Người Hàn Quốc biểu tình phản đối TQ

clip_image001

Vụ va chạm trên Hoàng Hải đã thổi bùng tình cảm chống Trung Quốc của người dân Hàn Quốc

Hàn Quốc đã tổ chức tang lễ cho người lính tuần dương bị thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đâm chết trong khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trước tòa đại sứ nước này ở Seoul.

Các thành viên gia đình và đồng đội đã khóc trong tang lễ tại thành phố cảng Incheon hôm thứ Tư 14/12 của Lee Cheong-ho, người lính tuần duyên 41 tuổi chết hôm 12/12.

Ba người con của ông Lee đã ôm di ảnh cha khóc nức nở. Ông sẽ được an táng ở nghĩa trang quốc gia.

Trong khi đó, các dân biểu Nam Hàn đã kêu gọi ra điều luật đòi chính phủ Trung Quốc phải xin lỗi một cách chính thức và đúng mức.

‘Không khoan nhượng nữa’

Trong khi đó, hơn 200 người đã tụ tập trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 14/12 để phản đối chính phủ Trung Quốc và các ngư dân nước này.

clip_image002

Đoàn biểu tình giương cao khẩu hiệu "Bad China Out" trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul (Reuters)

Những người biểu tình, phần lớn là những người hoạt động thuộc phe bảo thủ và có cả các cựu chiến binh, đã hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc và phá hủy một mô hình tàu cá nhỏ có gắn quốc kỳ Trung Quốc.

"Chính phủ của chúng ta cho đến nay vẫn khoan nhượng với họ, nhưng chúng ta không thể khoan nhượng với họ nữa sau hành động giết người này".

Park Chang-dal, người biểu tình chống Trung Quốc

Họ hối thúc chính phủ Hàn Quốc hành động chống lại tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Quốc.

“Tàu cá Trung Quốc đã có những hoạt động đánh bắt bất hợp pháp tại vùng Biển Tây của chúng ta trong thời gian dài,” Park Chang-dal, Chủ tịch Liên đoàn Tự do Hàn Quốc và là một trong những người tham gia biểu tình, nói.

“Chính phủ của chúng ta cho đến nay vẫn khoan nhượng với họ, nhưng chúng ta không thể khoan nhượng với họ nữa sau hành động giết người này’, ông nói thêm.

“Chính phủ và nhân dân chúng ta phải hợp tác để chấm dứt các hành động này”.

An ninh cũng đã được tăng cường bên ngoài Tòa đại sứ Hàn Quốc ở Bắc Kinh hôm thứ Tư 14/12 sau khi nó dường như bị bắn súng hơi, một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói họ vẫn chưa rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng trong vụ bắn vỡ cửa sổ Tòa đại sứ của họ ở Bắc Kinh hôm thứ Ba 13/12. Không có ai bị thương trong vụ tấn công này.

Trong một bản tin phát đi từ Bắc Kinh, thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin cho rằng một viên đạn kim loại có khả năng được bắn ra từ một khẩu súng hơi trong khi không có ai nghe được tiếng đạn.

Hiện vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công này có liên quan đến vụ va chạm trên Hoàng Hải hay không.

"Chúng tôi sẽ có những biện pháp căn bản để cho những thảm họa như thế này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa".

Tổng thống Lee Myung-bak

Chính phủ Hàn Quốc hứa sẽ đưa ra những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng chính phủ sẽ cấp thêm ngân sách cho lực lượng tuần duyên để lực lượng này tăng cường hoạt động tại vùng biển Hoàng Hải.

“Chúng tôi sẽ có những biện pháp căn bản để cho những thảm họa như thế này sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa,” Tổng thống Lee Myung-bak nói trong một bài diễn văn do trợ lý của ông đọc.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Lee Myung-bak đến Trung Quốc có thể phải xem xét lại.

‘Những tên cướp biển’

clip_image003

Vụ đâm chết lính tuần duyên làm dư luận Nam Hàn phẫn nộ

Truyền thông Hàn Quốc phản ứng rất giận dữ với vụ việc. Họ lên án Trung Quốc đã không hề chia buồn với cái chết của người lính tuần duyên.

Nhật báo Joong Ang Ilbo bình luận vụ việc này có nguy cơ châm ngòi căng thẳng ngoại giao tồi tệ nhất từ trước đến nay giữa hai quốc gia.

Nhật báo này chạy tít ‘những tên cướp biển’ trên trang nhất, trong khi tờ Chosun Ilbo bình luận trong một bài xã luận rằng lực lượng tuần duyên nên có thêm nhiều tàu và có được hành động mạnh bạo hơn trong cuộc chiến chống lại các ngư dân Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí.

Giới chức Hàn Quốc nói họ có chiếc áo đẫm máu, hung khí gây án và đầy đủ các bằng chứng khác để cáo buộc viên thuyền trưởng này tội sát nhân.

“Thuyền trưởng tàu cá chối bỏ đã đâm người lính tuần duyên. Nhưng chúng tôi có bằng chứng vững chắc bao gồm quần áo dính máu của ông ta, do đó chúng tôi không có khó khăn gì để buộc tội ông ta,” người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói với hãng tin AFP.

Các quan chức Hàn Quốc cho biết viên thuyền trưởng Trung Quốc sẽ đối mặt với cáo buộc sát nhân và trong khi 8 người khác trên tàu cá bị buộc tội cản trở người thi hành công vụ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Seoul để phản đối về vụ việc.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng xác minh vụ việc và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phía Hàn Quốc khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có bồi thường cho gia đình người sỹ quan tuần duyên hay không.

Không xin lỗi

Ông Lưu Vi Dân phát biểu hôm thứ Ba 13/12 rằng Trung Quốc lấy làm tiếc trước các chết của người lính tuần duyên, nhưng không hề đả động gì đến chuyện xin lỗi.

"Chính phủ Trung Quốc phải có một lời xin lỗi có trách nhiệm và cam kết không tái diễn để cho những hy sinh như thế này… sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa".

Nghị sỹ Hàn Quốc Chung Ok-Nim

Trong khi đó, một nhóm các nghị sỹ Hàn Quốc đang yêu cầu có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Hai mươi nghị sỹ của Đảng Đại dân tộc cầm quyền đã cùng ký tên vào một nghị quyết yêu cầu Bắc Kinh trấn áp việc đánh bắt trái phép của các ngư dân nước này.

“Chính phủ Trung Quốc phải có một lời xin lỗi có trách nhiệm và cam kết không tái diễn để cho những hy sinh như thế này… sẽ không bao giờ xảy ra một lần nữa”, Nghị sỹ Chung Ok-Nim, người đứng đầu nhóm ký kết, phát biểu hôm thứ Tư ngày 12/12.

Bà cũng kêu gọi chính phủ tăng cường lực lượng tuần duyên và cho phép họ sử dụng vũ khí một cách mạnh bạo hơn.

Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên bị bắt gặp đánh bắt trong vùng biển Hàn Quốc. Tuy nhiên họ thường xuyên được thả sau khi nộp tiền phạt.

So với 370 tàu cá Trung Quốc bị bắt vì đánh bắt trái phép vào năm 2010, con số này đã tăng lên đến 430 tàu trong năm 2011, theo lực lượng tuần duyên Hàn Quốc.

Họ cũng cho biết những lần chạm trán trước để ngăn chặn tàu cá Trung Quốc thường kết thúc trong bạo lực.

Hồi tháng 10 lực lượng tuần duyên nước này cho biết họ đã phải dùng hơi cay và đạn cao su để chế ngự các ngư dân Trung Quốc dùng dùi cui và cuốc xẻng tấn công họ.

Trong 5 năm vừa qua, tổng cộng hai lính tuần duyên của Hàn Quốc đã bị giết và 28 người khác bị thương trong các chiến dịch truy bắt tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế.

Vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, nằm giữa Trung Quốc và bờ biển phía tây của bán đảo Triều Tiên, có rất nhiều cua và cá cơm.

Chỉ mới tuần trước, Hàn Quốc đã yêu cầu Đại sứ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép của ngư dân nước này.

Hàn Quốc cũng đã tăng tiền phạt lên các tàu cá nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, một động thái phản ánh rõ ràng sự mất kiên nhẫn của chính phủ Hàn Quốc với sự gia tăng nhanh chóng của các tàu cá Trung Quốc vi phạm.

Với 300.000 tàu cá và 8 triệu ngư dân, Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới với sản lượng đánh bắt lên đến hơn 17 triệu tấn.

Tuy nhiên với sản lượng đánh bắt ngày càng giảm sút trong vùng biển gần bờ biển Trung Quốc, các tàu cá nước này ngày càng đánh bắt xa bờ để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn