Sự thay đổi quyền lực ở Trung Quốc

Cheng Li

Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Trung Quốc mang tên John L.Thornton Viện Brookings, Washington.

Phạm Gia Minh dịch từ Brookings News Letter 4/2012

Sự thất sủng ngoạn mục của Bạc Hy Lai – một ủy viên Bộ chính trị đầy tham vọng và lừng danh nhưng có sức thu hút quần chúng chỉ là hồi kết trên sân khấu quyền lực và chính trị trong lịch sử lâu đời của Vương quốc ở trung tâm thiên hạ. Mặc dù vậy, quan điểm phổ biến của các nhà phân tích về Trung Quốc ở nước ngoài đã thay đổi đáng kể theo sự kiện này. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Bạc Hy Lai nhiều người tin rằng nền chính trị Trung Quốc đã được thể chế hóa một cách cần thiết để thực hiện việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo sắp tới một cách êm thắm và trật tự như đã từng diễn ra hồi năm 2002. Còn giờ đây, khi mà cuộc khủng hoảng đã phát lộ thì nhiều người lại nhận định rằng việc bãi nhiệm họ Bạc chỉ là một cuộc thanh trừng chính trị và khôi phục lại hình mẫu thường gặp của những cuộc đấu đá hằn học vì quyền lực.

Cả hai cách nhìn nhận trên đều có thể đã rất nhầm lẫn vì lẽ chúng không liên kết một cách đúng đắn những phân tích của mình về chính sách của ban lãnh đạo với sự thay đổi quyền lực ở tầm mức bao quát hơn ở Trung Quốc ngày nay. Thách thức đối với các nhà phân tích chính là phải đưa ra được sự đánh giá có cân nhắc và lập luận sâu sắc về những xu hướng ở phía sau tấn kịch gần đây.

Có ba xu hướng của sự thay đổi quyền lực ở Trung Quốc đang song song phát triển và đáng được quan tâm đặc biệt.

Sự thay đổi thứ nhất có thể được diễn tả bằng câu “ lãnh tụ yếu, phe phái mạnh”. Hơn hai thập kỷ qua Trung Quốc đã dần dần xa rời cách quản trị bởi một vị lãnh tụ có toàn quyền kiểu như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình và tiếp thu hình thức lãnh đạo tập thể. Cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chỉ là “những nhân vật đứng đầu trong số các đồng đẳng cùng trang lứa” không hơn không kém nếu so sánh với các thế hệ thứ ba và thứ tư của lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Quyền lực bị phân tán của họ một phần có nguyên nhân do sự thiếu bề dày thành tích cách mạng, tuy nhiên chủ yếu vẫn vì sự thay đổi trong dư luận xã hội và những ràng buộc ngày càng tăng mang tính thể chế.

Chẳng hạn như các blogger Trung Quốc đã phê phán Hồ Cẩm Đào, chưa biết là công bằng hay không, rằng ông này là người “thiếu hành động”. Một số trí thức Trung Quốc nổi tiếng còn mô tả hai nhiệm kỳ của họ Hồ như là “một thập kỷ đã mất”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng thường bị cho là một nhân vật “yếu” và “không hiệu quả”. Những lời chỉ trích này có thể không phản ánh đúng ý kiến của đại chúng nhưng dù sao chăng nữa chúng cũng làm xói mòn uy tín của chính quyền do hai họ Hồ - Ôn đứng đầu. Các lãnh tụ sắp kế nhiệm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường do thiếu thành tích và sự cạnh tranh gia tăng với những người đồng lứa, có lẽ sẽ còn yếu hơn những người tiền nhiệm và do vậy sẽ buộc phải dựa nhiều hơn vào sự lãnh đạo tập thể.

Sự lãnh đạo tập thể tất nhiên sẽ làm cho các phe phái chính trị năng động hơn. Lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay được xây dựng theo cách thức “một đảng, hai liên minh”, trong đó các liên minh lại tìm cách cân bằng quyền lực lẫn nhau. Có thể đặt tên cho liên minh do Hồ Cẩm Đào đứng đầu là “dân túy” , còn liên minh “giới tinh hoa, ưu tú” xuất hiện từ thời Giang Trạch Dân hiện nay do Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Quốc Vụ Viện đứng đầu.

Liên minh của giới tinh hoa, ưu tú gồm các nhà lãnh đạo - thái tử, xuất thân từ các gia đình cán bộ cao cấp hay còn gọi là nhóm Thượng Hải, trong khi đó liên minh dân túy bao gồm những cán bộ từng giữ trọng trách ở đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc làm hậu thuẫn cho cơ sở quyền lực của họ Hồ. Hai liên minh chính trị này có những ưu tiên chính trị rất tương phản nhau. Liên minh của giới tinh hoa, ưu tú có xu hướng chú trọng vào hiệu quả kinh tế và sự tăng trưởng GDP, trong khi đó liên minh dân túy lại kiên định với công bằng và đoàn kết xã hội. Nói chung, các nhóm của giới tinh hoa, ưu tú thống lãnh những ngành kinh tế và thể hiện quyền lợi của các vùng duyên hải, trong khi đó nhóm dân túy lại chiếm ưu thế trong các tổ chức đảng và là tiếng nói của những vùng nội địa.

Các phe nhóm chính trị không phải là điều gì mới mẻ ở nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, và cũng không còn là cuộc chơi có tổng bằng không, tức là có người thắng cả và có kẻ thua hết. Hai phe phái chính trị đó gần như là cân bằng về quyền lực. Chúng đã chia ghế trong các cơ quan lãnh đạo tối cao nhằm đạt tới một sự gần như là cân bằng hoàn hảo. Hai phe nhóm này còn hỗ trợ nhau về phương diện kinh nghiệm. Việc hai ngôi sao băng rớt khỏi Bộ Chính trị trong những năm gần đây – đó là Bí thư ĐCS Thượng Hải Trần Lương Vũ vào năm 2006 và người đứng đầu ĐCS ở Trùng Khánh Bạc Hy Lai năm 2012 chỉ là minh chứng cho hiện tượng “lãnh tụ yếu, phe nhóm mạnh”. Các lãnh đạo của các phe nhóm hễ bị liên đới tới scandal thì dễ có nguy cơ bị thay thế, nhưng phe nhóm thì lại quá mạnh để khó có thể bị triệt phá. Các nhà lãnh đạo lên thay thế họ Trần và họ Bạc là những người lên từ cùng phe nhóm của người tiền nhiệm.

Sự thay đổi quyền lực thứ hai có thể được miêu tả bằng câu “chính phủ yếu, các nhóm lợi ích mạnh”. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hiện có những nguồn lực khổng lồ về tài chính và chính trị, tuy nhiên chính phủ lại đang phải đối mặt với những vấn đề như bất bình đẳng về kinh tế, lạm phát, nợ ở cấp địa phương tăng nhanh, tham nhũng không thể kiềm chế, môi trường bị hủy hoại, tài nguyên cạn kiệt, y tế công cộng bấp bênh và căng thẳng sắc tộc ở Tân Cương và Tây Tạng.

Quốc Vụ Viện càng ngày càng trở nên kém hiệu quả trong việc quản lý các tỉnh và ngay cả các xí nghiệp trọng yếu thuộc sở hữu nhà nước. Một câu nói sâu cay gần đây trên mạng đã châm biếm rằng “Đến Thủ tướng cũng không quản lý nổi một Tổng giám đốc”. Gộp tất cả những biểu hiện đó lại cho thấy vấn đề về sự yếu kém của chính phủ trung ương. Sự căng thẳng giữa hai phe nhóm có vẻ như làm cho quá trình ra quyết định mất nhiều thời gian và phức tạp hơn, thậm chí theo một góc độ nào đấy đang gây ra sự bế tắc.

Điều quan trọng là chưa bao giờ trong lịch sử 60 năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa các nhóm lợi ích lại hùng mạnh như bây giờ. Ví dụ như một vài nhân vật có liên quan tới phát triển bất động sản đã xuất hiện như một nhóm lợi ích mạnh đặc biệt. Điều này giải thích vì sao phải mất tới 13 năm Trung Quốc mới thông qua được Luật chống độc quyền, vì sao việc quản lý kinh tế vĩ mô trong thập kỷ gần đây lại rất kém hiệu quả và vì sao bong bóng bất động sản xảy ra trên diện rộng lại được phép bành trướng.

Có lẽ sự thay đổi quyền lực thứ ba mới là điều gây tranh cãi nhất, nó được định danh bởi cụm từ “đảng yếu, đất nước mạnh”. Đảng cộng sản Trung Quốc là một đảng cầm quyền lớn nhất thế giới với 3,9 triệu đảng bộ cơ sở và 80 triệu đảng viên. Không tồn tại lực lượng đối lập có tổ chức nên đảng dường như chẳng gặp bất cứ một thách thức nào. Thế nhưng đọc kỹ các diễn văn chính thức của ĐCS lại thấy toát lên cảm giác của một cuộc khủng hoảng về tính chính danh sắp diễn ra. Những chỉ thị được Hội nghị Trung ương 4 khóa 17 của ĐCS năm 2009 đã công khai thừa nhận rằng có nhiều vấn đề nội bộ đảng đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh của tình hình trong nước và quốc tế mới có những tác động “làm suy yếu nghiêm trọng sức sáng tạo, sự nhất trí và hiệu lực của đảng”. Các chỉ thị đó đã nêu rõ dân chủ nội bộ của đảng chính là “nhân tố quyết định sự tồn tại của đảng”.

Cải cách chính trị ở Trung Quốc, bao gồm việc mở rộng dân chủ trong đảng hầu như không có tiến bộ gì trong 3 năm gần đây. Điều này có thể vì mấy nguyên nhân sau: thứ nhất, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm ô uế thương hiệu phương Tây dẫn tới việc một số trí thức có xu hướng tả khuynh ở Trung Quốc hô hào tính ưu việt của chế độ một đảng lãnh đạo ở Trung Quốc. Thứ hai là, những cuộc nổi dậy của mùa Xuân Ả rập đã làm lãnh đạo đảng lo sợ rằng điều tương tự sẽ xảy ra ngay tại nhà mình.

Bởi vậy các khoản chi cho “ gìn giữ ổn định xã hội” năm 2009 gần như cũng bằng ngân sách quốc phòng đã cho thấy đây lại là dấu hiệu của sự yếu kém. Kết hợp với hồi kịch Bạc Hy Lai thì uy tín của đảng đã bị thương tổn. Dòng tiền có quy mô lớn đổ ra ngoài, mà có lẽ là tiền của các quan tham trong những năm gần đây càng cho thấy sự thiếu vắng lòng tin trong hàng ngũ tầng lớp trên của đảng. Trên tất cả những điều đó là đòi hỏi do các trí thức dân chủ và một số sĩ quan quân đội đưa ra về tính hợp hiến của việc quân đội là của quốc gia chứ không phải quân đội là của đảng, và đây mới chính là một thách thức mới đối với ĐCS Trung Quốc.

Những rắc rối trong nội bộ lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc không chỉ ra rằng Trung Quốc nhìn chung là yếu. Trong số những khác biệt sâu sắc giữa sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và cuộc khủng hoảng Bạc Hy Lai đã cho thấy rằng qua vụ việc gần đây , ít nhất cho tới nay, kinh tế và xã hội Trung Quốc đã trở nên hầu như không thể tách rời. Điều này phản ánh sự trưởng thành của xã hội Trung Quốc và sức mạnh của nó.

Mặc dù những thay đổi trong quyền lực đã gây nên những căng thẳng mới trong giới lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và một cảm giác về sự bất định , thế nhưng hướng về một viễn cảnh rộng lớn hơn thì những thay đổi đó được nhìn nhận như những phát triển rất đáng khích lệ. Kiềm chế và cân bằng lực lượng giữa các phe nhóm trong lãnh đạo, các nhóm lợi ích năng động và nhận thức được chia sẻ rộng rãi về Trung Quốc như một thế lực đang lên, tất cả những yếu tố đó sẽ là điều phải tính đến trong quá trình chuyển biến dân chủ. Trước mắt, mối quan tâm của các nhà phân tích về Trung Quốc không nên chỉ tập trung vào việc liệu lãnh đạo ĐCS Trung Quốc sử dụng các thủ tục pháp lý để xử lý vụ Bạc Hy Lai hiệu quả tới đâu mà còn phải xem liệu ban lãnh đạo có thể táo bạo chấp nhận nhiều cơ chế bầu cử khác nữa trong việc chọn ra các lãnh đạo cao cấp và tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới cho tính chính danh của mình.

C.L.

Thăng long-Hà nội 30/4/2012

P.G.M. dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn