Khi Luật biển Việt Nam đến giờ hiệu lực

Nhà thơ Vĩnh Nguyên

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật biển Việt Nam ngày 21/06/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Ngay chương 1 điều 1 ghi rõ: Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Thế nhưng, điều gì đã xảy ra trên biển Đông, vi phạm Công ước Luật biển Quốc tế năm 1982 và vi phạm chương 1 điều 1 của Luật biển Việt Nam đã ban hành?

Ngày 23/06/2012 Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế ở 9 lô dầu khí trên biển Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý 55km nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 13/07/ 2012 Trung Quốc đưa 30 tàu đánh cá, trọng tải 140 tấn đến khu vực đảo Trường Sa đánh bắt quanh đảo Đá Chữ Thập. Trong số đó, có một tàu tiếp tế trọng tải 3.000 tấn.

Ngày 13/07/2012 Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean lần thứ 45 diễn ra tại Phnompênh nhưng Trung Quốc chia rẽ, cản trở nên không đưa ra được bản Tuyên bố chung về biển Đông.

Ngày 19/07/2012 Quân ủy Trung ương Trung Quốc ra quyết định thành lập Thành phố Tam Sa, trụ sở đóng trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa của Việt Nam).

Ngày 21/07/2012 có hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực của 3 quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa đi bỏ phiếu. Họ đã bầu ra một Hội đồng, có 45 ủy viên, do ông Bố Tráng làm Chủ tịch, ông Tiêu Kiệt - Thị trưởng Tam Sa. Kế đó, họ cho xây nhà máy lọc nước trên đảo ấy.

Ngày 02/08/2012 Trung Quốc xua 23.000 tàu cá xuống biển Đông. Chính quyền Hải Nam ngang nhiên tuyên bố: Chính quyền không chỉ cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân sự cho ngư dân thì không cần triển khai tàu hải quân.

Ngày 01/ 10/ 2012 Trung Quốc tổ chức lễ quốc khánh đã kéo cờ trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) của Việt Nam.

Ngày 03/10/2012 Trung Quốc diễn tập trực chiến khẩn cấp vùng quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 08/10/2012 Trung Quốc thành lập phòng khí tượng trên đảo Phú Lâm.

Ngày 24/10/2012 tàu cá của ông Hoàng Văn Phúc, quê Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) đang đánh cá ở biển Đông đã bị một tàu lớn hơn đâm vỡ rồi bỏ chạy làm 10 ngư dân Thanh Hóa suýt chết.

Ngày 30/11/2012 hai tàu cá Trung Quốc đánh cá tại tọa độ 17026 Bắc và 1080 02 Đông đã cào cắt cáp thu nổ địa chấn của tàu khảo sát Bình Minh 02. Địa điểm này nằm ngoài cửa vịnh Bắc bộ, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý, cách đất liền Việt Nam 54 hải lý, cách đảo Hải Nam 75 hải lý và cách quần đảo Hoàng sa 210 hải lý. Việt Nam phản đối hành động này. Còn phía Trung Quốc thì biện bạch: Đó là vùng biển có yêu sách “chồng lấn”?

Chúng ta nhớ lại, ngày 26/05/2011, tàu Hải giám Trung Quốc vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh. Tiếp ngày mồng 09/06/2011 tàu Trung Quốc xông vào cắt cáp tàu Viking, áp đặt thô bạo đường lưỡi bò 9 đoạn Biển Đông, ngăn cản tự do hàng hải quốc tế.

Ngày 03/12/2012 Trung Quốc làm hộ chiếu có in bản đồ hình “lưỡi bò”. Việt Nam và học giả nhiều nước trên thế giới chẳng ai chấp nhận điều phi lý ấy.

Từ ngày mồng 01/01/2013 (đúng ngày Luật biển Việt Nam có hiệu lực), chính quyền tỉnh Hải Nam ngang nhiên tuyên bố: Trung Quốc cho phép lính biên phòng khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước ngoài “xâm nhập phi pháp” trên biển Đông. Còn gì phi lý hơn? Chính những lời tuyên bố trên là phi lý và phi pháp.

Những hành vi của Trung Quốc kể trên đã vi phạm Công ước Luật biển Quốc tế (UNCLOS) năm 1982 của Liên hiệp quốc mà Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, vi phạm tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Asean đã ký năm 2002.

Như vậy, có thể nói Trung Quốc không những không cần luật mà càng coi thường luật pháp quốc tế. Trung Quốc chỉ cần dầu và khí trên biển Hoa Đông – quần đảo Senkaku và Biển Đông nên mặc ai phản đối, kể cả các Học Giả nhiều nước trên thế giới và người dân Trung Quốc.

Ông Lương Thanh Nghị – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã từng nói: Việt Nam cần những biện pháp khác hơn là chỉ phản đối “chay”. Để khỏi phản đối “chay” thì biện pháp thiết thực nhất lúc này là gì? Như chúng ta đều biết, trong 3 ngày từ ngày 17 đến 19 tháng 01 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa, 58 quân nhân Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng. Trung Quốc bắt đi 48 người khác sau đó thả họ ở Hongkong qua con đường chữ thập đỏ. Ngày 14/03/1988, Trung Quốc dùng lực lượng lớn tàu Hải quân đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nay, Trung Quốc tự vẽ bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn rồi còn in bản đồ ấy lên hộ chiếu để tuyên truyền về “chủ quyền” trên Biển Đông. Với bản chất bành trướng bá quyền Trung Quốc đã dùng mọi mưu đồ xảo trá để độc chiếm Biển Đông nên việc Việt Nam đòi lại quần đảo Hoàng Sa là cực kỳ nan giải.

Nay Việt Nam đã ban hành Luật biển Việt Nam thì phải bảo toàn sắc luật thật nghiêm minh. Cụ thể, triển khai các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư… để ngày đêm canh giữ cho ngư dân Việt Nam tự do đánh cá ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa (Ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá ở phía Bắc quần đảo này) một cách thẳng thừng, minh bạch để không còn chuyện “chồng lấn” nhập nhằng đến nghi ngờ “ tàu lạ”, “tàu quen” như nhiều năm qua.

Huế, 29/12/2012

V.N.

Hội Nhà văn TT- Huế

26 Lê Lợi TP Huế

Tel: 0126 2566 822

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn