"Đã đến lúc phải có luật cho Đảng cầm quyền"

Nguyễn Minh Nhị

clip_image001

Bùng binh chợ Sài Gòn. Ảnh: Bích Hoàng

 

Ngay như Hiến pháp xác định Đảng lãnh đạo thì cũng phải có luật cho Đảng cầm quyền, nghĩa là lãnh đạo theo luật cho chính danh. Không nên kéo dài tình trạng người đứng đầu các cấp uỷ lãnh đạo chánh quyền mà khi phải chịu trách nhiệm trước dân lại là người đại diện cho tập thể cấp uỷ, không phải một cá nhân cụ thể, sai hoài không sửa được là do không chính danh là vậy.

LTS: Ông Nguyễn Minh Nhị, từng làm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã gửi tới Tuần Việt Nam bài góp ý cho Đại hội Đảng XI. Góc nhìn của ông có thể có nhiều chỗ cần phải tranh luận, bàn thảo thêm để làm sáng tỏ vấn đề. Trên tinh thần tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi, tôn trọng không khí tranh luận cởi mở, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị. Mời bạn đọc cùng tranh luận.

Đảng hoá thân vào nhà nước để chính danh đảng cầm quyền

Nhìn lại hoạt động của kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, khoá XII, nhất là ngày họp cuối cùng, chiều thứ Bảy ngày 19/6/2010 như đánh dấu cho sự ĐỔI THAY của QH khoá XIII sắp tới. Và như vậy, QH khoá XI, XII, được ghi dấu son là QH ĐỔI MỚI. QH ĐỔI MỚI đồng thời với công cuộc đổi mới  của đất nước, trước hết và chủ yếu là về kinh tế 25 năm qua.

Ánh hào quang chiến thắng đế quốc Mỹ và niềm tin "tự nhiên" vào thiết chế Nhà nước và mô hình quản lý kinh tế - xã hội của Liên Xô, nhất là của Miền Bắc VN đang vận dụng theo mô hình ấy - vốn phù hợp với thời chiến. Nghĩa là cứ phát huy cái có sẵn, đẩy mạnh quyết tâm thực hiện những công việc đang làm, trên tinh thần "thắng Mỹ thì cái gì cũng làm được". Làm luôn cái việc tự trói mình. Mười năm xơ cứng là vậy. Đến khi không thể chịu nổi, đứng trước sự mất còn của chế độ mới tự cởi trói bung ra, tìm đường ĐỔI MỚI!

Đổi mới thật sự là trở lại gần như cũ (làm mới cái cũ), như nhà cũ sửa sang, sơn phết cho sáng sủa hơn. Nếu sơn sửa kiểu này thấy không được (hoặc bị chê) thì làm mới kiểu khác, hoặc thậm chí trở lại như chưa đổi mới cũng dễ dàng, không bị cho là "phá cách", "mất lập trường". Nhưng phải công nhận rằng nhờ có đổi mới mà kinh tế đời sống có phát triển, chính trị xã hội có cởi mở.

Song nhịp độ tiến bộ vẫn không theo kịp đổi thay như dông bão của thời cuộc trên phạm vi toàn cầu về chánh trị, kinh tế, khoa học công nghệ, quan hệ giửa các cường quốc, các dân tộc, giửa các nền văn minh và thái độ ứng xử với thiên nhiên - biến đổi khí hậu v.v. Chính vì chậm mà bị tụt hậu trên nhiều phương diện, thậm chí có những vấn đề lại trầm trọng hơn như hiệu quả đầu tư ngày một kém, dân chủ còn gò bó và hình thức, đạo đức xã hội và cả tư cách đảng viên cán bộ có bộ phận không nhỏ cứ ngày một sa sút, tham nhũng, lãng phí, nhất là lãng phí không đo đếm được ngày một lan rộng...

Đã đến lúc phải ĐỔI THAY để tiếp tục sự nghiệp ĐỔI MỚI. Vậy ĐỔI THAY cái gì? Tất nhiên là toàn diện, có kế thừa thành quả đổi mới, trong đó nền tảng là thiết kế lại thể chế chánh trị, nhất thể hoá Đảng và Nhà nước, người đứng đầu tổ chức Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước và chánh quyền các cấp, lãnh đạo các ban của Đảng cũng đồng thời lảnh đạo các cơ quan chuyên môn của chánh quyền (cho gọn lại và sát thực tế hơn của cơ quan tham mưu của Đảng). Vậy mới chính danh là đảng cầm quyền (thay cho khái niệm lãnh đạo) và người của Đảng chịu trách nhiệm cá nhân trước cử tri mới là chính diện.

Tiếp theo là bước cải cách hệ thống nhà nước theo thiết chế cộng hoà dân chủ như nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trả lời phỏng vấn trên Tuần Việt NamNet mới đây, mỗi tiếng nói của lập pháp, hành pháp và tư pháp có tính độc lập theo Hiến pháp và luật pháp thì mới thật sự chánh ngôn. Chỉ có như vậy mới thật sự khắc phục được tình trạng chồng chéo, thiếu trách nhiệm, nhiều kẽ hở, sót người sót việc mà ta hay nói là còn "bất cập", là do "cơ chế". Do cơ chế nhưng không phải ai cũng muốn sửa, bởi người ta hưởng lợi từ cơ chế ấy nhiều mà khó buộc phải chịu trách nhiệm! Vậy nên phải ĐỔI THAY, không chỉ ĐỔI để cho MỚI!

Phải thừa nhận rằng quá trình lập pháp và dân chủ xã hội có nhiều tiến bộ sau ĐỔI MỚI, như luật tổ chức HĐND và UBND những năm 1976 và trước cuối năm 1989 qui định HĐND tỉnh chỉ có thư ký, chủ tịch UBDN  huyện, xã đồng thời là chủ tịch HĐND. HĐND không có trụ sở riêng. ĐỔI MỚI có khắc phục hình thức này, có tổ chức chất vấn tại các kỳ họp, có truyền hình trực tiếp, nhưng suy cho cùng thì cũng chỉ mới thay đổi hình thức, quyền làm chủ của công dân và của cử tri cũng chưa có tiến bộ gì rõ rệt.

Biết bao lời hứa, sau hợp (kể cả ở Quốc hội) rồi có mấy việc được khắc phục, lần sau lại hỏi, lại trả lời như lần trước, có nhiều việc như dần lân như vấn đề giá lúa và nông thuỷ sản, vấn đề ô nhiểm, úng ngập, kẹt xe, thủ tục hành chánh phiền hà, tham nhũng, tệ nạn xã hội v.v. Nhiều vị trong UBND hoặc Chủ tịch HĐND bị chất vấn bí quá nói việc này "do" hoặc "chờ xin ý kiến cấp uỷ", ngay như tại cơ quan QH mà cũng có tình hình tương tự hoặc nói với cơ quan dân cử mà như nói với hội nghị đảng viên "việc này Đảng đã quyết rồi"... cũng đủ nói lên sự bức xúc phải THAY ĐỔI!.

clip_image002

Cầu Phú Mỹ. Ảnh: Bích Hoàng

Ta đang tiến hành chuẩn bị bỏ HĐND cấp quận, huyện và phường cũng là dấu hiệu chín mùi, cấp thiết về sự THAY ĐỔI ở cơ quan dân cử địa phương: Bớt hình thức mà tăng chất lượng dân chủ. Và tại kỳ hợp thứ 7 QH khoá XII cũng là tín hiệu phát đi theo hướng đó.

Lấy dân làm trung tâm, mọi thay đổi sẽ không lạc hướng

Vậy ĐỔI THAY phải bắt đầu từ đâu? Cũng như Đại Hội VI - ĐỔI MỚI của Đảng là phải từ THAY ĐỔI tư duy, trên cơ sở quan điểm, lập trường của Đại Hội VI là lấy dân làm gốc. ĐỔI THAY trong khung cảnh thế giới đã thay đổi từ những thập niên cuối thế kỷ XX.

Thay đổi từ trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, các nước thế giới thứ ba và ngay trong hệ thống các nước tư bản phát triển kể cả nước Mỹ. Những quan hệ truyền thống gửa các nước với nhau từng là phe, là khối, là đồng minh, đồng chí, bạn thù... đều đã đổi thay về chất. Cách mạng khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão, theo cấp số nhân. Cách mạng công nghiệp đang có những bước tiến xa mà thế giới chưa tìm ra mô hình để không lặp lại khủng hoảng kinh tế mà nhân loại nghèo khổ hiện đang là nạn nhân của nó.

Việt Nam cũng đã đổi thay qua 25 năm đổi mới nên mới tồn tại và phát triển như ngày hôm nay, nhưng phần nhiều là phát triển theo chiều rộng, "quảng canh" nên thành quả là những con số cộng. Ngay như mức tăng trưởng kinh tê như hiện nay và có thể đến 9%/năm thì năm 2020 làm sao thoát khỏi "cái bẫy phát triển trung bình" để đạt mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp hoá? Vậy là phải THAY ĐỔI tư duy.

Đổi mới tư duy đã một phần tư thế kỷ rồi, cũ rồi, nay không còn phù hợp. Vậy THAY ĐỔI thế nào để không lạc hướng? Phải lấy dân làm trung tâm. Khái niệm dân là gốc ra đời trong xã hội nông nghiệp, người ta có thể dựa hoặc không dựa vào gốc cũng không sao, mà thường thì người lúc mạnh có khi không dựa. Mười năm sau giải phóng vì ta không dựa vào nông dân, không nghe dân để dừng lại cải tạo công - nông - thương nghiệp nên nằm trên vựa lúa lớn nhất nước mà đói, mọi hoạt động của xã hội dân sự gần như ngưng đọng lại. Dựa vào dân để tồn tại, lo cho dân là để "bền gốc bén rễ" (rồi cũng để dựa).

clip_image003Cầu Tân Thuận 2. Ảnh: Bích  Hoàng

Vậy khái niệm "dựa" vốn không còn phù hợp với thời đại công nghiệp và xã hội dân chủ. Lấy dân làm trung tâm thì mọi suy nghĩ và hành động của cơ quan quyền lực và dịch vụ chánh phủ đều phải hướng về trung tâm quyền lực mà phục vụ. Mất trung tâm thì mất quyền lực, như trục trái đất mất sức hút thì vật chất trên bề mặt của nó sẽ bay lơ lửng vậy. Dân là gốc hay dân là trung tâm đều phù hợp với triết lý Hồ Chí Minh "Đại đoàn kết toàn dân tộc". Là triết lý "bất biến", có khả năng "ứng vạn biến" trong mọi tình thế đã qua, đặc biệt là trong tình hình thế giới đầy phức tạp và luôn biến động hiện nay. Dân là chủ mà ta chưa có luật hỏi ý kiến nhân dân (trưng cầu dân ý).

Ngày xưa chưa có chánh quyền, thông qua các tổ chức, nhất là các đoàn thể để hỏi dân từng việc cụ thể, nay cách làm đó, kể cả của các cơ quan "thăm dò dư luận xã hội" đều không chính xác và nhất là không có tính pháp lý. Tư duy phải gắn với hành động mới ra thành quả. Nhiều tư duy mới nhưng hành động bị chặn lại là do hành lang pháp lý không còn phù hợp, trở thành rào cản. Vậy phải sửa luật. Sửa luật lại động đến Hiến pháp. Vì vậy Quốc hội chủ trương sửa Hiến pháp là chính xác.

"Đã đến lúc phải có luật cho Đảng cầm quyền"

Ngay như Hiến pháp xác định Đảng lãnh đạo thì cũng phải có luật cho Đảng cầm quyền, nghĩa là lãnh đạo theo luật cho chính danh. Không nên kéo dài tình trạng người đứng đầu các cấp uỷ lãnh đạo chánh quyền mà khi phải chịu trách nhiệm trước dân lại là người đại diện cho tập thể cấp uỷ, không phải một cá nhân cụ thể, sai hoài không sửa được là do không chính danh là vậy.

THAY ĐỔI theo tinh thần như trình bày ngắn gọn trên, chánh thể dân chủ cộng hoà, dựa trên lý tưởng hiện thực: Dân tộc độc lập, xã hội dân chủ tự do, gia đình ấm no hạnh phúc. Đó là một chế độ chánh trị do Đảng cộng sản cầm quyềnchánh danh, người đứng đầu các cơ quan quyền lực là chánh diện và mọi chỉ thị hay phát ngôn của người ở các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là chánh ngôn. Đây thật sự là tiền đề, là động lực cho đất nước tiếp tục phát triển, không còn có cơ hội để tự trói mình một lần nửa, không còn chỗ "núp lùm" của người thiếu năng lực, đạo đức; sự nghiệp đổi mới tiếp tục tiến lên, rút ngắn khoảng cách với phần còn lại của các nước khu vực và thế giới./.

N. M. N.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn