Những sự thật muốn biết về công trình khai khoáng bôxít

Lê Quốc Trinh

Anh hơi sốt ruột đấy anh Lê Quốc Trinh ạ. Nhà máy đã khánh thành đâu. Bây giờ chưa phải là lúc tổng kết toàn bộ hệ quả của dự án Bauxite Tây Nguyên, Hãy nán chờ, rồi sẽ đến lúc.

Bauxite Việt Nam

Thân chào anh Huệ Chi và anh Lê Trung Thành,

Theo dõi loạt bài "Những điều chưa biết về dự án bôxít Tây Nguyên" do anh Lê Trung Thành viết đến bài số 3 này, thực tình vẫn chưa giải tỏa được nhiều khúc mắc trong thâm tâm của tôi. Vì tôi đã từng tham gia nhiều công trình khai khoáng Canada, từ thiết kế cơ khí cho đến xây dựng và bảo trì nhà máy, cho nên tôi có rất nhiều nghi vấn về dự án Khai thác bôxít trong hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ này. Đề nghị anh Huệ Chi chuyển đến anh Lê Trung Thành những thắc mắc của tôi sau đây, nhằm làm sáng tỏ những giấu giếm nguy hiểm đằng sau dự án đó:

1)- Có thật rằng nhà máy Tân Rai đã hoàn thiện và đang đi vào sản xuất chính thức? Từ ngày tháng nào? Ai đã đại diện Nhà nước cắt băng khánh thành Nhà máy? Có báo chí truyền thông tham dự, chụp ảnh quay phim không?

2)- Mức độ sản xuất như thế nào? Bao nhiêu tấn Alumine hàng giờ? Chất lượng ra sao: đạt bao nhiêu % tinh luyện? Độ nhuyễn cỡ nào? Tỷ trọng bao nhiêu?

3)- Có bao nhiêu nhân công vận hành và bảo trì nhà máy? Bao nhiêu kỹ sư? Thành phần Ban Quản trị gồm những ai? Bao nhiêu % TQ bao nhiêu % VN?

4)- Nhà máy nhiệt điện xây riêng cho Tân Rai sản xuất bao nhiêu MegaWatt hàng giờ? Tiêu thụ bao nhiêu tấn than đá hàng giờ?

5)- Nguyên liệu chính yếu cung cấp cho nhà máy là than đá và hoá chất xút (NaOH) do ai cung cấp? Chuyên chở bằng xe vận tải thì có tiêu chuẩn kỹ thuật nào đặt ra để bảo đảm vận tải hóa chất xút (NaOH) độc hại không gây thiệt hại cho môi trường (làng mạc, ruộng đồng, sông ngòi) không? Mới đây sự cố vài chục bao nylon còn sót hoá chất vương vãi đã gây bức xúc cho người dân xung quanh, thấm tháp gì so với một cỗ xe vận tải chở hàng chục tấn chất độc bị tai nạn lăn nhào xuống sông hay đồng lúa?

Sau đây là nhận định của tôi:

Quan sát hình ảnh con đường vận tải giao thông nối liền cao nguyên với đồng bằng mà anh Lê Trung Thành đã trình bày trong bài viết số 2, tôi cảm thấy tình trạng và chất lượng vẫn chưa bi thảm lắm, chưa nghe báo chí ta thán so với những xa lộ hiện đại vừa mới khánh thành. Điều này khiến tôi nghi ngờ nghĩ rằng nhà máy Tân Rai vẫn còn nằm trong tiến độ xây dựng rất ư sơ sài nhất là xuyên qua những tấm hình do báo chí chụp nhân ngày phái đoàn đại biểu Quốc hội do ông Nguyễn Phú Thọ lên thăm vào tháng 10 năm ngoái.

Kinh nghiệm về công trường công nghiệp nặng ở Canada cho tôi thấy mức độ giao thông của xe vận tải nặng dập dìu hàng ngày, hàng tháng sẽ làm hư hỏng con đường rất nhanh. Do đó thông thường người ta phải tìm cho ra một địa điểm khai thác đá sỏi và cát gần công trường nhất để tránh thiệt hại và tiết kiệm thời gian, xăng dầu. Hơn nữa người ta còn xây ngay một nhà máy xi măng ngay bên cạnh công trường để cung cấp bê tông nhanh chóng, chất lượng bảo đảm. Những tiêu chuẩn này đã không được áp dụng cho dự án bôxít Tây Nguyên cho nên khi nhìn những tấm ảnh là tôi hiểu ngay, chưa nói đến sự vận chuyển những cây đà sắt thép khổng lồ cho cấu trúc nhà máy hay những cỗ máy công nghiệp nặng hàng chục tấn.

Điều làm tôi lo ngại là nhà thầu Trung Quốc cho xây một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá để sản xuất điện năng cho hai công trình. Phải chăng họ tính kế sinh sống lâu dài trên vùng đất Tây Nguyên cho nên họ không muốn bị lệ thuộc vào mạng lưới điện của Nhà Nước? Ít ai nghĩ rằng hơi nước bốc lên từ 2 tháp làm mát sẽ gây ảnh hưởng cho môi trường xung quanh: sương mù dày đặc và mưa acid tàn phá mùa màng, rừng cây.  Họ đã lắp đặt một hệ thống cống thải tầm cỡ như một thành phố, cùng với những toà nhà cao lớn đầy đủ tiện nghi (máy lạnh cho từng phòng), phải chăng đã có âm mưu trong đầu? Điều chắc chắn là khu công nghiệp này sẽ tiêu thụ một số lượng nước vĩ đại:

- cho công trình hoá chất tinh luyện quặng (hoà tan NaOH nhiệt độ cao, áp suất cao);

- để tẩy rửa nhà máy, để chuyên chở quặng trong hệ thống ống chằng chịt ở vận tốc cao;

- để chạy nồi súp de cho tuốc bin, cho tháp làm mát ngoài trời (2 couling tower);

- để cung cấp cho nhu cầu vệ sinh của công nhân;

Tôi tự hỏi: khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất mà còn phải cần hơn 10 năm xây dựng, tốn ngót nghét 3.5 tỷ US$, mà vẫn còn ỳ ạch chưa hoàn thiện, huống hồ gì hai nhà máy khai khoáng từng gây tranh cãi gay gắt trong quần chúng? Tôi phải đặt nghi vấn vì lẽ có quá nhiều bằng chứng qua hình ảnh cho tôi thấy Nhà nước hình như đang thông đồng với nhà thầu Trung Quốc để che giấu khá nhiều điểm quan trọng liên hệ đến an ninh quân sự, gây thiệt hại môi trường sinh thái và sẽ là mối thảm họa cho nền kinh tế Việt Nam lâu dài.

Tôi đang dự trù viết một bài khá chi tiết để tổng kết những gì tôi thấy và nghe từ ba năm qua về một dự án làm xáo trộn đời sống dân chúng Việt Nam, từ trong ra đến ngoài nước.

Mong chờ hồi âm sớm của anh Huệ Chi và anh Lê Trung Thành.

L.Q.T. Kỹ sư cơ khí

Canada

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn