Xây dựng và sụp đổ

Nguyễn Đình Cống

Từ xưa đến nay việc xây dựng công trình hoành tráng có thể làm cho chủ đầu tư phát triển rực rỡ hoặc sụp đổ. Để đạt được sự phát triển thì phải có đủ cả hai điều kiện quan trọng là cơ sở kinh tế vững chắc và lòng người phấn khởi. Thiếu một trong hai, đặc biệt là thiếu cả hai, mà cứ cố xây dựng công trình hoành tráng vì duy ý chí, vì để lợi dụng một việc nào đó thì có nhiều khả năng bị sụp đổ. Không chỉ sụp đổ công trình mà sụp đổ cả sự nghiệp đến mức nước mất, nhà tan. Xin kể vài thí dụ: Nhà Tần ở Trung Quốc, sau khi thống nhất đất nước, tưởng sẽ thống trị thiên hạ lâu dài, không ngờ bị sụp đổ chỉ sau vài chục năm. Một trong những nguyên nhân làm thiên hạ chán ghét, chống lại là do nhà vua ra sức bóc lột và đàn áp nhân dân để xây cung A Phòng, một công trình hết sức hoành tráng. Vua Suryavarman xây dựng đền đài Angkor từ thế kỷ 12, làm cho đất nước Campuchia suy kiệt đến mức kinh thành bị bỏ hoang phế mấy trăm năm, nhân dân lầm than, đói khổ. Các vua Chămpa quá mê say xây dựng cung điện, nhân dân bị huy động kiệt quệ cả lực lượng và tài sản, dẫn đến sự mất nước Chiêm Thành.

Trong lịch sử Việt Nam, các đời Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều xây dựng cung điện một cách vừa phải. Sự khai quật Hoàng thành Thăng Long phát hiện ra di chỉ đời sau chồng lên di chỉ đời trước. Điều đó chứng tỏ: 1- Công trình đời trước chẳng có gì đáng giá để lại cho đời sau. 2- Đời sau không tiếp nhận và phát huy được công trình đời trước mà phá hủy gần hết để xây chồng lên (tôi biết nhiều người rất tự hào về di tích Hoàng thành nhưng không biết tự hào vì nỗi gì).

Vào thời Lê - Trịnh, vua Lê Tương Dực muốn xây Cửu Trùng Đài, một công trình hoành tráng, định để lại di tích cho hậu thế. Cửu Trùng Đài do kiến trúc sư Vũ Như Tô thiết kế và chỉ đạo thi công. Việc xây dựng đó đã vắt kiệt sức dân, hàng chục vạn người phải lao dịch trong đói rách, hàng ngàn người bị bỏ mạng vì tai nạn, ốm đau, bị đánh đập. Công trình đang thi công nửa chừng (theo giá bây giờ thì có lẽ đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ) thì bị Trịnh Duy Sản chỉ huy binh lính và nhân dân phá bỏ (chính những người đang xây dựng đã quay lại đập phá), giết chết Lê Tương Dực. Vũ Như Tô cũng bị chém chết trong vụ này. Việc này gây ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau, người hoan hô, kẻ tiếc nuối. Sau này nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã than thở “Cửu Trùng Đài không thành nên mừng hay nên tiếc. Tháp người Hời nguyên là giống Angkor…” (người Hời là người Chiêm Thành cổ). Tháp người Hời vốn giống với Angkor về kiến trúc. Angkor làm dân Campuchia kiệt quệ trong lịch sử (và hiện tại mang lại lợi trong du lịch), còn tháp người Hời mang lại sự sụp đổ của đế chế, sự mất nước của Chiêm Thành.

Gần đây Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam lại đang say sưa xây dựng nhiều công trình hoành tráng, không giống Cửu Trùng Đài, không giống Angkor, mà là các nhà bảo tàng, các tượng đài, các văn miếu. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội xây nhà bảo tàng hết trên 2300 tỷ (giá năm 2010, quy ra giá năm 2015 có thể gần 3000 tỷ). Một ngôi nhà mà giá thành phần xây dựng tính trên mỗi mét vuông sàn là đắt nhất thế giới. Tôi ước tính công trình này bị thất thoát và lãng phí gần 50%. Xây xong rồi, nó không những biến thành “Chùa Bà Đanh mới” mà còn tốn thêm nhiều tiền để duy tu và bảo vệ. Các công trình hoành tráng giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ được xây dựng vội vàng với chất lượng thấp rất dễ dàng mang lại món lợi to lớn cho nhiều quan chức là người có quyền trong việc đề xuất và xét duyệt dự án và mang lại sự sụp đổ cho bản thân công trình, cho những người thực sự bỏ tiền ra để xây dựng, đó là những người dân đóng thuế. Xét cho cùng thì nhân dân mới là chủ đầu tư thật sự. Lợi ích từ rút ruột dự án thì quan chức hưởng còn sự sụp đổ thì nhân dân chịu.

Trong “LỜI TUYÊN BỐ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ CÔNG DÂN VỀ NHỮNG DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI TRĂM TỶ, NGÀN TỶ” đã chỉ ra sự xây dựng những công trình hoành tráng này thiếu cả hai điều kiện quan trọng là lòng dân và cơ sở kinh tế, vì vậy sự sụp đổ một cái gì đấy là điều khó tránh.

Ngoài việc tham gia ký tên và vận động bạn bè ký tên vào LỜI TUYÊN BỐ nói trên, tôi viết bài này mong thức tỉnh thêm những người lãnh đạo, có chức quyền ở các địa phương và trung ương, chớ vì món lợi được chia chác vài phần trăm đến vài chục phần trăm giá cuả dự án mà bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ, để lại tội ác và tiếng xấu nhiều đời.

N. Đ. C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn