Liệu kinh tế Trung Quốc có sẽ rơi vào khủng hoảng?

Đoàn Hưng Quốc

image Giữa lúc hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu còn đang chao đảo thì không ít các chuyên viên nhận định rằng mức phát triển tại Hoa Lục cũng sẽ chậm lại và sắp bị khủng hoảng.

Chỉ tiếc là đã có nhiều lời dự đoán tương tự từ 30 năm nay mà nền kinh tế Trung Quốc cứ tăng đều 10% bất chấp các biến động tại Đông-Á (1998), Hoa Kỳ (2001 và 2007-09), Âu Châu (2010-11).

Dĩ nhiên là “trù ẻo” mãi cũng phải có ngày đúng vì không nước nào có thể bền vững mãi mãi. Hoa Lục hiện cũng đang đối diện với nhiều vấn đề nghiêm trọng: bong bóng địa ốc căng phồng; lạm phát tăng nhanh; nợ công và nợ khó đòi của các địa phương quá cao; khoảng cách giàu nghèo và nỗi bất mãn của quần chúng ngày càng sâu đậm. Thêm vào đó, họ bắt buộc phải chuyển đổi từ mô hình xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa vì sức mua từ Âu-Mỹ sẽ giảm do khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên theo người viết nhận xét, Bắc Kinh vẫn còn nhiều khả năng xoay xở để ngăn chận một cuộc khủng hoảng trong vòng 3-5 năm tới đây.

Giá nhà tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Thẩm Quyến tăng trong thập niên 90, rớt xuống 85% vào cuộc khủng hoảng Đông-Á năm 1997, rồi từ đó đến nay nhảy vọt gấp 10 lần! Giá trung bình của một căn hộ lên đến 33 lần mức lương hàng năm, tức nằm ngoài tầm tay của đa số công nhân viên chức. Tuy nhiên một vụ bể bóng kiểu Mỹ bắt đầu từ địa ốc rồi lây lan sang lãnh vực ngân hàng khó xảy ra vì đối với người Hoa, căn hộ là nền tảng cho sự thành đạt, họ thường bỏ vốn từ 40-100% để mua nên khó lòng bỏ nhà.

Bắc Kinh cố làm nguội thị trường địa ốc bằng cách tăng lãi suất ngân hàng, đồng thời ngăn chận đầu cơ khi quy định mức vốn tối thiểu để mua căn nhà thứ nhì là 40%. Giá địa ốc do đó rơi xuống 15-20% từ đầu năm nay. Dĩ nhiên những người mới mua tức tối vì nếu vừa bỏ ra 500 ngàn USD thì lỗ trước mắt 100 ngàn USD chỉ trong vòng 6 tháng! Nhưng tụ tập gây gổ với các văn phòng mua bán thì có, còn biểu tình động loạn xã hội thì không dám vì ai nấy vẫn còn ngán ngẩm an ninh nhà nước!

Một điểm nửa khác với Mỹ là tại Hoa Lục khi giá nhà nhảy vọt thì lương cũng tăng trên 10% mỗi năm là chuyện thường (vì nền kinh tế đang phát triển) nên gánh nặng ngày càng nhẹ đi. So với Hoa Kỳ từ 2001-07 thị trường địa ốc tăng nhưng lương bổng đứng một chỗ (do việc làm của các ngành công nghệ bị mất sang nước ngoài) nên hai vợ chồng chỉ một người mất việc cũng có thể phải bỏ nhà.

Nhà cửa mua bán chậm lại khiến công việc làm trong các ngành xây dựng cũng giảm. Để chặn đứng ảnh hưởng đừng lan rộng, Trung Quốc đặt kế hoạch xây 10 triệu căn nhà giá thấp cho người lao động để vừa tạo việc làm mới vừa giữ cho giá địa ốc không tăng. Dĩ nhiên sẽ sinh ra tình trạng hối mại ăn chặn nhưng ít nhất trong vòng 3-5 năm tới tạm giải quyết nhu cầu trước mắt.

Nếu qua các biện pháp này Bắc Kinh kìm giữ được thị trường nhà đất hạ cánh an toàn thì họ sẽ là một trong những nhà nước hiếm hoi có khả năng ngăn chặn một vụ bể bóng địa ốc – xem ra vô cùng hữu hiệu so với hệ thống chính trị chậm lụt và chia rẽ của Âu-Mỹ từ năm 2007 cho đến nay.

Dù vậy, nếu kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến đầu tư ở Hoa Lục và kéo giá nhà giảm xuống 30% thì đây sẽ là mức khiến các nhà kinh doanh cuống cuồng tháo chạy. Trong trường hợp này kinh tế của Trung Quốc có thể rơi xuống dưới 7% là ngưỡng cửa mà người ta thường cho rằng sẽ gây nên động loạn xã hội.

Ngân hàng Trung Ương tuần rồi cho biết sẽ nâng mức tiền tệ lưu hành. Một mặt vì họ thấy đơn đặt hàng từ Âu-Mỹ sút giảm nhanh chóng, mặt khác có lẽ họ cũng sợ trở tay không kịp nếu giá nhà tiếp tục xuống; cuối cùng lạm phát có vẻ bị kìm hãm dưới 5% nên họ mới quyết định thúc đẩy kinh tế như thế.

Nợ xấu do các chính quyền địa phương vay mượn ở mức 70, 80 hay trên 100% GDP – có lẽ không ai, kể cả nhà cầm quyền Bắc Kinh, biết rõ thật sự đã thất thoát bao nhiêu. Hoa Lục có 3200 tỷ USD, gửi cho Mỹ 1200 tỷ USD, đầu tư ở Âu Châu và các nước khác khoảng 700 tỷ, tức là trên giấy tờ còn trong tay khoảng 1300 tỷ USD. Tuy vậy nhiều ước tính cho biết nền “kinh tế đen” của Trung Quốc hiện nắm khoảng 1100 tỷ USD gồm địa ốc, vàng bạc, cơ sở doanh thương lậu và vài trăm triệu bạc mặt. Nếu đúng vậy thì Bắc Kinh chỉ còn trong tay ít hơn 1000 tỷ USD để xoay xở khi bị khủng hoảng, nhưng so ra vẫn còn sáng sủa hơn Mỹ vốn đang mang nợ ngập đầu. Bắc Kinh có thể dùng một phần tiền để nâng đỡ các ngân hàng không bị phá sản, nhưng từ đó lại tạo ra tiền lệ xấu là giới đặc quyền cấu kết làm ăn buôn bán cẩu thả thì khi thua sẽ có nhà nước giúp đỡ – không khác gì tại Âu Mỹ trong những năm gần đây.

Thử thách lớn nhất của Hoa Lục sẽ là chuyển đổi từ mô hình xuất cảng sang tiêu thụ trong nước vì sức mua từ Âu-Mỹ sẽ giảm. Trung Quốc sẽ phải để đồng nhân dân tệ tăng giá để các mặt hàng nhập cảng như xăng dầu rẻ đi cho dân chúng nhờ, trong khi đó xuất cảng lại sút giảm vì giá bán lên cao. Bắc Kinh cũng sẽ phải tăng chi phí cho hưu trí, y tế, giáo dục và nhà ở giá thấp để dân chúng bớt lo cho tương lai, giảm tiết kiệm và tăng tiêu xài (người Hoa hiện để dành 40% tiền lương tức là đứng hàng đầu trên thế giới về tiền tiết kiệm, so với dân Mỹ chỉ để dành 5%). Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đã học bài năm 2008 khi bỏ ra 500 triệu USD kích cầu thì một số không ít rơi rớt nơi đâu mất lại còn mang thêm nạn đầu cơ địa ốc và lạm phát.

Những thử thách vô cùng lớn nhưng so ra vẫn không khó hơn lúc Đặng Tiểu Bình phải lật ngược từ mô hình kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường. Nhưng bù lại trước đây ai nấy đều nghèo sát ván, còn bây giờ chia ra thành ba giai cấp thật giàu, trung lưu và cùng đinh liệu có còn biết nhân nhượng lẫn nhau vì quyền lợi chung hay không thì không ai biết chắc được.

Để kết luận người viết nhận xét rằng Bắc Kinh sẽ có khả năng ngăn chận khủng hoảng trong giai đoạn ngắn. Nhưng khoảng thời gian 3-5 năm sắp tới là giai đoạn quyết định để Trung Quốc thay đổi sâu rộng từ chính sách nhà nước tập trung tư bản nhằm thúc đẩy xuất khẩu, sang mô hình phân phối lợi tức đồng đều để nâng cao mức sống và tiêu thụ nội địa. Nếu họ vượt qua được ngưỡng cửa này thì Hoa Lục thật sự có triển vọng qua mặt Mỹ trong vòng 15-20 năm tới đây, bằng không thì bước phát triển sẽ chậm lại, nền kinh tế bị đè nặng bởi các mâu thuẫn nội tại dẫn đến xáo trộn xã hội. Trong cả hai trường hợp thì tổ chức chính trị của Trung Quốc trước sau gì cũng phải thay đổi.

Đ. H. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn