Formosa, “canh bạc định mệnh”

Nguyễn Hoàng Hải

Cho đến giờ này, qua tám tháng vẫn còn biết bao nhiêu người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

clip_image002

Thảm đỏ được trải ra một cách trang trọng để đón chào nhà đầu tư Formosa đến với Hà Tĩnh. Được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân sở tại cũng như kinh tế đất nước được nâng lên tầm cao mới.

Một quyết sách, được Đảng và Chính phủ dành cho Formosa với những ưu đãi thật sự rộng mở từ thời gian cho thuê đất tối đa 49 năm, lại được kéo dài ra 70 năm và kèm theo đó là những khoản thuế ưu đãi hậu hĩnh khác.

Để có đất sạch cho Formosa triển khai dự án, chính quyền Hà Tĩnh phải giải phóng mặt bằng ước chừng khoảng 2.000 ha đất, cùng với 3.000 hộ dân đang sinh sống yên lành tại 9 xã thuộc huyện Nam Kỳ Anh.

Mọi điều kiện mà các quan chức chính quyền đã dành cho Formosa thật sự đã chỉn chu từng chi tiết.

Vậy, nhà đầu tư Formosa có thật sự mang lại hiệu quả?

Trước khi họ đến Việt Nam, họ đã từng đầu tư ở Mỹ, Campuchia, và mỗi bước chân của họ đều để lại một thảm họa cho môi trường, môi sinh, của con người một cách trầm trọng. Đến nỗi năm 2009, họ đã nhận giải “Hành tinh đen” của Quỹ Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho công ty có “thành tích “tàn phá môi trường của nhân loại”. Hơn thế, họ còn được ghi nhớ và trở thành một ví dụ điển hình trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Mỹ.

Điều đặc biệt ở Formosa, mỗi nơi họ gây ra sự cố họ đều sẵn sàng tung ra hàng triệu đô la để mua chuộc các quan chức. Nhưng, ở các nước này hầu như họ bị thất bại khi mà sự vào cuộc của người dân cũng như các luật sư đã chặn được âm mưu của họ.

Tuy hồ sơ của họ tởm lợm như vậy, nhưng vẫn được sự đồng thuận cao từ các quan chức cao cấp của chính quyền chấp thuận cho Formosa đi vào hoạt động.

Một công ty Formosa có “thành tích” tàn phá môi trường, lại tiếp tục bức tử bốn vùng biển của Việt Nam, cụ thể chạy dài theo các tỉnh thành từ Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Thừa Thiên Huế tổng cộng hơn 200km bờ biển.

Đại thảm họa đã xảy ra, cho thấy một chính quyền thật sự quá yếu kém về mọi mặt. Không một chỉ dấu nào cho thấy một chính quyền có những biểu hiện mà đáng ra phải cấp tốc thực thi ngay từ đầu khi xảy ra thảm họa, đó là:

1, Không có biện pháp khoanh vùng nhiễm độc.

2, Không có những cảnh báo nguy hiểm về nguồn hải sản đã bị nhiễm độc.

3, Không có những khuyến cáo ngay và kịp lúc đến người dân được rõ, rằng hiện trạng biển đã bị nhiễm độc, rằng người dân nên lưu ý và đề phòng.

4, Không có sự hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khốn cùng ngay lúc thảm họa xảy ra. (chỉ có những tổ chức xã hội dân sự là có mặt ngay lúc đầu)

Trái với những gì lẽ ra phải được thực thi cấp tốc ngay từ đầu, thì chính quyền lại tiếp nhận thông tin về thảm họa môi trường một cách” bí mật và khó hiểu “.

Không khó để nhận biết qua những phát biểu hết sức ngớ ngẩn của những quan chức có trách nhiệm. Cụ thể, có lẽ không nên nhắc lại bởi khi nghe lại chỉ cảm thấy hổ thẹn và uất ức.

Tiếp theo đó là gì? Gần như là một thảm họa xung đột giữa người dân và chính quyền. Tại sao chính quyền lại đứng ra bảo vệ cho Formosa để bắt bớ, đàn áp khi người dân biểu tình phản đối kẻ gây ra thảm họa là Formosa?

Những khuất tất trong việc đền bù một cách vội vã và nhanh chóng không nói lên được tính chuyên nghiệp phải có của những người đại diện cho dân qua việc giải quyết thảm họa. Cho đến giờ này, qua tám tháng vẫn còn biết bao nhiêu người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Việc người dân kéo thuyền và lưới, hay đồng loạt kéo ra đường khóa quốc lộ 1A như là giọt nước đã tràn. Người dân sẽ còn khổ đến bao giờ nếu những đồng tiền đền bù ít ỏi trong sáu tháng không còn nữa, trong khi biển hiện tại vẫn còn ô nhiễm và gần đây cá chết vẫn trôi dạt vào bờ.

Câu nói: “Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại” liệu có đúng trong thảm họa này hay không, khi mà Formosa là kẻ đã chạy nhiều lần qua các nước và đều để lại hậu quả kinh hoàng?

Việc đã biết họ là một công ty “tồi” mà mình vẫn trân trọng đón chào thì lẽ ra họ phải mang ơn để làm ăn một cách đàng hoàng. Đằng này, họ không mang ơn mà còn hủy diệt môi trường bốn vùng biển của mình. Thử hỏi, ta có nên đánh người chạy lại hay không? Chưa kể khi thảm họa xảy ra, họ còn thách thức người dân “Cần thép hay cần cá”. Một câu nói, hàm chứa nhiều điều như đã có sự bao che nào đó?

Sau tất cả những gì họ đã gây ra, rõ ràng họ không phải là nhà đầu tư chân chính. Họ chẳng qua là những tay “cờ bạc gian lận”, họ đến Việt Nam dường như chỉ để chơi một “canh bạc định mệnh” sau những lần bị lật tẩy trước đó mà thôi.

Những tưởng đời sống của 3000 hộ dân sẽ được cải thiện, những tưởng kinh tế nước nhà sẽ được nâng lên vị thế mới. Hóa ra không phải vậy, mà lại gánh thêm những thảm họa kinh khủng hơn. Đâu chỉ 3000 hộ dân đi đầu, con số đó giờ đây không biết phải nhân lên bao nhiêu lần thì mới chính xác?

Có nên thẳng thắng nhìn nhận hiện trạng của đất nước hiện tại, để suy ngẫm lại câu nói của ngài TBT Nguyễn Phú Trọng có thật sự đúng như Ngài đã nói hay không? “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không”.

Khi mà nạn tham nhũng đã trở thành câu chuyện thường ngày. Khi mà các quan chức cao chạy xa bay với những khoảng tiền đem đi và để lại hậu quả từ vài trăm tỷ cho đến vài chục ngàn tỷ. Khi mà các công ty thủy điện xả lũ đúng “quy trình” để tiển đưa vài chục mạng người về với lòng đất trong tức tưởi…

N.H.H.

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn