Một ý kiến khi đọc bài “Dân giàu, dân mạnh, dân thông thái!” của ông Nguyễn Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Minh Trí

image  Tôi là một người dân thường, đã về hưu nhưng vốn từng dính líu khá mật thiết với Giáo dục. Mười năm làm giáo viên cấp 3 (hay tương đương) ở trong nước, 30 năm làm Giảng viên rồi Giáo sư của một trường đại học danh tiếng vào bậc nhất thế giới ở nước Mỹ. Nói như vậy để độc giả hiểu cho tôi cũng biết chút ít về vấn đề giáo dục.

Tôi thường rất quan tâm về vấn đề giáo dục ở trong nước. Tôi vẫn tự hỏi tại sao giáo dục ở trong nước ta lại nát bét như bây giờ, làm cho con người suy đồi về cả đạo đức lẫn khả năng. Tại sao và tại sao? Vì vậy hôm nay tôi thấy bài báo của một người đã ở bên trong hệ thống giáo dục (từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quan tâm đến giáo dục làm cho tôi hy vọng sẽ có vài câu trả lời.

Khi đọc xong bài viết này, trong lòng tôi buồn lắm, và còn thêm nhiều câu hỏi tại sao. Bài viết của một quan chức lớn trong ngành Giáo dục tại sao lại không có những phân tích, những trăn trở, những đề nghị giải pháp cho giáo dục thoát khỏi tình cảnh hiện tại, hay ít nhất cũng có những lý giải về tình trạng giáo dục hiện nay. Tại sao toàn là những câu hô khẩu hiệu như vậy. Mà khẩu hiệu thì người dân nghe chán rồi.

Ai mà chẳng biết dân giàu thì dân đỡ khổ hơn. Nhưng chưa chắc, hãy nhìn vào những nước Trung Đông hay Phi Châu giàu lên vì có nhiều dầu lửa để bán. Nhưng hãy hỏi họ có sung sướng không ?

Tôi đã có dịp làm Giáo sư thỉnh giảng tại vài nước Trung Đông và Phi Châu. Rất ít người dân cảm thấy sung sướng bởi vì hệ thống cai trị độc tài và thiếu khả năng của nước họ.

Ai chẳng biết dân có trình độ dân trí cao hơn (tôi không dám dùng chữ thông thái) thì có thể biết sống hơn và hy vọng sung sướng hơn. Nhưng nếu một nước mà toàn là nhà thông thái thì khốn khổ cả nước, chỉ riêng một chuyện các ông thông thái đó ngồi cãi nhau ngày này sang ngày khác cũng đủ làm những người không thông thái (số không ít trong xã hội đó) điên lên mà chết. Xã hội phải hài hòa, mỗi người một công việc và làm cho tốt công việc của mình thì cả xã hội mới tiến lên được. Hãy tưởng tượng ra một nước mọi người dân đều là Kỹ sư hay bác học cả thì sao, tôi không dám nghĩ tiếp thêm nữa.

Một quan chức lớn của bộ Giáo dục và Đào tạo mà tư tưởng còn đóng khung trong một vài sáo ngữ như như vậy thì… Hèn chi !!! Hèn chi !!!

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông ta nói nghe cũng thẳng thắn làm cho tôi nẩy ra một chút hy vọng, dù rằng trước đó tôi có nghe dư luận người Hà Nội nói rằng sở dĩ ông được lên làm Bộ trưởng bởi vì ông biết nói tiếng Anh, một sự hiếm hoi trong các Bộ trưởng (đến Bộ trưởng tiền nhiệm của ông sau khi bị mất chức còn xin tiền Chính phủ đi học tiếng Anh mà!!!). Nhưng ông này cũng chỉ hô khẩu hiệu “Nói “Không” với tiêu cực” được hai ba năm, cho đến nay mọi chuyện lại “vui” như cũ, ông liền “bỏ của chạy lấy người” lên chức to hơn và đoạn tuyệt với giáo dục. Trong hơn 4 năm ông chẳng làm được việc gì coi được, sách giáo khoa vẫn vậy, chương trình trung học vẫn vậy, v.v. Vậy mà theo các bạn hữu của tôi tại Hà Nội, ông Nhân vẫn là Bộ trưởng sáng giá trong nội các Nguyễn Tấn Dũng !?!?

Tôi cũng có vài lý giải về lý do của nền giáo dục bát nháo ở nước ta hiện nay. Nhưng bài này đã đủ dài rồi, xin hẹn bài sau.

NMT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn