CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 30)

Victor Sebestyen
Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 28
BA LAN: ĐÀM PHÁN BÀN TRÒN 
JARUZELSKI BỊ CHỐNG VÌ MUỐN ĐÀM PHÁN – KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC – ĐẢNG CÔNG NHÂN SỢ CÔNG ĐOÀN – WALESA: “TÂY ĐI XE HƠI, TA ĐI XE ĐẠP” – JARUZELSKI: DỌA ĐỂ ÉP TÍN NHIỆM – ĐÀM PHÁN BÀN TRÒN – TRÍ THỨC PHẢN BIỆN LÊN TRUYỀN HÌNH – NGƯỜI YÊU NƯỚC KHÔNG LÀ KẺ THÙ
***

Warsaw, Ba Lan. Thứ hai, ngày 16 tháng 1, năm 1989
JARUZELSKI BỊ CHỐNG VÌ MUỐN ĐÀM PHÁN
1.
LÚC VACLAV HAVEL BỊ BẮT ở Praha cũng là lúc Tướng Jaruzelski, lãnh tụ Ba Lan, bị đối xử một cách gay gắt chưa từng gặp trong bao nhiêu năm qua.
Tướng Jaruzelski không quen bị sỉ nhục, nhất là bởi những người Cộng sản trung kiên đã đủ tuổi để hiểu vuốt mặt phải nể mũi. Nhưng hôm nay, một Hội nghị của Đảng Cộng sản bắt đầu và các đảng viên lão thành đã lớn tiếng chỉ trích Jaruzelski rằng ông yếu đuối trước kẻ thù và đã từ bỏ lý tưởng Xã hội chủ nghĩa.
2.
Có một luật bất thành văn trong nội bộ Đảng quy định không được chỉ trích cá nhân Jaruzelski như chỉ trích một chính trị gia bình thường khác, và trước công chúng phải cho thấy ông được tôn kính. Nhưng luật bất thành văn ấy đã bị phớt lờ khi các đảng viên Cộng sản cao cấp nhất họp nhau tại tòa nhà khổng lồ, xấu xí, màu trắng, trụ sở Đảng, có tên gọi chính thức là Đảng Công nhân Đoàn kết Ba Lan, nằm ở góc đường Thế giới Mới và Đại lộ Jerusalem, ngay trung tâm Warsaw.
Jaruzelski bị chỉ trích vì ông quyết tâm tiến hành đàm phán với Công đoàn Đoàn kết để đạt được một thỏa thuận giúp tái lập ổn định công nghiệp tại các nhà máy khắp Ba Lan.
Về phía Công đoàn Đoàn kết, trong ba tháng qua, họ luôn sẵn sàng để đàm phán. Walesa còn nói một câu, rất giống phong cách của cựu Thủ tướng Anh Churchill,  rằng: “Tôi sẵn sàng thương lượng, cả với chúa quỷ cũng thương lượng, nếu có lợi cho đất nước Ba Lan”.
Nhưng lúc này, Tướng Jaruzelski phải đương đầu với những người Cộng sản muốn ngăn chặn mọi thỏa thuận với phe đối lập, vì họ sợ quyền lực Đảng sẽ tiêu tan.[1]
*
KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC
3.
Jaruzelski và Thủ tướng Mieczyslaw Rakowski cố gắng giải thích cho Hội nghị hiểu cách chia sẻ quyền lực họ đang định thực hiện. Nhưng đa số ban lãnh đạo Đảng hoài nghi giá trị của nước cờ này. Tiến sĩ Janusz Reykowski, giáo sư tâm lý tại Warsaw và là một người Cộng sản có tầm vóc, từng làm cố vấn cho Bộ Nội vụ 25 năm, kể lại: “Có rất nhiều chống đối. Nhiều người trong Đảng nghĩ Công đoàn Đoàn kết chỉ là một nhóm gián điệp nước ngoài và là bọn phiêu lưu chính trị”.
Vấn đề chủ chốt được Hội nghị Đảng nhắc đến là vấn đề hợp thức hóa công đoàn tự do. Tướng Jaruzelski nói rằng không thể nào có ổn định kinh tế nếu không có Công đoàn Đoàn kết, cũng không thể tiếp tục duy trì quyền lực vô hạn mà người Cộng sản đã nắm giữ nhiều chục năm qua. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn thiết quân luật, Jaruzelski cho rằng Công đoàn Đoàn kết không thể bị xóa sổ, ông nói: “Chúng ta không còn chọn lựa nào khác ngoài việc bắt đầu đàm phán”.
Thủ tướng Rakowski thêm rằng: “có thể sẽ xảy ra những bạo loạn cách mạng nếu Đảng tiếp tục bám víu vào những ý tưởng lạc hậu”. Ông lặp đi lặp lại mấy lần rằng “chúng tôi không nghĩ đến việc từ bỏ quyền lực … ở đây, chúng tôi nói về chuyện sắp xếp để làm sao giữ được quyền lực”.[2]
*
ĐẢNG CÔNG NHÂN SỢ CÔNG ĐOÀN
4.
Đến thời điểm đó, hơn một nửa tổng số đảng viên ngày càng giảm của Đảng Cộng sản đều trên 50 tuổi. Ban lãnh đạo gồm hầu hết người ở độ tuổi 65, những đảng viên trung kiên mà thời hoàng kim của họ là thời “kỷ luật xã hội chủ nghĩa” nghiêm ngặt đã qua lâu rồi, trước khi Công đoàn Đoàn kết ra đời.
Jerzy Wiatre, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Warsaw, và là nhân vật hàng đầu về chủ nghĩa Cộng sản tại Ba Lan, thú nhận: “Chúng tôi có thể thành công khi đối đầu với giới trí thức, nhưng khi chúng tôi đối đầu với công nhân thì ngôi nhà chủ thuyết xây trên cát bắt đầu sụp đổ”.
Nhiều đảng viên không thể hiểu được Công đoàn Đoàn kết vì họ nghĩ đó là một tổ chức lỏng lẻo, một lực lượng rõ ràng là vô kỷ luật, hoàn toàn xa lạ đối với họ.[3]
5.
Một trong những lãnh đạo của “Nhóm Bê tông” bảo thủ thuộc Đảng Cộng sản Ba Lan là Alfred Miodowicz, Chủ tịch phong trào Công đoàn Chính thống được nhà nước ủng hộ và hoàn toàn lệ thuộc Đảng. Vốn là người chất phác, vui vẻ, thích ngậm ống píp với phong cách một ông bác thân mật và sống lặng lẽ, nhưng trong Hội nghị này Miodowics lại trở nên u uất, bất an.
Ông nhớ lại những gì đã xảy ra với công đoàn do ông lãnh đạo, tên là OPZZ, trong một năm bốn tháng Công đoàn Đoàn kết tồn tại, từ 1980 đến1981, lúc có cuộc cạnh tranh giữa hai tổ chức. Công đoàn Đoàn kết đã chiến thắng vẻ vang, thu hút được gần 10.000.000 thành viên, trong khi công đoàn của Miodowicz và của Đảng gần như bị xóa sổ. Ông nói trong Hội nghị rằng tình hình sẽ tệ hơn nữa nếu Công đoàn Đoàn kết được hợp thức hóa.
*
WALESA: “TÂY ĐI XE HƠI, TA ĐI XE ĐẠP”
6.
Miodowicz cũng có lý do cá nhân để phản đối dự định đàm phán với Công đoàn Đoàn kết. Lý do như sau:
Cuối tháng 11/1988 ông đã xuất hiện trong một cuộc tranh luận với Lech Walesa được truyền hình trực tiếp. Đây là lần đầu tiên đa số người Ba Lan thấy lại lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết kể từ năm 1981, nhiều người đã quên mặt mũi ông ra sao. Ngay lập tức, ông cho thấy ông là hình ảnh của sự tươi mới, giúp người dân cảm thấy phấn chấn và lên tinh thần. Còn Miodowicz là người dầy dạn kinh nghiệm, quen xuất hiện trên truyền hình. Nhưng Walesa đã thắng đậm Miodowicz.
Khi Miodowics thích dùng từ ngữ chuyên môn và những con số thống kê khô khan để nói thì Walesa lại ăn nói đúng điệu một “người của quần chúng”, chất phát, duyên dáng, theo cách quen thuộc của ông. Từ giây phút ông nói câu “Phương Tây đi xe hơi, chúng ta đạp xe đạp” thì gần như toàn bộ khán giả truyền hình đứng về phía ông, trong khi Miodowicz thì cứng họng, nhìn thảm hại.
Tại Hội nghị hôm đó, Miodowicz nhìn chằm chặp vào Jaruzelski và nói rằng sẽ rất nguy hiểm nếu trao vũ khí tuyên truyền vào tay một đối thủ được quần chúng yêu thích và lại có đầy sức thu hút.[4]
*
JARUZELSKI: DỌA ĐỂ ÉP TÍN NHIỆM
7.
Sau hơn 10 tiếng tranh luận nảy lửa kéo dài hai ngày, Jaruzelski cuối cùng yêu cầu Hội nghị đưa ra quyết định, bằng cách bỏ phiếu biểu quyết có nên hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn kết hay không.
Ông và các cố vấn biết rằng số phiếu thuận và chống sẽ sát sao. Một số trợ lý tin rằng ông sẽ thua. Jaruzelski bèn liều một phen với chiêu thức mới. Ngay trước khi biểu quyết, ông đột ngột dọa sẽ từ chức nếu kết quả biểu quyết bất lợi cho ông. Sau này ông kể lại: “Tôi thấy không còn cách nào khác ngoài việc hăm dọa họ như thế”.
Ông cũng thuyết phục Bộ trưởng Nội vụ, tướng Kiszczak,  Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Florian Siwicki và Thủ tướng Rakowski cùng từ chức. Ông nói: “Cùng nhau, chúng ta sẽ đại diện cho một lực lượng có thực chất”. Tướng Jaruzelski yêu cầu Hội nghị lập tức bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm ông. Ông lập luận rằng nếu người Cộng sản nào muốn thử cai trị đất nước trong cuộc khủng hoảng Hiến pháp này mà không cần có mặt những người giàu kinh nghiệm nhất chế độ [tức ông và ba người dọa từ chức] thì xin mời, họ cứ việc thử.
Cuối cùng, tướng Jaruzelski đã chiến thắng áp đảo trong cuộc biểu quyết tín nhiệm.
Ngày hôm sau, ông loan báo các vòng đàm phán Bàn Tròn với Công đoàn Đoàn kết sẽ bắt đầu vào ngày 6/2/1989, và ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận lớn lao giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo quá dài tại Ba Lan. Cũng có thể xem ngày 6/2/1989 là ngày Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan [tức Đảng Cộng sản Ba Lan] bắt đầu chết. [5]
***
ĐÀM PHÁN BÀN TRÒN
8.
Các cuộc đàm phán bắt đầu tại Cung điện Radziwill, một cung điện phong cách tân cổ điển với mặt tiền cầu kỳ màu trắng nằm tại Phố cổ Warsaw, vào một buổi sáng nhiều gió, u ám và lạnh buốt.
Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gửi thông điệp, cầu nguyện cho những nhà thương lượng của đôi bên sẽ thành công. Trước khi đàm phán bắt đầu, Đức Giáo hoàng nói với một vị khách tại Tòa thánh Vatican về tình thế tiến thoái lưỡng nan phải giải quyết của Ba Lan, ngài nói: “Chính quyền nắm mọi quyền lực thực tế nhưng không có ảnh hưởng gì, ngược lại, phía đối lập có ảnh hưởng nhưng lại không có quyền lực thực tế”.
Nhà bất đồng Adam Michnik, một trong những nhân vật chủ chốt của các cuộc thương lượng, diễn tả cách khác. Ông cho rằng vì cả hai đều yếu nên cả hai phải nhượng bộ lẫn nhau, ông nói: “Nhà cầm quyền thì quá yếu để đè bẹp chúng tôi. Còn chúng tôi lại quá yếu để lật đổ họ”.[6]
9.
Có tất cả tám bàn, hình tròn như chiếc bánh rán với khoảng trống ở giữa. Bàn có hình tròn để giảm bớt sự cách biệt giữa những nhà thương lượng và cho thấy tất cả đều ngang hàng. Kế từ hôm đó, Bàn tròn đã trở thành biểu tượng của cách mạng tại Đông Âu.
Trong hai tháng tiếp theo, nhiều nhóm các nhà hoạt động khác nhau của Công đoàn Đoàn kết đã vất vả thương lượng một gói thỏa thuận chi tiết với các tướng lĩnh và quan chức Đảng Cộng sản trong tổng cộng 92 cuộc đàm phán.
Họ bàn về đủ các đề tài, từ điều kiện tại nơi làm việc thường ngày của công nhân, an toàn công nghiệp trong nhà máy đến vấn đề sức khỏe và giáo dục. Tất cả những thỏa thuận quan trọng về bầu cử trong tương lai, về bảo đảm quyền của Công đoàn Đoàn kết và thể chế tương lai của Ba Lan dân chủ đều được thảo luận trong năm cuộc đàm phán tuyệt mật tại một biệt thự ở Magdalenka, một đô thị nhỏ cách Warsaw 25 km về phía tây nam. Biệt thự sang trọng này, nằm giữa rừng cây và được an ninh canh phòng 24/24, là trung tâm giải trí của mật vụ SB.
10.
Nội việc đàm phán được phép diễn ra đã làm chấn động cả những thành viên Công đoàn Đoàn kết từng lao tâm khổ tứ để thúc đẩy quá trình ngồi lại với nhau này.
Khi Adam Michnik đến dự lễ khai mạc các vòng đàm phán, ông đã có một khoảnh khắc ngượng ngùng khó quên. Ông kể: “Để đến phòng đàm phán thì phải lên lầu, nhưng lên lầu thì ở đó tướng Kiszczak, từng chỉ huy ngành công an, đã đứng sẵn để đón khách”. Ông kể tiếp:
“Tôi tìm cách trốn trong phòng vệ sinh để khỏi ai thấy tôi bắt tay với ông cựu trùm công an. Tôi sợ nếu thấy tôi bắt tay ông ấy, vợ tôi sẽ tống cổ tôi khỏi nhà.
“Tôi tìm được chỗ trốn, chờ nhiều phút … nhưng khi tôi đi ra thì Kiszczak vẫn cứ đứng đó, đưa tay bắt. Thế là sự đã rồi, giống như đạo diễn ra lệnh ‘Đèn! Máy quay! Diễn!’ Có thể nói đó là ngày tôi ‘mất trinh’ chính trị.
“Mới cách đó hai năm rưỡi, khi tôi được ra tù, đón tôi là các đồng nghiệp và bạn bè từ ‘Thế giới Chui’! Tôi hiểu có điều gì đó mang tính lịch sử đang diễn ra ở đây hôm nay. Phe dân chủ đối lập với chính quyền cuối cùng cũng đặt được một chân qua ngưỡng cửa để trở thành hợp pháp”. [7]
*
TRÍ THỨC PHẢN BIỆN LÊN TRUYỀN HÌNH
11.
Quần chúng bừng tỉnh sau giấc ngủ dài vì thờ ơ chính trị. Công đoàn Đoàn kết có được một nhượng bộ quan trọng trước khi các đàm phán Bàn tròn bắt đầu, đó là Công đoàn Đoàn kết sẽ được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước với thời lượng tương tự những nhà thương lượng của nhà nước.
Và như thế, cứ mỗi tối trên truyền hình, người dân Ba Lan lại có thể thấy các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết kiên nhẫn giảng giải những gì đã diễn ra trong các cuộc đàm phán ngày hôm đó. Những người như Geremek, Mazowiecki và Kuron trông rất trí thức, đường hoàng và yêu nước, và càng không phải là bọn “phản quốc” hoặc “côn đồ” như truyền thông chính thống nói về họ trước đây.
Geremek là nhân vật được Công đoàn Đoàn kết “đưa ra sân” nhiều nhất. Ông là một người trầm lặng, nghiêm trang, lịch sự, kiên nhẫn, một cựu giáo sư lịch sử trung cổ, và phong cách điềm tĩnh của ông đã tỏ ra thuyết phục một cách đáng ngạc nhiên. Tên ông được mọi người nhắc trên cửa miệng, chỉ nhờ ông nói năng thẳng thắn, đưa ra những ý kiến hợp tình hợp lý được đại đa số người dân chia sẻ và tâm đắc.
*
NGƯỜI YÊU NƯỚC KHÔNG LÀ KẺ THÙ
12.
Những nhà lãnh đạo Cộng sản cũng ngạc nhiên không kém vì tầm vóc và phong thái của những người đối lập họ đang cùng thương lượng.
Krzysztof Dubinski, thư ký riêng của Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak, nói: “Nhà cầm quyền cuối cùng cũng thấy những người họ đang đối diện không phải là kẻ thù hoặc gián điệp nước ngoài, mà là những người dân bình thường biết suy tư trăn trở vì quyền lợi quốc gia”.
Thực ra, chế độ biết gần như mọi điều về các nhà thương lượng của Công đoàn Đoàn kết. Biết vì họ theo dõi rất sát.
Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak đáng lẽ đã có thể trở thành một người Cộng sản cải cách, nhưng ông vẫn là một công an mật vụ từ bản chất và nghề nghiệp. Ông cho tiến hành một kế hoạch nghe lén toàn bộ những cuộc trò chuyện qua điện thoại, và đặt thiết bị nghe lén trong phòng các thành viên Công đoàn Đoàn kết tham gia đàm phán, cả trong phòng các quan sát viên của Giáo hội Công giáo đến giám sát đàm phán.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[1] Lech Walesa, The Struggle and the Triumph (Arcade Publishing, New York, 1994), tr. 238
[2] Junusz Reykowski, như trích trong John Simpson, The Darkness Crumbles (Hutchinson, London, 1992), tr. 184; Tác giả trò chuyện với Mieczyslaw Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995
[3] Jaqueline Hayden, Poles Apart: Solidarity and the New Poland (Irish Academic Press, 1944), tr. 146
[4] Tác giả trò chuyện với Rakowski, Warsaw, tháng 10/1995
[5] David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), 168
[6] Adam Michnik, Letter from Freedom (California University Press, 1999), tr. 139
[7] Như trên, tr. 141-9
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn