Vài ý kiến nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hàn Quốc

Nguyễn Đình Cống

Tại Đại hội Mặt trận Tố quốc Việt Nam vừa qua, Tổng Bí thư có kêu gọi mọi người góp ý kiến và phản biện. Nhân dịp ông cầm đầu một phái đoàn sang Hàn Quốc tôi xin góp một vài ý kiến.

Về việc góp ý (cao hơn là bày mưu) cho người khác, cách đây trên 2000 năm, Hàn Phi có viết trong “Thuyết nan” một đoạn đại ý như sau: “Cái khó nhất của các thuyết khách góp ý cho các bậc vua chúa không phải là ở chỗ nêu ra các việc hay, đúng, cần và có thể làm được, mà là ở chỗ đoán và nói đúng được mong ước và những suy nghĩ thầm kín của họ”. Dẫn chứng rõ ràng nhất cho ý này là việc vua Tần ban chiếu thiết tha cầu người hiền tài, thế mà Vệ Ưởng hai lần đến gặp vua trình bày sách lược chấn hưng đất nước đều bị đuổi về. Nguyên nhân là ông trình bày về “đế đạo” và “vương đạo” là hai đường lối rất hay nhưng không hợp với ý muốn của vua là “bá đạo”. Chỉ đến lần thứ ba, sau khi đã đoán được, Vệ Ưởng trình bày cách thực hành bá đạo thì mới được hoan nghênh và trọng dụng.

Ý của Hàn Phi là đúng cho những “thuyết khách” muốn được tiến thân để cầu danh lợi thông qua việc “góp ý cho các vua chúa”. Tôi và nhiều người khác, vì không cầu danh lợi cá nhân nên cứ mạnh dạn góp ý mà không dựa dẫm vào mong muốn của người nghe. Vẫn biết rằng làm như thế thì hiệu quả của lời góp ý có phần bị hạn chế, hoặc thậm chí bị bác bỏ (nhưng chưa tìm được cách khác hay hơn nên cứ đành phải làm như vậy, chịu mang tiếng là ngu, là kém).

Đối với người nghe, trong “Binh thư” có lời khuyên “Để lòng không mà nhận lời can”, có thể hiểu là muốn tiếp nhận tư tưởng khác, quan điểm khác (lời can) thì cần có lòng trống rỗng, nên tạm bỏ qua, tạm quên tư tưởng cũ, quan điểm cũ đang chứa sẵn (nếu biết tư tưởng cũ, quan điểm cũ là nhầm, là không còn phù hợp thì phải đánh bật ra, phải từ bỏ dứt khoát thì mới mong tiếp nhận được cái mới). Hãy cứ để lòng không mới có thể tiếp nhận lời can, sau đó xem xét lại thật kỹ, nếu lời can là không thể nhận thì không nhận, chớ đừng để lòng chật ních và phủ nhận ngay lời can nghe trái tai. Phật dạy: “Y pháp bất y nhân”, có ý là người nghe chỉ cần chú ý đến, quan tâm đến nội dung (y pháp) mà không cần để ý đến thái độ, dáng vẻ của người nói (bất y nhân).

Lại có lời khuyên cho người nghe là: Nghe những lời khen thì sướng lỗ tai đấy nhưng không có ích lợi gì. Nghe những lời trái tai thì khó chịu đấy nhưng có thể nhận được lợi ích vô giá.

Để học tập gương các con rồng châu Á, lãnh đạo Việt Nam từng mời Lý Quang Diệu làm cố vấn tối cao, nhưng rồi phần lớn các ý kiến của ông Lý đưa ra không được chấp nhận. Vì sao? Vì điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội như Singapore, Đài Loan, Malaysia, như Thụy Điển, Phần Lan… là phải có nền chính trị thật sự tự do, dân chủ, phải từ bỏ độc quyền, từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, một điều mà Việt Nam không muốn làm vì đã bị khóa chặt bởi ý thức hệ. Ông Lý ra về mà ngậm ngùi than rằng đã thất bại vì không thể nào góp ý cho lãnh đạo cộng sản Việt Nam được.

Bây giờ ông Tổng Bí thư, dẫn một phái đoàn đông đúc cán bộ Đảng sang Hàn Quốc, chắc rằng muốn trao đổi ý kiến, muốn học tập con đường phát triển đất nước của họ (còn việc ký kết các hiệp ước thì phải do các đoàn của chính phủ, việc mưu mẹo để thống nhất đất nước bằng chiến tranh thì chắc họ không nghe, còn thống nhất bằng hòa bình thì đoàn lại không biết). Muốn vậy thì xin ông và phái đoàn hãy thật sự thấm nhuần phương châm “Để lòng không mà nhận lời can” và “Y pháp bất y nhân”. Có nghĩa là phải biết tạm quên đi ý thức hệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, quên đi định hướng xã hội chủ nghĩa, quên đi chế độ toàn trị của cộng sản, còn nếu cứ giữ nguyên các quan điểm cũ thì “những biện pháp quý giá, những kinh nghiệm vàng ngọc của Hàn Quốc” cũng chỉ như nước chảy mây trôi mà thôi.

Hay là (tôi chỉ đoán mò) đoàn định học tập việc khác. Nguyên thân phụ của bà Tổng thống Hàn Quốc là cố Tổng thống Park Chung Hee, một người có tiếng là độc tài. Và có nhận xét cho rằng chính nhờ sự độc tài đó mà đã phát triển được đất nước.

Xin thưa, nếu các vị định học sự độc tài của Park Chung Hee thì chắc chắn các vị không thể nào học được, vì độc tài của ông Park và độc tài của cộng sản khác nhau về bản chất. Một bên là độc tài của một con người thật sự giỏi giang, có trí tuệ siêu việt, một lòng vì nước vì dân, được sự tin cậy và ủng hộ của đại đa số nhân dân, một chế độ độc tài trong sạch, liêm khiết, và quan trọng nhất là ông xem sự độc tài như một biện pháp tạm thời để đưa đất vào thế ổn định, sau đó phải là sự mở rộng dân chủ. Một bên là sự độc đoán, độc quyền kiểu “toàn trị của đảng”, dựa chủ yếu trên sự dối trá (tuyên bố công khai là vì nước vì dân nhưng thực chất là vì quyền lợi cá nhân và nhóm lợi ích, vì bảo vệ ý thức hệ), do những con người kém trí tuệ nhưng nhiều mưu mô điều hành, đã đánh mất lòng tin của nhân dân, một xã hội đầy rẫy tham nhũng, mua quan bán tước, chủ trương độc quyền là để duy trì sự độc quyền bằng bất cứ giá nào.

Không, các vị không thể nào học được sự độc tài của Park Chung Hee (cũng như sự độc tài của các vị như Pie Đại đế, Minh Trị Thiên Hoàng, Hoàng đế Khang Hy...). Các vị phải từ bỏ độc quyền cộng sản thì mới mong cứu nước và cứu đảng khỏi sự sụp đổ.

Tôi nghĩ và xin góp ý với các vị là trước mắt Việt Nam chỉ có thể chọn một trong hai con đường là: 1- Hòa nhập với thế giới. 2- Giữ nguyên “định hướng xã hội chủ nghĩa” và lệ thuộc vào Trung Quốc.

Để hòa nhập với thế giới thì điều kiện tiên quyết là thực hiện Nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa, thực thi dân chủ, từ bỏ sự toàn trị và ý thức hệ chuyên chính vô sản đã lỗi thời. Tấm gương để soi thì đã có nhiều. Gần thì như Myanmar, xa hơn thì như Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Azerbaijan, Đông Đức …

Để giữ nguyên định hướng xã hội chủ nghĩa thì không tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Trước đây chúng ta nhầm mà tin cậy vào Đảng Cộng sản Trung Quốc trên tinh thần quốc tế vô sản. Bây giờ đã thấy tương đối rõ dã tâm của họ. Nếu cứ để lệ thuộc vào ý thức hệ cộng sản thì rất khó giữ được độc lập và chủ quyền, rất khó (và gần như không thể) thực hiện được nguyện vọng của Bác Hồ là tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong thế giới đa cực hiện nay Việt Nam chưa đủ thế và lực để tạo thành một cực như một số nước thuộc loại cường quốc.

Từ bé đến nay các vị đã tuyệt đối tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, bây giờ nghe nhiều người nói nó sai, thấy nhiều nước từ bỏ nó, các vị nên bình tĩnh, khách quan suy nghĩ xem nó thực sự đúng sai ở chỗ nào. Thái độ khoa học là biết nghi ngờ. Mình cho là đúng trong khi người khác cho là sai thì nên và cần thành tâm tìm hiểu sự thật, chớ chủ quan giữ khư khư nhận thức của mình. Nếu tự các vị không thể nào thấy ra cái sai, cái nhầm của Mác thì xin cứ tổ chức một số cuộc hội thảo, mời những người có ý kiến phê phán Mác đến thuyết trình và thảo luận. Nếu có hội thảo như vậy và được mời tôi sẽ xin đến trình bày, chứng minh những nhầm lẫn của Mác, việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin đã mang lại nhiều tai họa cho dân tộc và những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh từ 1945 đến nay chủ yếu không phải nhờ vào chủ nghĩa ấy. Còn trong thâm tâm các vị có thấy được cái sai của chủ nghĩa Mác - Lênin mà bên ngoài cứ làm như không biết để lợi dụng cho một ý đồ nào đó thì… xưa nay những người tử tế không ai làm như vậy.

N. Đ. C.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn