Đứng nơi tận cùng của Tổ quốc nghĩ về chủ quyền dân tộc ở Biển Đông

Khánh Trâm

Đứng nơi đây tôi hướng mắt ra Biển Đông. Những câu thơ cứ tự nó ngổn ngang sống dậy trong đầu: “Nếu Tổ quốc nhìn tự bao hiểm họa / đã mười lần giặc đến tự Biển Đông” nhưng “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất / dáng con tàu vẫn hướng mắt ra khơi”. Tôi cố nhìn ra xa, thật xa cho hết tầm mắt nơi mặt biển phía trước. Màu nước biển trong xanh nhưng sâu dưới kia trong tiềm thức của tôi vẫn còn hằn rõ những vết máu đỏ ngầu lịch sử – máu tanh hôi của lũ giặc cướp nước bị quân lính chúng ta nhiều đời đánh cho tan tác, và máu của cả các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã đổ xuống để giữ gìn biển đảo quê hương, giữ trọn chủ quyền dân tộc trải bao thế hệ nay – KT.

Tôi đến Đất Mũi vào ngày 30/12, còn đúng một ngày là kết thúc năm con rồng – Nhâm Thìn 2012. Hành trình từ Sài Gòn đi Đất Mũi qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ, còn gọi là ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Từ Cần Thơ nay đã có con đường tắt vừa xây dựng đi thẳng đến Cà Mau. Con đường này chạy giữa những hàng lau sậy, chạy giữa cánh đồng. Trên đường chỉ thấy xe và thiên nhiên bao la.

Quốc lộ 1 chạy qua các tỉnh của cuộc hành trình cũng là vựa lúa và vựa trái cây của cả nước. Lúc đi trên cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, tôi ngắm nhìn dòng sông Tiền và sông Hậu từ trên cao. Ngắm nhìn nước sông mang màu phù sa tưới mát những cánh đồng lúa để hạt gạo Nam Bộ đi khắp năm châu. Năm 2012 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Thái lan về sản lượng gạo xuất khẩu gần 8 triệu tấn. Khi xe chạy hết cầu Cần Thơ, tôi bần thần nhớ lại cái tai nạn kinh hoàng của năm 2007 với mấy chục người chết và bị thương. Vậy mà sao ngày khánh thành không hề nghe nói có một lời tưởng niệm những người đã phải bỏ mạng sống của mình do sập cầu? Để có cây cầu hôm nay, nhớ đến họ tôi chỉ biết nghĩ đến 2 từ “xót xa” đi kèm với một tâm trạng biết ơn khiến mình vừa nhói lòng lại vừa dịu lòng.

Hành trình về nơi tận cùng này của Tổ quốc,đi theo những tấm biển chỉ dẫn và đường khá tốt, xuất phát từ Sài Gòn lúc 7h sáng, 3h chiều là đến Cà Mau và gần 5h tôi đã đến Năm Căn để nghỉ đêm tại đây. Nước ở vùng này có màu vàng sẫm và hơi đục. Từ Năm Căn đến Đất Mũi hiện nay chỉ có một phương tiện duy nhất để đi lại là bằng đường thủy nhưng chỉ ít năm nữa, có thêm đường bộ vì con đường này đang được xây dựng.

Bến tàu đón đưa khách đến Đất Mũi khá đơn sơ. Có 2 loại tàu: Ca nô và vỏ lãi (tiếng địa phương chỉ tên gọi của một loại thuyền, ghe nhỏ). Cách bến vài trăm mét là tượng đài chiến sỹ, kế bên là nhà tưởng niệm các liệt sỹ trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940). Sáng nay tôi cũng xuất phát lúc 7h và chọn đi bằng vỏ lãi để vượt qua khoảng cách 34km tới Đất Mũi. Lần đầu tiên tôi đọc được địa danh này vào khoảng những năm 1980 trong tập truyện và ký “Xa xa mũi đất Cà Mau” của nhà báo Trần Thanh Phương: “Cà Mau, mũi đất đầu sóng ngọn gió, điểm chót hình chữ V của Nam Bộ mến yêu. Đến đây là đến mảnh đất tột cùng của đất liền. Cho nên, nếu chùn bước là trượt luôn ra biển. Phải chăng vì thế mà bà con đã có một tinh thần và nghị lực rất cao trong đấu tranh chống xâm lược, chống chọi với thiên nhiên để mở đất và bảo vệ đất? Trời đất hùng vĩ, đồng ruộng mênh mông cũng đã tạo cho con người ở mũi đất bãi bồi này một tính tình khoáng đạt, rộng mở với anh em, bạn bè, đồng chí. Nhưng đối với quân thù thì dứt khoát, chắc nịch, đanh thép như nơi đầu ngọn dáo, nơi đầu mũi đạn, nơi đầu mũi chông, nơi đầu ngòi bút...” Hôm nay, gần 30 năm sau, được tiếp xúc với những con người đang thực sống tại vùng đất này, rất giống những gì tôi đã đọc trong những trang sách ngày ấy. Trên bến đò, tôi gặp những em bé lên 5, lên 7 đã biết giúp ba mẹ bán quán cứ thoăn thoắt. Người dân rất thật thà. Tôi định thăm Đất Mũi rồi ghé sân chim trên đường về nhưng chị bán quán khuyên không nên đi, chị bảo: “Không có con chim nào thì vô làm chi. Điểm du lịch này là của tư nhân, kể từ ngày ông ấy cải tạo lại, chim bay đi hết. Vô chỉ tốn tiền. Mất 50.000 đ vé vô cửa...” Và khi tôi chuẩn bị xuống thuyền, chị còn nói với theo: “Dọc đường đi cũng có chim mà xem đấy”. Câu nhận xét: “Người Nam Bộ tốt bụng và đôn hậu” thật đúng, tôi luôn gặp trong các cuộc hành trình.

Vừa bước xuống thuyền tôi đã hòa vào một biển trời sông nước mênh mông. Con sông này gọi là sông Cái lớn, lòng sông rất rộng. Thỉnh thoảng thấy ca nô chở khách, một dạng xe buýt trên sông. Đôi chỗ có cả những chiếc phao bé cứ nổi bập bềnh, trên cắm lá cờ nhỏ màu cam sẫm để phân luồng tàu chạy. Ở đây khúc giữa sông cũng thấy người ta đặt lưới bắt cá buộc vào những thanh tre nhô lên mặt nước, có trên 20 chiếc nối tiếp nhau làm thành một hàng ngang, nhìn xa cứ như chiếc cầu tre mỏng. Đi khoảng 45 phút là rẽ vô con lạch thuộc ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Đoạn ngoài ngã ba này, hai bên rạch có nhiều nhà dân. Nhà trên sông, nhiều nhà làm cột bằng xi măng tôi nhìn thấy hào bám đầy chân cột. Lúc này thủy triều đang xuống, nhìn vô chân cột còn rõ ngấn nước. Chiếc vỏ lãi cứ lao vun vút. Suốt hành trình hai mẹ con tôi vì thắc thỏm “bơi ba ngày sẽ nổi” nên phải mặc áo phao cho an toàn. Chạy thêm lúc nữa là rẽ vô rạch nhỏ, hai bên là rừng ngập mặn với những cây đước rễ cứ chĩa lên mặt nước. Nơi đây thỉnh thoảng cũng có nhà dân. Nhà phần lớn lợp lá, lợp tôn và khá nhỏ. Có nhà thấy buộc chiếc ghe nhỏ trước nhà là phương tiện chính dùng để đi lại. Dân ở cụm lại thành một xóm khoảng vài chục hoặc trăm nóc nhà. Nhưng suốt cả chặng đường tôi chỉ thấy có vài xóm như vậy, còn lại chỉ thấy rừng đước, nhiều cây đang trổ bông rất đẹp. Bạn lái thuyền tên T. cho biết những bông hoa kia là nguồn thức ăn vô tận của ong rừng. Thiên nhiên bao la mà chỉ có ba chúng tôi và bạn T. Tôi còn thắc mắc tại sao không gặp ai cả, bạn bảo ca nô chở khách không đi đường này. À, ra thế. Ít người, đi ghe nhỏ thật tuyệt vời! Chiếc ghe nhỏ đi dưới rừng đước, hai bên cây mọc sát nhau, chụm thành bóng mát, hơi nước tỏa lên cứ mát rượi. Bạn T. cũng cho biết sắp nhìn thấy biển rồi. Nhưng tôi đã cảm được hơi mặn từ biển,và gió biển ngược chiều, thổi tóc tung bay. Bốn con người trong biển trời, rừng nước mênh mông. Bạn T. khá trẻ, ít nói, hỏi gì nói nấy, trông rất hiền lành.

Con lạch này đi xuyên rừng cấm quốc gia. Giờ này thủy triều xuống nhanh, nước rất nông. Có đoạn thuyền chạm đáy nghe bùng bục vậy mà không sao. Tôi cứ ngước mắt xem rừng không thấy chán. Có chú chim bay từ bên này sang bên kia. Ở đây chẳng khác gì vườn chim. Chim khá to, con đen con trắng. Thấy giống loại cò trắng và vịt trời tôi đọc ở cuốn “Chim Việt Nam”. Cuốn sách cho biết, Đất Mũi, Bãi Bồi có khu hệ chim nước phong phú. Các loại đáng chú ý là Rẽ mỏ cong, Bồ nông chân xám, Cò, Mòng bể, Quắm đầu đen, các loài vịt, mòng két... Thời gian quan sát chim tốt nhất là khoảng từ tháng 9-10 đến tháng 3-4 năm sau. Đúng dịp này, tôi lại đang ở đây. May mắn làm sao!

Con sông Bãi Bồi này tiếp giáp với Đất Mũi. Điểm đến tôi mong chờ không phải chỉ từ ngày hôm qua. Chúng ta, ai chẳng thuộc câu: “Nước ta liền một dải, từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau...”. Nhưng sáng hôm nay 30/12/2012, cái khoảnh khắc 8h25 phút thần kỳ này đối với cá nhân tôi mới thật là đáng nhớ. ĐẤT MŨI là đây. Tôi thấy lòng xốn xang khi mắt nhìn trực diện cũng như được đặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Cái cảm giác của đọc sách và hiện thực thật khác biệt. Cảm ơn bạn T., người lái thuyền dễ mến.

Đất Mũi hướng về phía Tây của vịnh Thái Lan,đây là một vùng đất rộng lớn có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng. Dân cư sinh sống nơi này có nghề đánh bắt ngoài biển và nuôi tôm. Họ sinh hoạt trong những căn nhà không làm cửa ra vào, cứ để trống còn nhìn ra thiên nhiên. Một phần của khu đất ngày nay đã trở thành một điểm tham quan du lịch. Vé vô cửa 10.000 đ cho người lớn. Đi bộ một lát đã đến khu rừng. Có chiếc cầu nhỏ bằng gỗ cho khách đi lại. Nhìn xuống con lạch nước đã cạn, thấy rõ cả còng gió màu xanh và cá bống sao. Có anh bạn trẻ người địa phương chạy xe ôm tên Ph. đi theo tôi chuyện trò rất vui. Ph. cho hay khoảng 3-4 h chiều nước lên lại, lúc này thường thấy ba khía leo lên cây. Đi sâu vô trong rừng tôi dang tay kéo lá đước, lá mắm (là 2 loại cây chính) để thấy sự khác biệt. Cây mắm lá nhỏ hơn và dài, rễ đâm lên trời. Cây đước lá to, tròn, rễ cắm xuống nước. Bài học từ cây rừng và thiên nhiên ở nơi mảnh đất tận cùng này mới thật thích thú.

clip_image002

Cột mốc Tọa độ quốc gia tại Đất Mũi

Từ rừng ra, tôi đi tìm cột mốc tọa độ quốc gia. Điểm này cũng không xa nên đi bộ vài phút đã tới, có cả sân bay trực thăng nhỏ hiện nay vẫn đang sử dụng ở kế bên. Tọa độ được ghi là 001 và được quốc tế công nhận năm 1995. Đang mải chụp hình thì tôi nghe được anh bạn hướng dẫn viên đi cùng đoàn khách đến sau thuyết minh về việc chăm sóc cây trồng của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở khu du lịch này. Câu chuyện của bạn cũng cho biết trồng cây nếu không thuận khí hậu và thổ nhưỡng thì rất khó sống: “Cây đa ông Nông Đức Mạnh trồng là tụi con chăm sóc cực nhất, vì loại cây này không chịu nước mặn, nên hàng ngày phải tưới nước ngọt rất nhiều lần. Tưới dữ lắm nên bây giờ mới sống được nhưng cây kém phát triển và lớn rất chậm...”. Nghe lỏm nhưng tôi cũng lại học được một bài học đáng giá về... việc lựa chọn thực vật để trồng cây lưu niệm sao cho thấu tình dân, cho dân đỡ khổ.

Rời mốc tọa độ tôi lại đến tượng đài hình con thuyền, đánh dấu vị trí địa lý là mỏm cuối cùng của Tổ quốc. Quần thể tượng cũng khá to, đi từ xa tôi đã lẩm bẩm câu thơ của thi sỹ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” Các du khách ai đến đây cũng tranh thủ chụp hình. Gia đình tôi cũng vậy. Nhìn các thông số thấy ghi: 8’37’30 vĩ độ Bắc và 1044’ độ kinh Đông. Đứng từ đây nhìn được 2 hướng ra vịnh Thái Lan và vịnh Malaysia. Dọc đường đến tượng đài thấy có bờ kè. Xa xa thấp thoáng Hòn Khoai nơi có ngọn đèn hải đăng cho dân đi biển. Đây là bên lở. Như vậy đối diện ở bờ kia là bên bồi.

clip_image004

Tượng đài hình con thuyền nơi mỏm cuối cùng của Tổ quốc

Gần trưa tôi leo lên đài quan sát cao 27 m dáng hình cây mắm nhờ những bậc thang được uốn cong ở đoạn cuối. Leo lên trên cùng là nơi cao nhất nhìn ra được toàn cảnh Đất Mũi và Biển Đông. Tôi lại xúc động giữa trời đất bao la. Một bên là rừng, một bên là biển. Ở vùng Cà Mau diện tích rừng ngập mặn là 200.000 ha, tính cả Đất Mũi, một màu xanh ngắt thỉnh thoảng có những con rạch nhỏ chạy ngoằn nghèo, còn biển thì ôi... mênh mông đến tận chân trời. Gió ở độ cao cứ lồng lộng. Càng ngắm tôi càng thấy đất nước tôi quả là tuyệt đẹp. Tôi chỉ ước mình là nhà văn để mô tả cảnh đẹp này. Nhưng thiên nhiên không chỉ là cảnh đẹp mà còn là nguồn sống nữa.

Đứng nơi đây tôi hướng mắt ra Biển Đông. Những câu thơ cứ tự nó ngổn ngang sống dậy trong đầu: “Nếu Tổ quốc nhìn tự bao hiểm họa / đã mười lần giặc đến tự Biển Đông” nhưng “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất / dáng con tàu vẫn hướng mắt ra khơi”. Tôi cố nhìn ra xa, thật xa cho hết tầm mắt nơi mặt biển phía trước. Màu nước biển trong xanh nhưng sâu dưới kia trong tiềm thức của tôi vẫn còn hằn rõ những vết máu đỏ ngầu lịch sử – máu tanh hôi của lũ giặc cướp nước bị quân lính chúng ta nhiều đời đánh cho tan tác, và máu của cả các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã đổ xuống để giữ gìn biển đảo quê hương, giữ trọn chủ quyền dân tộc trải bao thế hệ nay.

clip_image006

Nhìn ra xa, nước biển trộn với phù sa thành một màu đỏ ngầu, tưởng như vẫn còn đây máu các anh hùng Việt Nam đã đổ xuống giữa biển khơi để giữ vững lãnh hải của Tổ quốc

Nếu chỉ tính ở thời đương đại này, làm sao có thể quên màu máu hòa với màu xanh biển của những ngày tháng 1/1974 và những ngày tháng 3/1988, chưa kể máu của bao nhiêu ngư phủ ngày đêm bám biển đã bị quân Trung Cộng bắn giết và đòi tiền chuộc? Tôi càng đứng trông ra biển, càng thấy nghẹn ngào và uất hận vì “máu người không phải nước lã” và tự hỏi: “Ý thức hệ là cái gì nhỉ ?” Nó là cái gì để chính quyền Việt Nam phải tự buộc mình tuân thủ, khép nép trước kẻ thù truyền thống, với cái lý do xem ra khó nuốt cho trôi “giữ gìn tình hữu nghị gắn bó lâu đời, là tài sản quý báu của hai Đảng anh em...?” Tôi chỉ biết, biển Đông đã ôm đất MẸ Việt Nam, đã nuôi những người con của MẸ Việt Nam, nhưng ngày nay Biển Đông đang “dậy sóng” bởi ông hàng xóm khổng lồ phương Bắc miệng lưỡi xảo trá nào là “hòa bình”, nào là “hữu nghị” rồi thì “anh em môi hở răng lạnh” mà thực chất thì bụng dạ gian hiểm khôn lường, tham lam vô độ, bất chấp mọi phép tắc ngoại giao, đứng trên luật pháp quốc tế, tự vẽ đường lưỡi bò phi pháp trên hộ chiếu độc chiếm 80% diện tích Biển Đông và ra quyết định kiểm soát tàu thuyền đi lại ngay ngày đầu năm 2013 này. Thế là “biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả / biển cần lao như áo mẹ bạc sờn” và những người con đã ngã xuống giữa biển khơi, dù đấy là Bắc hay Nam, thì đều là những hành vi anh hùng vì sự yên bình của đất Mẹ; cái chết của họ không uổng, sẽ tạc vào lịch sử “máu của họ thắm vào lòng biển thắm / để một lần Tổ quốc được sinh ra”. Suốt từ năm 2007 cho đến 2012 này, đứng trước nguy cơ bị thôn tính Biển Đông, lại có những người con khác của đất nước, cũng chẳng phân biệt Bắc hay Nam, đã xuống đường biểu tình chống bành trướng bá quyền Bắc Kinh để rồi bị đàn áp và bỏ tù. Thật đau đớn không bút nào tả xiết! Chính quyền luôn trấn an nhân dân là “để Đảng và nhà nước lo”, nhưng với những hành động ngang ngược trắng trợn và ngày càng leo thang của ông hàng xóm thì nhân dân chỉ thấy những tháng ngày trước mắt là những ngày“Biển Đông cuộn sóng đen / từ bóng những con tàu Trung Quốc”, và càng dành cho Biển Đông một tình yêu mãnh liệt: “Thiêng liêng sao những hòn đảo Biển Đông / thấm bao máu cha ông để mang hồn Tổ quốc! / những Hoàng Sa - Trường Sa / đảo chìm đảo nổi.../ con sóng màu mây in tạc bóng quê nhà ”, càng một lòng một dạ với biển quê hương không gì thay thế được: “Từ bao đời mặt người đẫm mưa sạm nắng / sống bám biển chết trầm mình cùng biển / cho rộng dài nước non”. Lời thơ cũng là lời thề nguyền của dân tộc.

Là phụ nữ, tôi luôn “tin ở hoa hồng”, tin vào những người con yêu MẸ Việt Nam, yêu Tổ quốc mình. Khi rời Đất Mũi, tôi lại lần nữa ngước mắt trông ra Biển Đông, nơi đó có những người con ngã xuống trước họng súng quân thù là Trung Cộng. Nhưng các anh ngã xuống để cho Tổ quốc trường tồn. Lời của sử gia người Mỹ Will Durant:“đẫm máu nhưng không khuất phục” là bài học lớn nhất của lịch sử mà tôi học được thời nay – bài học mà bất cứ kẻ thù nào khi đụng đến Biển Đông hãy nhớ lấy!!!

K.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn