nhật; và chỉ thấp hơn một chút so với nền kinh tế của bốn siêu cường là Nhật, Trung Quốc, Đức và Pháp. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới hiện đại lại chứng kiến khoảng cách lớn như vậy giữa các siêu cường. Cuối Thế chiến thứ nhất, những quốc gia chính trên bàn cân quyền lực châu Âu có sức mạnh (kinh tế-quân sự) gần như bằng nhau. Cụ thể, kinh tế Đức với GDP trị giá 237 tỉ USD chỉ nhỉnh hơn Anh một chút với 225 tỉ USD (Pháp với 144 tỉ USD và Nga với 230 tỉ USD). Mỹ hiện cũng đứng đầu thế giới xét về thu nhập bình quân đầu người – 47.000 USD; so với 44.000 USD của Pháp và Đức; 38.000 USD của Nhật; 11.000 của Nga; 2.900 USD của Trung Quốc và 1.000 USD của Ấn Độ. Cần biết, nếu xét đến yếu tố dân số, Mỹ với hơn 300 triệu so với 1,4 tỉ Trung Quốc, khoảng cách giữa hai con số thu nhập giữa Mỹ và Trung Quốc thật ra còn cách xa đến nhiều lần. Với sự chênh lệch như vậy, bao giờ Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ về thu nhập đầu người – một trong những tiêu chí để đánh giá sự giàu có của một quốc gia – còn là vấn đề ở thì tương lai bất định… Sản lượng kinh tế (hàng hóa-dịch vụ…) của Mỹ cũng gần như luôn ở tỉ lệ ổn định trong nhiều năm (chiếm 32% tổng sản lượng kinh tế thế giới năm 1913; 26% năm 1960; 22% năm 1980; 27% năm 2000; 26% năm 2007…). Không chỉ có “độ vênh” ở khoảng cách kinh tế, Mỹ còn bỏ xa nhiều nước xét về sức mạnh quân sự. Năm 2008, Mỹ chi 607 tỉ USD cho quốc phòng, chiếm gần ½ tổng ngân sách quốc phòng thế giới. Chi tiêu quốc phòng Mỹ hiện chiếm 4,1% GDP, thấp hơn mức được chi trong hầu hết giai đoạn chiến tranh lạnh (thời Dwight Eisenhower, ngân sách quốc phòng chiếm đến 10% GDP). Không như nhiều ý kiến từng nhận định, rằng hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan sẽ làm phá sản Mỹ, ngân sách cho hai cuộc chiến trên hiện khoảng 125 tỉ USD/năm, tức không đến 1% GDP (thời chiến tranh Việt Nam, ngân sách quốc phòng Mỹ chiếm 1,6% GDP).

Không thể xét đến sức mạnh của một quốc gia mà không bàn đến giáo dục – nền tảng của mọi nền tảng cho phát triển bền vững. Năm 2005, Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ tung ra báo cáo (mang tính cảnh báo) cho biết, Mỹ chẳng lâu nữa sẽ bị mất thế dẫn đầu về khoa học. Báo cáo cho biết, năm 2004, có 600.000 kỹ sư tốt nghiệp ở Trung Quốc, 350.000 tại Ấn Độ, và Mỹ chỉ có 70.000; trong khi đào tạo tại Mỹ lại tốn kém (chi phí đào tạo một nhà hóa học hoặc kỹ sư Mỹ có thể dùng để thuê 5 nhà hóa học Trung Quốc hoặc 11 kỹ sư Ấn Độ). Tuy nhiên, nói đến giáo dục, chất lượng mới là điều đáng bàn. Hơn nữa, cách “đếm” của Trung Quốc và Ấn Độ cũng là điều nên đề cập, khi mà những người tốt nghiệp trung cấp hai năm tại hai nước này cũng được gọi là “kỹ sư”. Năm 2005, Viện toàn cầu McKinsey từng công bố khảo sát thị trường lao động và nhận thấy tỉ lệ thỏa mãn trình độ và kiến thức chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp tại 28 nước đang phát triển là rất thấp (theo Viện McKinsey, giới quản trị nhân sự tại các công ty đa quốc gia đánh giá rằng chỉ 10% kỹ sư Trung Quốc và 25% kỹ sư Ấn Độ là “có thể được sử dụng” so với 81% kỹ sư Mỹ). Cần biết, Mỹ đầu tư đến 2,6% GDP cho giáo dục nâng cao so với 1,2% tại châu Âu và 1,1% tại Nhật. Tại Ấn Độ, hệ thống đại học mỗi năm cho tốt nghiệp 35-50 tiến sĩ khoa học máy tính; trong khi đó, tại Mỹ là 1.000.

Người ta cũng không thể không để ý đến chi tiết rằng châu Á chỉ mới bắt đầu đổ tiền mạnh cho giáo dục nâng cao nhưng điều đó vẫn chưa đủ để châu Á trở thành trung tâm của giáo dục và nghiên cứu thế giới trong tương lai gần. Trong danh sách 20 đại học hàng đầu thế giới (Times Higher Education World University Rankings 2010-11) không có đại học châu Á nào! 30 năm qua, chỉ có 8 người châu Á (mà 7 là Nhật) được trao các giải Nobel khoa học. Hệ thống thi cử nặng nề còn là một trong những nguyên nhân bóp chết giáo dục châu Á. Gút lại, để có cái nhìn tổng quát (và so sánh) về giáo dục Mỹ với châu Á, có thể lấy ý kiến nguyên Bộ trưởng Giáo dục Singapore Tharman Shanmugaratnam (hiện là Bộ trưởng Tài chính) làm kết luận: “Cả hai nước Mỹ-Singapore đều theo chính sách trọng dụng chất xám. Của quí vị (Mỹ) là chính sách trọng dụng người tài và của chúng tôi là trọng dụng thi cử. Chúng tôi biết cách đào tạo người để đi thi trong khi quí vị biết cách tận dụng và phát huy tối đa tài năng. Cả hai đều quan trọng nhưng ở vài góc độ khi xét đến vấn đề chất xám, chúng tôi (Singapore) lại không thể kiểm nghiệm tốt nhân tài (bằng Mỹ) – chẳng hạn tính sáng tạo, óc tò mò, lòng ham muốn khám phá, tham vọng. Trên hết tất cả, Mỹ là một nền văn hóa tiếp thu dám thách thức những ý tưởng truyền thống, thậm chí khi điều đó đồng nghĩa với việc thách thức nhà cầm quyền”.

Đến lúc cờ đến tay Trung Quốc chưa?

Khó có thể nói một quốc gia là giàu nếu chỉ “điểm danh” vài anh tỉ phú. Giữa năm 2008, báo cáo ngân hàng Merrill Lynch cho biết Trung Quốc có nhiều triệu phú hơn cả Pháp. Tính đến cuối năm 2007, Trung Quốc có tổng cộng 414.900 người với tài sản hơn 1 triệu USD (chỉ sau Mỹ, Nhật, Đức và Anh). Tuy nhiên, thống kê Chính phủ Trung Quốc cho thấy nông dân nước này chỉ kiếm được không bằng 1/3 so với dân thành thị; và nhà xã hội học nổi tiếng Tôn Lập Bình (Sun Liping) thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng chuẩn sống giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc khác nhau đến 6 lần... Tính hiệu quả của kinh tế cũng là điều cần đề cập. Từ năm 1991-1995, theo nhà nghiên cứu gốc Hoa Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei; thuộc Viện nghiên cứu Carnegie Endowment), 100 triệu tệ trong đầu tư vào các nguồn tài sản cố định của Trung Quốc mang lại lợi nhuận 66,2 triệu tệ cho GDP và tạo ra 400 việc làm mới; 10 năm sau, cũng theo họ Bùi, số tiền đầu tư tương tự chỉ mang lại 28,6 triệu tệ cho GDP và 170 việc làm. Trên World Politics Review (25-12-2009), tác giả John Lee (Trung tâm nghiên cứu độc lập tại Sydney, Úc) còn chỉ thêm rằng, chính sách kinh tế ưu ái hệ thống doanh nghiệp thuộc quản lý nhà nước là một trong những nguy cơ đe dọa kinh tế nước này trước mắt cũng như lâu dài. Năm 1978, số công ty nhà nước làm ăn không lãi là 19%; tăng lên 40% năm 1997 rồi 51% năm 2006…

Một mối lo lớn nữa đối với sinh mạng kinh tế Trung Quốc là khoảng cách giàu nghèo. Hệ số Gini (do nhà thống kê học Corrado Gini đưa ra đầu thế kỷ 20; một cách tính phân phối nguồn thu nhập, với 0 có nghĩa công bằng hoàn hảo và 1 có nghĩa bất bình đẳng tuyệt đối) tại Trung Quốc đã tăng từ 0,25 thập niên 1980 lên khoảng 0,47 năm 2009, cao nhất châu Á (Tân Hoa Xã 10-12-2010). Dù GDP quốc gia tăng phi mã nhưng khoảng 400 triệu người Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng lương không tăng hoặc thậm chí giảm trong một thập niên qua (khảo sát Ngân hàng Thế giới-WB cho biết thu nhập 10% người nghèo nhất Trung Quốc giảm 2,4%/năm từ đầu thế kỷ 21 đến nay). Tập đoàn ngân hàng-tài chính toàn cầu Goldman Sachs từng dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ năm 2050 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị GDP 45 ngàn tỉ USD so với 35 ngàn tỉ USD của Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm “huy hoàng” đó, tỉ lệ người lao động tại Mỹ tăng khoảng 30% trong khi Trung Quốc giảm 3%. Tại sao? Dự báo WB cho biết, đến năm 2015 sẽ có nhiều người Trung Quốc rời lực lượng lao động hơn so với tỉ lệ được thay thế và tình hình càng u ám vào năm 2030, khi ¼ dân số Trung Quốc sẽ vượt quá 60 tuổi, so với 10% hiện nay. Dân số đông luôn dẫn đến nhiều mặt trái nan giải: tài nguyên bị khai thác ráo riết hơn; môi trường bị đối xử tệ hơn; nguồn nước ngọt (và sạch) khan hiếm hơn; ô nhiễm nặng nề hơn (không khí ô nhiễm làm thiệt mạng gần 400.000 người Trung Quốc mỗi năm). Ngân sách nuôi 329 triệu người già vào năm 2050 của Trung Quốc chắc chắn chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP… Giả dụ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ổn định với 7%/năm (gấp đôi so với Mỹ) thì GDP Trung Quốc sẽ gấp đôi từ năm 2007-2015, tức từ 3,3 ngàn tỉ USD lên 6,6 ngàn tỉ USD; rồi lại gấp đôi vào trước năm 2025, lên 13,2 ngàn tỉ USD. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà GDP Mỹ lên đến 28 ngàn tỉ USD (nếu kinh tế Mỹ tăng trung bình 3,5%/năm)! Đây mới là một thực tế, “thật” đến mức có thể “sờ mó” được, hơn là những dự báo chỉ dựa vào các con số “khủng” trong tỉ lệ tăng trưởng mà lại không xét đến nhiều yếu tố bất cập trong mô hình phát triển cũng như thực tế bất bình đẳng xã hội...

Trong thực tế, GDP chỉ cho thấy Trung Quốc có nhiều tiền hơn chứ không hề giàu có và thịnh vượng hơn. So với tất cả những nước mà Trung Quốc đã qua mặt về GDP, nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển, nghèo nàn và lạc hậu, hơn là một quốc gia tiến bộ đồng đều với lực lượng lao động trình độ cao cùng một diện mạo xã hội ấm no, hạnh phúc và công bằng. Trung Quốc vẫn sẽ ì ạch chạy theo sau Nhật, Anh hay Đức một thời gian rất dài, thậm chí đủ dài để có thể mãi mãi… không theo kịp, bởi những nước trên tất nhiên sẽ chẳng giậm chân tại chỗ. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người Trung Quốc hiện nhỉnh hơn 3.600 USD (năm 2009), xếp thứ 124 thế giới (không bằng 1/10 của Nhật và Mỹ; và không bằng 1/6 của Pháp và Anh). Mức GDP/đầu người hiện tại Trung Quốc thật ra chỉ tương đương Nhật năm 1973! Một số nhà phân tích cho rằng phải đến ít nhất năm 2050, GDP/đầu người Trung Quốc mới có thể bắt kịp mức GDP/đầu người của các nước phát triển vào thời điểm năm 2009. Những thống kê so sánh GDP Nhật-Trung cũng chẳng cho thấy Nhật vì ít hơn mà kém hơn Trung Quốc hay ngược lại. Xét ở góc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc đang thua Nhật ở nhiều lĩnh vực. Trong khi tỉ lệ nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đối với tỉ trọng nền kinh tế tại Nhật là 2%, 30% và 69% (theo thứ tự tương ứng), thì tại Trung Quốc, tỉ lệ trên là 12%, 48% và 40%. Nói cách khác, trong khi Nhật là nước công nghiệp thì Trung Quốc vẫn là quốc gia mang đậm màu sắc và “phong thái” hoành tráng… của nền “văn minh lúa nước”. Với Nhật, sức mạnh kinh tế của họ là kỹ thuật cao trong khi công nghiệp Trung Quốc chủ yếu là bán sức lao động với giá rẻ mạt cho gia công làm mướn. Năm 2008, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 25 tỉ USD lên 50 tỉ USD. Tuy nhiên, ngay cả ở yếu tố phủ sóng toàn cầu này, Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ, với 318 tỉ USD…

Như tác giả Dịch Hiến Dung (Yi Xianrong), giám đốc Viện tài chính thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, viết trên Tân Hoa Xã (9-8-2010), rằng “chất lượng nền kinh tế Trung Quốc không thể so bì với phương Tây”. Từ năm 2003 đến nay, kinh tế Trung Quốc được vận hành theo mô hình dựa vào hai cột chống: thị trường xuất khẩu và bất động sản. Sự bùng nổ thị trường bất động sản, dù “bồi bổ” nhiều cho sự “tăng trưởng chiều cao” GDP trên các biểu đồ hàng năm, nhưng cùng lúc nó cũng cho thấy rõ sự quản lý kém về tài nguyên đất đai dẫn đến hiện tượng đầu cơ và cuối cùng giá bị đội lên đến chóng mặt. “Nếu sự phát triển Trung Quốc tiếp tục lệ thuộc vào những lĩnh vực này, sự phát triển kinh tế quốc gia sẽ bị biến dạng nghiêm trọng” – họ Dịch nhận định. Hơn nữa, lực sĩ kinh tế Trung Quốc không là một vận động viên có thể hình hoàn hảo. Trong khi bắp thịt GDP cuồn cuộn căng phồng, nhiều cơ quan khác lại chứng kiến hiện tượng teo cơ! Trước hết, đó là sự mất cân đối giữa phát triển nông thôn và thành thị, biến thành cái hố không chỉ sâu mà còn rộng, khiến khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa trù phú và xác xơ, trở nên một trời một vực. Báo cáo chính thức từ Cơ quan thống kê Trung Quốc công bố đầu năm 2010 cho biết, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn hiện là 3,33/1 vào năm 2009 – mức cao nhất kể từ năm 1978. Sự thiếu hiệu quả và không công bằng trong hệ thống chăm sóc y tế Trung Quốc được Tổ chức y tế thế giới xếp hạng 188 trong 191 quốc gia (Forbes 24-8-2010)! Yếu tố mất cân đối thứ hai là giữa các khu vực. Trong khi kinh tế khu vực duyên hải đang tiệm cận sự ngang bằng với những thành phố tại các nước phát triển, khu vực ở giữa lại tụt hậu đến 10-20 năm. Tỉnh thành càng nằm giữa đất nước Trung Quốc càng còi cọc, èo uột. Yếu tố mất cân đối thứ ba là sự phân phối thu nhập. Giáo sư Dịch đã nói thẳng ra rằng “thu nhập của một cá nhân (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng mạnh bởi mức độ gần gũi thế nào của anh ta với quyền lực. Càng xa quyền lực chính quyền, anh ta càng kém giàu”. Một xã hội như vậy là bằng chứng của một xã hội lạc hậu hơn là dấu chỉ của một anh siêu cường!

M. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn