Tân Tổng thống Donald Trump và các chính sách mới

Đỗ Kim Thêm

Ngày 20 tháng 1 năm 2025, lịch sử Hoa Kỳ sẽ lật qua một trang sử mới. Qua một thủ tục chuyển quyền hiến định, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 và sẽ thay đổi một số chính sách cơ bản cho nhiệm kỳ sắp tới.

Trump trong buổi lễ nhậm chức năm 2017. Ảnh: Jim Bourg, Reuters

Thủ tục chuyển quyền

Sau khi thắng cử vào tháng 11, ứng cử viên Donald Trump trở thành "tổng thống đắc cử" đã ráo riết chuẩn bị đề cử các thành phần nhân sự cho nội các và tổ chức buổi lễ nhậm chức.

Cũng như trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ khác, cuộc bầu cử thực sự của vị tân nguyên thủ quốc gia diễn ra vào thứ Ba đầu tiên sau tuần thứ hai của tháng 12 khi từng tiểu bang sẽ gửi kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn đến Quốc hội. Theo thông lệ, vào ngày 6 tháng 1, Quốc hội chính thức xác nhận kết quả cuộc bầu cử là hợp lệ. Khi thủ tục này hoàn tất, thì lễ nhậm chức mới có thể được chuẩn bị. Lễ nhậm chức đánh dấu sự kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực của văn phòng Tổng thống kéo dài hai tháng rưỡi. Kể từ năm 1933, Tu chính án thứ 20 quy định là lễ nhậm chức luôn diễn ra vào ngày 20 tháng 1, nếu ngày này rơi vào Chủ nhật, thì lễ sẽ bị hoãn lại vào một ngày sau đó. 

Theo truyền thống, buổi lễ năm nay sẽ diễn ra tại Washington D.C. trước trụ sở của Quốc hội. Đầu tiên, JD Vance, Nghị sĩ của tiểu bang Ohio. sẽ tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống, sau đó Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và sẽ đọc bài diễn văn để công bố về thành phần nội các và các chính sách mới.

Quyết định về nhân sự 

Trong thời gian gần đây, Trump đã công bố việc bổ nhiệm các thành phần nhân sự tham gia nội các và đã gây ra nhiều cuộc tranh luận về khả năng điều hành của Trump trong tương lai, vì nghi ngờ là trong thành phần được đề cử lần này đa số không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công quyền, mà chỉ là giới thân cận và trung thành với tân Tổng thống. Trong một số trường hợp, họ cũng có nhiều tuyên bố trong quá khứ không phù hợp hoặc bị cáo buộc đủ loại tội danh, nên gây cho dư luận càng quan tâm hơn.

Thí dụ điển hình là Pete Hegseth, tân Bộ trưởng Quốc phòng. Trong vai trò người dẫn chương trình trên kênh Fox News, ông không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị. Đáng chú ý nhất là dù ông ủng hộ Trump nhiệt tình, nhưng bị cáo buộc trong nhiều tội danh như tấn công tình dục, phân biệt giới tính và yếu kém về quản lý tài chính.

Cựu huấn luyện viên đấu vật Linda McMahon được Trump đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Giáo dục. Trong hai năm trong chính quyền Trump đầu tiên từ năm 2017, ông là người đứng đầu Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và cho đến nay không có hoạt động nào trong lĩnh vực giáo dục.

Marco Rubio, tân Ngoại trưởng, là Nghị sĩ Thượng viện của tiểu bang Florida từ năm 2011 và thất bại khi ứng cử Tổng thống cho Đảng Cộng hòa vào năm 2016. Trước đây, ông có lập trường tương đối ôn hoà, nhưng hiện nay, vì theo quan điểm của Trump, nên tỏ ra cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trump đề cử Robert F. Kennedy Jr. cháu trai của Tổng thống Mỹ thứ 35 John F. Kennedy làm tân Bộ trưởng Y tế. Giới phê bình nhận ra rng ông không quan tâm nhiều vấn đề y tế, nhất là không hiểu biết về y khoa.

Lúc đầu, Trump muốn đề cử Matt Gaetz, Nghị sĩ bảo thủ, thành tân Bộ trưởng Tư pháp. Nhưng sau khi các vụ bê bối ma túy và mại dâm được phanh phui, ứng viên phải từ bỏ chức vụ và Pam Bondi, cựu Tổng chưởng lý tiểu bang Florida, đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này. Ông có nhiều kinh nghiệm bảo vệ cho Trump trong các vụ tranh tụng trước đây.

Nhưng gây chấn động nhất là việc đề cử hai doanh nhân Elon Musk và Vivek Ramaswamy  Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency, DOGE).  Cơ quan tân lập này sẽ nghiên cứu cách giảm các quy định, chi tiêu và nhân sự trong chính phủ liên bang. Theo dự kiến của Musk, ngân sách chính phủ đã lên mức 6,8 nghìn tỷ đô la, nên phải cắt giảm ít nhất hai nghìn tỷ. Để đạt mục đích, chính quyền phải sa thải nhân viên công vụ, hủy bỏ các khoản trợ cấp và nhiều quy định. Chức vụ của Musk không cần được Thượng viện chuẩn thuận. Là nhà sản xuất ô tô điện Tesla và lãnh đạo công ty viễn thông và vũ trụ SpaceX và chủ sở hữu của dịch vụ tin nhắn "X", quan điểm của Musk có ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong doanh giới và công luận Mỹ. Ngay cả chính giới Đức cũng bắt đầu lo âu khi Musk lên tiếng công khai ủng hộ cho Đảng AfD, một đảng cực hữu tại Đức. 

Nhìn chung, Trump phải bổ nhiệm hơn 4.000 vị trí quan trọng cho chính quyền trong nhiệm kỳ mới, trong số này, có khoảng 1.000 chức vụ cần được Thượng viện chuẩn thuận theo luật định. Vì Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, nên thủ tục này chỉ là hình thức và sẽ được thông qua dễ dàng.

Sắc lệnh hành pháp

Cùng với các quyết định về việc thay đổi nhân sự, Trump dự định sẽ ban hành khoảng hơn 20 sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức, đây là một sự thay đổi đặc biệt táo bạo. Trump  muốn thực hiện biện pháp này vì ông cần thông qua nhanh chóng việc ban hành một số luật mới một cách trực tiếp và không cần Quốc hội chấp thuận. Tuy nhiên, một số biện pháp này có thể bị chống đối và một số khác có thể Trump không cần yêu cầu Bộ Tài chính chuẩn chi và Quốc hội chấp thuận.

Chính sách mới về đối ngoại

Nhìn chung trong toàn cảnh, hiện tình thế giới nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc đã thay thế Liên Xô trở thành đối thủ chính của Hoa Kỳ, một siêu cường cả về kinh tế và công nghệ đáng lo hơn Liên Xô. Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên hiện đang hợp tác công khai cả về kinh tế và quân sự, có thể gọi chung họ là một trục tương tự như trục mà Washington và các đồng minh phải đối mặt trong Thế chiến II. 

Nhưng Trump không làm gì để đối phó trước tình hình; ngược lại, Trump còn gây thêm sự ngạc nhiên cho công luận khi công bố dự kiến chiếm kinh đào Panama, đảo Greenland của Đan Mạch, biến Canda thành tiểu bang của Mỹ và đưa quân vào Mexico để tận diệt các tổ chức buôn lậu bạch phiến. 

Tất cả các tham vọng mới về lãnh thổ của Trump sẽ làm cho việc hợp tác quốc tế của Mỹ càng khó khăn hơn. Nhưng giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine luôn là một chủ đề được quan tâm hàng đầu.

Nga và Ukraine

Trong khi vận động tranh cử, Trump tuyên bố sẽ mang lại "hòa bình cho Ukraine trong vòng 24 giờ", nhưng không nêu cụ thể là phải làm gì. Điều này được coi như một dấu hiệu cho thấy là Trump sẽ ủng hộ cho việc tái lập hòa bình tại Ukraine, mà thực ra là tạo nhiều thuận lợi cho Nga. Sau đó, Trump đề cử tướng Keith Kellogg thành Đặc sứ chuyên trách về việc soạn thảo kế hoạch chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, các chuyển biến tình thế gần đây cho thấy là Nga càng tỏ ra dè dặt hơn về các kế hoạch của Trump; ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Trump nên tìm cách cách buộc Nga phải tham gia hòa đàm và đề cao vai trò quan trọng của khối NATO trong việc bảo đảm cho tiến trình. 

Khối NATO

Về chính sách mới đối với khối NATO, Trump cho biết sẽ duy trì biện pháp hỗ trợ tài chính cho Ukraine, nếu các thành viên của khối NATO cam kết đầu tư 5% ngân sách cho kinh phí quốc phòng. Cho đến nay, mục tiêu 2% đạt được, nhưng không phải là tất cả các quốc gia. Trong quá khứ, Trump đã nhiều lần xem xét chính sách quốc phòng từ quan điểm của một thương nhân giao dịch trên thương trường, có nghĩa là, chỉ so sánh chi phí với lợi ích. 

Do đó, trong nhiệm kỳ mới, Donald Trump cũng không thể làm khác hơn trước đây, cụ thể là sẽ không còn quan tâm bảo vệ an ninh cho châu Âu, nếu như các nước trong khối NATO không gia tăng kinh phí quốc phòng một cách tương xứng.

Mexico

Nước láng giềng Mexico có hai vấn đề mà Trump cần đối phó. Một mặt, Trump đang xem xét có nên gửi các lực lượng đặc biệt bí mật đến nước này để tiêu diệt các tổ chức băng đảng ma túy không. Mặt khác, Trump cũng muốn tăng cường việc kiểm soát biên giới nghiêm nhặt hơn và cho phép các nhân viên chuyên trách có nhiều thời gian hơn trong việc bắt giữ và điều tra. Nhưng quan trọng nhất theo Trump là việc xây dựng bức tường biên giới sẽ được hoàn tất.

Canada, Đan Mạch và Panama

Trong một thông điệp Giáng sinh trên mạng xã hội "Truth Social", Trump gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc". Thực ra, Trump muốn ám chỉ việc thu tóm chủ quyền quốc gia Canada. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 82% người Canada bác bỏ ý định này của Trump và chính quyền công khai sẽ đối phó với Mỹ trong một cuộc thương chiến. 

Ngay trước đó, Trump  tuyên bố muốn giành quyền kiểm soát Greenland, một lãnh thổ tự trị có 55.000 dân thuộc Đan Mạch. Vào cuối tháng 12/2024, Đan Mạch thông báo sẽ đầu tư hơn một tỷ euro để bảo vệ hòn đảo. Đức và Pháp đã xem tham vọng của Trump là cực kỳ nghiêm trọng về mặt an ninh và đồng thời cảnh báo rằng Greenland sẽ được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ chung của Liên Âu. Trên lý thuyết, một cuộc chiến vì Greenland giữa Mỹ và Liên Âu trong tương lai có thể được thảo luận. 

Tham vọng chiếm kinh đào Panama là một yếu tố mới về kinh tế trong nhu cầu chiến lược của Trump. Nhưng Trump đe dọa cưỡng ép gây thêm gây phẫn nộ trong công luận.

Xung đột Trung Đông 

Trong chính sách về Trung Đông, Trump dự kiến sẽ tiếp tục thi hành chính sách như trước đây. Benjamin Netanyahu, Thủ tướng thuộc phe bảo thủ cánh hữu của Israel, đã được coi là đồng minh thân thiết củaTrump trong nhiều năm. Theo một cuộc thăm dò, hai phần ba người dân Israel hài lòng với kết quả Trump thắng cử. 

Nói chung, Trump luôn ủng hộ cho đường lối quân sự cứng rắn của Israel chống Iran và kể cả việc tấn công vào các cơ sở hạt nhân. Mối quan hệ ổn định này cũng sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai.

Thương chiến với Trung Quốc và Liên Âu

Trong chính sách mới về kinh tế đối với Trung Quốc, Trump sẽ có lập trường cứng rắn hơn, cụ thể là tăng mức thuế lên đến 60% với hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Điều cũng làm cho Liên Âu lo ngại là tân Tổng thống Trump sẽ áp thuế suất cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên Âu như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu.

Bất hợp tác về bảo vệ khí hậu

Trump đang yêu cầu các cộng sự viên chuẩn bị cho một lối thoát khác trong việc hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các biện pháp nhằm thu hẹp việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên sẽ được Trump đề ra để tạo điều kiện cho việc khoan dầu được thuận lợi hơn trong tương lai.

Chính sách mới về đối nội 

Nhập cư và trục xuất

Một trong các sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới là Trump bãi bỏ quyền tự động trở thành công dân Hoa Kỳ khi sinh ra ở Hoa Kỳ, bất kể nguồn gốc cha mẹ là ai. Kể từ năm 1868, quyền này đã được quy định trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp. Tuy nhiên, các luật sư nghi ngờ rằng việc bãi bỏ quyền này bằng sắc lệnh có hợp pháp hoặc sẽ được kéo dài được không.

Trump công bố sẽ thực hiện một "chiến dịch trục xuất lớn nhất" trong lịch sử, trước hết là áp dụng dành cho "tội phạm" và sau đó là tiếp tục "đối với những thành phần khác". Trong khi vận động tranh cử, Trump cũng nói về "gen xấu" ở người nhập cư và muốn chấm dứt các chương trình "Ân xá" được chính quyền Biden đưa ra và muốn chấm dứt ngay việc cho phép nhiều người nhập cư vì lý do nhân đạo. Đồng thời, Trump lại muốn cấp thị thực nhập cảnh đơn giản cho giới lao động lành nghề.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính phủ mới có năng lực, nhân sự hoặc thẩm quyền pháp lý cần thiết để thực hiện các kế hoạch này không. 

Ân xá

Trump tuyên bố sẽ ân xá cho "nhiều" người bị bắt vì đã tham gia trong vụ thâm nhập Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Cá nhân Trump Donald cũng là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án. Từ quan điểm pháp lý, Trump có thể ân xá cho bất kỳ tội phạm trong bản án liên bang nào, nhưng không thể đối với các bản án cấp tiểu bang, chẳng hạn như ở New York, nơi ông bị kết tội vào tháng 5 năm 2024 về việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để gây ảnh hưởng bất hợp pháp đến cuộc bầu cử năm 2016.

Tái cơ cấu nhà nước qua Đề án 2025

Gây xôn xao cho công luận là chương trình nghị sự "Dự án 2025". Quỹ Di sản, một tổ chức tư vấn thuộc phe bảo thủ cánh hữu, đã soạn thảo tài liệu này trong cuộc bầu cử và có đề cập đến biện pháp tái cấu trúc chính quyền liên bang. Mục đích chính của dự án là ngăn chặn sự suy yếu của chính quyền do một tổ chức bí mật ("nhà nước ngầm") tạo ra, mà cụ thể là trao cho Tổng thống quyền kiểm soát tối đa đối với các vấn đề nhân sự và cấu trúc. 

Trước đây, Trump cho biết là không liên hệ đến "Dự án 2025", nhưng kiên quyết sẽ tiếp tục các theo dõi chặt chẽ các đối thủ chính trị, nhưng không nói cụ thể là sẽ ở mức độ nào. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Trump hé lộ thẩm quyền này thuộc về Bộ Tư pháp và cơ quan FBI; thực ra, Trump sẽ bổ nhiệm những người tuyệt đối trung thành để lãnh đạo hai cơ quan này. 

Phản ứng chung

Nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump sẽ gây lo ngại khắp nơi trên thế giới. Cho dù Trump có thực sự thực hiện tham vọng lãnh thổ hay không, ông cũng làm cho thanh danh của Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Việc Trump đơn phương xoá bỏ các chuẩn mực quốc tế là một thảm hoạ khó lường đoán, nhưng lại là một lợi thế chính trị mà Trung Quốc và Nga có thể tận dụng, đó là bi kịch phương Tây suy tàn không còn cách cứu chữa. Trung Quốc và Nga không cần phải làm gì thêm, mà Trump sẽ là tác nhân chính.

Trong cuộc Hội nghị thượng đỉnh của Liên Âu vào tháng 12/2024, chính giới cho biết một cuộc thương chiến mới với Mỹ sẽ khó tránh khỏi. Về chính sách an ninh, châu Âu phải hành động độc lập và kiên quyết hơn. Nhưng để tìm cách ứng phó với các hậu quả mới, từng quốc gia riêng biệt có thể tìm kiếm một mối quan hệ song phương với Mỹ, nhưng trong một triển vọng khó lường đoán. Nhưng phản ứng của Việt Nam trong bối cảnh này có phần phức tạp hơn.    

Mối quan hệ Trump và Việt Nam 

Cho đến nay, giới hoạch định chính sách đối ngoại của hai nước chưa được đề cập công khai đến mối quan hệ giữa Trump và Việt Nam. Nhìn lại trong nhiệm kỳ đầu, phải nhận ra rằng mối quan hệ song phương diễn ra tốt đẹp, bằng chứng là Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần, lần thứ hai năm 2019 khi Việt Nam đứng ra tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh cho Trump với Kim Jong-un tại Hà Nội. 

Trong năm 2024, Trump đã đến Hưng Yên để chứng kiến buổi lễ ký hợp đồng của Trump Organization khi đầu tư 1,5 tỷ đô la để xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Sau khi Trump đắc cử, Tổng Bí thư Tô Lâm có điện đàm chúc mừng và ngỏ ý mời Trump sang Việt Nam thăm và hai bên nhận lời mời thăm nhau. Gần đây nhất, dư luận báo chí tiên đoán là Việt Nam có thể được chọn là địa điểm họp mặt giữa Trump và Putin.

Nhưng mối giao hảo không hoàn toàn tốt đẹp vì đã có lần Trump lên tiếng chỉ trích Việt Nam lợi dụng thương chiến Mỹ - Trung để tìm mọi cách tăng lượng hàng xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ và các biện pháp thao túng tiền tệ. Dưới thời của Joe Biden, Mỹ đồng ý rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Trump cũng còn cáo buộc là Việt Nam làm trạm trung chuyển cho hàng của Trung Quốc, có nghĩa là, Trung Quốc tự do đưa sản phẩm đã chế biến sang Việt Nam, sau đó giao cho Việt Nam chỉ việc đóng nhãn “Made in Vietnam” rồi xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, có một lo ngại chính đáng là sau khi nhậm chức, Trump có lặp lại các cáo buộc quen thuộc này đối với Hà Nội không và sẽ áp dụng các biện pháp tăng thuế quan và hạn chế hàng nhập khẩu từ Việt Nam không.

Trump luôn chỉ trích các nước có xuất siêu, gây hại cho nền kinh tế Mỹ và tìm cách tăng thuế quan đối với các nước này. Khi các số liệu thống kê kinh tế mới nhất cho thấy là Việt Nam trở thành nước thứ ba có số xuất siêu lớn nhất đối với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Khi con số xuất siêu của Việt Nam trong năm 2024 được ước tính là tăng lên đến 120 tỷ đô la, thì việc giảm bớt tình trạng mất thăng bằng trong cán cân thương mại phải là trọng đề trong mối quan hệ Mỹ - Việt; nhưng cho đến nay, phía Mỹ vẫn chưa chính thức lên tiếng đòi Việt Nam phải giải quyết. 

Một vấn đề khác được đặt ra để thảo luận bên lề ở đây là liệu dự án đầu tư Hưng Yên của gia đình Trump có tác động tích cực nào đến các quyết định bãi bỏ việc áp thuế của Tổng thống Trump đối với Việt Nam không. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump cho thấy là đã không phân định giữa công việc kinh doanh của doanh nghiệp và trách vụ tổng thống. Tình trạng nhập nhằng này, nếu còn tiếp tục, có thể là một lợi thế cho Việt Nam. Trách nhiệm tổng thống trong nhiệm kỳ mới và lợi ích tài chính cho doanh nghiệp chưa có thể xác định và không ai có thể quy trách minh bạch cho ông trong hai chức vụ này. Do đó, vấn đề giới hạn này cần phải làm sáng tỏ trong tương lai. 

Theo ghi nhận chung, Trump Organization cần phải tự đề ra các giới hạn về sự tham dự của Trump trong các quyết định điều hành kinh doanh sau khi nhậm chức. Mối quan hệ thuận lợi  mà gia đình Trump hay Tổng thống Trump dành cho Việt Nam, nếu có hay không, chưa thể kết luận. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tiên liệu các biện pháp ứng phó trước các quyết định áp thuế của Tổng thống Trump có thể đề ra.

Một mặt, để làm giảm bớt tình trạng mất cân bằng, Việt Nam cần mua nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ để tăng kim ngạch xuất khẩu từ phía Mỹ. Mặt khác, để tránh bị cáo buộc là giúp cho Trung Quốc tránh thuế quan của Mỹ, Việt Nam phải công khai việc kiểm tra về tình trạng xuất xứ của hàng xuất nhập từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Nếu Việt Nam thực hiện tốt các biện pháp này, thì sẽ tránh được việc bị Mỹ tăng thuế quan và phát huy thanh danh trong việc điều hành nền kinh tế thị trường.

Ai sẽ kiểm soát và có thể chống Trump?

Tình thế quốc tế sẽ càng ngày càng đổi thay nghiêm trọng khi Trump công bố tham vọng lãnh thổ các nước. Cho dù Trump có quyết tâm thực hiện hay chỉ đe doạ, Trump đã phá vỡ niềm tin về tinh thần hợp tác và trọng pháp. Nhìn chung, Trump vi phạm luật quốc tế không khác gì Putin trong vụ thu tóm bán đảo Crimea. Vấn đề cuối cùng ở đây là ai sẽ kiểm soát Trump và có khả năng chống đối chính sách đối nội của Trump.

Trên lý thuyết, Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ đất nước chống lại các nhà độc tài, các cơ quan lập pháp và tư pháp là đối trọng mạnh mẽ với hành pháp trong cơ cấu quyền lực quốc gia. Quốc hội, bao gồm Thượng viện và Hạ viện, cũng như các tòa án, báo chí sẽ kiểm soát quyền lực của tổng thống. Đó là những gì hiến pháp quy định, nhưng việc thực thi trong thực tế cũng cần được đặt ra.

Đảng Cộng hoà đang chiếm đa số tại Thượng và Hạ Viện, một thuận lợi cho Trump, ít nhất là trong hai năm tới. Hãy lấy các phiên điều trần gần đây của Trump tại Thượng viện trong việc đề cử nhân sự làm thí dụ. Đây là cũng là việc thử thách đầu tiên liệu Trump có tự đặt ra giới hạn hay không. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không phải là lúc nào cũng chuẩn thuận một cách ngoan ngoãn hay tự động các quyết định của Tổng thống. Ngay cả khi đa số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng ý với Trump, họ phải đảm bảo rằng những người do Trump bổ nhiệm cũng phải có khả năng phù hợp về công việc và có phong cách tương xứng.

Trước đây, tân Tổng thống Mỹ đã đề xuất các thành phần nhân sự cho nội các mà không thông qua cơ quan FBI để cùng xét hồ sơ. Làm như thế, Trump đã công khai vi phạm một quy cách thực hành mà các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã nghiêm chỉnh tuân thủ. Đến đầu tháng 12, nhóm cộng sự của Trump mới đồng ý để cho cơ quan FBI tham gia vào tiến trình. Trước đó, Matt Gaetz đã phải từ nhiệm khi được đề cử chức vụ tân Bộ trưởng Tư pháp. Nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa cho biết là sẽ không chuẩn thuận cho việc đề cử không phù hợp này.

Đây cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy các nghị sĩ có ý thức kiểm soát một cách nghiêm túc. Trump phải ra công thuyết phục tất cả 53 đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, bởi vì tất cả 47 đảng viên Dân chủ có thể sẽ bỏ phiếu chống. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng tỏ ra không thích Trump lắm, nhưng phải chịu đựng vì không muốn thành người bị Trump chê trách.

 

Nhưng sau khi Matt Gaetz bị buộc phải rút lui, Trump tỏ ra muốn chống lại các quan tâm của các nghị sĩ. Các thí dụ khác là Tulsi Gabbard một điều phối viên về tình báo, nhưng lại có nhiều thiện cảm dành cho Putin. Nhà hoạt động chống tiêm chủng Robert Kennedy sẽ đứng đầu Bộ Y tế. Kash Patel, một trong những người bạn tâm giao nhất của Trump, sẽ đảm nhiệm điều hành cơ quan FBI. Với việc bổ nhiệm Russell Vought, một chiến lược gia cực đoan, đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách, sẽ nắm được quyền thế đối với các cơ quan liên bang Hoa Kỳ và nhân viên của họ. Pete Hegseth, người được chỉ định sẽ đứng đầu Lầu Năm Góc, bị cáo buộc các vấn đề tình dục và nghiện rượu. Giới thân cận Trump và cuồng Trump cấp cơ sở đã chỉ trích các nghị sĩ bằng cách đe dọa liên tục. Giới phê bình Trump sẽ lần lượt tham gia vào phe ủng hộ Trump. 

Vấn đề hiện nay của các nghị sĩ Đảng Cộng hoà là họ còn có thể chống Trump được bao lâu nữa và nếu có, họ phải tự tìm ra câu trả trả lời là phải làm gì.  

Chuyện kiểm soát hành vi của Trump và chống Trump trong cả hai lãnh vực quốc tế và quốc nội càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Đ. K. T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn