Suy nghĩ về sự cố ở Nhà máy alumin Nhân Cơ

GS.TS. Nguyễn Đức Dân

Phải nói, theo dõi cả một hành trình dài 7 năm nay nhân dân Việt Nam liên tục lên tiếng đấu tranh không mệt mỏi với các cơ quan công quyền nhằm dẹp bỏ Dự án bauxite ở Tây Nguyên, thì chặng khởi đầu – xây dựng ý thức thường trực trong mọi người về mối nguy hiểm nhiều mặt luôn luôn rình rập trong các bước tiến hành cái dự án do ông cựu TBT Đảng CS rước từ TQ về cho dân – là chặng đường gian nan bậc nhất.

Đầu tiên là 2 lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào hai ngày 14/01/2009 và 9/04/2009, đều gửi lên Bộ chính trị Đảng CSVN, phân tích các phương diện bất lợi về chính trị, kinh tế, môi trường, quốc phòng, kỹ thuật của dự án này, dẫn tới đề nghị hoãn vô thời hạn việc triển khai dự án, bắt đầu gây được một tiếng vang trong công luận. Nhưng vì người viết “đứng trong tổ chức để phát ngôn”, ngoài ra không lên tiếng ở đâu cả, nên âm hưởng không dễ dàng lọt được ra ngoài. Dù sao, 2 lá thư của Đại tướng cũng đã có tác dụng kích hoạt, gợi cảm hứng cho một số kiến nghị dừng dự án bauxite ra đời tiếp liền theo, của các nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Thành Sơn, nhà văn Phạm Đình Trọng, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, TS Nguyễn Đức Hiệp... đều ít hay nhiều đánh động đến suy nghĩ của những ai tâm huyết với đất nước. Tuy vậy, đây cũng vẫn là tiếng nói của những cá nhân, hướng tới các cơ quan hoặc người đứng đầu quyền lực mà đối thoại, thuyết phục, hoặc được đăng trên một vài trang mạng đây đó, nên trước sau vẫn chưa thấu được đến tai nhiều người.

Phải đến bước thứ ba là 5 bản kiến nghị xuất hiện liên tiếp trong hai tháng 4 và 5 năm 2009, của một nhóm 3 người: Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng, mở đầu bằng bản Kiến nghị đề ngày 12-4-2009 với tiêu đề: KIẾN NGHỊ VỀ VỤ KHAI THÁC BAUXITE Ở TÂY NGUYÊN, một mặt gửi đến 3 vị đứng đầu Chính phủ và Quốc hội là Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, mặt khác được đăng đồng loạt và công khai trên rất nhiều trang mạng, có kèm theo cả Thông báoThư mời ký tên vào Kiến nghị này, thì mới thật sự tạo nên một chuyển động mạnh mẽ, rộng rãi và sôi nổi trong dự luận. Và sự sôi nổi sẽ còn được nhân lên, giữ được cường độ liên tục, kéo dài cho đến hết năm 2009 – đến khi bị CA đánh sập – nhờ việc ra đời trang blog rồi sau đó là trang web Bauxite Việt Nam, do một nhóm anh em cùng tâm huyết đứng ra gánh vác.

Chỉ trong ngày đầu tiên, bản Kiến nghị đã nhận được 135 chữ ký, trong đó có các nhà trí thức nổi tiếng trong nước cũng như ngoài nước. Xin trích lại đây Lời giới thiệu của tạp chí Diễn đàn ở Pháp:

Diễn Đàn: Theo yêu cầu của những người vận động, chúng tôi hân hạnh đăng nguyên văn dưới đây ba tài liệu:

Một là thư mời tham gia kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, về vụ khai thác bauxit ở Tây nguyên; hai là bản thông báo về việc thu thập chữ ký và gửi kiến nghị; và cuối cùng là bản kiến nghị cùng với những chữ ký đầu tiên.

Trong danh sách đầu tiên này, ngoài 3 người chủ xướng, người ta có thể thấy khá nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước như các Giáo sư Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu, Trần Văn Khê, Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội), nhà văn, dịch giả Dương Tường, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà điện ảnh Trần Văn Thuỷ, KTS Trần Thanh Vân (người nhiều lần lên tiếng bảo vệ môi trường Hà Nội), [các TS Nguyễn Quang A, Hà Sĩ Phu, các GS Nguyễn Trường Tiến, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, các nhà văn nhà thơ Bùi Ngọc Tấn, Bùi Minh Quốc, Hoàng Hưng, Phạm Đình Trọng, Trần Nhương, các nhà báo Tống Văn Công, Lê Phú Khải], v.v.

Ở nước ngoài, có các nhà toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu, Đinh Tiến Cường, các nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Trần Văn Thọ, các Giáo sư sử học Vĩnh Sính, Lê Xuân Khoa, Ngô Vĩnh Long, chuyên gia LHQ Vũ Quang Việt, [các GS Phạm Xuân Yêm, Đỗ Đăng Giu, Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Đăng Hưng, Nguyễn Văn Tuấn, TS Phùng Liên Đoàn, các học giả Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường, Hà Dương Tuấn], v.v.” (1)

Tất nhiên, con số 135 người nói ở đây chỉ mới là trong ngày đầu tiên, còn sau đó thì số người ký tăng lên ngày một, chỉ khoảng chưa đầy một tuần đã lên đến gần 3.000. Cũng xin nói thêm, cùng với Kiến nghị do chúng tôi soạn thảo, có chữ ký của GS Ngô Bảo Châu (ghi ở số thứ tự 21) trong ngày 12-4 như đã nói, ông Ngô Bảo Châu còn gửi về một Kiến nghị của riêng ông, nhờ đích thân tôi in ra và cũng gửi đến địa chỉ của 3 nhân vật mà bản Kiến nghị của chúng tôi gửi đến. Tôi đã làm đúng như lời ông dặn. Nhưng không chỉ Kiến nghị của ông không được hồi âm, Kiến nghị do chúng tôi thảo với hàng ngàn chữ ký từ khắp bốn phương cũng chỉ nhận được một sự tuyệt đối lặng thinh, ngoại trừ sự tiếp nhận trực tiếp, đầy ân cần của GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB văn hóa và Thiếu nhi của Quốc hội, cũng như của TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, tại nơi làm việc của các ông khi ấy, và lá thư của một nhân viên văn phòng thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời đã nhận được, nhưng đề nhầm người nhận là GS Nguyễn Thị Huệ, một sơ suất rất không đáng kể so với sự im lặng lạ lùng của tuyệt đại đa số người nhận bấy giờ.

Trong bản Kiến nghị đầu tiên này, thay mặt toàn bộ những người ký tên, chúng tôi đã nhắc lại hầu như tất cả những điều lo lắng về mọi nguy cơ tiềm ẩn trong dự án mà các thư từ và kiến nghị của người đi trước đã nhắc, đồng thời còn nhấn mạnh:

“- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc hội;

- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;

- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng)”(2).

Sau rốt, chúng tôi nói đến những nỗi băn khoăn thao thức của mọi con tim người Việt ở khắp mọi vùng trên trái đất, đang đập từng ngày vì an nguy của đất nước, khi bắt tay vào thực hiện một dự án có quá nhiều hiểm họa:

“Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite”(3),

và chốt lại:

“Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.

Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.

Chúng tôi kiến nghị:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc hội quyết định;

2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;

3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi”(4).

Nhắc lại những bước đi ban đầu như trên không ngoài mục đích giúp chúng ta có dịp nhìn lại một cách đầy đủ và công bằng về một hành trình thực sự khó khăn vất vả kéo dài đã 7 năm, với sự góp sức của rất nhiều người – mà theo chúng tôi, trong bài viết của mình, GS TS Nguyễn Đức Dân chưa bao quát được – nhằm cùng nhau đẩy lùi một chủ trương vô cùng nguy hại cho đất nước, được ủy cho Bộ Công thương mà cụ thể là TKV (Vinacomin) thực hiện mà dám chắc phía trước còn rất nhiều chông gai phải nỗ lực hơn nữa để bằng mọi cách vượt qua, mới có thể mong tránh được một đại hậu họa còn ghê gớm hơn “quả bom tấn Formosa” đã dội xuống Vũng Áng, làm tê liệt cả vùng biển miền Trung từ tháng Tư 2016 đến nay, chưa biết bao nhiêu thập niên nữa mới khắc phục trọn vẹn.

Không bao giờ chúng ta được phép quên nhắc nhở nhau dù ở bất kỳ đâu: không thể để Tây Nguyên biến thành Vũng Áng.

Nguyễn Huệ Chi

(1), (2), (3), (4) Xin xem: http://www.diendan.org/viet-nam/kien-nghi-bauxite

Trước một dự thảo luật, một kế hoạch kinh tế, một dự án đầu tư… luôn luôn có những ý kiến tranh cãi về cơ bản trái chiều nhau: đồng ý hoặc không. Bên đồng ý đưa ra những lý lẽ bảo vệ, bên phản biện đưa ra những lý lẽ bác bỏ, nhiều khi rất gay gắt và quyết liệt, trong số này có “Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên”. Đây là một loạt các dự án khai thác mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên.

Bên ủng hộ:

Trả lời thư ngỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu xuân 2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày: "Thủ tướng cho rằng, khai thác quặng bô xít là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần nghe chiến lược về phát triển bô xít. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển bô xít Tây Nguyên với tinh thần đảm bảo hiệu quả, bền vững" [dẫn Dantri.com.vn (15.7. 2008)]. Nói cách khác, đó là lý lẽ dự án này đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Hơn nữa chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX (năm 2001) và Ðại hội X của Ðảng đến nay (SGGP, 26.5.2009).

Dự án này chủ yếu do Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) làm chủ đầu tư. Vinacomin khẳng định đã tính toán hiệu quả trên 30 năm rất chi tiết và rất nhiều thông số, cho bauxite Nhân Cơ và Tân Rai, rồi đi đến kết luận, khẳng định dự án có hiệu quả.

Bên ủng hộ là Bộ Công thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trên Diễn đàn Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, ông Lê Dương Quang cho rằng "… phải xét đến hiệu quả tổng thể kinh tế-xã hội, hiệu ứng lan toả của dự án [như việc làm…, các ngành nghề và dịch vụ mới đi theo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn…]"

Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam trước Quốc hội, về lâu dài dự án này có hiệu quả kinh tế, không thua lỗ. Chủ yếu dùng lao động Việt Nam [SGGP, 26.5. 2009]. Bộ Công thương (Vụ Công nghiệp nặng, 30.3.2015) cho rằng Dự án alumin Tân Rai có hiệu quả. Dự án alumin Nhân Cơ tuy hạ tầng khó khăn hơn nhưng Vinacomin đã rút kinh nghiệm từ dự án nhà máy alumin Tân Rai, đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí… do vậy, hiệu quả kinh tế của Dự án tăng lên.

Ngày 23 tháng 6 năm 2014 UBTV Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bước đầu, hai dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương [Bộ Công thương, 30.3.2015]

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ. Hội đồng kết luận nói chung là tốt về hai dự án này. [Dẫn: Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, 30/03/2015].

Bên phản biện là nhiều trí thức, nhiều nhà khoa học, một số đại biểu Quốc hội… Đáng kể là thư gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ý kiến "Vì...lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”. Do vậy, không nên khai thác các mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên. Các trang mạng Dantri.com.vn (15.7.2008); Vneconomy.vn (26.10.2010); VnExpress (10.4. 2009)… đã dẫn tin này. Ngày 09.10.2010, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao và nhân sĩ khác đã đồng loạt ký vào đơn thỉnh nguyện gửi Bộ Chính trị, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội yêu cầu dừng ngay dự án Boxit Tây Nguyên (Dẫn Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam).

Hơn 150 trí thức Việt Nam, trong đó có Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyên Ngọc đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên [Trang web bauxitevietnam; Bauxitevietnam.info (26 .10.2010)]

Theo một cuộc phỏng vấn do BBC Vietnamese thực hiện, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 5, 2009 nhưng tới thời điểm phỏng vấn là ngày 13 tháng 12, 2009, ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Nội dung của lá thư theo ông cho biết là đề cập đến chính sách thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về khai thác khoáng sản trên toàn cầu và đặc biệt là tại Tây Nguyên, ông cũng đưa ra cảnh báo: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh" [BBC Vietnamese (13.12.2009)]

Việc lập một loạt các dự án khai thác mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên khiến một số đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ Việt Nam đã "lách luật" khi tách cụm dự án thành một loạt dự án nhỏ để Chính phủ được quyền phê duyệt từng dự án vì theo quy định của Luật xây dựng, với những dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội chấp thuận [Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (26.5.2009)]

Về hiệu quả kinh tế thì “Dự án Boxite Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm trầm trọng” [Báo Diễn đàn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam]. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ ra rằng, chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng minh tính khả thi của dự án. Vinacomin đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả trăm triệu đôla. Chủ đầu tư chi ra 30 triệu USD để đầu tư cho môi trường nhưng chưa thấy đánh giá chung về tác động môi trường đối với dự án.

Ngoài lý do an ninh, quốc phòng, thua lỗ còn vấn đề “bùn đỏ” liên quan tới an sinh, môi trường… Sau sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary (5.10.2010), vấn đề bôxít ở Tây Nguyên lại tiếp tục trở thành điểm nóng của dư luận. Một số phương tiện truyền thông đã bắt đầu đăng những bài viết cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án bô xít ở Việt Nam. Ví dụ: Báo Thanh niên (10.8.2010) đăng bài của Mai Hà - Thụy Miên “Sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary: Lời cảnh báo cho các dự án bauxite VN”.

Lãnh đạo Vinacomin nói "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary" rồi "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn". Đáp lại tuyên bố này TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng "nói như vậy là lừa bịp dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần" [xem: “Hai lý do cho phép đóng cửa dự án alumina”. Tuanvietnam.vietnamnet.vn (21.10. 2010)]

Như tôi được thông tin, vì sự tàn khốc của việc khai mỏ bauxite khiến Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên toàn quốc vào năm 2008. Nếu đúng vậy, như các nhà khoa học đã dự báo bauxite sẽ hủy diệt chúng ta. Rồi đây sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống?

Người lãnh đạo giỏi là người có tầm nhìn xa chứ không phải để xảy ra sự cố rồi mới khắc phục. Thậm chí không phải là cách đáp lại những lý lẽ của bên phản biện, bên ủng hộ gần đây đã “tranh luận” lại bằng cách lập bức tường lửa vào trang bauxitevietnam, boxitvn.net; boxitvn.org (cập nhật 30.5.2016) Nhưng có những người vẫn vào được những trang này qua ngả Wikipedia với vài cú nhấp chuột thích hợp…

Rồi đây thực tế lịch sử sẽ chứng minh chân lý thuộc về ai. Bước đầu dẫu dự án này được đánh giá tốt nhưng thực tế đã xảy ra sự cố: “sáng 23/7/2016, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao […]. Ông Phan Diệu Anh, một trong những người phát hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với bình thường, nước đục, có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ…; tiếp xúc thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước, chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng ra; những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp lên như bỏng nước sôi” (Báo Giao thông, ngày 04.8.2016, với tít Vỡ đường ống NM alumin Nhân Cơ: “Quả bom" môi trường ngang tầm Formosa!). Rõ ràng là một khi người dân bị bỏng và cá chết thì nồng độ phải lớn mới gây ra hậu quả như vậy. Cách xử lý là đổ axit để trung hòa chất xút. Xút là một chất cực độc hòa vào nguồn nước là một điều rất đáng sợ. Theo tôi, đây là một cảnh báo cho việc khai thác boxit”. Bây giờ lãnh đạo Sở TN-MT Đắk Nông mới thú nhận sự thật “Nhà máy alumin Nhân Cơ hiện chưa lập phương án phòng ngừa sự cố môi trường” (TT, 4.8.2016). Sự cố này cho thấy kết luận về hai dự án này “nói chung là tốt” của Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả của Bộ Khoa học và Công nghệ là dối trá.

Nhân vụ này, Chính phủ cần có những hành động kiên quyết, muộn còn hơn không.

N.Đ.D.

Ông Nguyễn Đăng quang gửi BVN với sự đồng ý của tác giả.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn