Đôi lời bàn thêm với bài: Một ý kiến khi đọc bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái”

Nguyễn Hữu Quý

image Sau khi đọc bài “Một ý kiến khi đọc bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái!” của ông Nguyễn Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”, của tác giả Nguyễn Minh Trí, trên BVN ngày 12/7/2010, tôi rất tán đồng với ý kiến của tác giả Nguyễn Minh Trí, khi tác giả phải dùng một câu cảm thán “Một quan chức lớn của bộ Giáo dục và Đào tạo mà tư tưởng còn đóng khung trong một vài sáo ngữ như như vậy thì… Hèn chi !!! Hèn chi !!!”

Trở lại với nội dung bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái”, được đăng trên BVN một ngày trước đó (11/7/2010), thật có lý, khi BBT của BVN trong lời tựa giới thiệu bài đã viết: “... âu cũng là một cách thư giãn trong ngày Chủ nhật”.

Thực ra, nội dung bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái”, cũng không đáng để...“thư giãn” nữa (!?); bởi vì, như tác giả Nguyễn Minh Trí đã viết “Tại sao toàn là những câu hô khẩu hiệu như vậy. Mà khẩu hiệu thì người dân nghe chán rồi”...

Viết đến đây lại nhớ đến bài báo: “Anh về Bộ giáo dục theo đường dây nào?” của tác giả Hồ Bất Khuất, đăng trên Tuần VNN ngày 09/6/2010 vừa rồi. Thảo nào, với một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục mà còn như thế, thì ngành Giáo dục nước nhà không lụn bại (như thực tiễn hôm nay) mới là chuyện lạ!... Hèn chi !!! Hèn chi !!!.

Nhưng đấy chưa phải là “Đôi lời bàn thêm” mà người viết bài này muốn đưa ra. Trở lại với nội dung bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái”. Trong bài này có đoạn: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa từng có trong lịch sử...”. Vâng! Đây chính là một phần trong bài phát biểu có tựa đề: “Tham vọng quyền lực làm hại thanh danh của Đảng” của TBT Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 18/5/2010 ở Hà Nội, được đăng trên VietNamNet, nguyên văn như sau: “Người đứng đầu Đảng cũng cho rằng công cuộc xây dựng CNXH là công cuộc vĩ đại chưa có tiền lệ, vừa mở đường vừa tiến lên, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ”.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Đảng ta lại chọn “công cuộc xây dựng CNXH là công cuộc vĩ đại chưa có tiền lệ, vừa mở đường vừa tiến lên” để làm mô hình phát triển cho đất nước ta, dân tộc ta?

Thưa bạn đọc! Là người VN, chúng ta nhận ra rằng: Người VN ta có tố chất thông minh, còn nếu đứng trên phương diện dân tộc, thì ta chưa thể khẳng định, dân tộc VN là dân tộc thông minh (cho nên đến hôm nay, nước VN ta vẫn là một trong các nước nghèo nhất thế giới!?); do đó, việc chọn con đường đi... “chưa có tiền lệ, vừa mở đường, vừa tiến lên” như phát biểu trên đây của người đứng đầu Đảng ta, liệu rằng có là một sự phiêu lưu, mạo hiểm?

Rõ ràng là, việc chọn mô hình “chưa có tiền lệ” ta có thể dùng làm “thí điểm” cho một chính sách, một quyết sách... trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống thì có thể được!? Nhưng nếu làm mô hình phát triển cho cả dân tộc, một Quốc gia.. thì điều này đáng để chúng ta phải bàn thêm.

Người viết bài này chỉ dám “mạo muội” nêu vấn đề lên, rất mong được bạn đọc tiếp tục làm rõ!

Có lẽ, chỉ đến khi nào toàn thể nhân dân VN trở thành... “dân thông thái” như ảo vọng của vị Nguyễn Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì mô hình xây dựng CNXH “chưa có tiền lệ” ấy mới thành công chăng?

12/7/2010

NHQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn