Đeo đuổi cả khoa học lẫn nghệ thuật

Hằng Nga

clip_image001

Đối với Nguyễn Đình Đăng, vật lý và hội họa dường như là hai mặt của lẽ sống mà anh đã chọn và đeo đuổi suốt cuộc đời mình.

Cha tôi đậu cử nhân toán học, mẹ tôi tốt nghiệp chuyên khoa nhi tại Paris. Hồi hương năm 1954, mẹ tôi trở thành nữ bác sĩ đầu tiên ở Hà Nội...”, Nguyễn Đình Đăng nói về gốc gác của mình với niềm tự hào không cần che giấu. Người cha đáng kính của anh cũng chính là người thầy đã dạy anh toán, vẽ, tiếng Anh và tiếng Pháp sau này.

Tốt nghiệp đại học, tiến sĩ rồi tiến sĩ khoa học tại Liên Xô, từ năm 1995 đến nay anh làm việc tại Viện Nghiên cứu Vật lý Hóa học Riken ở Nhật. Bên cạnh đam mê khoa học, anh còn tự học hội họa, từng có nhiều cuộc triển lãm tranh tại Việt Nam và nước ngoài và nhận một số giải thưởng mỹ thuật. Gửi cho chúng tôi xem ảnh chụp bức tranh sơn dầu Mona Lisa Xứ Rumani, đang được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Tanaka Isson (thành phố Amami, tỉnh Kagoshima, Nhật), Tiến sĩ Đăng kể: “Một số người xem cho rằng bức tranh mà tôi vẽ xong vào ngày 1.3.2011 này, là linh cảm về trận động đất kinh hoàng xảy ra 10 ngày sau, bởi đất trời nghiêng ngả, con thuyền giấy bồng bềnh, sàn nhà vỡ toác, đàn piano mở ra như con cá bị xẻ đôi.”

Theo anh, làm khoa học và vẽ tranh khác nhau như thế nào?

Cả hai có điểm chung bởi đều là hoạt động sáng tạo của con người. Nhưng sáng tạo nghệ thuật là tạo ra hình thức truyền tải ý tưởng và cảm xúc, còn sáng tạo khoa học là tìm ra chân lý, tìm ra các sự thật khách quan có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm. Một người có thể vừa làm khoa học vừa làm nghệ thuật thành công, miễn là có đủ nghị lực, trí tò mò, niềm say mê, lòng kiên trì và phải được sống trong một môi trường cho phép sáng tạo hoàn toàn tự do. Lịch sử không thiếu ví dụ về những người như vậy như Leonardo da Vinci, Albert Einstein...

Năm 1994, anh tham gia tổ chức một hội nghị quốc tế về hạt nhân tại Việt Nam. Dường như từ hội nghị này, anh đã tìm thấy cơ hội sang Nhật làm nghiên cứu?

Hội nghị đó đã diễn ra vào tháng 3.1994 tại Hà Nội, là hội nghị quốc tế lớn về vật lý hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trước khi chuẩn bị cho hội nghị, tôi nhận được thư từ Quỹ Nishina mời sang Nhật nghiên cứu và cũng đã có kế hoạch sang đấy vào tháng 8.1994. Tại hội nghị, tôi gặp Giáo sư Akito Arima, khi đó là Chủ tịch Riken, sau này trở thành Bộ trưởng Giáo dục - Khoa học - Công nghệ của Nhật. Giáo sư Arima là người đã mời tôi tới Riken hợp tác với ông, sau khi tôi kết thúc đợt nghiên cứu do Quỹ Nishina tài trợ vào năm 1995. Từ đó tới nay tôi làm việc tại Riken.

Sau trận động đất và sóng thần tại Nhật, anh có viết một số bài liên quan đến điện hạt nhân. Theo anh, trong tương lai, vấn đề sản xuất và sử dụng điện năng trên thế giới sẽ phát triển theo hướng nào? (*)

Sau các tai hoạ liên tiếp tại các nhà máy điện hạt nhân mà gần đây là các vụ xảy ở Three Mile Island (Hoa Kỳ, 1979, mức nghiêm trọng 5/7), Chernobyl (Liên Xô, 1986, mức nghiêm trọng 7/7), và Fukushima (Nhật Bản, 2011, mức nghiêm trọng 7/7), thế giới quan tâm nhiều tới việc phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng của mặt trời, gió, quang hợp nhân tạo, nhiên liệu sinh học, v.v. để thay thế năng lượng hạt nhân. Trong tương lai gần công nghệ tạo năng lượng sạch vẫn còn chưa đủ mạnh để sản xuất ra điện năng tương đương với điện năng tạo bởi nhà máy điện hạt nhân, đốt than đá, dầu mỏ hay khí đốt. Tuy nhiên, không thể vin vào đó để nói rằng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài điện hạt nhân. Dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng tới gần 7 tỉ người vào năm 2050. Với độ tăng dân số và tiêu thụ năng lượng như hiện nay trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên của toàn thế giới sẽ cạn kiệt trong vòng 40 – 70 năm nữa, còn than đá sẽ hết trong vòng từ 60 đến 130 năm. Ngay cả nguồn quặng uranium – nhiên liệu dùng trong các nhà máy điện hạt nhân – cũng sẽ chỉ dùng được trong khoảng 85 năm nữa là cạn. Vì vậy chúng ta sẽ chỉ còn 20 – 30 năm để tập trung nghiên cứu làm thế nào sản xuất ra điện để tiêu dùng một cách hữu hiệu từ các nguồn năng lượng sạch mà trước hết là năng lượng mặt trời.

Thảm hoạ gây bởi động đất và sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukishima vừa qua đã cho thấy chúng ta phải cẩn thận hơn rất nhiều, phải đảm bảo độ an toàn rất cao trong các dự án nhà máy điện hạt nhân. Đặc biệt, việc đặt các nhà máy điện hạt nhân tại vùng ven biển hay các vùng dễ có động đất là điều hết sức nguy hiểm. Đó là chưa kể tới trình độ hiểu biết và văn hoá ứng xử với công nghệ điện hạt nhân, việc xử lý chất thải hạt nhân, các biện pháp đối phó với tai hoạ xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân, thái độ và quyền lợi của nhà cầm quyền và các tập đoàn kinh tế - chính trị đối với sinh mạng của con người và sự bưng bít thông tin tại nhiều nước mà thảm hoạ Chernobyl là một ví dụ tai hại.  Không nên quên rằng, nền tảng phát triển kinh tế của xã hội văn minh là phát triển công nghệ. Công nghệ lại dựa trên hiểu biết khoa học rất có giới hạn của con người. Vì thế không có công nghệ nào do con người tạo ra mà lại hoàn hảo, an toàn tuyệt đối. Thực sự là các tai nạn thường xảy ra do các yếu tố khó dự đoán trước hoặc ngẫu nhiên. Thảm hoạ tại Fukushima là một ví dụ, mặc dù là nó đã được xây dựng với công nghệ tiên tiến nhất thời đó, tại một đất nước thực sự dân chủ và là nền kinh tế thứ hai trên thế giới.

Cuối cùng cũng đừng nên ngộ nhận rằng điện hạt nhân rẻ. Một trong những lý do chủ yếu khiến Hoa Kỳ xem nhẹ việc phát triển điện hạt nhân không phải là vì sợ mất an toàn mà là vì giá thành cao của điện hạt nhân (nếu tính tổng chi phí bao gồm cả chi phí xây dựng, vận hành, xử lý chất thải, tháo dỡ nhà máy, và tiền bảo hiểm). Thực vậy, theo đánh giá năm 2008 của Ủy ban châu Âu giá thành mỗi megawatt giờ (MWh) điện hạt nhân lên tới 110 USD, trong khi giá điện do đốt than là 65 USD/MWh, còn điện dùng khí đốt là 78 USD/MWh.  Còn theo đánh giá năm 2009 của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT), các con số trên là 84, 62, và 65 USD/MWh."

Trong cuộc đời làm khoa học của mình, người thầy nào để lại ấn tượng cho anh nhất?

Cố giáo sư vật lý nổi tiếng người Nga Vadim Soloviev Georgievitch. Nhờ ông mà tôi đã trở thành nhà vật lý lý thuyết hạt nhân ngày hôm nay.

Còn họa sĩ nào anh ấn tượng nhất?

Tôi đặc biệt ngưỡng mộ Leonardo da Vinci vì sự đa thiên tài, thông thái và hình họa hoàn hảo trời phú ở ông. Nhưng nếu nói tới hòa sắc và bí mật trong hội họa sơn dầu, phải kể tới các bậc thầy như Titian, Rembrandt, Johannes Vermeer.

Anh có nhớ bức tranh đầu tiên đã vẽ không?

Cách đây khoảng 40 năm, tại Hà Nội, mẹ tôi cho tôi 10 đồng để mua một hộp sơn dầu vẽ bức tranh này (lương giáo viên của cha tôi hồi đó khoảng 70 đồng). Thiếu vải vẽ (còn được gọi là “toan”, tức “toile”), tôi cắt bao tải đựng gạo ra làm toile và gỡ cái giá treo áo sau cánh cửa phòng ngủ, cưa ra đóng thành khung căng toile. Dựa theo chân dung của một cô gái châu Âu cắt ra từ một báo ảnh, tôi không chép lại bức chân dung đó mà thay đổi theo cách của mình. Thiếu sơn trắng, tôi thay bằng sơn vàng khiến da cô gái nhuốm màu vàng ệch, đến nỗi khi khoe bức tranh đã hoàn thành với một họa sĩ, ông này kêu lên: “Ha ha, một con đầm ho lao!”. Tôi vẫn giữ bức tranh đó. Nó đã bị xuống màu trầm trọng vì khi đó tôi chưa biết cách lót toile cẩn thận.

Trong bài “Tôi trở thành họa sĩ như thế nào?” trên blog của mình, anh viết: “Khi tôi lên 15 tuổi, tôi phát hiện mình có thể vẽ như Leonardo da Vinci”. Câu nói này dễ gây sốc quá?

Hồi đó, một người bạn cho tôi mượn một cuốn album tranh của Leonardo da Vinci. Tôi dành mấy ngày dùng bút sắt chép lại hình họa từ cuốn album này ra giấy. Tôi ngạc nhiên khi thấy các hình mình chép khá đẹp và tôi thực hiện điều này khá dễ dàng. Phát hiện này đã khích lệ tôi nhiều khiến tôi thêm tự tin vào tài vẽ của mình. Tự tin là một trong những tố chất rất quan trọng giúp bạn thành công trong nghệ thuật.

Tên “Đăng” có nghĩa là đèn. Anh có bao giờ nghe cha mẹ kể lại tại sao đặt tên này cho anh? Với cá nhân mình, anh mong muốn ngọn đèn đó sẽ cháy như thế nào?

Xuất xứ nghĩa của “đăng” là cây đèn dầu. Tuy nhiên sau này, nó có nghĩa là ngọn đèn. Cha tôi nói ông đặt tên này cho tôi với hy vọng là tôi sẽ thông minh sáng dạ như ngọn đèn. Đã là đèn thì phải cháy tới khi cạn dầu, còn nếu chứa đầy dầu mà không cháy được hoặc không được cháy thì chỉ là cái lọ đựng dầu mà thôi.

Một người làm khoa học như anh nghĩ thế nào về tình yêu?

Cắt nghĩa tình yêu cũng khó như cắt nghĩa cái đẹp.

Theo anh, điều gì quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái?

Tôi có một người con trai 23 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân khoa học kiến trúc. Chúng tôi tránh dùng cách đe nẹt, cấm đoán để dạy con, vì chúng tôi tin rằng giáo dục dựa trên sự sợ hãi chỉ làm cho người ta trở nên dối trá và thủ đoạn. Dân chủ và đối thoại trong gia đình là cách cha mẹ tôi từng giáo dục anh chị em chúng tôi. Tôi cố giảng cho con tôi hiểu để cháu tìm thấy niềm vui và say mê trong học tập, chứ không phải học để đạt điểm cao, để được khen, để đạt bằng cấp, địa vị, để kiếm nhiều tiền hay để cha mẹ tự hào. Tôi không định hướng cho con. Khi vào đại học cháu đã tự tìm hiểu, tự chọn ngành, chọn trường cháu thích.

Đầu tháng 5 vừa qua, dự lễ tốt nghiệp của cháu, tôi được chứng kiến sự tôn trọng mà trường đại học ở Mỹ dành cho sinh viên. Khác với nền giáo dục thường “dạy” sinh viên phải biết ơn nhà trường, thầy cô, hiệu trưởng và các giáo sư của Trường nhắc đi nhắc lại rằng rất mang ơn các sinh viên vì họ đã mang lại danh tiếng cho Trường. Họ còn cảm ơn tất cả bố mẹ của sinh viên vì đã nuôi dạy và hỗ trợ con cái. Theo tôi, triết lý giáo dục này đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Mỹ trở thành cường quốc số 1 và là quốc gia có nhiều người đoạt giải Nobel nhất trên thế giới hiện nay.

H. N.

Nguồn: Nhipcaudautu.vn

(*) Câu trả lời về sản xuất và sử dụng điện năng dưới đây là nguyên văn, do anh Nguyễn Đình Đăng cung cấp cho BVN. Khi xuất hiện trên Nhịp cầu đầu tư, nó được biên tập, cắt bớt do giới hạn của trang báo in.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn