Không thể chủ quan với bùn đỏ

clip_image001

 

Ông Nguyễn Đình Hòe - Ảnh: V.Dũng

 
TT - Sau thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, nhiều ý kiến cho rằng đó là lời cảnh báo nghiêm túc đối với các dự án khai thác bôxit tại VN. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN – nói:

- Tôi rất chú ý đến sự kiện này. Rõ ràng đó là một lời cảnh báo cho VN khi chúng ta đang tiến hành khai thác bôxit ở Tây nguyên. Hungary là một nước có cả lịch sử hàng trăm năm khai thác bôxit và Công ty Sản xuất và kinh doanh bôxit - nhôm Hungary là công ty rất lớn, có kinh nghiệm hơn chúng ta nhiều. Sự cố của họ nói với chúng ta rằng tuyệt đối không thể chủ quan với bùn đỏ.

Doanh nghiệp khai thác khẳng định bùn đỏ sẽ được chôn rất cẩn thận. Nhưng điều đó không có nghĩa là 20-30 năm sau nó vẫn được làm cẩn thận và an toàn tuyệt đối. Cần lưu ý độ pH trong bùn đỏ khoảng 13, nghĩa là gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Nếu sự cố xảy ra ở Tây nguyên, bùn đỏ trôi xuống sông Đồng Nai thì tính mạng, sức khỏe hàng chục triệu người bị đe dọa.

* Thưa ông, bôxit ở Tây nguyên và địa hình, địa chất ở đây có đặc điểm gì khiến quá trình khai thác cần phải lưu ý?

- Bôxit Tây nguyên là phần tàn dư của vỏ phong hóa laterit trên đá basalt được hình thành từ nhiều triệu năm, khác hẳn loại bôxit tái trầm tích nằm xen trong các tầng đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn và nam Trung Quốc. Bôxit Tây nguyên là bộ xương cứng của vỏ phong hóa, là phần cấu trúc quan trọng của địa hình cao nguyên. Do là sản phẩm của vỏ phong hóa tàn dư, dù là ở vùng đồi trọc hay bất cứ sinh cảnh nào, bôxit Tây nguyên cũng nằm trên đỉnh cao các dạng địa hình dương trên cao nguyên và là bộ xương khá vững chắc của các dạng địa hình này.

Bôxit có trữ lượng lớn ở Đắk Nông - tỉnh nằm trên mái nhà của nam Tây nguyên, nơi nước chỉ chảy đi mà không chảy đến. Điều này cho thấy nguồn cung cấp nước tại chỗ rất hạn chế cho các hoạt động sản xuất cần nhiều nước như khai thác bôxit và sản xuất alumin, hoạt động xói mòn đất mãnh liệt chắc chắn gây hại cho các vùng hạ lưu. Nếu sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra tại đây sẽ nhanh chóng phát tán xuống các vùng hạ lưu và rất khó có thể kiểm soát được.

Vấn đề hoàn thổ sau khi khai thác cũng rất khó khăn. Chúng ta đã có thực tế là mỏ bôxit Bảo Lộc (Lâm Đồng) khai thác 33 năm nay, phục vụ việc sản xuất phèn chua để lọc nước tại TP.HCM. Hằng năm mỏ này sản xuất 120.000 tấn quặng tinh (sản lượng rất nhỏ so với dự án khai thác ở Nhân Cơ hoặc Tân Rai). Vậy mà sau 32 năm khai thác mới chỉ hoàn thổ được khoảng 2ha trong số 36ha đã khai thác. Tôi khẳng định vùng đất hoàn thổ là vùng bị nhiễm độc sắt (Fe) và nhôm (Al) sẽ là vùng đất nghèo, tuy có thể phục hồi nhưng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

clip_image002

Thi công xây dựng dự án tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1-2011 (ảnh chụp sáng 21-9-2010) - Ảnh: N.C.T.

* Như vậy, việc khai thác bôxit ở Tây nguyên với quy mô lớn sẽ tạo ra các hồ bùn đỏ khổng lồ?

- Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bôxit thành alumin, gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, khá bền vững trong điều kiện phong hóa như hematit, natrisilico-aluminate, canxi-titanat, mono-hydrate nhôm và đặc biệt chứa xút - hóa chất độc hại dùng để chế biến alumin từ bôxit... Tất cả các chất trên dù tồn tại dưới dạng ướt hay bụi đều ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với nó.

Theo quy trình hiện nay, muốn sản xuất 1 tấn alumin phải thải ra khoảng 1,5 tấn bùn đỏ. Theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxit Nhân Cơ, nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm. Tính toán ban đầu cho thấy dự án Nhân Cơ sau 15 năm khai thác dung tích hồ chứa bùn đỏ lên đến gần 9 triệu m3, và nếu khai thác ở Tân Rai thì cả đời dự án thải ra 80-90 triệu m3 bùn đỏ. Như vậy chúng ta cần những hồ chứa có dung tích rất lớn.

* Sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary, ông mong muốn gì cho việc xử lý bùn đỏ ở Tây nguyên?

- Trước hết, cơ quan chức trách phải giám sát thật chặt quá trình khai thác, hồ bùn đỏ phải quan trắc thường xuyên, liên tục. Nhưng tốt nhất là cần phải tính xa cho tương lai, bây giờ và trong quá trình khai thác người ta nói là chôn vĩnh viễn, quan trắc thường xuyên, nhưng khi khai thác xong thế hệ sau có trông coi vĩnh viễn cái hồ bùn đỏ đó không?

Theo tôi, tốt nhất, như kiến nghị của nhiều nhà khoa học, khai thác bôxit ở Tây nguyên xong chuyển xuống Bình Thuận để chế biến, trong trường hợp xấu nhất nếu hồ bùn đỏ vỡ hoặc rò rỉ xuống biển thì đỡ gây tác hại hơn vì biển có nhiều nước dễ trung hòa độc tính. Treo hồ bùn đỏ trên cao nguyên vĩnh viễn có nghĩa là nguy cơ gây ra thảm họa môi trường cũng là vĩnh viễn.

* Doanh nghiệp khai thác bôxit cam đoan đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ bùn đỏ, ông nghĩ sao?

- Tôi được biết theo thiết kế, đáy hồ chứa sẽ được lót một lớp đất sét và một lớp vải kỹ thuật, hồ được chia thành một số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa. Phần bùn khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một lớp đất dày 1m. Có thể hi vọng hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo an toàn trong giai đoạn sản xuất.

Nhưng sau đó thì sao? Các hồ bùn đỏ vì được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên nên sau khi dự án kết thúc không thể lường trước được do khi đó chủ dự án đã hết trách nhiệm, còn lại là các hồ bùn đỏ khổng lồ được treo trên “mái nhà”, một vùng có nguy cơ xói lở rất cao. Vấn đề xói lở các hồ chôn bùn đỏ trên cao nguyên luôn đe dọa môi trường tại chỗ và vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.

LÊ KIÊN thực hiện

Nguồn: tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn