Đôi lời với ông Lê Dương Quang

Dân Thường

image Tôi không có chuyên môn gì về bauxite nhưng những điều ông Lê Dương Quang quả là lẩm cẩm và có quá nhiều mâu thuẫn, vào đầu lại còn lên giọng trịch thượng.

Thứ nhất, ông nói: “Rất tiếc là đơn kiến nghị này chỉ được gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà không gửi tới Bộ Công Thương, TKV”. Thật buồn cười. Những người kiến nghị đã chứng tỏ họ sáng suốt, ít ra là hơn ông. Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Làm hay không là do Đảng và Chính phủ quyết định, Bộ Công thương chỉ được phép làm theo chỉ đạo chứ đâu có được tự tung tự tác. Vì vậy kiến nghị phải gửi cho những người chỉ đạo. Gửi cho ông làm gì! Ông cứ ngồi chờ đấy. Khi nào Đảng và Chính phủ gọi, ông hãy báo cáo.

Thứ hai, ông nói: “Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào”. Ông quên rằng để làm dự án này toàn dân đã phải chi hết bao nhiêu tiền. Cứ cho là năm 2011 có được sản phẩm để bán. Thu được bao nhiêu chưa biết nhưng vốn bỏ ra cả đống, lại còn phải mua thêm xăng dầu phục vụ cho việc vận chuyển và bao nhiêu thứ khác nữa. Vậy thu hẹp nhập siêu bao nhiêu? Còn phát triển đời sống đồng bào? Chính Bộ ông cũng tính toán phải 50-70 năm thậm chí hơn nữa mới có lãi. Vậy thì ông phải nói lại là “đồng bào thế hệ này tạm chịu khổ để 2-3 đời sau may ra có chút lãi từ bauxite mang lại”. Có lẽ chỉ có mang vàng đi bán mới có quyền nói thu tiền nhanh.

Thứ ba, ông nói sẽ “xem xét lại dự án Tân Rai đang thi công để bảo đảm an toàn”, rồi “thuê đơn vị tư vấn độc lập về phương án thiết kế hồ bùn đỏ”, rồi “xét lại các vấn đề về động đất ở Tây Nguyên”, rồi đi sang các nước để học tập. Những lời này chúng tôi đã quen lắm rồi. Nhiều công trình trọng điểm các loại, đủ thứ tư vấn giám sát nhưng không hiểu sao mọi sự cố vẫn xảy ra, từ cầu đường đến nhà máy, xí nghiệp. Không hiểu khi xây mấy cái nhà máy điện có tư vấn giám sát không mà ì ạch mãi không xong để đến nỗi thiếu điện triền miên. Nhà máy đồng Sinh Quyền tốn bao nhiêu tiền mà vẫn lỗ, càng sản xuất càng lỗ không biết, ông có biết không? Chắc khi xây dựng những nhà máy này không có “phương án thiết kế” và không được “xem xét”, giám sát! Còn chuyện đi tham quan các nước học tập thì thành thực khuyên các ông đừng tiêu tốn thêm tiền dân lại kéo dài thêm cảnh khổ của dân Tây Nguyên do phải chi thêm một khoản tiền tính vào giá thành làm chậm có lãi. Chưa đi nhưng kết quả chuyến tham quan ra sao chẳng nói ai cũng rõ. Sẽ đắp thêm đất vào đập, xẻ vài cái rãnh và sẽ chẳng có gì thay đổi lớn vì nhà máy đã xây, công nghệ đã định, chuyên gia nước bạn đã làm việc. Tất cả chỉ chờ ngày khánh thành. Làm sao mà có chuyện thay đổi? Nếu như vụ bùn đỏ ở Hungary xảy ra từ 1,2 năm trước các ông đi tham quan còn có lý. Nhưng thôi, các ông là “đơn vị trực tiếp liên quan đến dự án” nên nhân dịp này đi cho biết đó biết đây.

Thứ tư, ông nói hồ bùn đỏ được chia làm nhiều ngăn để nếu vỡ, ngăn này chảy sang ngăn khác. Tôi không hiểu thiết kế ra sao nhưng nghe ông đưa ra ví dụ “khi có một chiếc bát to chứa nhiều ngăn, vỡ các ngăn nhỏ thì còn có ngăn to”. Vậy xin hỏi nước đầy quá tràn ra khỏi bát hoặc cả cái bát vỡ, tức là cái ngăn to vỡ hoặc tràn thì ra sao?

Thứ năm, nói đến chuyện động đất, ông nói: “Nếu ai nói rằng vẫn có thể nguy hiểm thì hãy gửi các con số kỹ thuật để chứng minh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe”. Vậy ông hãy đưa con số để chứng minh hoàn toàn không nguy hiểm để khỏi phải nói “không ai nói trước được rủi ro”!

Thứ sáu, về việc bán alumina, tuy chưa có sản phẩm ông đã nói đến “phương án phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn”. Đúng là nhu cầu lớn cũng như đồng vậy. Và Bộ ông đã bán đồng thành đồng… nát. Nghe ông nói làm ta lại nhớ đến chuyện cô bé bán sữa của La Phôngten.

Thứ bảy, ông nói “kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia. Tiêu biểu trong đó là Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc…”. Xin nói thẳng, trong công nghệ hiện nay chỉ có ai làm chủ được công nghệ hoàn toàn mới nói đến chuyện học mỗi nơi một ý để tiếp tục sáng tạo, còn những ai không làm chủ được công nghệ, phải mua, phải nhập, phải thuê tư vần, phải thuê thi công, thậm chí phải vay mượn cả vốn để làm thì chẳng kế thừa được cái gì cả. Vì khi đã nhập máy móc ở đâu thì công nghệ là của anh bán máy giao cho chứ đâu có thay đổi được. Nếu ông nói là kế thừa của các nước, vậy xin hỏi với toàn bộ dây chuyền và máy móc thiết bị của nước ngoài và do nước ngoài lắp đặt, những kinh nghiệm ông “kế thừa” từ các nước khác được đặt vào đâu trong cái dự án này? Mà không biết kỹ sư, công nhân ta đã biết gì về các thiết bị đã lắp đặt hay phải chờ bàn giao?

Thứ tám, chuyện bùn khô, bùn ướt tôi thấy ông Nguyễn Thành Sơn giải thích cặn kẽ và có lý hơn ông nhiều.

Đáng lẽ tôi chấm dứt ở đây nhưng thấy ông quàng vào chuyện luyện thép nên tôi phải thêm đoạn này. Cũng xin nói, không chỉ công nghệ luyện thép mà nhiều công nghệ khác cũng có từ đời nảo đời nào. Nhưng thép cũng có nhiều loại. Có thép của Ý, của Nhật , của Mỹ và cả thép của… phong trào toàn dân làm gang thép ở bên láng giềng. Còn ta cũng có thép Thái Nguyên, thép liên doanh và có thời cả thép Bắc Ninh. Không biết ông định nói thép nào?

Mong ông Lê Dương Quang, với trách nhiệm được giao hãy đối thoại và trả lời cụ thể ý kiến của những nhà trí thức. Xin đừng nói cho có lệ.

D. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn