Chính quyền nhân văn sẽ làm mọi cách để bạn không bị phạt

Mike Anh Vũ 

Khi bạn bị phạt, tức là bạn đã vi phạm luật rồi, luật được viết ra là để tạo môi trường tham gia giao thông an toàn và thông suốt cho bạn, nếu bạn vi phạm luật, có nghĩa là bạn đã vô tình hay cố ý mất đi sự an toàn đó. 

Vì lẽ đó, chính quyền nhân văn sẽ làm mọi cách để bạn không bị phạt, họ có thể áp dụng nhiều phương pháp như: 

- Chính sách "vision zero" của Thuỵ Điển, kết hợp giữa giáo dục và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh trách nhiệm của cả người dân và chính quyền trong việc giảm tai nạn, gồm các biện pháp như làm đường an toàn hơn, biển báo rõ ràng và tăng cường giáo dục cộng đồng về an toàn giao thông, đặc biệt trong các trường học và nơi làm việc.

- Hệ thống "điểm vàng" của UAE, khuyến khích nâng cao ý thức bằng cách tặng điểm cho các tài xế tuân thủ luật giao thông, và dùng điểm đó để xoá lỗi vi phạm nhỏ. 

- Biển báo giao thông thông minh tại Hàn Quốc có khả năng phát tín hiệu cảnh báo khi tài xế chạy quá tốc độ hoặc không tuân thủ tín hiệu giao thông.

- Ở Đan Mạch, đèn đường sẽ hiển thị hình mặt cười khi bạn đi đúng tốc độ tại các ngã tư, truyền tải thông điệp tích cực và làm cho tâm trạng người dân tốt hơn. Ở Bangkok không có hệ thống này thì cảnh sát giao thông sẽ đôi khi vừa nhảy vừa điều tiết giao thông, họ hiểu rằng sẽ rất nguy hiểm nếu bạn tham gia giao thông với tâm lý căng thẳng. 

- Tại Philippines, những người vi phạm nhỏ có thể chọn tham gia các hoạt động lao động công ích như dọn dẹp đường phố, sơn lại vạch kẻ đường, hoặc hỗ trợ tại các sự kiện an toàn giao thông. Ở Brazil, những người vi phạm nhỏ lần đầu sẽ được yêu cầu tham gia các lớp học về luật giao thông thay vì phải nộp phạt.

- Ở Hà Lan, chính quyền chú trọng việc xây dựng ý thức giao thông cho học sinh bằng các chương trình đào tạo đạp xe trên mô hình đường phố thực tế với biển báo và tín hiệu giao thông.

Chính quyền nhân văn không có nghĩa là họ không nghiêm, sai phạm nhiều lần tức cố tình vi phạm sẽ bị phạt thật nặng. Còn đối với những trường hợp sơ ý phạm lỗi hay thiếu kinh nghiệm thì chỉ bị nhắc nhở. 

Với chính quyền nhân văn, thì việc bạn đi sai luật cũng được xem là một thất bại của chương trình giáo dục và hệ thống giao thông, họ sẽ làm mọi cách để bạn không phải bị phạt. Xử phạt chỉ nên được xem là biện pháp cuối cùng. 

Các chính quyền nhân văn và thông minh còn hiểu rằng không thể cứ xây thêm đường là mong giảm kẹt xe. 

Theo nghịch lý Braess, việc mở rộng đường còn có thể làm cho kẹt xe trầm trọng hơn do mỗi người tham gia giao thông chỉ tính đến việc đi lại của mình mà thiếu thông tin về bối cảnh chung. 

Thay vào đó, chính quyền nhân văn và thông minh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đường đi bộ thật vững chắc, bao gồm mái che, rào chắn hay hàng cây, hầm chui, cầu vuợt qua các giao lộ. Bổ sung cho hệ thống đi bộ là tram (xe điện tốc độ chậm trong thành phố) và metro nhiều lớp. Vì vậy, không khó để bạn đi bộ liên tục 2-3 km ở các thành phố lớn như Bangkok, Tokyo, Sydney… Chứ không phải lồi lõm chỗ cao chỗ thấp, chỗ phình chỗ teo, lại nắng chang chang và không có hầm chui qua các giao lộ lớn như Hà Nội hay TP HCM. Vỉa hè vô dụng đến nỗi cách sử dụng hợp lý nhất – dù sai luật, là dành cho xe máy leo lề để giảm ùn tắc giao thông trong khung giờ cao điểm, còn bình thường chẳng thấy mấy ai đi bộ được trừ khu trung tâm được Pháp, Mỹ quy hoạch.

Với tình trạng chung của vỉa hè tại TP HCM, thì chức năng hợp lý nhất của nó là sử dụng hỗn hợp tuỳ thời điểm, như cách mà người dân đã linh động làm hàng chục năm nay. Chế tài không ăn khớp với thực trạng cuộc sống nên mới dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười như đi sai luật thì thông mà đi đúng luật thì kẹt xe không lối thoát. Hạ tầng có đủ đâu mà dân thoát? 

Cho nên "Ý thức" được xây dựng từ giáo dục, từ cơ sở hạ tầng, từ tư duy quy hoạch và luật giao thông là vì vậy. "Ý thức" không rơi xuống từ những chỉ tiêu duy ý chí, càng không có nước phát triển nào nâng cao ý thức người dân chỉ bằng việc xử phạt ngang một tháng thu nhập trung bình cả. 

A.V.

Nguồn: FB Mike Anh Vũ

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn