Lẩm cẩm thiên hạ sự hay Quê hương là chùm khế ngọt

Lẩm Cẩm Lão Gia

Là người lẩn thẩn, quê mùa, và nông cạn nên Lẩm Cẩm Lão Gia tôi chỉ dám thích nghe dòng nhạc nói về quê hương hơn hết. Nhạc về quê hương thường ít cầu kỳ và cũng không cần đòi hỏi người nghe phải uyên bác sâu rộng để hiểu được những ẩn dụ sâu lắng mà người nhạc sĩ gởi gắm trong đó. Và bài “Quê hương là chùm khế ngọt” – thơ của ông Đỗ Trung Quân do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc là một trong ca khúc nói về quê hương mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thích nhất.

Người dân quê chúng tôi thường trồng thêm cây khế chua ở bên bờ giậu (hay bờ rào) để có thể làm gia vị cho những món ăn dân giã như món gỏi cua đồng hay để món rau sống thêm vị đậm đà theo khẩu vị của người thôn dã. Khế ngọt thì người dân quê chúng tôi vẫn trồng nhưng cũng không nhiều. Bởi họ nhà khế không phải là loại trái cây có nhiều dinh dưỡng và ngon miệng để được người đời trọng vọng như xoài, chôm chôm, măng cụt, na, mãng cầu gai… Vì thế, nó cũng chẳng có giá trị kinh tế là bao nhiêu – dù là khế chua hay khế ngọt. Nhưng đời người thì hình như thường gặp cay đắng nhiều hơn ngọt bùi nên người dân nghèo cũng không nỡ phụ lòng họ nhà khế. Thôi thì dành cho nó một chút đất bên bờ giậu cũng chả mất mát gì.

Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thường nghe nói rằng giới nghệ sĩ nói chung và cánh thi sĩ, nhạc sĩ nói riêng thường luôn khác người. Dở hơi, phong trần, lãng tử, và đam mê những thứ khác thường mà chỉ có dân nghệ sĩ mới có thể theo đuổi. Không biết ông thơ sĩ Đỗ Trung Quân là phong trần hay lãng tử nhưng xem ra thơ của ông ta cũng hay lắm lắm. Vì thích ca khúc này nên những đêm trái gió trở trời khó ngủ hay gặp những chuyện buồn, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thường mở ca khúc này nghe đi nghe lại. Và sau khi “ăn” vài chùm khế ngọt của ông Đỗ Trung Quân là Lẩm Cẩm Lão Gia tôi có thể tự ru mình vào giấc ngủ ngon hoặc thấy tinh thần mình cân bình trở lại.

Quê Hương

Thơ: Đỗ Trung Quân

Phổ Nhạc: Giáp Văn Thạch

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

ĐK:

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

Thế nhưng thời gian gần đây, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi nghe đi nghe lại ca khúc này những mấy chục lần nhưng vẫn không nào chợp mắt được. Không những vậy, càng nghe lại càng thêm khó ngủ bởi lời nhạc cứ như ngọn roi đuối quất vào da thịt – như mũi dao nhọn đâm thấu vào tim bởi những gì đang xảy ra trên quê hương ngoài sức tưởng tượng của một con người. Nhất là một con người lẩn thẩn và nông cạn như Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đây.

Những ngày cuối tháng Tư này gợi nhắc cho chúng ta biết rằng Hòa bình đã được 37 năm lẻ. 37 năm là một thời gian hơn nửa đời người. Mấy chục năm trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mơ về một viễn cảnh “Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên rừng. Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh” và cũng như nơi đó sẽ “Đời sống ấm êm nhân danh Con Người”. Thật là không có gì đẹp bằng bức tranh trên đây và cũng khó phủ nhận được cái tài “tiên tri” xuất thần của ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày nay, những con tàu cổ hủ lạc hậu vẫn nhả khói đều đặn cũng như luôn gây ra tai nạn chết người một cách đều đặn cũng như gieo rắc bệnh tật theo cả chiều dài của đất nước một cách đều đặn. Chỉ hình như còn thiếu cái câu cuối “Đời sống ấm êm nhân danh Con Người” thì phải!

Biết bao thương nhớ cho vừa. Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương”. Đó là hai câu thơ trong bài thơ Thuyền Viễn Xứ của nữ thi sĩ Huyền Chi. Bài thơ này đã khiến không ít người giấu vội dòng lệ khi phải sống xa quê hương.

Trong ca khúc “Sài Gòn ơi Vĩnh Biệt”, nhạc sĩ Nam Lộc nói lên tâm trạng và cảm xúc của mình cũng như của nhiều người Việt Nam khác đã phải sống xa quê hương:

Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn

Từng ngày qua, từng kiếp sống, đếm thời gian

Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay

Tôi gọi tên quê hương mãi thôi

Nữ thi sĩ Huyền Chi và nhạc sĩ Nam Lộc đã có những phút đau xé lòng bởi niềm nhớ về cố hương nên đã viết được những lời thơ và nốt nhạc đầy nước mắt.

Đất nước đã Hòa bình 37 năm. Cả Đất nước đang cùng nhau tiến về đỉnh Vinh quang trên con tàu XHCN dưới sự cầm lái của những tài công tài ba xuất sắc của thời đại “đỉnh cao trí tuệ XHCN”. Thế nhưng, ngay chính trên mảnh đất hình chữ S hiện nay vẫn không thiếu những con “thú hoang lạc đàn” bị xua đuổi, bị dồn vào tuyệt địa ngay trên đất nước mình, ngay trên chính trên quê hương của mình.

Vùng biển của Tổ quốc bao đời nhưng đến nay không còn là ngư trường của ngư dân Việt. Vùng biển thân yêu mà đã nuôi sống nhiều thế hệ người Việt Nam nhiều thế kỷ qua nay đồng nghĩa với chết chóc, dùi cui, và cướp bóc bởi hải tặc quân Trung Cộng. Sau những lần bắt tàu và nhốt ngư dân Việt để đòi tiền chuộc của do Trung Cộng thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán đã khiến ngư dân Việt đi vào con đường khánh tận cũng như tinh thần bị suy sụp nghiêm trọng bởi nỗi sợ hãi bao trùm mỗi khi xuống bến ra khơi. Trong khi đó, những cái lưỡi gỗ vẫn ngọng nghịu cùng nhau hợp ca bài 16 chữ vàng cùng tinh thần 4 tốt một cách lạc loài đầy vô cảm nhưng không kém phần điêu luyện thành thục của loài vẹt.

Anh em ông Đoàn Văn Vươn đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để vùng đất Quê hương của ông được tươi đẹp hơn. Thế nhưng, chỉ sau một “trận đánh đẹp đáng để viết thành sách” – như lời của ông Đại tá Giám đốc Sở Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì tất cả công sức trong mấy chục năm trời của anh em ông Vươn chỉ còn lại một con chó què và một đống gạch vụn. Bản thân ông Vươn và những người khác đang ở trong chốn lao tù, vợ con ông Vươn phải đối mặt với bọn sai nha sách nhiễu gây khó dễ hàng ngày.

Vụ cướp đất phá nhà của anh em ông Vươn ở Tiên Lãng còn chưa được giải quyết thì vụ Văn Giang xảy ra. Hơn 1000 công an và bộ đội với đầy đủ mũ giáp và vũ khí đã được huy động để trấn áp những người dân quê ở Hưng Yên.

Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Doan đã từng nói rằng “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”! Nhưng có một điều chắc chắn ở những quốc gia theo dân chủ tư sản không có cảnh chính quyền đi dùng cả ngàn công an và bộ đội với đầy đủ vũ khí để cướp đất của người dân nghèo. Những người dân mất đất này sẽ sống vào đâu và sẽ về đâu? Vì không có tay nghề để có thể làm việc trong các nhà máy, một tương lai mù mịt đầy đen tối đang chờ họ ở phía trước là những gì chúng ta có thể thấy được.

Nghe đâu, ông Thủ tướng đã ký lệnh cho phép thu đất của người dân Văn Giang để xây dựng khu đô thị sinh thái để gần gũi với thiên nhiên. Ôi đáng quý làm sao tấm lòng yêu quý thiên nhiên sinh thái của ông Thủ tướng! Thế nhưng, cũng chính ông Thủ tướng yêu thiên nhiên – môi trường sinh thái này đã không ngần ngại ký lệnh cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Dù các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo trước rằng các dự án tiền tỷ này chỉ cầm chắc lỗ, các nhà khoa học đã cảnh báo sự nguy hại khôn lường của môi trường sinh thái, hàng ngàn trí thức trong và ngoài nước đã kiến nghị dừng các dự án khai thác bauxite tệ hại này, nhưng ông Thủ tướng yêu thiên nhiên môi trường sinh thái xanh sạch vẫn không thèm quan tâm.

Vì Đất nước, vì Quê hương, và cũng vì sinh mệnh của hàng mấy chục triệu người của cả miền Đông Nam Bộ, ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã đâm đơn kiện ông Thủ tướng ra tòa. Và kết quả là một phiên tòa ô nhục bắt đầu với hai cái bao cao su bẩn thỉu, để rồi kết cục là bản án 7 năm tù giam dành cho ông Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.

Máu của người Việt Nam đã đã nhộm đỏ mảnh đất hình chữ S để được mưu cầu Tự do và Hạnh phúc. Đã 37 năm trôi qua và số người dân oan đi khiếu kiện vì bị các cấp chính quyền cướp đất ngày một nhiều hơn. Người dân nghèo ở những nơi khác không được phép nhập cư vào Đà Nẵng. Hà Nội cũng đã từng có dự thảo Luật Thủ đô để cấm người xứ khác. Không biết ngày xưa những người coi mạng sống của mình nhẹ như lông hồng hòng đem về hai chữ Tự do cho dải đất hình chữ S có mường tượng ra những cảnh đau lòng trên đây hay không?

Ngoài những chuyện đau lòng trên đây. Sau 37 năm sống trong Hòa bình, hôm nay người dân Việt Nam phải luôn đối đầu với thực phẩm mà ăn vào có thể gây bệnh tật chết người cũng như những tai họa có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Xăng gây cháy xảy ra trên khắp cả ba miền đất nước. Các cơ quan như công an và cách ngành khoa học vào cuộc nhưng sau những cuộc hội thảo thì không có một kết luận xác đáng. Chắc chắn rằng cái việc tìm ra nguyên nhân cháy nổ do xăng gây ra dễ dàng hơn việc xây dựng vận hành Đường sắt cao tốc và Điện Hạt nhân. Một việc cỏn con còn làm chưa xong, tại sao người ta phải quyết liệt để làm những dự án nửa vời kia?

Sau 37 năm Hòa bình, người dân Việt Nam hôm nay không cần phải quan tâm những chuyện hệ trọng liên quan tới đất nước như việc phản đối quân xâm lược Trung Quốc, vì những chuyện này đã có Đảng lo! Thế nhưng, để giải quyết vấn nạn kẹt xe thì người dân Việt Nam nên đóng tiền cho Chính phủ bởi đó là sự biểu hiện của lòng yêu nước!

Tháng Tư, đã 37 năm trôi qua chứ ít gì. Với chừng đó thời gian, nước Nhật Bản và nước Đức đã trở thành cường quốc dù hai quốc gia này bị tàn phá nặng nề nhất trong chiến tranh Thế giới thứ II bởi họ là những người chiến bại. Hơn nữa, cả hai quốc gia này không có được sự lãnh đạo của nhóm người thuộc “đỉnh cao trí tuệ”. Có người bảo rằng hai nước Đức và nước Nhật đã trở thành cường quốc trong chừng đó thời gian bởi Nhật và Đức là hai dân tộc quật cường. Dân tộc Việt không phải là một Dân tộc quật cường hay sao? 1000 năm đô hộ nhưng bọn xâm lược phương bắc đâu có tiêu diệt được Dân tộc Việt bằng cách đồng hóa. Nếu Dân tộc Việt không quật cường thì làm sao những trang sử hào hùng của Dân tộc có thể sáng ngời với những địa danh Như Nguyệt, Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Mã Yên, Đống Đa, Hạ Hồi, Ngọc Hồi…?

Dứt khoát là Dân tộc Việt Nam không những không thiếu mà còn có thừa tính quật cường là đằng khác. Vậy thì chúng ta hãy nhìn xem hiện nay Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ khu vực cũng như trên bản đồ thế giới? Nếu có thể tự hào thì chắc chắn chúng ta có thể tự hào là đứng trên Bắc Hàn. Một đất nước hiện hữu của địa ngục trần gian!

***

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

***

Những người dân nghèo ở Văn Giang, anh em nhà ông Vươn, những người dân bị cấm nhập cư vào Đà Nẵng và biết bao nhiêu người dân nghèo mất đất khác nào có tội tình gì để rồi phải bị ruồng rẫy ngay trên chính Quê Hương của mình? Nếu họ nhớ đến hai chữ Quê Hương đầy thiêng liêng kia thì họ phải nhớ ra sao?

Những người lẩn thẩn và nông cạn như Lẩm Cẩm Lão Gia tôi đây không thể nào có thể trả lời được những câu hỏi trên đây. Vậy xin giành cho các bậc trí giả cùng quý độc giả xa gần trả lời hộ.

L.C.L.G.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn